[COVID-19] Kết quả từ chuyến làm việc của WHO ở Trung Quốc 

Rate this post

 Kết quả từ chuyến làm việc của WHO ở Trung Quốc

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Theo thỏa thuận của hai bên, Trung Quốc và WHO đã mời các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài thành lập một phái đoàn chung để điều tra công tác phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc. Bắt đầu từ ngày 16 tháng 2, phái đoàn chung đã đến thăm Bắc Kinh, Quảng Đông, Tứ Xuyên và Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc. Phái đoàn chung gồm 25 chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore, Mỹ và tổ chức y tế thế giới (WHO). Đứng đầu phái đoàn là bác sĩ Bruce Aylward của WHO và bác sĩ Wannian Liang của Trung Quốc.

Vào ngày 24 tháng 2, tức ngày cuối cùng của buổi làm việc đã có một cuộc họp báo tại khách sạn “The Presidential Beijing” để nói về các số liệu về dịch bệnh Covid-19. Bảng báo cáo ghi lại nội dung cuộc họp này dài khoảng 40 trang rất chi tiết về các ghi nhận của chuyến khảo sát này. Vì Trung Quốc hiện nay là nước có số lượng người nhiễm và người chết cao nhất trên thế giới trong dịch bệnh Covid-19, nên theo mình thì các số liệu của báo cáo này với “cỡ mẫu rất lớn” là khá quan trọng, giúp hiểu được rõ hơn bức tranh toàn diện của dịch bệnh này. Nếu mọi người có thời gian và vốn tiếng Anh thì nên đọc qua để hiểu chi tiết (link ở phần cuối thông tin tham khảo). Trong bài viết hôm nay mình muốn trích ra một số phần mà mình thấy cần thiết nhất để các bạn biết về dịch bệnh Covid-19 do virus corona nCoV đang gây ra.

1️⃣ Chưa có sự đột biến đáng kể

Phân tích trình tự bộ gen của toàn bộ 104 chủng virus nCoV được phân lập từ bệnh nhân ở các địa phương khác nhau có triệu chứng khởi phát từ cuối tháng 12 năm 2019 đến giữa tháng 2 năm 2020 cho thấy 99,9% tương đồng, không có đột biến đáng kể xảy ra. Điều này làm giảm bớt nỗi lo lắng vì nếu nCoV biến đổi quá nhanh thì sẽ dẫn đến nhiều chuyển biến phức tạp trong tình hình dịch bệnh hiện nay như khả năng tái nhiễm virus, khả năng kháng thuốc, khả năng vô hiệu hóa vaccine đang nghiên cứu, v.v…

2️⃣ Đường lây nhiễm

Các đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay vẫn là thông qua các giọt nước bắn ra từ đường hô hấp (respiratory droplets) và việc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus. Ngoài ra, một số bằng chứng còn cho thấy nCoV được phát hiện trong phân của một số bệnh nhân. Do đó, có khả năng virus lây truyền qua đường phân-miệng là có thể. Một số trường hợp cũng cho thấy khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol transmission) trong môi trường tương đối nhỏ và kín. Tuy nhiên, hai con đường lây truyền phân-miệng và truyền khí dung được cho là hiếm và cần phải được xác minh thêm. Do vậy, để phòng lây nhiễm các bạn vẫn nên tập trung vào 2 con đường đầu tiên là các giọt nước bắn ra từ đường hô hấp và bề mặt các đồ vật (tay nắm cửa, sàn nhà, vách tường,…) nhiễm virus.

3️⃣ Triệu chứng bệnh

Các triệu chứng của bệnh Covid-19 là không đặc hiệu (giống các bệnh thông thường khác) và biểu hiện bệnh có thể từ không triệu chứng đến viêm phổi nặng và tử vong. Dựa trên số liệu đến ngày 20 tháng 2 năm 2020 của 55924 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm, các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm: sốt (87,9%), ho khan (67,7%), mệt mỏi (38,1%), có đờm (33,4%), khó thở (18,6%), đau họng (13,9%), đau đầu (13,6%), đau cơ hoặc đau khớp (14,8%), ớn lạnh (11,4%), buồn nôn hoặc nôn (5,0%), nghẹt mũi (4,8%), tiêu chảy (3,7%), ho ra máu (0,9%) và tắc nghẽn kết mạc (0,8%).

Thời gian xuất hiện các triệu chứng dao động trung bình khoảng ngày 5-6 kể từ khi bị nhiễm nCoV (thời gian ủ bệnh vẫn được cho là thấp nhất 1 ngày và nhiều nhất 14 ngày).

4️⃣ Tỷ lệ bệnh và tử vong

Tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh nhẹ là 80%, nặng là 13% và nguy kịch là 6%. Một số bệnh nhân không có triệu chứng cũng đã được tìm thấy tuy không nhiều (<1%). Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng để có thể kết luận chắc chắn những người mang mầm bệnh không triệu chứng liệu có thể truyền bệnh cho người khác được hay không, do vậy cẩn thận vẫn tốt hơn.

Tỷ lệ tử vong ước tính trên toàn Trung Quốc là từ 3% đến 4%. Và tỉ lệ này là khoảng 0,7% ở các thành phố và tỉnh khác ngoài Vũ Hán.

Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất là những người trên 60 tuổi, những người có sẵn bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư.

Bệnh xảy ra ở trẻ em có vẻ tương đối hiếm và nhẹ với chỉ khoảng 2,4% là trẻ em mắc bệnh trong tổng số các trường hợp được báo cáo. Một tỷ lệ rất nhỏ trong nhóm những người dưới 19 tuổi này mắc bệnh có phát triển nặng (2,5%) hoặc nguy hiểm (0,2%).

Tỷ lệ tử vong tăng theo tuổi, những người trên 80 tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất với 21,9%. Tỉ lệ tử vong ở nam cao hơn nữ (4,7% so với 2,8%). Tỉ lệ tử vong ở những người mắc sẵn bệnh cũng khá cao: 13,2% cho những người mắc bệnh tim mạch; 9,2% cho những người mắc bệnh tiểu đường; 8.4% cho người cao huyết áp; 8.0% cho người có bệnh hô hấp mãn tính và 7.6% cho bệnh nhân ung thư.

Hy vọng với những thông tin cập nhật này các bạn có thể hiểu rõ hơn về bệnh Covid-19 như thế nào, những người nào đặc biệt nguy hiểm khi nhiễm bệnh và nên phòng tránh bệnh ra sao (mình đã nói khá nhiều ở các bài trước).

Hiện nay có rất nhiều ý kiến cho rằng “Bạn không cần khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm virus corona”. Đây là lời khuyên SAI nhe các bạn. Mình đã có 1 bài viết rất chi tiết mấy bữa trước về vấn đề này

👉https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3272479019433113

Hình bài viết hôm nay, bên tay trái là hình ảnh trong buổi họp báo tại khách sạn “The Presidential Beijing” ngày 24 tháng 2 ở Bắc Kinh để nói về các số liệu về dịch bệnh Covid-19. Người trong ảnh là bác sĩ Bruce Aylward, một nhà dịch tễ học người Canada của WHO, ông không phải là một người bệnh, cũng không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn đeo khẩu trang. Có lẽ mình không cần nói gì thêm nữa.

Advertisement

Bảo trọng nhe bà con

Các bài viết “quan trọng” liên quan trước đó:

Ngày 3 tháng 3 năm 2020 (Khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa dịch bệnh đường hô hấp do virus nCoV hay không?)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3272479019433113

Ngày 29 tháng 2 năm 2020 (Lây nhiễm cộng đồng)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3267978213216527

Ngày 27 tháng 2 năm 2020 (nCoV của người có thể nào nhiễm trên chó?)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3263364303677918

Ngày 22 tháng 2 năm 2020 (Kết quả âm tính giả – False Negative Result)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3252449121436103

Ngày 20 tháng 2 năm 2020 (Khủng hoảng số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3247771908570491

Ngày 17 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Ý thức của người bệnh là quan trọng)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3238953606118988

Ngày 9 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Hệ Miễn Dịch & Cuộc chiến với Virus Corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3222592294421786

Ngày 8 tháng 2 năm 2020 (thời gian sống của Virus Corona ngoài môi trường và các dung dịch sát khuẩn)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3219808308033518

Ngày 5 tháng 2 năm 2020 (Ca nhiễm virus 2019-nCoV nhỏ tuổi nhất)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3213522581995424

Ngày 2 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Phát hiện người nhiễm Virus corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3206772559337093

Ngày 31 tháng 1 năm 2020 (Hãy mang khẩu trang để tự bảo vệ mình)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3202343806446635

Ngày 30 tháng 1 năm 2020 (Video clip – Dịch VIRUS Corona 2019-nCoV và Những điều cần biết)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3198344746846541

Ngày 26 tháng 1 năm 2020 (Các tin đồn liên quan đến 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3191346670879682

Ngày 24 tháng 1 năm 2020 (Những điều cần biết về Corona Virus và ngăn dịch bệnh phát triển)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3184877124859970

Thông tin tham khảo:

https://www.sciencemag.org/…/china-s-aggressive-measures-ha…

https://www.who.int/…/who-china-joint-mission-on-covid-19-f…

Giới thiệu Donny

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …