[Vi sinh lâm sàng 11] Haemophilus, bordetella và legionella.

Rate this post

Các trực khuẩn Gram âm Haemophilus influenzae, Bordetella pertussis Legionella pneumophila là những vi khuẩn chung nhóm với nhau bởi vì chúng đều lây nhiễm thông qua đường hô hấp. Điều này muốn nói đến việc chúng ta phải xem xét tên gọi của từng chủng: influenzae (cúm-flu, một tình trạng bệnh lý ở đường hô hấp trên), pertusssis (ho gà), pneumophila (có ái tính với phổi).
Haemophilus influenzae
Tên gọi Haemophilus influenzae đã nói lên một vài đặc tính của nó: Haemophilus có nghĩa là “có ái tính với máu” (blood loving). Vi khuẩn này đòi hỏi một môi trường có chứa máu để chúng có thể phát triển. Hematin được tìm thấy ở trong máu và là một chất cần thiết cho hệ thống cytochrome của vi khuẩn (hematin là heme bị tách khỏi globin và bị oxy hóa thành hematin). Ngoài ra, máu còn chứa NAD+ cũng cần cho hoạt động chuyển hóa của vi khuẩn. influenzae: Vi khuẩn này thường tấn công vào phổi của những bệnh nhân bị suy nhược do nhiễm virus cúm. Trong trận đại dịch cúm vào năm 1890 và năm 1918, các nhà khoa học đã phân lập được Haemophilus influenzae từ đường hô hấp trên của những bệnh nhân bị “cúm” và làm cho họ kết luận không chính xác rằng Haemophilus influenzae là căn nguyên gây ra bệnh cúm. Haemophilus influenzae là loại vi khuẩn ký sinh bắt buộc ở người và lây truyền thông qua con đường hô hấp. Có 2 điều quan trọng giúp ta hiểu được vi khuẩn này gây ra bệnh lý như thế nào:
1) Lớp vỏ nhày polysaccharid bao gồm polyribitol ribose phosphat (PRP) có vai trò trao đổi độc lực: Có 6 loại vỏ nhày, được gọi tên là a, b, c, d, e và f. Trong số này, type b thường có liên quan đến nhiễm khuẩn ở trẻ em do nhiễm
Haemophilus influenzae chẳng hạn như là viêm màng não, viêm nắp thanh quản và viêm khớp nhiễm khuẩn (septic arthritis). Capsule b = bad Chủng Nonencapsulated (còn được gọi là nontypeable, còn có thể gọi là không nang hóa) của Haemophilus influenzae có thể cư trú ở đường hô hấp trên của trẻ em hoặc người lớn. Chủng này không có đủ độc lực xâm lấn như người “anh em” encapsulated (nang hóa)* của chúng nên chỉ có gây nhiễm khuẩn tại chỗ. Chúng thường gây viêm tai giữa ở trẻ em cũng như là gây các bệnh lý hô hấp ở người lớn bị suy nhược do một bệnh lý về phổi trước đó, chẳng hạn như viêm phế quản mạn tính do hút thuốc lá hoặc nhiễm virus cúm gần đây.
* Để cho đúng nguyên văn bản gốc và không làm thay đổi một cách thô thiển tên gọi của vi khuẩn nên chúng tôi vẫn để tên gọi theo đúng tên khoa học của chúng là: encapsulated/nonencapsulated Haemophilus influenzae thay vì là Haemophilus influenzae nang hóa/không nang hóa. 

Liên Hệ Lâm Sàng: Bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường xuyên bị nhiễm khuẩn nontypeable H. influenzae làm cho tình trạng bệnh càng trở nên xấu hơn như thở khò khè, khó thở và ho (đợt cấp COPD). Những đợt cấp này thường liên quan tới tình trạng mắc phải một chủng mới của nontypeable H. influenzae.
2) Lượng kháng thể chống lớp vỏ nang của vi khuẩn không đủ ở trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng tới 3 năm tuổi. Người mẹ có chứa các kháng thể kháng vỏ nhày type b sẽ tồn tại trong suốt quãng đời. Những kháng thể đó sẽ truyền đến đứa trẻ thông qua rau thai và qua sữa mẹ. Những kháng thể “thụ động” này tồn tại trong khoảng 6 tháng. Phải mất 3-5 năm từ lúc
Haemophilus influenzae xâm nhiễm và gây nhiễm khuẩn thì mới gây được sự phát triển hệ miễn dịch của đứa trẻ. Vì thế trong giai đoạn cửa sổ này, những đứa trẻ là mục tiêu rất dễ bị nhiễm Haemophilus
influenzae
.

