Tổng quan
Cholesterol là một chất sáp được tìm thấy trong máu của bạn. Cơ thể bạn cần cholesterol để tạo ra những tế bào khoẻ mạnh, nhưng nồng độ choleterol cao có thể làm tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch cho bạn.
Với cholesterol cao, bạn có thể hình thành các cặn lắng chất béo trong mạch máu của mình. Cuối cùng, những mảng xơ vữa này phát triển, gây ra sự khó khăn cho việc đưa đủ máu chảy qua động mạch. Đôi khi, những mảng xơ vữa có thể vỡ ra đột ngột và hình thành cục máu đông là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Cholesterol cao có thể do di truyền, nhưng nó thường là kết quả của lối sống không lành mạnh, nên có thể phòng ngừa và điều trị được. Một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và đôi lúc sử dụng thuốc có thể giúp làm giảm cholesterol cao.
Triệu chứng
Cholesterol cao không có triệu chứng. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện nếu bạn mắc bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Theo viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI), sàng lọc cholesterol lần đầu tiên của một người nên thực hiện trong độ tuổi từ 9 đến 12 tuổi, và sau đó được lặp lại mỗi 5 năm.
NHLBI khuyến cáo sàng lọc cholesterol 2 năm một lần cho nam giới từ 45 đến 65 tuổi và nữ giới từ 55 đến 65 tuổi. Những người trên 65 tuổi nên xét nghiệm cholesterol hàng năm.
Nếu kết quả của bạn không nằm trong giới hạn mong đợi, bác sĩ có thể khuyến cáo xét nghiệm thường xuyên hơn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị nhiều xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bạn có tiền sử gia đình có cholesterol cao, bệnh tim mạch hoặc những yếu tố nguy cơ khác, như là đái tháo đường hay tăng huyết áp.
Nguyên nhân
Cholesterol được vận chuyển trong máu của bạn, gắn với các protein. Sự kết hợp giữa các protein và cholesterol được gọi là lipoprotein. Có những loại cholesterol khác nhau, phụ thuộc vào lipoprotein vận chuyển. Đó là
- Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): LDL, là cholesterol “xấu”, vận chuyển cholesterol đi khắp cơ thể. LDL cholesterol tích tụ trên thành động mạch, khiến chúng trở nên cứng và hẹp.
- Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL): HDL, là cholesterol “tốt”, lấy đi cholesterol dư thừa và đưa chúng trở lại gan.
Một xét nghiệm lipid cũng thường đo cả triglyceride, một loại chất béo trong máu. Có nồng độ triglycerid cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các yếu tố nguy cơ bạn có thể kiểm soát được – ví dụ như lối sống tĩnh tại, béo phì và chế độ ăn không lành mạnh – góp phần vào nồng độ cholesterol có hại và triglyceride. Các yếu tố ngoài khả năng kiểm soát cũng đóng vai trò nhất định. Ví dụ, cấu trúc gen có thể khiến cơ thể bạn khó khăn hơn trong việc đào thải LDL cholesterol trong máu hoặc phá huỷ nó trong gan.
Những bệnh cảnh có thể làm nồng độ cholesterol không lành mạnh tăng bao gồm:
- Bệnh thận mạn
- Đái tháo đường
- HIV/AIDS
- Suy giáp
- Lupus
Nồng độ cholesterol có thể tệ hơn bởi một số loại thuốc bạn đang dùng vì những vấn đề sức khoẻ khác, như là:
- Mụn trứng cá
- Ung thư
- Tăng huyết áp
- HIV/AIDS
- Rối loạn nhịp tim
- Ghép tạng
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nồng độ cholesterol không lành mạnh bao gồm
- Chế độ ăn uống kém. Ăn quá nhiều chất béo bão hoà hoặc các chất béo chuyển hoá có thể dẫn đến tăng cholesterol không lành mạnh. Các chất béo bão hoà được tìm thấy trong thịt mỡ và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo. Các chất béo chuyển hoá thường được tìm thấy trong các loại đồ ăn nhẹ hoặc món tráng miệng đóng gói sẵn.
- Béo phì. Có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên khiến bạn có nguy cơ cholesterol cao.
- Ít tập thể dục. Tập thể dục giúp tăng HDL, cholesterol “tốt” cho cơ thể.
- Hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm giảm nồng độ HDL, cholesterol “tốt”.
- Rượu. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng tổng mức cholesterol.
- Tuổi. Kể cả trẻ nhỏ cũng có thể có cholesterol xấu, nhưng nó thường nhiều hơn ở những người trên 40 tuổi. Khi bạn già đi, gan ít có khả năng đào thảo LDL cholesterol hơn.
Biến chứng
Cholesterol cao có thể dẫn đến việc tích tụ cholesterol nguy hiểm và những mảng xơ vữa khác trên thành mạch (xơ vữa động mạch). Các mảng xơ vữa có thể hạn chế dòng máu qua động mạch, gây ra các biến chứng như là:
- Đau ngực. Nếu những động mạch cấp máu cho tim (động mạch vành) bị ảnh hưởng, bạn có thể bị đau ngực (đau thắt ngực) và những triệu chứng khác của bệnh mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ ra, một cục máu đông có thể được hình thành tại vị trí vỡ đó – gây tắc nghẽn dòng máu hoặc di chuyển tự do và làm nghẽn động mạch bên dưới. Nếu lượng máu đến một phần trái tim bị dừng lại, bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ. Tương tự nhồi máu cơ tim, đột quỵ xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến một phần não.
Phòng ngừa
Giống với thay đổi lối sống lành mạnh cho tim mạch có thể làm giảm cholesterol, giúp phòng ngừa cholesterol cao từ đầu. Để phòng ngừa cholesterol cao, bạn có thể:
- Chế độ ăn ít muối chú trọng về trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt
- Hạn chế chất béo động vật và sử dụng chất béo tốt ở mức độ vừa phải
- Giảm cân và duy trì cân nặng khoẻ mạnh
- Bỏ thuốc lá
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần trong ít nhất 30 phút
- Uống rượu vừa phải, nếu có
- Kiểm soát căng thẳng
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol – được gọi là xét nghiệm lipid – thường cho ra kết quả:
- LDL cholesterol
- HDL cholesterol
- Triglyceride – một loại chất béo trong máu
Thông thường bạn được yêu cầu nhịn ăn, không tiêu thụ thức ăn hoặc chất lỏng nào khác ngoài nước trong vòng từ 9 đến 12 tiếng trước khi xét nghiệm. Một số xét nghiệm cholesterol không yêu cầu nhịn ăn, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Diễn giải các chỉ số
Ở Mỹ, nồng độ cholesterol được đo bằng miligram (mg) cholesterol trên decilit (dL) máu. Tại Canada và nhiều quốc gia Châu Âu, nồng độ cholesterol được đo bằng milimol trên lit (mmol/L). Để diễn giải kết quả xét nghiệm, hãy sửa dụng hướng dẫn chung này
Cholesterol toàn phần (Mỹ và một số quốc gia) | Cholesterol toàn phần* (Canada và hầu hết Châu Âu) | Kết quả |
Dưới 200 mg/dL | Dưới 5.2 mmol/L | Thích hợp |
200-239 mg/dL | 5.2-6.2 mmol/L | Giới hạn cao |
Từ 240 mg/dL trở lên | Trên 6.2 mmol/L | Cao |
* Hướng dẫn của Canada và Châu Âu có một chút khác biệt với hướng dẫn của Mỹ. Sự biến đổi này phụ thuộc hướng dẫn của Mỹ.
LDL cholesterol (Mỹ và một số quốc gia) | LDL cholesterol* (Canada và hầu hết Châu Âu) | Kết quả |
Dưới 70 mg/dL | Dưới 1.8 mmol/L | Tốt nhất cho người có bệnh lý mạch vành – bao gồm tiền sử nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành. |
Dưới 100 mg/dL | Dưới 2.6 mmol/L | Tối ưu cho người có nguy cơ mắc bệnh lý mạch vành hoặc người có đái tháo đường. Gần tối ưu cho người có bệnh lý động mạch mạch vành không phức tạp. |
100-129 mg/dL | 2.6-3.3 mmol/L | Gần tối ưu nếu không có bệnh lý động mạch vành. Cao nếu có bệnh lý động mạch vành |
130-159 mg/dL | 3.4-4.1 mmol/L | Giới hạn cao nếu không có bệnh lý động mạch vành. Cao nếu có bệnh lý động mạch vành |
160-189 mg/dL | 4.1-4.9 mmol/L | Cao nếu không có bệnh lý động mạch vành. Rất cao nếu có bệnh lý động mạch vành |
Từ 190 mg/dL trở lên | Trên 4.9 mmol/L | Rất cao, có vẻ phù hợp điển hình cho một bệnh lý di truyền. |
* Hướng dẫn của Canada và Châu Âu có một chút khác biệt với hướng dẫn của Mỹ. Sự biến đổi này phụ thuộc hướng dẫn của Mỹ.
HDL cholesterol (Mỹ và một số quốc gia) | HDL cholesterol* (Canada và hầu hết Châu Âu) | Kết quả |
Dưới 40 mg/dL (nam) | Dưới 0.1 mmol/L (nam) | ít |
Dưới 50 mg/dL (nữ) | Dưới 1.3 mmol/L (nữ) | |
40-59 mg/dL (nam) | 1.0-1.5 mmol/L (nam) | Tốt hơn |
50-59 mg/dL (nữ) | 1.3-1.5 mmol/L (nữ) | |
Từ 60 mg/dL trở lên | Trên 1.5 mmol/L | Tốt nhất |
* Hướng dẫn của Canada và Châu Âu có một chút khác biệt với hướng dẫn của Mỹ. Sự biến đổi này phụ thuộc hướng dẫn của Mỹ.
Triglycerides (Mỹ và một số quốc gia) | Triglycerides* (Canada và hầu hết Châu Âu) | Kết quả |
Dưới 150 mg/dL | Dưới 1.7 mmol/L | Thích hợp |
150-199 mg/dL | 1.7-2.2 Dưới 2.6 mmol/L | Giới hạn cao |
200-499 mg/dL | 2.3-5.6 mmol/L | Cao |
Từ 500 mg/dL trở lên | Trên 5.6 mmol/L | Rất cao |
* Hướng dẫn của Canada và Châu Âu có một chút khác biệt với hướng dẫn của Mỹ. Sự biến đổi này phụ thuộc hướng dẫn của Mỹ.
Trẻ em và xét nghiệm cholesterol
Đối với hầu hết trẻ em, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia khuyến cáo một xét nghiệm sàng lọc cholesterol giữa độ tuổi từ 9 đến 11 tuổi, và lặp lại mỗi 5 năm sau đó.
Nếu đứa trẻ của bạn có tiền sử gia đình với bệnh lý tim mạch khởi phát sớm hoặc tiền sử bản thân bị béo phì hoặc đái tháo đường, bác sĩ sẽ khuyến cáo xét nghiệm cholesterol sớm hơn hoặc thường xuyên hơn.
Điều trị
Thay đổi lối sống như là tập thể dục và chế độ ăn lành mạnh là biện pháp dự phòng hàng đầu chống lại cholesterol cao. Nhưng nếu bạn đã thực hiện những thay đổi lối sống quan trọng này mà nồng độ cholesterol vẫn cao, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng thuốc.
Việc lựa chọn loại thuốc hoặc phối hợp thuốc phụ thuộc các yếu tố khác nhau, bao gồm yếu tố nguy cơ cá nhân, tuổi, sức khoẻ và các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra. Những lựa chọn thông thường bao gồm:
- Statin ngăn chặn chất mà gan cần để tạo ra cholesterol. Điều này khiến gan đào thải cholesterol khỏi máu. Những lựa chọn bao gồm atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol), lovastatin (Altoprev), pitavastatin (Livalo), pravastatin (Pravachol), rosuvastatin (Crestor) và simvastatin (Zocor).
- Ức chế hấp thụ cholesterol. Ruột non hấp thụ cholesterol từ chế độ ăn của bạn và phóng thích chúng vào máu. Thuốc ezetimibe (Zetia) giúp giảm cholesterol máu bằng cách hạn chế hấp thụ cholesterol trong chế độ ăn. Ezetimibe có thể sử dụng với thuốc statin.
- Bempedoic acid. Loại thuốc mới này hoạt động tương tự với statin nhưng ít gây đau cơ hơn. Thêm bempedoic acid (Nexletol) vào liều tối đa statin có thể làm giảm LDL đáng kể. Viên thuốc kết hợp cả bempedoic acid và ezetimibe (Nexletol) hiện đã có.
- Acid mật gắn resins. Gan của bạn sử dụng cholesterol để tạo ra acid mật, một chất cần cho sự tiêu hoá. Thuốc cholestyramine (Prevalite), colesevelam (Welchol) và colestipol (Colestid) làm giảm cholesterol gián tiếp bằng cách gắn với acid mật. Điều này kích thích gan của bạn sử dụng lượng cholesterol dư thừa để tạo ra nhiều acid mật hơn, làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.
- Chất ức chế PCSK9. Những thuốc này có thể giúp gan hấp thụ nhiều LDL cholesterol hơn, làm giảm số lượng cholesterol lưu hành trong máu. Alirocumab (Praluent) và evolocumab (Repatha) có thể được sử dụng cho những người có bệnh cảnh di truyền khiến nồng độ LDL rất cao hoặc ở những người có tiền sử bệnh động mạch vành không dung nạp với statin hoặc những thuốc cholesterol khác. Chúng được tiêm dưới da mỗi vài tuần và rất đắt.
Thuốc cho nhóm triglycerides cao
Nếu bạn cũng có nồng độ triglycerides cao, bác sĩ sẽ chỉ định:
- Thuốc fenofibrate (Tricor, Fenoglide, khác) và gemfibrozil (Lopid) làm gan giảm sản xuất lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) và nhanh chóng đào thải triglycerides khỏi máu. VLDL cholesterol chứa chủ yếu là triglycerides. Sử dụng fibrates với statin có thể làm gia tăng các nguy cơ về tác dụng phụ của statin.
- Niacin giới hạn khả năng gan sản xuất LDL và VLDL cholesterol. Nhưng niacin không cung cấp thêm lợi ích nào so với statin. Niacin cũng liên quan đến tổn thương gan và đột quỵ, vì vậy nhiều bác sĩ hiện nay chỉ khuyên dùng nó cho những người không thể dùng statin.
- Bổ sung acid béo Omega-3. Thực phẩm chức năng acid béo Omega-3 có thể làm giảm triglycerides. Chúng có trong toa thuốc hoặc không kê đơn. Nếu bạn lựa chọn thực phẩm chức năng không kê đơn, hãy nhận được sự đồng ý của bác sĩ. Bổ sung acid béo omega-3 có thể gây ảnh hưởng đến các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.
Khả năng dung nạp khác nhau
Khả năng dung nạp thuốc khác nhau giữa người với người. Những tác dụng phụ thường gặp của statin là đau cơ và tổn thương cơ, mất trí nhớ và lú lẫn, và tăng đường huyết. Nếu bạn quyết định sử dụng thuốc cholesterol, bác sĩ sẽ khuyến cáo xét nghiệm chức năng gan để theo dõi những ảnh hưởng của thuốc đến gan của bạn.
Trẻ em và điều trị cholesterol
Chế độ ăn và tập thể dục là điều trị ban đầu tốt nhất cho trẻ từ 2 tuổi trở lên có cholesterol cao hoặc béo phì. Trẻ từ 10 tuổi trở lên có nồng độ cholesterol cực kỳ cao sẽ được chỉ định sử dụng thuốc làm hạ cholesterol, như là statin.
THAM KHẢO
- Blood cholesterol. National Heart, Lung, and Blood Institute. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/blood-cholesterol. Accessed March 10, 2021.
- Lipid panel. Lab Tests Online. American Association for Clinical Chemistry. https://labtestsonline.org/tests/lipid-panel. Accessed March 10, 2021.
- Goldman L, et al., eds. Disorders of lipid metabolism. In: Goldman-Cecil Medicine. 26th ed. Elsevier; 2020. https://www.clinicalkey.com. Accessed March 10, 2021.
- My cholesterol guide. American Heart Association. https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/cholesterol-tools-and-resources. Accessed March 10, 2021.
- Bonow RO, et al., eds. Lipoprotein disorders and cardiovascular disease. In: Braunwald’s Heart Disease: A Textbook of Cardiovascular Medicine. 11th ed. Elsevier; 2019. https://www.clinicalkey.com. Accessed March 10, 2021.
- Ferri FF. Hypercholesterolemia. In: Ferri’s Clinical Advisor 2021. Elsevier; 2021. https://www.clinicalkey.com. Accessed March 10, 2021.
- Rosenson RS, et al. Management of low density lipoprotein cholesterol (LDL-C) in the secondary prevention of cardiovascular disease. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed March 10, 2021.
- Rosenson RS. Low density lipoprotein cholesterol lowering with drugs other than statins and PCSK9 inhibitors. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed March 10, 2021.
- Tibuakuu M, et al. Bempedoic acid for LDL-C lowering: What do we know? American College of Cardiology. https://www.acc.org/latest-in-cardiology/articles/2020/08/10/08/21/bempedoic-acid-for-ldl-c-lowering. Accessed March 10, 2021.
- De Ferranti SD, et al. Dyslipidemia in children: Management. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed March 10, 2021.
- Cholesterol management at a glance. National Center for Complementary and Integrative Health. https://www.nccih.nih.gov/health/cholesterol-management-at-a-glance. Accessed April 1, 2021.
Link gốc: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/symptoms-causes/syc-20350800
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!
Người dịch: Lê Vy