Tác giả Bs. Phan Trúc
Nhân lúc phong trào “thực dưỡng trị ung thư” đang dâng cao, dưới góc độ của một người làm về ung thư, mình xin chia sẻ lý thuyết bên dưới và những ngộ nhận về vấn đề này.
Ung thư tuy xuất phát từ nhiều loại tế bào khác nhau, nhưng đứng trên phương diện chuyển hoá thì chỉ có một. Lý thuyết này được đưa ra vào những năm 1920 bởi Otto Heinrich Warburg và cộng sự đã giúp ông đạt giải Nobel, sau này gọi là “hiệu ứng Warburg” (Warburg effect).
Bình thường, hầu hết các tế bào của cơ thể đều sử dụng glucose (“một loại đường”) để tạo ra năng lượng thông qua quá trình phosphoryl hoá-oxi hoá (oxidative phosphorylation) (hay còn gọi là chu trình Kreb, chu trình Tricarboxylic acid-TCA). Chu trình này diễn ra trong ty thể (xem sơ đồ), trong điều kiện hiếu khí (“đủ oxy”), kết quả của chu trình này là tạo ra CO2, H2O và năng lượng (ATP) cho tế bào, đồng thời nó cũng tạo thành các “chất thải” ROS (reactive oxygen species), làm tổn thương màng ty thể; mà chính ty thể là bộ phận chính để khởi động chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Vì vậy, có thể nói, trong điều kiện chuyển hoá bình thường, cơ thể dùng glucose, tạo ra năng lượng trong ty thể và cũng tự chết sau một thời gian chuyển hoá.
Ngược lại, trong điều kiện kỵ khí (“thiếu oxy”), tế bào sẽ sẽ lấy glucose, nhưng không chuyển hoá qua ty thể, mà chuyển hoá qua con đường đường phân (“glycolysis”) nhờ chu trình Lactic aicd (hay còn gọi là chu trình Cori). Chu trình này chuyển pyruvate (sản phẩm chuyển hoá của glucose) thành lactate nhờ enzym lactate dehydrogenase (LDH). Hệ quả của chu trình này là tiêu thụ năng lượng (“nợ năng lượng”), tăng sinh khối (vì tăng tổng hợp các cơ chất khác) và sản phấm lactacte tích tụ sẽ gây toan hoá tế bào. Bình thường, khi vận động, các tế bào cơ khi cạn kiệt oxy sẽ dùng cơ chế này để tăng sức mạnh cho vận động, sau đó sự tích tụ đủ mức của lactate gây mỏi cơ, ta dừng vận động, gan sẽ chuyển glucose đến để “trả nợ”.
Trong bối cảnh các tế bào ác tính, nó ưu thế chuyển hoá năng lượng theo con đường glycolysis (chu trình Cori) như đã nói ở trên, đó chính là hiệu ứng Warburg. Hệ quả đưa đến:
1, người bệnh bị tiêu thụ glucose liên tục mà vẫn nợ năng lượng dẫn đến sụt cân nhanh;
2, sự tích luỹ lactate đưa đến toan hoá tế bào (một số lymphoma người ta ghi nhận bệnh nhân rơi vào tình trạng toan lactic dù không có tiền căn đái tháo đường, cũng là lý do vì sao LDH thường tăng trong ung thư);
3, vì “đi tắt” không qua ty thể, nên hạn chế ROS, và dẫn đến không khởi động được apoptosis từ ty thể nên tế bào có xu hướng đề kháng với chết theo chương trình.
Tất cả những hậu quả về chuyển hoá đó đã làm người ta nghĩ đến phương pháp thực dưỡng, với lý luận chính là ngăn đường + kiềm hoá đề giết chết tế bào ung thư. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hiệu ứng Warburg chỉ là hậu quả của các bất thường gene bên dưới kiểm soát. Thật chất tế bào ung thư không thiếu oxy (như tình trạng tăng sinh mạch mạnh quanh khối u), nhưng những biến đổi trong bộ gene đã làm cho tế bào bị buộc phải chuyển hoá theo cách thức đó. Vì vậy, việc có ngăn đường hay kiềm hoá thì tế bào vẫn sẽ dùng hết các nguyên liệu trong cơ thể vốn có để chuyển hoá theo cách thức này. Chính vì vậy, công cuộc điều trị ung thư muốn đạt được hiệu quả phải đánh vào gốc của vấn đề, ở cấp độ gene, phiên mã, dịch mã hay protein mới hy vọng khống chế được vấn đề. Vì khó có thể để một người ngoài chuyên ngành y khoa hiểu được, nhưng với trách nhiệm của một người làm y tế, mình cũng xin góp một phần tiếng nói cho cộng đồng mạng hiểu rõ hơn. Xin nhớ cho, tiến bộ y khoa trong ung thư hiện nay đã đi rất xa, xa hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của nhiều người. Xin hãy tiếp tục tin và hy vọng.