Haemophilus influenzae type b
1) Viêm màng não: Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn quan trọng nhất được gây ra bởi encapsulated Haemophilus influenzae type b. Trước khi ra đời loại vaccin phòng ngừa cho trẻ em tại Mỹ nào năm 1991, thì nó là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm màng não ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng tuổi cho đến 3 năm tuổi (hơn 10.000 trường hợp mỗi năm). Sau khi bị hít phải, vi khuẩn này xâm nhập vào các hạch bạch huyết và các dòng máu và sau đó chúng xâm nhiễm vào màng não. Do trẻ thường không có dấu cứng cổ điển hình mà thay vào đó là các triệu chứng không đặc hiệu như là sốt, nôn mửa và thay đổi trạng thái thần kinh là những tình trạng cho thấy sự nhiễm khuẩn đang có khả năng đe dọa tính mạng của trẻ. Mặc dù con số tử vong nhỏ hơn 5% khi được điều trị với kháng sinh thích hợp thì lên đến hơn một nữa số trẻ em bị nhiễm khuẩn sẽ để lại dư chấn về thần kinh vĩnh viễn như là chậm phát triển
trí tuệ, động kinh, chậm nói hoặc điếc. Khi một bệnh lý viêm màng não do nhiễm khuẩn (bacterial meningitis) được điều trị bằng các thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn thì khi đó sẽ làm ly giải và giải phóng ra các tế bào kháng nguyên như là LPS lipid A (nội độc tố), dẫn tới một đáp ứng miễn dịch cấp tính gây phá hủy các tế bào thần kinh cũng như là vi khuẩn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong quá trình điều trị có sử dụng hoạt chất steroid trước khi sử dụng các loại kháng sinh truyền tĩnh mạch 15-20 phút sẽ làm giảm nguy cơ phát triển các dư chấn thần kinh về sau. Các giả thuyết đưa ra cơ chế đó là các steroid sẽ làm giảm các đáp ứng viêm với kháng nguyên của vi khuẩn đã bị tiêu diệt trong quá trình điều trị.
Liên Hệ Lâm Sàng: Có 3 loại vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc gây ra hầu hết các bệnh lý viêm màng não mắc phải ở trẻ mới sinh (trong 3 tháng đầu của tuổi): Listeria monocytogenes, Escherichia coli Streptococcus nhóm B. Và 2 vi khuẩn gây viêm màng não sau này cho trẻ (từ 6 tháng tuổi đến 3 năm tuổi), sau khi các kháng thể thụ động được truyền từ người mẹ sang (trong giai đoạn bào thai) suy yếu dần và trước khi các kháng thể mới phát triển: Neisseria meningitidis Haemophilus influenzae.
2)
Viêm nắp thanh quản cấp: Haemophilus influenzae type b còn có thể gây nên tình trạng sưng cấp ở nắp thanh quản gây cản trở đường hô hấp và thực quản, sau đó là một cơn viêm họng và sốt, ở những đứa trẻ còn tiến triển tình trạng nặng hơn ở đường hô hấp trên như thở khò khè (thở rít) và đứa trẻ không thể nuốt được. Nước bọt bài tiết ra quá nhiều sẽ trào ra khỏi miệng đứa trẻ vì nước bọt không được nuốt và không thể trôi qua nắp thanh quản đang bị sưng phồng. Nắp thanh quản sưng phồng to và có màu đỏ như màu đỏ của quả anh đào ở bên dưới đáy lưỡi. Nếu bạn nghi ngờ có nhiễm khuẩn thì chỉ không phải kiểm tra thanh quản khi bạn đã sẵn sàng để chèn một ống nội khí quản bởi vì thao tác này có thể gây co thắt thanh quản. Điều này có thể sẽ gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và nó chỉ có thể làm thông khí trở lại bằng thủ thuật mở khí quản.
3)
Viêm khớp do nhiễm khuẩn: Haemophilus influenzae type b là nguyên nhân phổ biến gây nhất gây nên viêm khớp do nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh. Thông thường nhất là một khớp bị viêm nhiễm, gây nên sốt, đau, sưng và giảm biên độ hoạt động của khớp. Kiểm tra chất hoạt dịch (dịch khớp) bằng phương pháp nhuộm Gram thấy có các trực khuẩn Gram âm đa hình thể.
4)
Nhiễm khuẩn huyết: Trẻ từ 6 tháng tới 3 năm tuổi có các biểu hiện như sốt, hôn mê, biếng ăn và không có dấu hiệu của bệnh lý tại chỗ (viêm tai giữa, viêm màng não hoặc viêm nắp thanh quản). Có lẽ vi khuẩn đã xâm nhiễm vào trong dòng máu thông qua đường hô hấp trên. Khi lá lách, một cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại các vi khuẩn nang hoá, thì cũng không có gì phải ngạc nhiên khi ở những đứa trẻ không có hoặc mất chức năng ở lá lách (do phẫu thuật cắt lách hoặc trong bệnh lý hồng cầu hình liềm) thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Việc xác định và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa Haemophilus influenzae type b xâm nhiễm vào màng não, nắp thanh quản hoặc khớp.
Viêm màng não, viêm nắp thanh quản, nhiễm khuẩn huyết đều gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị bằng kháng sinh. Ampicillin đã từng là là loại thuốc được chọn lựa đầu tiên cho đến khi tiến triển các chủng kháng thuốc. Sự đề kháng Ampicillin đã được truyền đạt lại bằng thể plasmid từ chủng này sang chủng khác trong loài
Haemophilus influenzae. Hiện nay, nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 như là cefotaxime hoặc ceftriaxone, là loại thuốc kháng sinh được lựa chọn trong các nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Ampicillin amoxicillin có thể được sử dụng cho các nhiễm khuẩn ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm tai giữa.
Tiêm Chủng (Vaccin từ vỏ nang Hib)
Mấu chốt để có thể kiểm soát vi khuẩn này chính là kích thích các kháng thể bảo vệ thế hệ đầu tiên ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để kích thích hình thành kháng thể ở trẻ nhỏ là một việc rất khó khăn. Các loại vaccin đầu tiên có chứa loại vỏ nang type b tinh khiết thì chỉ có hiệu quả trong việc tao ra các kháng thể ở trẻ em trên 18 tháng tuổi. Hiện nay các loại vaccin được sử dụng được tạo ra từ vỏ nang polyribitol ribose phosphate (PRP) của
H. influenzae liên hợp cùng với protein đột biến độc tố bạch hầu, protein thuộc lớp màng ngoài của Neisseria meningitides hay độc tố uốn ván để hoạt hóa các tế bào lympho T và các kháng thể chống lại các kháng nguyên vỏ nang b. Việc tiêm chủng loại vaccin có chứa vỏ nang Hib cho trẻ em tại Mỹ ở độ tuổi 2, 4, 6 và 15 tháng (cùng với vaccin DPT và vaccin bại liệt) đã làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae. Hiện nay, viêm nắp thanh quản cấp tính do nhiễm Haemophilus influenzae đã trở nên hiếm thấy ở các phòng cấp cứu tại Mỹ. Hib, Hib, Hoan Hô!
Những nỗ lực liên quan tới việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai ở tháng thứ 8 của thai kỳ đã dẫn đến kết quả là làm tăng bài tiết lượng kháng thể vào trong sữa mẹ (miễn dịch thụ động).
Haemophilus ducreyi
Đây là chủng có vai trò trong việc gây nên bệnh lý hạ cam mềm (chancroid) lây truyền qua đường tình dục. Trên lâm sàng, bệnh nhân có một vết loét đau nhức ở cơ quan sinh dục. Hạch bạch huyết vùng bẹn một bên tiến triển sưng đau nhanh chóng trong nữa số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Các hạch bạch huyết này dần trở nên sần sùi và sẽ bị vỡ ra làm giải phóng ra dịch mủ. Các chẩn đoán phân biệt bao gồm:
1)
Bệnh giang mai (Treponema pallidum): Việc chẩn đoán để loại trừ bệnh giang mai là vô cùng quan trọng vì nó cũng là nguyên nhân gây nên vết loét. Hãy nhớ rằng vết loét trong bệnh giang mai không đau và viêm hạch xuất hiện ở hai bên, không đau và không có mủ.
2)
Herpes (Herpes simplex virus 1 và 2): Herpes ban đầu xuất hiện các mụn nước và khi những mụn nước này bị vỡ ra thì có thể làm chẩn đoán nhầm là hạ cam mềm, điều riêng biệt để giúp phân biệt là chúng gây ra đau nhức. Herpes thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân như là chứng đau cơ và sốt. Hạ cam mềm thường không ra các triệu chứng toàn thân.
3)
Bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu (Chlamydia trachomatis): Bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu (Lymphogranuloma venereum – LGV) có các hạch bạch huyết sần sùi không đau nhức ở vùng bẹn tiến triển chậm hơn rất nhiều so với hạ cam mềm. Vết loét đầu tiên của LGV biến mất trước khi các hạch to ra, trong khi ở hạ cam mềm thì vết loét cùng tồn tại với các hạch. Phương pháp nhuộm Gram từ vết loét có thể phát hiện cầu trực khuẩn Gram âm. Việc phân lập được vi khuẩn H. ducreyi từ một vết loét hoặc dịch từ hạch bạch huyết có thể giúp định hướng cho việc chẩn đoán bệnh. Có một phương pháp tiếp cận đầy sự hứa hẹn để giúp đỡ cho các trường hợp loét cơ quan sinh dục này đó là phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đa mồi (polymerase chain reaction (PCR) multiplex) cho phép khuếch tán và phát hiện được AND của vi khuẩn Haemophilus ducreyi, Treponema pallidum và herpes simplex 1 và 2, tất cả đều cùng một lúc! Liều điều trị đơn độc với 1g azithromycin uống hoặc 250mg ceftriaxone tiêm tĩnh mạch hiện nay đang được khuyến khích. Hiệu quả điều trị loét cơ quan sinh dục đóng vai trò quyết định, bởi vì khi những tổn thương này không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra sự phá hủy hàng rào da bảo vệ cơ thể từ bên ngoài, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Các Chủng Haemophilus Khác
Một số chủng Haemophilus xứng đáng thuộc vào hàng hiếm bởi vì chúng chỉ phát triển được ở trong điều kiện môi trường đặc biệt (cần thay đổi các yếu tố X và V, và/hoặc CO2), phát triển chậm và gây ra hơn 5% các trường hợp viêm nội tâm mạc. Các chủng này bao gồm: Haemophilus parainfluenzae, Haemophilus aphrophilus Haemophilus paraphrophilus. Liên Hệ Lâm Sàng: Các chủng Haemophilus này được nhóm lại trong nhóm vi khuẩn
HACEK: HACEK là nhóm vi khuẩn phát triển chậm được biết đến là nguyên nhân gây ra viêm nội tâm mạc:Chủng Haemophilus
Chủng Actinobacillus
Chủng Cardiobacterium
Chủng Eikenella
Chủng Kingella Gardnerella vaginalis (trước đây là Haemophilus vaginalis)
Đây là vi khuẩn gây ra viêm âm đạo do nhiễm khuẩn cùng với các vi khuẩn yếm khí khác ở đường âm đạo. Phụ nữ bị viêm âm đạo có biểu hiện nóng rát hoặc ngứa ở cửa mình (môi âm hộ),rát buốt khi đi tiểu (tiểu buốt) và dịch tiết âm đạo có mùi hôi tanh như cá. Ta có thể phân biệt được những vi khuẩn này với các nguyên nhân gây viêm âm đạo khác (như là
Candida hoặc Trichomonas) bằng cách cho kiểm tra mẫu dịch tiết từ âm đạo để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào clue cell. Clue cell là những tế bào biểu mô âm đạo có chứa các trực khuẩn đa hình thể (pleomorphic bacilli) ở bên trong tế bào chất. Điều trị nhiễm khuẩn này bằng metronidazole, kháng sinh này có phổ tác dụng lên Gardnerella cũng như là các vi khuẩn yếm khí đồng nhiễm khác. Có một điều cần lưu ý là chủng này đã được tách ra từ loài Haemophilus bởi vì chúng không đòi hỏi yếu tố X hay yếu tố V để phát triển trong môi trường nuôi cấy.
Bordetella pertussis
Vi khuẩn đã được đặt tên:
Bordetella bởi vì nó đã được phát hiện vào đầu những năm 1900 bởi 2 nhà khoa học có tên là
Bordet và Gengou. Có lẽ Bordet đã làm tốt hơn trong sự thõa thuận này!
Pertussis có nghĩa là “ho dữ dội”. Bordetella pertussis gây ra bệnh ho gà (whooping cough).

Vũ Khí Ngoại Độc Tố
Bordetella pertussis là vi khuẩn có sức chiến đấu mạnh mẽ với một thái độ tiêu cực (Gram)*. Tên này là một trực khuẩn Gram âm và sở hữu 4 loại vũ khí chính (là các yếu tố độc lực). Các yếu tố độc lực này cho phép hắn ta bám vào các tế bào biểu mô trụ có lông chuyển (ciliated epithelial cell) của khí quản và phế quản. Hắn trốn tránh được hệ thống bảo vệ của vật chủ và làm phá hủy các tế bào lông chuyển để gây nên bệnh ho gà.
1)
Độc tố pertussis: Cũng giống như ngoại độc tố của nhiều loại vi khuẩn khác đó là độc tố cũng có tiểu phần B có chức năng Gắn (Bind) vào receptor của các tế bào đích để “mở khóa” tế bào cho phép tiểu phần A xâm nhập vào bên trong. Tiểu phần A (A trong Action) làm hoạt hóa các protein điều hòa G liên kết màng tế bào để kích hoạt lần lượt các adenyl cyclase. Kết quả của sự kích hoạt này là làm giải phóng cAMP, từ đó hoạt hóa protein kinase và các chất truyền tin nội bào khác. Chính xác thì vai trò của loại độc tố này trong bệnh ho gà vẫn chưa hoàn toàn được làm rõ, tuy nhiên nó có 3 tác dụng có thể quan sát được: a) gây nhạy cảm với histamin, b) tăng tổng hợp insulin, c) thúc đẩy sự tổng hợp tế bào lympho và ức chế sự thực bào.
2)
Tăng adenyl cyclase vào tế bào chất: Để tấn công vào phế quản, Bordetella pertussis “ném ra những trái lựu đạn” adenyl cyclase của chúng, khi đó chúng sẽ bị “nuốt chửng” bởi các bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào lympho và tế bào mono. Sau khi đã được hấp thu, adenyl cyclase sẽ tổng hợp chất truyền tin cAMP, dẫn đến việc làm suy yếu sự hóa ứng động (chemotaxis) cũng như là làm suy yếu quá trình sản xuất ra H2O2 và superoxid. Điều này làm suy yếu khả năng thực bào và tiêu diệt vi khuẩn của tế bào vật chủ.
3)
Sợi hemagglutinin (Filamentous hemagglutinin – FHA): Thực tế là Bordetella pertussis không hề xâm nhiễm vào bên trong cơ thể. Chúng bám vào các tế bào biểu mô trụ có lông chuyển của phế quản và khi đó giải phóng ra ngoại độc tố gây hại. FHA, là một sợi pili kéo dài từ bề mặt của vi khuẩn, tham gia vào quá trình bám dính này. Các kháng thể bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công trực tiếp lên FHA này để ngăn cản vi khuẩn bám dính và gây ra bệnh lý.
4)
Độc tố tế bào khí quản (Tracheal cytotoxin): Là độc tố gây phá hủy các tế bào biểu mô trụ có lông chuyển, dẫn tới việc những vùng bị vi khuẩn làm tổn thương sẽ bài tiết dịch nhầy và dịch rỉ viêm (inflammatory exudate). Có lẽ độc tố này có vai trò trong việc gây nên các cơn ho dữ dội.
Ho Gà
Số lượng các trường hợp ho gà đã giảm mạnh kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng. Trong thời kỳ tiền vaccin (prevaccination) tại Mỹ, đã có khoảng 100-300 nghìn trường hợp mắc bệnh ho gà mỗi năm và xảy ra chủ yếu ở trẻ em từ 1 đến 5 tuổi. Với sự ra đời của vaccin thì tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh đã giảm mạnh vào năm 1940 với điểm nhấn là chỉ có 1010 trường hợp được báo cáo vào năm 1976. Sau đó, có sự hồi sinh tương đối của bệnh khi có hơn 25,000 trường

* Ở đây tác giả sử dụng phép chơi chữ khi dùng từ negative có nghĩa là âm tính (Gram-negative = Gram âm), ngoài ra cũng còn có nghĩa là “tiêu cực”. -Nhóm dịchhợp mắc bệnh được báo cáo lại vào năm 2005. Hầu hết hiện nay các trường hợp được phát hiện chủ yếu là ở thành thiếu niên và người lớn (khi có sự suy giảm tính miễn dịch của vaccin). Để đối phó với tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh ho gà thì hiện nay ở Mỹ đã có khuyến cáo tiêm chủng nhắc lại ở độ từ 19 cho đến 64 tuổi. Ho gà là loại bệnh lý có tính lây truyền cao thông qua dịch tiết đường hô hấp dính ở bàn tay hoặc qua không khí. Thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 1 tuần, tiếp theo sau đó là 3 giai đoạn của
bệnh:
1)
Giai đoạn xuất tiết (catarrhal stage): Giai đoạn này kéo dài từ 1-2 tuần và tương tự như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi và ho nhẹ. Trong giai đoạn này bệnh dễ bị lây truyền nhất.
2)
Giai đoạn kịch phát (paroxysmal stage): Giảm sốt và những người bị nhiễm khuẩn tiến triển đến giai đoạn kịch phát với đặc điểm là những cơn ho khan. Có thể có tới 15-25 cơn kịch phát mỗi ngày, và người bệnh có thể có biểu hiện bình thường giữa những cơn kịch phát này. Những cơn kịch phát này bao gồm 5-20 cơn ho dữ dội, sau đó là cơn hít vào ngắt quãng (inspiratory gasp) qua thanh môn bị co thắt. Âm của cơn thở này nghe giống như tiếng gà kêu. Trong những cơn ho kịch phát này bệnh nhân có thể mắc chứng giảm oxy huyết (hypoxemic) và trở nên tím tái (cyanotic), lưỡi thò ra, mắt lồi và tĩnh mạch cổ bị ứ máu. Nôn mửa có thể xảy ra sau cơn kịch phát. Giai đoạn kịch phát này có thể kéo dài 1 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh nặng hơn ở trẻ em khi có tới 75% trẻ dưới 6 tháng tuổi và 40% trẻ trên 6 tháng tuổi bị yêu cầu phải nhập viện.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ em hay người lớn đã được tiêm ngừa một phần (đã hết hiệu dụng) có thể không có tiếng ho đặc trưng. Trẻ sơ sinh có thể có ho và ngưng thở từng đợt (apnea spell) (ngừng thở), người lớn thì có thể có biểu hiện ho dai dẳng. Trong thực tế, có đến 20-30% thanh thiếu niên và người lớn bị ho mạn tính kéo dài hơn khoảng thời gian 1 tuần thì có thể có dấu hiệu về huyết thanh của
B. pertussis.
Liên Hệ Lâm Sàng: Hiện nay B. pertussis là một nguyên nhân gây ho mạn tính không rõ nguyên nhân ở thanh thiếu niên và người lớn. Các nguyên nhân khác được loại trừ bao gồm bệnh suyễn, hội chứng chảy dịch mũi sau (post-nasal drip) trong viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis), trào ngược acid (acid-reflux) và khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI) để kiểm soát huyết áp.
3)
Giai đoạn hồi phục (convalescent stage): Các cơn kịch phát lui dần và ít xuất hiện hơn trong khoảng 1 tháng, khi đó bệnh nhân không còn bị truyền nhiễm (contagious).

Khi những vi khuẩn này sẽ không phát triển được trên sợi cotton nên mẫu vật ở phần hầu cuối họng (posterior pharynx) dùng để nuôi cấy được lấy bằng tăm bông nhuộm

Advertisement
calcium aginate. Tăm bông này được đưa vào bên trong lỗ mũi sau (posterior nares) và khi đó bệnh nhân được yêu cầu gây cơn ho. Sau đó tăm bông được quệt lên một môi trường nuôi cấy đặc biệt có chứa khoai tây, máu và thạch glycerol, được gọi là môi trường Bordet-Gengou. Tại hầu hết các bệnh viện, vi khuẩn này được xác định bằng phương pháp xét nghiệm nhanh huyết thanh học (ELISA) và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Điều trị chủ yếu là hỗ trợ. Trẻ sơ sinh nhập viện cần được cấp dưỡng khí oxy, hút dịch tiết đường hô hấp, cách ly hô hấp (respiratory isolation) và theo dõi. Điều trị bằng erythromycin ở những người nhiễm khuẩn có dấu hiệu báo trước (prodromal) hoặc đang ở trong giai đoạn xuất tiết để có thể cải thiện các triệu chứng và rút ngắn thời gian lây nhiễm. Việc điều trị ở giai đoạn kịch phát sau này không thể làm thay đổi quá trình của bệnh nhưng có thể làm giảm sự phát tán của vi khuẩn. Những người thân trong gia đình tiếp xúc với bệnh nhân cũng nên được cho uống dự phòng erythromycin.
Dự Phòng
Vaccin hiện đang được sử dụng tại Mỹ là loại vaccin vô bào (acellular) có chứa các kháng nguyên của độc tố ho gà, FHA và 1 hoặc 2 loại kháng nguyên khác, tùy thuộc vào người chế tạo ra vaccin. Nó được kết hợp với độc tố uốn ván và bạch hầu đã được bất hoạt bằng formalin để tạo nên vaccin DTaP (Diptheria-Tetanus-acellular Pertussis) và nó được chỉ định tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 2, 4, 6, 15-18 tháng và trẻ 4-6 tuổi. Các loại vaccin đã tiêu diệt tế bào bằng nhiệt (heatkilled whole cell vaccin) không còn được sử dụng tại Mỹ nhưng vẫn còn được sử dụng ở các nước đang phát triển. Những loại vaccin đó cho thấy có nhiều tác dụng phụ nên đã được thay thế hoàn toàn bằng các loại vaccin khác ở Mỹ. Ngoài ra, Tdap là một loại vaccin đã được khuyến cáo sử dụng cho những người có độ tuổi 19-64 tuổi ở Mỹ để tăng cường khả năng miễn dịch đang bị suy yếu dần. Cần lưu ý là d, a p là những chữ cái viết thường vì lượng độc tố đã bị bất hoạt của bạch hầu và kháng nguyên vô bào ho gà ít hơn so với vaccin được sử dụng từ lúc còn thời thơ ấu.
Legionella pneumophila (Viêm phổi do Legionella)
Legionella pneumophila là một trực khuẩn Gram âm hiếu khí rất nổi tiếng vì đã gây ra cơn bùng phát viêm phổi ở một binh đoàn lính lê dương Mỹ (American Legion) tại Philadelphia vào năm 1976 (giống như tên gọi của nó). Vi khuẩn này có mặt khắp nơi trong tự nhiên và trong môi trường nước nhân tạo. Việc hít phả  không khí bị nhiễm gây dẫn đến sự nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát bệnh đãđược xác định bao gồm như hệ thống máy điều hòa, tháp giải nhiệt (trong sản xuất công nghiệp, nhà máy điện…), xoáy nước (whirlpool). Thậm chí các đợt bùng phát còn liên quan đến việc vi khuẩn phát triển bên trong đầu vòi sen và máy phun sương ở các siêu thị!!! Sự lây truyền từ người sang người vẫn chưa được làm rõ.

Giống như Mycobacterium tuberculosis thì đây cũng là loại vi khuẩn ký sinh nội bào tùy ý khi chúng cư trú ở đường hô hấp và bị “nuốt chửng” bởi các đại thực bào. Điều này có nghĩa là khi đã bị thực bào, chúng gây ức chế chức năng tiêu hủy của lysosom để tồn tại và thực hiện sự phân chia bên trong tế bào.
Có 2 điều thú vị nhưng cũng hiếm gặp về
Legionella mà cần phải quan tâm: Thứ nhất đó là Legionella pneumophila là vi khuẩn ký sinh nội bào tùy ý sống tự do bên trong các loài amip (giống như Naegleria Acanthamoeba; xem thêm tại Chương 31). Legionella sẽ nhân lên gấp hàng nghìn lần ở bên trong amip và khi các bào nang amip (amoeba encyst) gặp điều kiện môi trường không thuận lợi thì các Legionella sẽ được bảo vệ. Điều thú vị thứ 2 đó là Legionella có thể chuyển thành trạng thái trao đổi chất ở mức thấp và sống bên trong một màng sinh học (biofilm). Khi màng sinh học vỡ ra thì có thể giải phóng lượng lớn vi khuẩn Legionella vào trong nước.
Legionella là nguyên nhân gây ra các bệnh lý khác nhau từ nhiễm khuẩn không có triệu chứng và một loại bệnh lý giống cúm được gọi là sốt Pontiac cho đến viêm phổi cấp tính được gọi là bệnh Legionnaire.
1)
Sốt Pontiac: Giống như trong bệnh cúm, thì bệnh này cũng bao gồm các triệu chứng như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi sau đó sốt và ớn lạnh. Sốt Pontiac xảy ra một cách đột ngột và hồi phục hoàn toàn trong vòng chưa tới 1 tuần. Sốt Pontiac đã được tên theo sự kiện khi chúng đã gây ra cho khoảng 95% nhân viên của Cục Y tế Hạt ở thành phố Pontiac, thuộc tiểu bang Michigan. Tác nhân gây ra đợt tấn công đó đã được xác minh chính là Legionella pneumophia đã lây truyền thông qua hệ thống máy điều hòa không khí.
2)
Bệnh Legionnaire: Bệnh nhân tiến triển thành những cơn sốt cao và viêm phổi cấp tính. Legionella pneumophila là một nguyên nhân phổ biến gây nên viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, nó chiếm khoảng 0,5 – 10% các trường hợp viêm phổi đã được ghi nhận (có lẽ con số ước tính chính xác nhất là khoảng 2%). Khi chúng gây ra một hội chứng đông đặc điển hình trong viêm phổi thùy thì có thể khó mà phân biệt được với viêm phổi do nhiễm phế cầu do chúng có một số yếu tố ít phổ biến như là sốt gây mạch nhiệt phân ly (pulse temperature dissociation) (sốt cao nhưng nhịp tim thấp), đau đầu cấp, suy sụp, đau cơ. Đôi khi còn xảy ra hội chứng tiêu cơ vân cấp (rhabdomyolysis) (các cơ bị phá hủy do tăng nồng độ enzym CPK trong huyết thanh và tăng myoglobin trong nước tiểu), ho (do tăng tiết đờm mủ), giảm Natri máu (hyponatremia), giảm Phospho máu (hypophosphotemia) và men gan cao (AST, ALT, phosphatase kiềm, LDH). Có thể còn xảy ra đau bụng và tiêu chảy. Có lúc các triệu chứng toàn thân như sốt, đau cơ, suy sụp, đau bụng và tiêu chảy xảy ra trước các triệu chứng ở phổi dẫn đến việc chẩn đoán nhầm sang cúm
hoặc cơn đau bụng cấp. Để tiêu diệt được vi khuẩn này thì các kháng sinh phải vào được bên trong đại thực bào, nơi vi khuẩn
Legionella đang lẩn trốn. Nhóm β-lactam và aminoglycosid không thể làm được điều này vậy nên những nhóm kháng sinh chủ yếu dùng để điều trị nhiễm khuẩn Legionella pneumophila đó là macrolid (erythromycin, azithromycin, clarithromycin), tetracyclin (doxycyclin) và quinolon (ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin). Chúng gọi đó là những kháng sinh “bảo vệ không điển hình” khi chúng có tác dụng lên những khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Legionella Chlamydia, tất cả đều gây ra viêm phổi không điển hình -bên cạnh viêm phổi do nhiễm virus- (đặt tên là viêm phổi không điển hình bởi vì nhóm penicillin không có tác dụng lên các chủng gây ra viêm phổi không điển hình bên trên). Sau đó cố gắng xác định nguồn gốc làm lây nhiễm Legionella. Có lẽ lây nhiễm từ trong hệ thống máy điều hòa không khí thì sao?
11.1. Bảng Tóm Tắt HAEMOPHILUS, BORDETELLA VÀ LEGIONELLA

Bài viết được dịch từ sách ” Clinical Microbiology made ridiculously simple “.

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …