[Y học thường thức] Siêu âm dây rốn cuộn quá mức

Rate this post

Siêu âm dây rốn cuộn quá mức

BS. Trần Văn Phúc

 

Để làm một bác sĩ siêu âm, bạn phải có đôi mắt thật sáng. Với những mẹ bầu, chỗ dựa vững chắc nhất không phải là người chồng, cũng chẳng phải bố mẹ sinh ra mình, mà đó là bác sĩ siêu âm.
Hơn 20 năm làm bác sĩ, không ít lần tôi phải trở thành “hiệp sĩ” dũng cảm, hoặc là ngăn chặn tính mạng của những đứa trẻ chết vì những lưỡi dao, hoặc cứu những hài nhi thoát chết trước khi được sinh ra.
Ai cũng nghĩ bác sĩ siêu âm chỉ ngồi mân mê nghịch ngợm cái đầu dò bằng cổ tay, rồi xem những hình ảnh đen và trắng, chẳng có gì là cao siêu. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Bác sĩ siêu âm sản khoa phải có con mắt nhìn thấu sự đời, bởi suy cho cùng, một sinh mạng bị đánh mất vì những sai lầm của bác sĩ siêu âm, một sinh linh bé nhỏ sẽ không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Hôm nay, nhân có đồng nghiệp là bác sĩ hỏi tôi về dây rốn bị cuộn quá mức, đây là một bất thường có thể gây chết đứa trẻ nếu không được theo dõi sát để mổ lấy thai khi bắt đầu có biểu hiện tai biến, vì thế mà tôi quyết định viết một bài nói riêng về chủ đề này.
Tôi nhớ rằng, cũng vào khoảng thời điểm này năm ngoái, một bạn nhân viên bên SYT nhờ tôi siêu âm cho người bạn, bởi trước đó siêu âm nơi khác có kết quả nghi ngờ dị tật dính ngón tay.
Người mẹ này đã 30 tuổi, đang cố gắng để có thai, siêu âm đúng tuần thứ 25 bác sĩ nói cần vào viện chọc ối và làm các thủ thuật khác để chẩn đoán bất thường nhiễm sắc thể. Những người đọc Facebook của tôi ở đây, tôi biết có một số bà mẹ, chắc ai cũng hiểu cái cảm giác của tôi và người phụ nữ đó.
Tôi chẳng thể quên ánh mắt của người mẹ ấy, nó u sầu thảng thốt, biểu hiện của một người mất ngủ và trầm cảm. Chưa kịp chia sẻ gì nhiều với tôi, cô ấy đã bật khóc, những giọt nước mắt tràn ướt khuôn mặt nhưng không che được nỗi thất thần.
Thực ra cô ấy tìm đến tôi để mong có một tia hi vọng.
Trong cuộc đời làm bác sĩ, tôi đã từng gặp những trường hợp chẩn đoán bất thường thai nhi kinh khủng hơn, ví dụ có em bé mẹ cũng là đồng nghiệp của tôi, chẩn đoán bị ung thư từ tuần thứ 22 trong buồng tử cung và bác sĩ khuyên nên bỏ thai, nhưng tôi đã kết luận đó là khối u lành tính và nhiều khả năng đứa trẻ sinh ra u sẽ tự thoái triển.
Sau này em bé hoàn toàn bình thường.
Điều đó làm tôi rất vui, vì khả năng phán đoán và hiểu biết mà tôi có được, đã giành lại một mạng sống.
🍁🍁🍁🍁🍁🍁
Tôi bắt đầu siêu âm thai theo tuần tự protocol.
Ngoài dị tật dính ngón tay và ngón chân cả 2 bên, còn kèm theo các dị tật phức tạp khác; và câu chuyện bắt đầu trở nên rắc rối.
Dây rốn của em bé tôi phát hiện cuộn chặt lại như chiếc thừng!
Bạn đọc hãy tưởng tượng, dây rốn có thể được gọi một cách khéo léo đó là dây sống của thai nhi trong suốt cuộc đời nằm trong buồng tử cung. Nếu bị cuộn quá mức mà không được chẩn đoán sớm, có thể dây rốn sẽ gây ra nỗi khốn khổ cho em bé, thậm chí phải trả giá bằng cái chết.
Tôi xin giới thiệu qua về cấu trúc giải phẫu.
Dây rốn bình thường có 3 mạch máu, gồm 2 động mạch và 1 tĩnh mạch, cuộn theo chiều của ốc vít từ bánh rau hướng đến phía em bé, tức là xoáy từ trái qua phải.
Siêu âm cho bà mẹ tôi phát hiện thấy, dây rốn cuộn ngược lại, tức là chiều xoay từ phải sang trái, chỉ khoảng 15% thai nhi có dây rốn xoay ngược chiều kim đồng hồ như vậy.
Tại sao dây rốn không duỗi thẳng ra?
Vào năm 1696, nhà toán học John Bernoulli đã đưa ra một bài toán, ngay lập tức nó trở thành cha đẻ của ngành giải tích trên cơ sở các bài toán cực trị.
John Bernoulli đặt vấn đề: Nếu có một quả bóng nhỏ chạy theo một đường nhất định từ điểm A đến điểm B, với điều kiện A và B không trùng phương thẳng đứng, hỏi đường đi có hình dạng như thế nào thì quả bóng chuyển động với thời gian ngắn nhất.
Bài toán này giống như máu của người mẹ chuyển động từ bánh rau đến thai nhi phải theo đường đi thế nào là tối ưu nhất. Chắc chắn chúng ta đều nghĩ rằng, từ điểm A đến điểm B, chỉ có đi theo đường thẳng là nhanh nhất. Nhưng qua thực nghiệm lại không đúng như vậy, từ điểm A đến điểm B có những đường vòng đi nhanh hơn, vậy đường vòng nào mới là nhanh nhất.
Bài toán này là một thách đố nổi tiếng!
Nhà bác học Newton đã suy nghĩ rất nhiều về bài toán này, cuối cùng ông đã giải quyết nó nhưng chưa thực sự tự tin, vì thế mà ông quyết định xuất bản ẩn danh trên Tạp chí Triết học của Đại học Cambridge, với luận cứ từ điểm A đến điểm B đi theo đường vòng có thể nhanh hơn đường thẳng.
John Bernoulli đã sốc trước lời giải của Newton, mặc dù nó chưa đầy đủ, phải được nhà toán học vĩ đại nhất thế kỉ 18 là Euler hoàn thiện bằng phương trình biến phân, bao gồm các tổ hợp tích phân và vi phân đường cong mang tên phương trình Euler.
Dây rốn bình thường đã cuộn theo đường cong kì lạ đó.
Đến đây, chúng ta đã hiểu rằng nếu dây rốn duỗi thẳng ra, thì đó là trường hợp bất thường, báo hiệu hàng loạt những tình trạng bệnh lí của thai nhi.
Nhưng tại sao dây rốn lại uốn theo chiều ốc vít?
Câu trả lời không khó, đó chính là hiệu ứng coriolis với nguyên lí dưới nhìn lên trên sẽ xoay theo chiều kim đồng hồ, trên nhìn xuống dưới sẽ ngược lại.
Nếu bạn đọc leo cầu thang sẽ thấy xoáy trôn ốc chiều kim đồng hồ, nước hay bão xoáy cũng vậy, ốc vít, cánh quạt quay, rồi mọi thứ trong tự nhiên dù muốn dù không đều tuân theo quy luật này.
Và dây rốn của thai nhi cũng xoay theo chiều kim đồng hồ!
Nhưng dây rốn cuộn đến một mức độ nhất định, vượt quá mức độ đó thì dòng máu sẽ bị cản trở, lúc đó là tình trạng bất thường, có thể gây ra một loạt những hệ lụy cho thai nhi.
🍁🍁🍁🍁🍁🍁
Tôi tiếp tục phát hiện dây rốn của em bé cuộn quá mức.
Tài liệu y khoa lần đầu tiên đề cập đến dây rốn bị cuộn quá mức, do Berengarius mô tả, vào năm 1521. Nhưng phải mãi năm 1954, Edmonds mới dùng thuật ngữ “Chỉ số xoắn – Index of twist” để mô tả những trường hợp dây rốn cuộn quá mức này.
Trong thực tế chữ “twist – xoắn” là không phù hợp.
Dây rốn bị xoắn (twisting of the umbilical cord) là một tình huống tai nạn dây rốn khẩn cấp, nghĩa là dây rốn đang bình thường tự dưng vì lí do nào đó nó bị xoắn lại đột ngột ở một vị trí, làm cho nguốn cấp máu thai nhi bị chặn lại, dẫn đến thai bị chết.
Bài viết này tôi không đề cập đến dây rốn bị xoắn.
Năm 1994, Jr Strong đã đề xuất thuật ngữ thay thế “Chỉ số cuộn dây rốn – Umbilical coil index” viết tắt là UCI.
Như vậy, về mặt thuật ngữ tôi có quan điểm không dùng chữ “xoắn – twist” trong trường hợp của bài viết này, mà đề xuất của tôi là:
👉 Hypocoiled umbilical cord = dây rốn cuộn ít.
👉 Hypercoled umbilical cord = ây rốn cuộn quá mức.
Tiêu chí để chẩn đoán xác định dây rốn cuộn ít, hoặc dây rốn cuộn quá mức, bắt buộc phải dựa vào chỉ số cuộn dây rốn (UCI).
🍀 CHỈ SỐ CUỘN DÂY RỐN (UCI)
Năm 1995, Degani S đã đưa ra cách tính chỉ số cuộn dây rốn UCI. Theo đó, UCI là nghịch đảo của số đo chiều dai một cuộn dây rốn tính bằng cm.
👉 UCI = 1/d
Theo tôi, cách tính này sáng sủa về mặt ngữ nghĩa, nhưng rõ ràng phép đo chiều dài của 1 cuộn sẽ có độ lệch lớn hơn nhiều so với phép đo trung bình cộng.
Bởi vậy, tôi đề xuất cách do UCI là số cuộn dây rốn chia cho chiều dài của các cuộn dây rốn đó, về bản chất giống hệt Degani.
👉 Kĩ thuật siêu âm: Chọn đoạn dây rốn thẳng nhất, quan sát rõ nhất, lát cắt dọc theo dây rốn, nếu đường kính tĩnh mạch rốn và động mạch rốn không có sự khác biệt thì bắt buộc phải phổ Doppler màu.
👉 Cách đo: Chọn các vòng tròn là tĩnh mạch rốn có đường kính lớn hơn, hoặc tĩnh mạch có một màu khác biệt so với 2 động mạch có chung màu, đánh dấu vào điểm giữa mỗi tĩnh mạch, như trong ảnh tôi đã đánh dấu, sau đó chỉ việc đo chiều dài d của số cuộn n.
Advertisement
👉 UCI = n/d
Thai nhi 3 tháng cuối dây rốn ổn định, tai biến cũng hay xảy ra trong thời kì này. Tuy nhiên, siêu âm có thể phát hiện sớm hơ ở tuần thứ 22.
🍁🍁🍁🍁🍁🍁
UCI < 0,15 là dây rốn cuộn ít.
UCI từ 0,15 – 0,33 là dây rốn bình thường.
UCI > 0,33 là dây rốn cuộn quá mức.
Người phụ nữ nhờ tôi siêu âm, thật buồn, chỉ số cuộn dây rốn UCI = 0,45 nên toàn bộ dây rốn hình dây thừng, nó bị rút ngắn lại, căng ra. Thời điểm tôi siêu âm đã thấy tại vị trí bánh rau bắt đầu có dấu hiệu bị bong, đây là điểm yếu dễ gây đứt dây rốn nên khi siêu âm dây rốn cuộn quá mức phải rất chú ý, cả chỗ dây rốn bám vào bụng thai nhi cũng dễ bị đứt.
Có 4 kiểu dây rốn cuộn quá mức: nhấp nhô, dây thừng, phân đoạn và liên kết, mỗi kiểu đều có các vết lõm sâu dần về đường kính dây rất đặc trưng; mỗi kiểu lại gây ra những hệ lụy khác nhau.
Ví dụ bà mẹ mà tôi đang kể, thật không may, dây rốn cuộn chặt như chiếc thừng, nó lại cuốn quanh cổ làm cho bào thai bị thắt cổ trên chính dây rốn của mình.
Thai nhi bị chết lưu chỉ sau đó vài ngày.
🍀 🍀 KẾT LUẬN
Dây rốn là sự kết nối giữa thai nhi với quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi đứa trẻ sinh ra, dây rốn bị cắt đứt khỏi cơ thể người mẹ, hài nhi bắt đầu một cuộc sống tự sinh và tự thoái hóa.
Siêu âm dây rốn còn rất nhiều vấn đề, nhưng không hề khó, các đồng nghiệp của tôi ở mọi nơi đều làm rất tốt, thậm chí làm tốt hơn tôi rất nhiều.
Bản thân tôi thời phổ thông không có ý định làm bác sĩ, những người trong xóm khuyên tôi ở nhà đi cày, tôi đã chọn cho mình con đường làm ruộng. Nhưng vì sức khỏe của tôi thời điểm đó quá yếu, sau khi thử nhiều công việc chân tay nhưng không làm nổi, cuối cùng tôi phải đi học nghề bác sĩ. Đôi khi công việc là duyên số, làm nhiều có chút kinh nghiệm, nên tôi xin chép ra đây để các bạn đọc cho vui, một số bạn trẻ mới vào nghề tham khảo thêm.
Tôi xin được nhắc lại bài viết chỉ là kỉ niệm cá nhân tôi, không phải là kiến thức y khoa kinh điển để khuyến cáo, nên chỉ có giá trị tham khảo.

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Y học đời sống] Mối liên quan giữa ăn sáng và viêm loét dạ dày tá tràng

Mối liên quan giữa ăn sáng và viêm loétdạ dày tá tràng Chào các bạn, …