[Y khoa cơ bản] Bài 5: Hệ da

Rate this post

I. MỤC TIÊU

■ Gọi tên hai lớp chính của da và mô cùng các thành phần cấu tạo. Định rõ vị trí và mô tả được chức năng lớp tế bào mầm và lớp sừng. Mô tả chức năng của tế bào Langerhans. Mô tả chức năng của tế bào sắc tố và melanin.
■ Mô tả chức năng của lông và móng.
■ Gọi tên các thụ thể trên da và giải thích tầm quan trọng của chúng.
■ Mô tả chức năng tuyến bã, tuyến mồ hôi.
■ Mô tả phản ứng của các tiểu động mạch ở lớp hạ bì da với nóng, lạnh và stress.
■ Gọi tên các thành phần cấu tạo lớp hạ bì và mô tả chức năng của chúng.

 

II. THUẬT NGỮ

1.Thuật ngữ mới:

  • Arterioles : Tiểu động mạch
  • Ceruminous gland/cerumen : Tuyến ráy tai
  • Dermis : Trung bì
  • Eccrine sweat gland : Tuyến mồ hôi
  • Epidermis : Thượng bì
  • Hair follicle : Nang lông
  • Keratin : chất sừng Melanin
  • Melanocyte : Tế bào sắc tố
  • Nail follicle : Móng
  • Papillary layer: Lớp nhú
  • Receptors : Thụ thể
  • Sebaceous gland/sebum : Tuyến bã
  • Stratum corneum : Lớp sừng
  • Stratum germinativum : Lớp mầm
  • Subcutaneous tissue : Mô dưới da
  • Vasodilation: Co mạch
  • Vasoconstriction: Giãn mạch

2.Thuật ngữ lâm sàng:

  • Acne: Mụn
  • Alopecia : Rụng tóc
  • Biopsy : Sinh thiết
  • Carcinoma : Ung thư tế bào biểu mô
  • Circulatory shock : Sốc tuần hoàn
  • Decubitus ulcer : Loét tư thế nằm
  • Dehydration Mất nước
  • Eczema : Chàm
  • Erythema : Hồng ban
  • Histamine
  • Hives : Mề đay
  • Inflammation: Viêm
  • Melanoma : U hắc tố
  • Nevus : Vết bớt
  • Pruritus : Ngứa

 

III. NỘI DUNG

Một vết muỗi đốt, một vết bỏng nắng đau đớn, một mái tóc đẹp… Mặc dù có những tên lạ lẫm, da là một hệ thống cơ quan rất quen thuộc với chúng ta. Cơ quan này bao gồm những cấu trúc ta có thể nhìn thấy được: da, tóc và móng. Một phần của hệ thống mà chúng ta không nhìn thấy được là các tuyến như tuyến mồ hôi, các thụ thể cảm giác và các mô dưới da. Hệ thống da như một lớp màng bao bọc cơ thể và là hàng rào ngăn cách môi trường bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài. Da được cấu thành từ nhiều loại mô khác nhau. Phần mô “chết” ngăn cản sự xâm nhập của các chất độc hại, phần mô “ sống” có vai trò rất khác nhau trong việc duy trì cân bằng nội môi. Mô dưới da nằm ngay dưới lớp da có vai trò kết nối da với lớp cơ và có chức năng cũng quan trọng không kém.

1.DA

Hai lớp chính của da là lớp thượng bì ở bên ngoài và hạ bì ở trong, mỗi lớp được cấu tạo từ các loại mô khác nhau và đảm nhiệm các chức năng khác nhau.

Thượng bì
Lớp thượng bì được cấu tạo từ biểu mô vảy sừng hóa và nó dày nhất ở da lòng bàn tay, bàn chân. Các tế bào nhiều nhất ở lớp này là các tế bào sừng, và
không có mao mạch giữa các tế bào này. Thay vào đó các tế bào sừng liên kết với nhau bằng các “thể nối” được tạo thành từ các protein màng. Mặc dù lớp
thượng bì có thể chia làm 4 hay 5 lớp nhỏ hơn, hai trong số đó quan trọng nhất: lớp trong cùng- lớp mầm và lớp ngoài cùng- lớp sừng.

Lớp mầm
Lớp mầm còn được gọi là lớp đáy. Tên gọi cho ta biết cơ bản về lớp này. “ Mầm” nghĩa là sự nảy mầm, sự phát triển. “ Đáy” nghĩa là lớp cơ sở hoặc phần thấp
nhất. Lớp mầm là lớp đáy, lớp trong cùng của thượng bì nơi xảy ra sự phân bào. Các tế bào mới liên tục được sinh ra, đẩy các tế bào già cỗi đi về phía mặt da.
Các tế bào này sinh ra một loại protein gọi là keratin, và chúng chết khi cách mao mạch lớp trung bì quá xa. Khi chúng chết và bị loại bỏ khỏi bề mặt da, chúng bị thay thế bởi các tế bào từ các lớp ở trong. Nằm giữa lớp sừng và lớp mầm là các tế bào rất khác nhau, gọi là tế bào Merkel ( hay đĩa Merkel), đây là những thụ thể cảm giác sờ.

Các tế bào sừng còn hoạt động có khả năng tổng hợp các peptid kháng khuẩn gọi là defensin. Bất kì một thương tổn nào trên da cũng sinh ra chất này và các chất hóa học khác- như một phần của phản ứng viêm. Defensin phá vỡ màng của các tác nhân gây bệnh- ví dụ như vi khuẩn mà chúng có lẽ xâm nhập
vào cơ thể bằng cách phá vỡ hàng rào bảo vệ làn da. Các tế bào này cũng sản sinh ra một loại vitamin: các tế bào có chứa cholesterol -khi tiếp xúc với tia tử
ngoại được chuyển thành vitamin D. Vitamin này được chuyển hóa lần nữa tại gan và thận. Ở thận nó tồn tại ở dạng hoạt chất mạnh nhất là 1, 25-D hay calcitriol, chất này còn được xem như một hormon. Đây là lý do tại sao vitamin D con được gọi là “Sunshine” vitamin. Những người không tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời cần nhiều vitamin từ thức ăn như sữa. Nhưng ánh sáng mặt trời mới là nguồn tổng hợp vitamin D tốt nhất, chỉ cần tắm nắng 15 phút vài ngày trong tuần là đủ lượng vitamin D cần thiết cho bạn. Lượng vitamin thừa sẽ được dự trữ ở trong gan ( vitamin D là một vitamin tan trong dầu, nếu thừa vitamin D gây độc với cơ thể.)

Vitamin D rất quan trọng trong quá trình hấp thu canxi và phopho tại ruột- 2 chất cần thiết để tạo khung xương và răng. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng vitamin D cũng góp phần vào các quá trình quan trọng khác trong cơ thể: duy trì sức mạnh cơ bắp, đặc biệt ở người cao tuổi; hoạt động của insulin trong việc duy trì đường huyết. Vitamin D bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây ung thư, chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây ra. Ví dụ, những người thiếu vitamin D dường
như dễ bị nhiễm lao và cúm hơn. Vitamin D kích thích các tế bào da và bạch cầu sản xuất ra cathelicidin, một chất kháng khuẩn tự nhiên làm thủng màng/ vách của
mầm bệnh. Vẫn còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu về vitamin này.

Lớp sừng
Lớp sừng là lớp ngoài cùng của thượng bì, bao gồm nhiều lớp tế bào chết. Tất cả những gì còn lại trong tế bào lớp này là keratin. Keratin tương đối chống thấm
nước, vì vậy mặc dù không được coi như một lớp “nhựa” bao bọc cơ thể, nó ngăn cản hầu hết sự bay hơi của cơ thể. Quan trọng không kém là keratin cũng ngăn chặn sự xâm nhập của nước vào cơ thể. Nếu không có lớp keratin này, chúng ta không thể nào đi bơi hay thậm chí là tắm mà không làm hỏng các tế bào trong cơ thể mình.

Lớp sừng cũng là một hàng rào bảo vệ cơ thể trước hóa chất và các tác nhân gây bệnh. Hầu hết các hóa chất, trừ những chất có tính ăn mòn như acid, chúng không thể phá hủy da để đi tới các mô sống ở trong. Một ngoại lệ đau đớn là nhựa của cây thường xuân. Loại nhựa này xâm nhập vào da và khởi phát cho một phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm. Trên da xuất hiện các nốt phồng được gọi là ban và nó là một triệu chứng của dị ứng. Ban của thường xuân trở thành mụn nước và rất ngứa.

Nhớ lại từ Chương 1 rằng bề mặt da của chúng ta là một microbiome, là môi trường cho vi sinh vật sinh sống. Có hàng trăm loài vi khuẩn cư trú trên bề mặt da của chúng ta, chúng không gây hại miễn là chúng vẫn ở bên ngoài cơ thể. Lớp sừng còn nguyên vẹn cùng các thể nối liên kết chặt chẽ các tế bào sừng với nhau ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Hầu hết vi khuẩn và các vi sinh vật khác không thể xâm nhập qua làn da còn toàn vẹn. Một số loài vi sinh vật kí sinh có lợi với cơ thể, sự có mặt của chúng trên da cùng các chất hóa học chúng tiết ra giúp ngăn cản hầu hết các loại vi khuẩn và nấm xâm nhập vào da gây ra nhiễm trùng.

Lớp biểu bì cũng góp phần kiểm soát quần thể vi sinh vật này : các tế bào chết bong ra khỏi bề mặt da góp phần loại bỏ các vi sinh vật, các acid béo trong bã nhờn
ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Tầm quan trọng của lớp sừng thể hiện rõ ràng hơn khi nó bị mất ( xem phần 5-1: Bỏng)

Một số thay đổi nhỏ của lớp thượng bì chắc không xa lạ với các bạn. Ví dụ, khi bạn mang một đôi giày mới, da bàn chân có thể cọ sát với giày. Việc này làm
các lớp thượng bì bị phân tách, hoặc tách lớp thượng bì ra khỏi lớp hạ bì, và dịch mô tích tụ giữa hai lớp này tạo nên một vết phồng rộp. Nếu da bị tì đè, sự phân
bào ở lớp mầm tăng lên và tạo ra lớp biểu bì dày hơn mà chúng ta gọi là chai. Mặc dù vết chai hay xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân hơn, thực tế nó có thể xuất hiện ở bất kì phần nào của da.

Một khái niệm cũng quen thuộc với các bạn là “vân” ở lòng bàn tay và bàn chân. Các nếp của lớp thượng bì và hạ bì rõ ràng nhất là vân tay và vân chân. Chức năng của các vân, các đường chỉ tay này vẫn chưa được tìm hiểu chắc chắn. Một số nhà sinh học cho rằng vân tay giúp ta cầm nắm dễ dàng hơn, một số cho rằng chúng giúp các đầu ngón tay nhạy cảm hơn với kết cấu của vật. Mặc dù dấu vân tay của mỗi cá thể là duy nhất, ,chúng không hằng định. Khi chúng ta già đi, các nếp của lớp thượng bì ít khác biệt hơn và nhiều nếp nhăn mới được hình thành trên bề mặt da.

Tế bào Langerhans
Trong lớp biểu bì có chứa các tế bào Langerhans, còn được gọi là tế bào tua, vì sự xuất hiện chân giả khi di chuyển của chúng. Những tế bào này có nguồn
gốc từ tủy xương và khá di động. Chúng có khả năng thực bào các vật lạ, ví dụ như vi khuẩn xâm nhập vào da qua các vết thương. Sau khi thực bào mầm bệnh, chúng di chuyển tới hạch lympho và trình diện kháng nguyên cho các tế bào lympho- điều này gây ra đáp ứng miễn dịch chẳng hạn như sản xuất kháng thể
(một chất có khả năng gắn vào kháng nguyên và tiêu  diệt chúng). Bởi vì da tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, cơ chế này là một phần quan trọng của
các phản ứng bảo vệ cơ thể, dù nhiều khía cạnh của nó vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Tế bào langerhans là một phần của cơ chế miễn dịch tự nhiên( bẩm sinh), là cơ chế đáp ứng miễn dịch nhanh nhất của cơ thể chúng ta với tác nhân gây bệnh.

