[Thảo luận] Một góc nhìn khác về sách Nhân tố Enzyme.

Rate this post
Cuốn sách Nhân tố enzyme của bác sĩ Hiromi Shinya được nhiều người tôn sùng chia sẻ nhưng những thứ trong đó không hoàn toàn đúng. Hôm nay xin nêu phản biện cho 2 luận điểm “nổi tiếng” trong cuốn sách/serie sách này.
1. Luận điểm “Uống nhiều sữa gây loãng xương”
Ông Hiromi Shinya có viết rằng “Chính lượng canxi trong sữa bò vốn được ta uống để hấp thu thêm canxi lại làm giảm lượng canxi trong cơ thể” vì khi uống sữa thì nồng độ canxi trong máu sẽ tăng đột ngột và kích thích thận thải ra nhiều canxi hơn qua nước tiểu.
Thật ra, đúng là cơ thể có chức năng tuyệt vời là luôn giữ mình ở trạng thái cân bằng. Nếu cơ thể đang thiếu canxi thì nó sẽ cố gắng hấp thụ thêm canxi, còn nếu ăn thừa canxi, nó sẽ thải phần canxi THỪA ra ngoài để giữ mức canxi ở mức ổn định. Có nghĩa là mức canxi trong cơ thể sẽ KHÔNG SỤT GIẢM như ông Shinya nghĩ.
Một điểm đáng buồn cười là ông Shinya cho rằng nên ăn nhiều cá nhỏ (như cá mòi), rong tảo biển để bổ sung canxi. Ổng có tự nghĩ xem nếu canxi trong sữa làm “sụt giảm” canxi cơ thể thì tại sao canxi trong cá mòi và rong tảo biển lại không gây hiệu ứng như vậy?
“Uống nhiều sữa gây loãng xương” còn là một kết luận SAI BẬY do đọc bài báo khoa học không đến nơi đến chốn. Ông Shinya dựa chủ yếu vào bài báo dưới đây:
D. Feskanich et al. Milk, Dietary Calcium, and Bone Fracture in Women. American J. Public Health, Vol. 87, 991~997 (1997)
để kết luận, nhưng thật ra nghiên cứu này cho thấy uống nhiều sữa không giúp phòng ngừa chứng loãng xương, chứ HOÀN TOÀN KHÔNG NÓI gì tới việc uống sữa là nguyên nhân gây loãng xương. Chính vì vậy, kết luận uống sữa có hại là một tuyên bố rất “bà trợn”; tác giả hoặc không hiểu nghiên cứu, hoặc cố tình lái kết luận của nghiên cứu theo hướng có lợi cho mình.
Cũng xin nói thêm về nghiên cứu trên, nó được tiến hành ở các nước Bắc Âu nơi người ta tiêu thụ sữa nhiều hơn Việt Nam rất nhiều, và cấu trúc cơ thể cũng khác người Việt rất nhiều (ví dụ, xương đùi dài hơn). Kết quả nghiên cứu đó áp dụng lên người Việt được không cũng là một câu hỏi cần suy nghĩ.
2. Luận điểm liên quan tới Chứng không dung nạp lactose
Chứng không dung nạp lactose là một lý do chính yếu trong thuyết sữa là có hại của bác sĩ Hiromi Shinya. Đúng là người Châu Á có ít men (enzyme) phân giải đường lactose, loại đường chính yếu trong sữa. Những người thiếu men này khi dùng sữa và sản phẩm từ sữa sẽ hay gặp các triệu chứng như khó tiêu, tiêu chảy, đau bụng hay trướng bụng, được gọi chung là Chứng không dung nạp lactose. Tiêu chảy hay bị liên tưởng tới hình ảnh ghê ghê và ám chỉ sự không hấp thu dưỡng chất nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Ví dụ, canxi vẫn được hấp thu ở đoạn trên của ruột non (tá tràng và hổng tràng), vì triệu chứng chính của sự không dung nạp lactose chỉ xảy ra khi lactose xuống tới đại tràng. Mỗi đoạn ruột có chức năng hấp thu dưỡng chất khác nhau, nên lời nói rằng chất dinh dưỡng hoàn toàn không được hấp thu trong Chứng không dung nạp lactose là không đúng. Uống sữa bị tiêu chảy không có nghĩa là sữa có hại.
Nhưng vì sao cuốn sách của ông Hiromi Shinya vẫn được hoan nghênh nhiệt liệt?
Một số nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã phân tích rằng cuốn sách đã ra đời trong bối cảnh có quá nhiều người trong xã hội thần tượng hóa sữa, coi nó là một loại “thực phẩm vạn năng” có đầy đủ dinh dưỡng, đến nỗi nhiều bố mẹ ông bà cho rằng con nít ko cần ăn gì chỉ cần cho nó uống sữa là đủ! Cuốn sách này đã chọn đúng điểm rơi, đóng vai trò “gãi ngứa” rất tốt cho những người muốn phản bác quan điểm này.
Advertisement
Quan điểm “Sữa = thực phẩm hoàn hảo” là sai nhưng quan điểm “Sữa = có hại” cũng sai bét nhè. Theo quy luật tự nhiên mà ai cũng biết thì “Cái gì thái quá cũng không tốt”. Chúng ta thử nghĩ xem “Uống sữa chừng nào mới xấu? Hay chừng nào mới tốt?” thì sẽ tự hiểu được cái ngây ngô của những người đang cổ súy.
Cuốn sách Nhân tố enzyme này còn vài chỗ phản biện nữa nhưng mình xin nhờ các đồng nghiệp khác, hoặc hẹn trong bài khác. Hi vọng rằng sau khi có sự soi sáng của phản biện, cuốn sách này sẽ trở về đúng vị trí của nó, là để …gãi ngứa.

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …