[Kỹ năng LS Nội khoa 7] Bàn luận về các nguồn tài liệu y học.

Rate this post

Khi còn là sinh viên y khoa, tôi tiếp thu tất cả các nguồn tài liệu y học một cách không chọn  lọc mà chưa nhận biết được giá trị của từng nguồn tài liệu. Hiện tượng này dẫn tới các kiến thức
mà tôi được học thường rất lộn xộn và thậm chí là mâu thuẫn với nhau. Thấy rõ tầm quan trọng
của việc nhận biết giá trị sử dụng của các nguồn tài liệu y học từ thời điểm khi còn là sinh viên y
khoa, tôi viết thêm chủ đề này để bàn luận về giá trị của các nguồn tài liệu y học để các bạn sinh
viên có thể định hướng tốt hơn trong việc tiếp thu kiến thức.
Trong bài viết này tôi sẽ lần lượt bàn về 4 phần:
– Các nguồn tài liệu y học sinh viên có thể tiếp cận.
– Bàn luận về ưu và khuyết điểm của các nguồn tài liệu y học.
– Nên lựa chọn tài liệu nào?
– Kinh nghiệm của cá nhân tôi.
1. Các nguồn tài liệu có thể tiếp cận
Ở vị trí là một sinh viên y khoa, tôi nhận thấy tài liệu y học tới từ những nguồn chính sau:
– Giáo trình theo từng phân môn được đóng thành sách
– Các bài giảng lý thuyết riêng biệt trên giảng đường
– Các bài giảng lâm sàng khi đi học lâm sàng từng chuyên khoa
– Các sách y học tiếng Việt
– Các sách y học tiếng nước ngoài, thông dụng nhất là tiếng Anh
– Các tài liệu có thể truy cập từ internet:
+ Guideline hướng dẫn điều trị của các bệnh lý chuyên biệt
+ Các bài báo đăng trên các tạp chí y học
+ Các bài viết y học dưới góc nhìn của một tổ chức hoặc một cá nhân
+ Các video y học
+ …
2. Bàn luận về ưu và khuyết điểm của các nguồn tài liệu y học
Theo tôi thì mỗi dạng nguồn tài liệu y học có ưu điểm và nhược điểm khác nhau (xem bảng 7.1) và dưới sự phát triển của internet thì thật sự không có nhiều sự khác biệt về khả năng tiếp cận tài liệu y học dù bạn đang còn là sinh viên y khoa hay đã là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm.

3. Nên lựa chọn nguồn tài liệu nào?
Ngay thời điểm tôi đang viết những dòng này tôi nghĩ bản thân mình vẫn chưa đủ trình độ để
đưa ra câu trả lời hoàn hảo nhất nhưng tôi nghĩ vẫn nên chia sẻ những ý kiến của bản thân mình.
Theo tôi thì việc lựa chọn tài liệu nên dựa trên các yếu tố sau:
– Tính phù hợp
– Tính tin cậy
– Tính cập nhật
3.1 Tính phù hợp
Không có tài liệu “hay nhất” mà chỉ có tài liệu “phù hợp nhất” tùy thuộc vào lỗ hổng kiến thức của chính bản thân bạn ở những thời điểm khác nhau. Dưới tầm nhìn rộng của các nhà y học lỗi lạc đi trước thì sự chắp vá lỗ hổng kiến thức đã được quy chuẩn thành các chương trình giảng dạy theo thứ tự tăng dần ở trường Y và các bạn nên tuân theo trình tự này. Ví dụ những năm đầu tiên các bạn bắt buộc phải học các môn Y học cơ sở như giải phẫu và sinh lý, sau đó là giải phẫu bệnh và sinh lý bệnh, kế tới là bắt đầu đi vào triệu chứng học, bệnh học, và những năm cuối sẽ xoáy sâu vào điều trị. Thật là sự không khôn ngoan nếu một bạn sinh viên năm thứ 2 cố gắng đi đọc sách về điều trị bệnh học.
Khó có tài liệu nào có thể diễn giải cho bạn hiểu toàn bộ nội dung muốn truyền tải do đó bạn
nên tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau để làm rõ những kiến thức mà mình chưa rõ ràng. Như khi học giải phẫu cần nhiều atlas giải phẫu minh họa, khi học sinh lý có thể xem thêm các video trên youtube sẵn có, khi học bệnh học có thể đọc thêm nhiều sách khác với cách diễn giải của tác giả khác, và đôi khi sự giải thích của một giảng viên, đàn anh, hoặc chính bạn bè của mình lại làm sáng tỏ những điểm mà mình còn đang thắc mắc.
Kế thừa những kiến thức quan trọng từ giảng viên, đàn anh là một việc làm có lí do chính đáng. Y khoa dù sao vẫn là một môn y học có tính kế thừa, việc tiếp thu những kiến thức mấu chốt đã được chắt lọc từ các giảng viên lâm sàng giỏi và đáng tin cậy sẽ rất hữu ích trong việc giúp bạn thực hành lâm sàng khi mà bạn chưa thể tự chắt lọc thông tin từ rừng thông tin khổng lồ.
3.2 Tính tin cậy
Kiến thức mà bạn tiếp nhận có thể đúng có thể sai do đó chúng ta cần lựa chọn nguồn thông tin đáng tin cậy.
Mức độ tin cậy của các nguồn thông tin sẽ khác nhau. Nhìn chung thì với xu hướng y học thực chứng hiện đại thì nguồn thông tin đáng tin cậy nhất là các guideline quốc tế với các kiến thức được kết luận từ những chứng cứ y học tốt nhất. Kế tiếp là tới những textbook tiếng Anh nổi tiếng được viết bởi các chuyên gia y học được xuất bản bởi những nhà xuất bản có thương hiệu (ví dụ như McGraw-Hill, ELSEVIER, WoltersKluwers, WILEY, Springer). Những bài viết của một số chuyên gia trong nước cũng có thể mang tính tin cậy cao nếu có dẫn chứng kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu đáng tin, đó là lí do tại sao các bài viết nên luôn có mục “tài liệu tham khảo” ở cuối
bài viết. Tôi sẽ lấy ví dụ tương đối về mức độ sắp xếp độ tin cậy của thông tin từ dưới lên trên
như sau: từ một người bạn cùng lớp < từ một đàn anh khóa trên < từ một giảng viên lâm sàng < từ
bài giảng tiếng Việt < từ một bài viết trong một textbook tiếng Anh của nhà xuất bản nổi tiếng.
Tính tin cậy có vai trò quan trọng trong việc thực hành lâm sàng. Khi có bất đồng ý kiến với đồng nghiệp trong thực hành lâm sàng thì những tài liệu y học có tính tin cậy cao sẽ được xem là quy chuẩn để quyết định nên đồng ý với quan điểm nào. Do đó chúng ta nên bắt đầu tập đánh giá và lựa chọn những nguồn kiến thức đáng tin cậy ngay từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường.
3.3 Tính cập nhật
Kiến thức y học lâm sàng về chẩn đoán và điều trị thường mang tính cập nhật cao. Không giống với các kiến thức y học cơ sở như giải phẫu hoặc sinh lý, các kiến thức về lâm sàng như chẩn đoán và nhất là điều trị thường thay đổi rất nhanh do xu thế y học thực chứng. Một điều trị xuất phát từ nghiên cứu A có thể đúng vào thời điểm này nhưng chỉ vài năm thậm chí là vài tháng sau đó lại trở thành kiến thức sai sau khi có kết quả khác của một nghiên cứu B.
Với nền tảng là dựa trên y học thực chứng nên tính cập nhật cao nhất thuộc về các nghiên cứu
y học mới nhất đăng tải trên các tạp chí y học uy tín. Sau chu kì một vài năm thì các tổ chức y tế
uy tín sẽ tổng hợp các nghiên cứu mới nhất từ đó đưa ra các guideline hướng dẫn chẩn đoán và
điều trị. Sau khi tham khảo các nghiên cứu y học và guideline này, các chuyên gia y học cũng có
những bài viết riêng về chủ đề đó trong những textbook nổi tiếng với những quan điểm kiến thức
bổ sung. Do một số yếu tố đặc thù nên các giáo trình tiếng Việt có tính cập nhật rất thấp, có thể trễ
hơn 5-10 năm so với kiến thức mới nhất, tuy nhiên một số giảng viên vẫn có những bài giảng riêng
lẻ mang tính cập nhật cao khi giảng dạy cho sinh viên. Để đánh giá mức độ tin cậy và tính cập nhật của tài liệu các bạn hãy nhìn mục tài liệu tham khảo của bài viết đó.
4. Kinh nghiệm của cá nhân tôi
Như vậy việc lựa chọn tài liệu học sẽ dựa trên 3 yếu tố sau: tính phù hợp, tính tin cậy và tính cập nhật. Kinh nghiệm cá nhân tôi nếu là một sinh viên y khoa thì những năm đầu tiên tôi sẽ cố gắng đọc tất cả các giáo trình tài liệu tiếng Việt với mong muốn có được những kiến thức cơ bản đơn giản, súc tích và phù hợp với các kì thi cử ở trường. Tôi sẽ ưa thích những bài viết có tài liệu tham khảo đáng tin cậy và có tính cập nhật. Song song đó tôi bắt đầu kiểm chứng lại bằng những textbook tiếng Anh với độ tin cậy và tính cập nhật cao hơn, thời điểm này cũng bắt đầu cải thiện
dần khả năng Anh Văn chuyên ngành của mình. Từ năm thứ 5, sau khi các kiến thức nền tảng đã
thành thạo, tôi bắt đầu làm quen với các guideline với tính cập nhật cao về khía cạnh điều trị. Sau
một vài năm ra trường, tôi bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực phân tích kết quả của các nghiên cứu y học mới nhất.
Hiện tại thì các nguồn tài liệu tôi thường tham khảo khi tìm kiếm tài liệu như sau:
– Các guideline của các tổ chức y tế uy tín tùy từng chuyên ngành. Ví dụ ở chuyên ngành tim mạch thì tôi thường đọc guideline của ACC, AHA, ESC.
– Các textbook từ các nhà xuất bản nổi tiếng như: McGraw-Hill, ELSERVIER, WoltersKluwer, WILEY. Tùy nội dung muốn tìm mà tôi sẽ đọc các sách với chủ đề khác nhau, ví dụ textbook về tim mạch tôi thường tham khảo là Braunwald, Hurt’s the Heart.
– Các bài viết tổng quan trên Uptodate online (là một sản phẩm của công ty WoltersKluwer) thường có bố cục dễ hiểu, giá trị gần tương đương một bài viết trongbtextbook y học với tính tin cậy và cập nhật tương đối tốt, dễ tìm kiếm, tuy nhiên vẫn mang màu sắc của từng cá nhân tác giả. Ngoài ra bạn thường phải trả phí để có tài khoản truy cập, nhưng vẫn có một số cách để truy cập miễn phí.
– Các bài viết tổng quan ở những tạp chí y học nổi tiếng: NEJM, JAMA, The Lancet,…đôi khi để tải được các bài này các bạn cần truy cập gián tiếp qua “scihub”.
– Các bài viết của một số bác sĩ trong nước với danh sách các tài liệu tham khảo đáng tin cậy.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là khuyến khích các bạn soạn bài. Soạn bài là một phương pháp hiệu quả với nhiều lợi ích như sau:
-Giúp bạn tổng hợp các kiến thức mà mình cần một cách chủ động từ các nguồn tài liệu khác nhau. Ví dụ BS Việt đàn anh của tôi có một kho tàng bài soạn khổng lồ và bản thân tôi cũng đang tiến hành soạn các bài viết riêng biệt theo từng nhóm kĩ năng
mà tôi đã đề ra ở bài viết số 1:
+ Xử trí ổn định ban đầu (hồi sinh tim phổi, đặt nội khí quản cấp cứu,…)
+ Tiếp cận một số triệu chứng thường gặp (sốc, suy hô hấp, đau ngực, khó thở,…)
+ Tiếp cận một số bệnh lý thường gặp
+ Và nhiều bài viết nữa giúp tôi làm nền tảng nội công cho kỹ năng tiếp cận bệnh nhân trong thực hành lâm sàng.
– Soạn bài giúp bạn ghi chú lại những kiến thức quan trọng với những dẫn chứng tin cậy nhờ chức năng endnote hoặc foodnote và từ đó làm quen dần với cách làm việc của một nhà khoa học.
– Soạn bài là một điểm mốc quan trọng đánh dấu sự thông thạo chuyên môn của bạn ở từng khía cạnh nhỏ trong lĩnh vực nội khoa bao la.
Những điểm mấu chốt của bài 7 – Chương II
– Có rất nhiều nguồn tài liệu y học khác nhau.
– Sự lựa chọn tài liệu y học nên dựa vào 3 yếu tố chính: tính phù hợp, tính tin cậy, tính cập nhật.
– Không có tài liệu “hay nhất” chỉ có tài liệu “phù hợp nhất” tùy thuộc vào lỗ hổng kiến thức của bạn vào từng thời điểm.
– Tính tin cậy và tính cập nhật có vai trò quan trọng trong việc thực hành lâm sàng sau này, các bạn nên tập làm quen với việc lựa chọn và sử dụng các nguồn tài liệu có tính tin cậy và tính cập nhật ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đây cũng là một lí do chính tôi khuyến khích các bạn rèn luyện anh văn chuyên ngành từ sớm, đó là một lợi thế lớn hỗ trợ các bạn sau này.
– Tôi khuyến khích các bạn soạn bài do có rất nhiều lợi ích khác nhau.

Nguồn: BS “Vô Danh”

Gmail [email protected]

Advertisement

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …