[Xét nghiệm 55] Hormon cận giáp (PTH)

Rate this post

HORMON CẬN GIÁP (PTH)

(Parathormone / Parathyroid Hormone)

 

NHẮC LẠI SINH LÝ

Hormon cận giáp (PTH) là một hormon peptid được các tế bào chính của tuyến cận giáp sản xuất. PTH đóng vai trò chính trong duy trì nộng độ canxi và phospho trong cơ thể. Tình trạng cân bằng này được thực hiện bằng cách kiểm soát nồng độ canxi ion hóa trong máu và các dịch cơ thể thông qua tăng sản xuất 1,25 dihydroxy vitamin D của thận, kích thích ruột tăng hấp thu canxi, tăng huy động canxi và phospho từ xương (do làm tăng hoạt tính của hủy cốt bào) và ống thận tăng tái hấp thu canxi và bài tiết phospho (giảm thanh thải canxi của thận).

Nửa đời sống của PTH là < 5 phút. PTH nguyên vẹn (intact hormone) có 84 acid amin và có thể bị giáng nhanh bởi quá trình thủy phân protein thành 3 đoạn phân tử bao gồm đoạn tận N (N-terminal), đoạn tận C (C-terminal) và đoạn ở giữa. Hoạt tính sinh học nằm ở 34 acid amin tận đầu tiên. Tuy nhiên, PTH nguyên vẹn là dạng hormon thường được định lượng. Nồng độ trong máu của hormon này phản ánh hoạt động chức năng của tuyến cận giáp. Nồng độ canxi hóa trong máu ức chế tình trạng tiết PTH.

 

MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

  1. Giúp cho chẩn đoán tình trạng rối loạn chức năng tuyến cận giáp (Chẩn đoán phân biệt cường chức năng và suy chức năng cận giáp).
  2. XN được chỉ định để đánh giá các BN có nồng độ canxi máu bết thường và để theo dõi tình trạng bệnh lý có thể có tác động tới nồng độ canxi máu (vd: suy thận mạn).

 

CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

XN được thực hiện trên huyết tương.

BN được yêu cầu nhịn ăn 8-10h trước khi lấy máu xét nghiệm. Nồng độ PTH thay đổi trong ngày (nồng độ đỉnh xảy ra vào khoảng 2h sáng). Mẫu bệnh phẩm thường được lấy vào khoảng 8-10h sáng để tách biệt tối đa giữa giá trị bình thường và người có tình trạng cường cận giáp tiên phát nhẹ.

 

GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

10-60 pg/mL hoặc 10-60 ng/L

 

TĂNG NỒNG ĐỘ PTH

Các nguyên nhân chính thường gặp:

  • Cường cận giáp tiên phát và thứ phát
  • Giả suy cận giáp (pseudohypoparathyroidism)
  • Giảm hấp thu canxi
  • Suy thận mạn
  • Sản xuất PTH lạc chỗ
  • Giảm canxi máu
  • Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú
  • Có thai
  • Tăng thải canxi trong nước tiểu do thận (renal hypercalciuria)
  • Còi xương
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi
  • Thiếu hụt vitamin D, tình trạng phụ thuộc vitamin D bẩm sinh (hereditary vitamin D dependency) typ 1 và 2
  • Hội chứng Zollinger – Ellison
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy có tính gia đình
  • Hội chứng MEN typ I, IIa, IIb

 

GIẢM NỒNG ĐỘ PTH

Các nguyên nhân chính thường gặp:

  • Suy cận giáp tự miễn (autoimmune hypoparathyroidism)
  • Bệnh nhiễm độc giáp (bệnh Basedow)
  • Tăng canxi máu không do nguyên nhân cận giáp và không có tình trạng suy thận
  • Hội chứng nhiễm kiềm do uống sữa (milk-alkali syndrome)
  • Sau cắt tuyến cận giáp
  • Bệnh sarcoidose (sarcoidosis)
  • Ngộ độc vitamin A và D
  • Giảm magie máu
  • Hiarm canxi máu thoáng qua ở trẻ sơ sinh (transient neonatal hypocalcemia)
  • Hội chứng DiGeorge

 

CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

  • Một số yêu tố có thể tác động tới nồng độ PTH: có thai, đang trong thời kì cho con bú, tăng lipid máu và dùng chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình trong vòng 1 tuần trước đó.
  • Các kết quả thấp giả tạo có thể xảy ra sau khi BN  uống sữa.
  • Các thuốc gây ngủ an thần (vd: propofol [Diprivan]) có thể gây hạ thấp giả tạo giá trị PTH.
  • Tình trạng tan máu trong ống nghiệm, tăng lipid máu và tăng bilirubin máu có thể làm sai lạc kết quả.
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ PTH: thuốc chống co giật, furosemid, isoniazid, lithium, rifampin, steroid, thuốc lợi tiểu loại thiazid và các thuốc có chứa phosphat.
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ PTH: Cimetidin, propranolol.

 

LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG NỒNG ĐỘ PTH

  1. XN rất hữu ích để chẩn đoán các tình trạng cường chức năng và suy chức năng tuyến cận giáp, nhất là khi tiến hành đồng thời các XN đánh giá chuyển hóa phospho-canxi và chức năng thận (creatinin máu).
  2. Các tính trạng tăng canxi máu do ung thư rất hãn hữu có đi kèm với tăng nồng độ PTH máu.
  3. XN rất nhạy để phát hiện tình trạng ức chế PTH bởi 1,25 dihydroxy vitamin D, vì vậy được sử dụng để theo dõi trong quá trình điều trị suy thận mạn.
  4. Test định lượng nồng độ PTH trong khi mổ giúp xác định khả năng lấy bỏ tổ chức bài xuất bất thường PTH: XN này có thể thay thế cho XN cắt lát đông lạnh thường quy và thủ thuật thăm dò 4 tuyến cận giáp truyền thống, giúp phân biệt giữa bệnh lý một tuyến cận giáp duy nhất hay nhiều tuyến.
  5. Thử nghiệm định lượng PTH trước mổ và 10-20 phút sau mổ cắt tuyến cận giáp để đánh giá mức độ thành công của phẫu thuật: giảm 50-75% nồng độ PTH, chỉ dẫn cắt bỏ thành công u tế bào biểu mô cận giáp.

 

CÁC HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH LÂM SÀNG DỰA TRÊN Y HỌC BẰNG CHỨNG

Không nên đánh giá đơn độc nồng độ PTH. Do PTH có tác động tới cả nồng độ canxi và phospho, vì vậy thường cần đánh giá nồng độ của cả 2 ion này. Do chức năng thận có thể có tác động tới nồng độ PTH, do đó cũng cần theo dõi nồng độ creatinin huyết thanh. Tóm lại, cần định lượng nồng độ canxi, phospho huyết thanh và nồng độ PTH trong huyết tương ở tất cả các BN bị bện hthaajn mạn tính có mức lọc cầu thận < 60mL/min/1,73m2

Advertisement

 

CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG

– Dấu hiệu nồng độ canxi máu bình thường – cao tiếp diễn đi kèm với một nồng độ PTH bình thường – cao (hoặc ngược lại một nồng độ canxi máu bình thường – thấp đi kèm với nồng độ PTH bình thường – thấp) đòi hỏi phải được đánh giá thêm. Đối với PTH, mặc dù bản thân nồng độ hormon này có thể trong giới hạn bình thường, song vẫn có thể được coi là tương đối cao (hoặc thấp) một cách không tương xứng với nồng độ canxi lưu hành.

– Khi tăng nồng độ PTH và canxi huyết thanh, BN có nguy cơ bị các tình trạng bệnh lý như:

  • Sỏi thận do tăng canxi niệu
  • Loãng xương do mất canxi của xương
  • Suy thận
  • Tăng huyết áp

 

 

Nguồn: “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” – do PGS.TS Nguyễn Đạt Anh và Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương biên soạn.

Xem tất cả xét nghiệm tại:http://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/xet-nghiem/

 

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …