5 nguyên tắc vàng cho một resume ấn tượng
Có lẽ các bạn đã quá quen thuộc với cụm từ nộp CV ứng tuyển (Curriculum Vitae). Tuy nhiên, đối với sinh viên mới ra trường hoặc chỉ vừa tốt nghiệp được <5 năm, thành tích chưa được nhiều thì nhà tuyển dụng thường chỉ yêu cầu nộp resume. Dựa vào đó, họ sẽ hiểu bạn là ai và quyết định có mời bạn phỏng vấn hay không.
RESUME LÀ GÌ?
Resume (ảnh), có thể hiểu như là một tóm tắt tiểu sử của bạn. Nó là bản tóm tắt ngắn gọn các học vấn và kĩ năng mà bạn có. Chính vì vậy nên độ dài lý tưởng của nó là từ 1 đến 2 trang, với một vài thành tựu nổi bật nhất của mình và liên quan đến ngành nghề ứng tuyển.
Ngược lại, một CV – bản lý lịch khoa học – thường dài hơn rất nhiều. CV của một bác sĩ/nhà nghiên cứu lâu năm có thể dài đến … hơn 10 trang với rất nhiều thành tựu từ quá trình đào tạo, kinh nghiệm làm việc cho đến các công bố khoa học, các đầu sách đã viết hay các giải thưởng đã nhận. Nhà tuyển dụng thường chỉ yêu cầu CV đối với những người có 5 năm kinh nghiệm trở lên, khi họ ứng tuyển vị trí cao hơn.
RESUME MANG TÍNH CÁ NHÂN RẤT CAO
Một lỗi thường gặp khi làm resume đó là … copy mẫu từ người khác một cách cứng nhắc. Cần lưu ý, resume là tóm tắt tiểu sử của một cá nhân. Mỗi con người đều khác biệt, nên việc sao chép của nhau hoàn toàn không có lợi. Một resume tốt cần nêu lên được mình là ai, mình có khả năng gì và mình khác biệt thế nào với những người khác.
Dựa trên phân tích dữ liệu từ 125.484 bản resume, Austin Belcak đã đưa ra 5 nguyên tắc vàng, được coi là nền tảng để có một resume “bá đạo”.
MẸO SỐ 1: THÊM PROFILE LINKEDIN VÀO RESUME
Austin nhận thấy rằng những ứng viên có thêm profile LinkedIn vào resume của mình có tỷ lệ được gọi phỏng vấn cao rõ rệt. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số ứng viên trong nghiên cứu của ông (48%) làm được điều này.
MẸO SỐ 2: LƯU Ý ĐẾN NHỮNG KỸ NĂNG QUAN TRỌNG MÀ NHÀ TUYỂN DỤNG ĐỀ CẬP, ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG KỸ NĂNG MỀM
Trong thư mời ứng tuyển, nhà tuyển dụng thường nêu lên các từ khoá cũng như tiêu chí/kỹ năng họ đòi hỏi ở ứng viên. Tuy nhiên, người làm resume rất ít chú ý đến điều này. Họ thường chỉ điền skills một cách … lung tung và ngẫu hứng vào resume.
Ví dụ: Một thông báo tuyển Research Assisstant của RMIT ghi như sau
“Key Selection Criteria
> If English is not first language, then evidence of IELTS score of minimum 6.5 during the last two years should be provided.
> Demonstrated ability to work independently and as part of a team.
> Well-developed planning and organisational skills with proven ability to prioritise multiple tasks, set and meet deadlines and give attention to detail.
> Demonstrated high level written and verbal communication skills.”
Các bạn có thể rút ra ngay một số keywords & skills để đưa vào resume qua các từ mình đã gạch chân: English proficiency, teamwork, project management (planning & organizing), time management (meet deadlines), writing, verbal communication.
Khảo sát cho thấy trung bình chỉ có 51% từ khoá & kỹ năng quan trọng được nhắc đến. Trong số đó, các ứng viên thường tập trung vào các kỹ năng “cứng”: tiếng Anh, tin học, kỹ năng dịch bài/viết bài,… mà bỏ sót rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết: làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý cảm xúc.
MẸO SỐ 3: BẠN CÓ THÀNH TỰU? – HÃY ĐO LƯỜNG NÓ!
Khảo sát cho thấy chỉ khoảng 26% số resumes có đo lường rõ ràng những thành tựu đạt được. Thay vì ghi những cụm từ quen thuộc và hơi … sáo rỗng, như: “Là thành viên năng nổ và nhiệt tình của Đội tình nguyện ABC”, tại sao không ghi thế này: “Đã đóng góp tích cực và tổ chức 3 buổi giao lưu tại các trường tiểu học cho tổng số hơn 1,000 em nhỏ”.
Đáng tin và thú vị hơn nhiều, đúng chứ?
MẸO SỐ 4: ĐỪNG CỐ GẮNG NHÉT QUÁ NHIỀU CHỮ VÀO RESUME
Độ dài lý tưởng của một resume nằm trong khoảng 475-600 từ. Tuy nhiên, 77% số resumes trong khảo sát của Austin vượt quá con số này.
Như đã nói, resume là một bản tóm tắt ngắn gọn. Mở một chiếc resume lên chi chít là chữ và không còn khoảng trống, chắc bạn cũng không muốn đọc đâu đúng không?
Nhà tuyển dụng phải đọc hàng chục, hàng trăm thậm chí là hàng nghìn resume suốt quá trình tuyển nhân viên đó! Thương nhau mà sống, nha.
MẸO SỐ 5: NGƯỜI TA RẤT DỄ BỰC MÌNH VÌ MỘT CHẤM ĐEN TRÊN TỜ GIẤY TRẮNG. HÃY CẨN THẬN.
Bất kể resume của bạn có tuyệt vời như thế nào, chỉ cần xuất hiện một từ lóng, một sáo ngữ hoặc một lỗi chính tả thôi là đủ để huỷ hoại sự tuyệt vời của cả resume đó. Có đến 51% resumes trong khảo sát của Austin mắc lỗi này. Đặc biệt, lỗi này càng dễ mắc phải nếu công ty bạn ứng tuyển yêu cầu phải viết resume bằng tiếng Anh.
Hãy đầu tư thời gian, công sức và nếu được nhờ một vài người bạn xem qua, chỉnh sửa giúp mình nhé!
Mình xin phép được chia sẻ bản resume cá nhân tại đây để mọi người cùng tham khảo. Mong rằng chia sẻ này có thể giúp ích được một chút gì đó cho mọi người, đặc biệt là những em Y6, Y7 sắp ra trường.
Thanks for reading.
GOOD THING TAKES TIME AND EFFORT! GOODLUCK!
Cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Khởi Quân đã chia sẻ bài viết lên Diễn đàn Y Khoa ạ!
Nguồn: BS. Nguyễn Khởi Quân
Advertisement