Tế bào sắc tố
Một loại tế bào khác được tìm thấy ở lớp đáy của thượng bì đó là tế bào sắc tố ( được mô tả ở hình 5-2). Tế bào sắc tố sản xuất ra một sắc tố gọi là melanin từ tyrosin. Những người có cùng kích thước có số lượng tế bào sắc tố tương đương nhau, mặc dù mức độ hoạt động của các tế bào này có thể khác nhau. Ở những người có làn da tối màu, các tế bào sắc tố liên tục hoạt động tạo ra một lượng lớn melanin. Ở những người có làn da sáng hơn, các tế bào sắc tố tạo ra ít melanin hơn. Hoạt động của các tế bào sắc tố do các yếu tố di truyền quyết định, vì vậy mà màu da là một trong những đặc điểm di truyền của chúng ta.

Sự tổng hợp melanin tăng lên khi làn da của chúng ta tiếp xúc với tia cực tím. Tia này là một phần của ánh sáng mặt trời và gây hại cho các tế bào sống. Lượng melanin sản xuất thêm này được đưa vào các tế bào biểu bì ( tế bào sừng) khi các tế bào này bị đẩy về phía bề mặt da. Điều này làm cho da trở nên tối màu hơn, khiến da như một rào cản làm giảm sự tiếp xúc của lớp tế bào mầm và tế bào Langerhans tự do với tia cực tím. Những người có làn da sáng không có nhiều yếu tố bảo vệ tự nhiên này để chống lại tia cực tím, và khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến da của họ sạm đi và hình thành một lá chắn tạm thời. ( Xem BOX 5-2: Phòng ngừa ung thư da: Các hiểu biết chung và chống nắng). Những người có làn da tối màu đã có sẵn lá chắn bảo vệ họ trước tia cực tím, nhưng điều không may là họ sản xuất được ít vitamin D hơn.

Melanin cũng tạo màu cho lông tóc, dù chức năng bảo vệ của chúng bị giới hạn ở tóc. Hai phần của mắt cũng có màu tạo bởi melanin là mống mắt và lớp bên trong màng mạch của nhãn cầu ( mắt được trình bày ở chương 9). Các chức năng của lớp thượng bì và các tế bào của lớp này được tóm tắt ở Bảng 5-1.

Trung bì
Lớp trung bì được cấu tạo từ các mô liên kết dạng sợi bất thường, “bất thường” ở đây nghĩa là các sợi liên kết này không chạy song song mà đan chéo nhau và
chạy theo mọi hướng. Các tế bào sợi sản xuất cả collagen và elastin. Nhớ lại rằng sợi collagen chắc khỏe và sợi elastin có tính đàn hồi. Chắc và đàn hồi là hai đặc điểm của lớp trung bì. Tuy nhiên, khi tuổi tác ngày càng tăng, sự thoái hóa của các sợi elastin tăng lên làm da mất sự đàn hồi. Khi chúng ta già đi, chúng ta có thể thấy ít nhất một vài nếp nhăn trên da mình. Chỗ nối không bằng phẳng của lớp trung bì với lớp thượng bì gọi là lớp nhú (xem hình 5-1). Các mao mạch ở đây rất dồi dào không chỉ để nuôi dưỡng lớp trung bì mà còn cả lớp đáy. Lớp thượng bì không có các mao mạch cho riêng mình, vì vậy nguồn oxy và dinh dưỡng của các tế bào lớp thượng bì phụ thuộc vào nguồn cung cấp máu trong lớp trung bì. Trong lớp trung bì là các cấu trúc phụ của da: nang lông và móng tay, các thụ thể cảm giác, và một số loại tuyến. Một số cấu trúc này vượt qua lớp thượng bì tới bề mặt da, nhưng phần hoạt động của chúng nằm trong lớp trung bì.

Nang lông
Nang lông được cấu tạo từ mô lớp thượng bì, và quá trình phát triển của lông rất giống với sự tăng trưởng của lớp thượng bì. Tại đáy của mỗi nang là một nhú
da, nó là một chỗ lồi ra của mô liên kết lớp trung bì, có chứa các mạch máu. Ngay phía trên nhú da là chân lông, nó có chứa các tế bào gọi là tế bào nền,nơi mà sự phân bào xảy ra( Hình 5-3). Các tế bào mới tạo ra sản xuất keratin, được nhuộm màu từ melanin, và sau đó thì chết và được hợp nhất vào thân lông và đẩy về phía bề mặt da. Tóc mà chúng ta chải và chải hằng ngày bao gồm các tế bào chết được keratin hóa. Hàng tháng tóc dài ra trung bình từ 0,3 đến 0,4 in (8-10 mm), và cuối cùng nang lông trở nên bất hoạt trước khi có một sợi lông mới đẩy sợi lông cũ ra.

Hàng ngày chúng ta đều bị rụng tóc, ước tính từ 50-100 sợi mỗi ngày. So với các loài động vật có vú khác thì loài người không có nhiều lông. Các chức năng thực của lông người rất hạn chế. Lông mi và lông mày ngăn cản bụi và mồ hôi tiếp xúc với mắt, lông mũi có tác dụng cản bụi. Tóc giúp da đầu cách nhiệt, tuy nhiên lông trên cơ thể chúng ta không còn đảm nhận chức năng này nữa, dù vẫn còn một ít tàn dư trong quá trình tiến hóa. Kèm theo mỗi nang lông là một cơ trơn nhỏ gọi là cơ dựng lông. Khi bị kích thích bởi lạnh hay cảm xúc, ví dụ như sợ hãi, các cơ này sẽ kéo các nang lông dựng thẳng lên( sự dựng lông) Đối với động vật có lông, điều này giúp giữ lại không khí trong lớp lông và tạo nên lớp cách nhiệt dày hơn. Bởi vì loài người không có bộ lông dày, tất cả những phản ứng này chỉ làm chúng ta “nổi da gà” mà thôi.

Nang móng

Được tìm thấy ở các đầu ngón tay và chân, các nang móng tạo ra móng tay, giống như các nang lông tạo ra lông. Sự nguyên phân xảy ra ở lớp đáy của chân móng ( Hình 5-4), các tế bào mới sinh này sản xuất ra keratin và sau đó chết. Mặc dù bản thân móng tay được cấu tạo từ các tế bào chết bị sừng hóa, phần giường móng tay được tạo ra từ lớp thượng bì và trung bì. Đây là lí do vì sao cắt móng tay quá ngắn có thể gây đau đớn. Móng bảo vệ đầu ngón tay và ngón chân khỏi các tác động cơ học và giúp ngón tay tăng cường khả năng gỡ, nhặt các vật nhỏ. Móng tay cũng giúp chúng ta cào. Điều này có vẻ khá quan trọng: cảm giác ngứa có thể báo hiệu sự hiện diện của kí sinh trùng chân khớp như muỗi, ve, bọ chét hoặc rận. Những kí sinh trùng này hút máu, và tất cả chúng đều là những vector tiềm năng truyền các mầm bệnh do vi khuẩn, virus hoặc động vật nguyên sinh gây ra. Một vết cào dứt khoát, nhanh gọn có thể giết chết hoặc ít nhất là loại bỏ kí sinh trùng và ngăn ngừa sự truyền bệnh. Hàng tháng móng tay dài ra khoảng 0,12 in(3mm), và mọc nhanh hơn một chút vào mùa hè.

Receptors
Hầu hết các thụ thể cảm giác cho da nằm ở lớp trung bì( tế bào Merkel nằm trong lớp đáy như tận cùng một số đầu mút thần kinh). Các cảm giác ở da bao gồm:
cảm giác sờ chạm, áp lực, nóng lạnh, ngứa và đau. Mỗi cảm giác có một loại thụ thể riêng biệt, đó là một cấu trúc có khả năng phát hiện sự thay đổi tương ứng
từng loại cảm giác. Đối với cảm giác nóng lạnh, ngứa và đau thụ thể là các đầu mút thần kinh trần. Đối với cảm giác về sờ chạm và áp lực thụ thể là các đầu dây
thần kinh được bao bọc lại( tiểu thể), nghĩa là xung quanh đầu dây thần kinh cảm giác được cấu trúc tế bào bao bọc lại (xem hình 5-1). Mục đích của các thụ thể và cảm giác này là cung cấp cho hệ thần kinh trung ương thông tin về môi trường bên ngoài và tác động của nó lên da. Các thông tin này có thể kích thích tạo một đáp ứng, ví dụ như rửa sạch vết thương, gãi vết đốt của côn trùng hay mặc áo len khi thấy lạnh. Độ nhạy cảm của một vùng da được xác định bằng số lượng thụ thể hiện diện tại vùng da đấy, hay mật độ của thụ thể. Hãy tưởng tượng về mật độ nhà ở ở thành phố so với ở nông thôn. Nếu một thiên thạch rơi vào thành phố, xác suất rơi trúng ngôi nhà là rất cao, nhưng nếu nó rơi ở nông thôn, nhiều khả năng nó sẽ rơi vào khoảng giữa những ngôi nhà. Da ở đầu ngón tay giống như thành phố ở chỗ mật độ thụ thể dày đặc và vì vậy, nó rất nhạy cảm khi chạm vào. Da của phần cánh tay, với mật độ thụ thể thưa thớt hơn, giống như vùng nông thôn vì thế nó ít nhạy cảm hơn.Khi các thụ thể phát hiện sự thay đổi trên bề mặt da, chúng tạo ra những xung thần kinh được mang đến não, não biến đổi các xung động này thành những cảm giác riêng biệt. Vì vậy, cảm giác đích thực là một chức năng của não bộ ( chúng ta sẽ nhắc lại điều này trong chương 8 và 9).

Tuyến
Các tuyến được cấu tạo từ biểu mô. Các tuyến ngoại tiết của da có phần chế tiết nằm ở lớp trung bì. Một trong số này được mô tả ở hình 5-1.

Tuyến bã: Các tuyến bã đổ vào nang lông hoặc trực tiếp lên bề mặt da. Sản phầm chế tiết của chúng là bã nhờn, một lại chất béo mà chúng ta thường gọi là “dầu”. Như đã đề cập ở trên, các acid béo trong bã nhờn có tác dụng ức chế vi khuẩn trên bề mặt da. Một chức năng khác của bã nhờn là ngăn ngừa khô da và tóc. Tầm quan trọng của chức năng này không được rõ ràng, nhưng da khô có xu hướng nứt dễ dàng hơn. Ngay cả những vết nứt nhỏ trên da cũng có thể tạo ra một cửa ngõ tiềm năng cho sự xâm nhập của vi khuẩn. Giảm sản xuất bã nhờn là hậu quả của tuổi tác, người già thường có làn da khô hơn và dễ vỡ hơn. Thanh thiếu niên có thể có tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và viêm gọi là mụn trứng cá. Quá nhiều bã nhờn có thể là tích tụ vi khuẩn trong lỗ chân lông và tạo ra các ổ nhiễm trùng nhỏ. Bởi vì các tuyến bã nhờn có nhiều quanh mũi và miệng, đây là điểm nổi mụn phổ biến ở người trẻ (xem thêm ở Box 5-3: Những rối loạn da thường gặp)

Tuyến ráy tai: Các tuyến này nằm ở lớp trung bì của ống tai, chúng chế tiết ra chất đươc gọi là ráy tai ( gồm bã nhờn bài tiết từ ống tai). Ráy tai giữ bề mặt của màng nhĩ mềm dẻo và không bị khô. Tuy nhiên, nếu quá nhiều ráy tai tích tụ trong ống tai sẽ ảnh hưởng tới màng nhĩ, gây giảm khả năng nghe do hạn chế màng nhĩ rung đúng cách.

Tuyến mồ hôi: Có hai loại tuyến mồ hôi: tuyến bán hủy và tuyến chế tiết. Mồ hôi chủ yếu là nước, có chứa NaCl làm chúng có vị mặn. Người ta cũng tìm thấy trong mồ hôi hàng trăm chất khác với số lượng nhỏ, nhiều chất trong số trên dễ bay hơi. Mỗi người có một sự kết hợp khác nhau của các chất này, làm mỗi chúng ta có một mùi hương độc đáo. Các loài động vật như chó có thể dễ dàng phân biệt con người (thậm chí là anh em sinh đôi) vì mùi hượng đặc trưng của họ.

Tuyến bán hủy có rất nhiều ở nách và bộ phận sinh dục, chúng hoạt động mạnh nhất trong các tình huống căng thẳng và xúc động. Chất tiết của các tuyến này
không có mùi, không đủ để người khác có thể phát hiện ra, tuy nhiên nếu chúng tích tụ trên da, vi khuẩn sẽ chuyển hóa một số chất hóa học trong mồ hôi tạo
ra các sản phẩm có mùi khác nhau có thể khiến nhiều người thấy khó chịu.

Tuyến tiết có trên khắp cơ thể nhưng đặc biệt nhiều ở trên trán, môi trên, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Phần chế tiết của tuyến này là một ống cuộn trong lớp
trung bì. Phần ống tuyến kéo dài lên bề mặt da, nơi nó mở ra thành lỗ chân lông.

Mồ hôi do các tuyến tiết tạo ra rất quan trọng để duy trì thân nhiệt bình thường.Trong một môi trường nóng hoặc sau khi tập thể dục, mồ hôi tiết nhiều hơn trên bề
mặt da sau đó bị bốc hơi bởi nhiệt độ cơ thể thừa. Nhớ lại rằng nhiệt độ bay hơi của nước khá cao, vì vậy một lượng nước nhỏ bay hơn lấy đi một lượng nhiệt tương đối lớn. Mặc dù đây là một cơ chế hạ nhiệt hiệu quả nhưng có một hậu quả nghiêm trọng, đó là gây mất nước. Ra quá nhiều mồ hôi, nhất là sau khi tập thể dục vào ngày nóng ẩm có thể gây mất nước, vì vậy luôn uống nhiều nước hơn trong trường hợp này.

Những người tập luyện thể dục biết rằng mình phải bổ sung muối và nước. NaCl và một lượng nhỏ ure bị mất qua mồ hôi, tuy nhiên chức năng bài tiết này của
da rất hạn chế, chủ yếu là thận đảm nhiệm chức năng loại bỏ các chất thải ra khỏi máu và duy trì tỷ lệ muối nước thích hợp cho cơ thể.

Mạch máu
Bên cạnh các mao mạch ở lớp trung bì, các mạch máu có tầm quan trọng khác ở da là các tiểu động mạch. Nó là một mạch máu có kích thước nhỏ, lớp cơ
trơn trên thành mạch giúp các tiểu động mạch có khả năng co (đóng) và giãn(mở). Điều này rất quan trọng trong việc duy trì thân nhiệt vì máu mang nhiệt- một
dạng năng lượng.

Ở môi trường nóng, các tiểu động mạch giãn ra, làm tăng lưu lượng máu tới lớp trung bì và mang lượng nhiệt dư thừa của cơ thể bức xạ ra ngoài. Trong thời tiết lạnh, cơ thể phải giữ nhiệt, vì vậy mà các tiểu động mạch co lại. Sự co mạch làm giảm dòng máu tới lớp trung bì, từ đó giữ lại nhiệt độ trung tâm của cơ thể. Cơ chế điều chỉnh này cần thiết để duy trì cân bằng nội môi. Hệ thần kinh quy định sự thay đổi đường kính tiểu động mạch để đối phó với thay đổi nhiệt độ bên ngoài. Những thay đổi này có thể quan sát được ở những người da trắng: Đỏ da, đặc biệt ở mặt có thể quan sát được trong thời tiết nắng nóng. Khi lạnh, da tứ chi nhợt hơn do máu qua lớp trung bì giảm. Ở người da đen, những thay đổi này không rõ ràng do được che dấu bởi melanin trong lớp biểu bì.

Sự co mạch trong lớp trung bì có thể xảy ra trong trạng thái stress. Đối với tổ tiên của chúng ta, stress đòi hỏi một đáp ứng cơ học: hoặc chiến đấu hoặc bỏ chạy
tìm nơi an toàn. Hệ thần kinh của chúng ta được lập trình để đáp ứng với các hoạt động thể chất cần thiết để đối phó với tình trạng stress. Sự co mạch ở lớp trung
bì làm giảm, hoặc chuyển hướng dòng máu tới các cơ quan quan trọng hơn như cơ, não và tim. Khi stress, da là một cơ quan tương đối không quan trọng và có
thể hoạt động tạm thời với lưu lượng máu tối thiểu. Có thể bạn đã nghe đến cụm từ “vã mồ hôi lạnh” và thậm chí đã cảm thấy như vậy trong các tình huống stress.
Mồ hôi có cảm giác lạnh là vì sự co mạch ở lớp trung bì làm da chúng ta tương đối lạnh.

Lưu lượng máu lớp trung bì có thể bị gián đoạn bởi áp lực kéo dài trên da. Ví dụ, bệnh nhân ở bệnh viện không có khả năng tự xoay người có khả năng bị các vết loét tư thế nằm, còn gọi là loét áp lực. Da bị nén giữa một vật thể cứng bên ngoài, ví dụ như giường và xương lồi ra ở trong, như xương gót và xương sống ở dưới lưng. Nếu không có nguồn cung cấp máu, da và mô chết là nơi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn. Các chức năng của các lớp cấu trúc da được tóm tắt ở bảng 5-2.

Mô liên kết dưới da, còn gọi là hạ bì, là một trong những loại mô liên kết. Nó được cấu tạo từ mô liên kết và mô mỡ, giúp kết nối lớp trung bì với lớp cơ ởdưới. Các chức năng khác của hạ bì giống như chức năng của các mô cấu tạo nên nó, bạn có thể xem lại ở chương 4.

Mô liên kết thưa, hay mô liên kết lỏng lẻo, chứa sợi keo ( collagen) và sợi chun (elastin) cùng nhiều tế bào bạch cầu đã thoát mạch đi lang thang trong dịch mô nằm giữa lớp da vầ cơ. Các tế bào bạch cầu di động này tiêu diệt các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào da qua các vết nứt trên da. Tế bào mast cũng có mặt ở đây. Những tế bào này có nguồn gốc từ tủy xương và được tìm thấy trong mô liên kết khắp cơ thể. Chúng đặc biệt có rất nhiều trong mô liên kết thưa, sản xuất ra histamin, leucotrien và các hóa chất khác gây ra phản ứng viêm, một đáp ứng của cơ thể đối với tổn thương (Mô tả ở chương 10 và 14).

Các tế bào của mô mỡ ( tế bào mỡ) chuyên dự trữ chất béo, và lớp mỡ dưới da của chúng ta dự trữ các chất dinh dưỡng như một nguồn năng lượng. Lớp này cũng đệm lót các điểm lồi ra của xương, chẳng hạn như khi chúng ta ngồi, đồng thời nó cũng là vật cách nhiệt. Đối với con người, chức năng cuối cùng của lớp mỡ khá hạn chế vì con người không có lớp mỡ dày như của động vật- ví dụ cá voi và hải cẩu. Như đã đề cập trong chương 4, mô mỡ có liên quan tới việc khởi phát hoặc ngừng quá trình ăn, và trong quá trình sử dụng insulin, nó góp phần gây viêm bằng cách tạo ra cytokin, một chất hóa học kích hoạt các tế bào bạch cầu.

Cũng giống như lớp thượng bì là một tấm liên tục bao phủ cơ thể, mô liên kết dưới da cũng là một tấm liên tục. Nếu chúng ta coi lớp thượng bì là hàng rào phòng thủ đầu tiên chống lạ các tác nhân gây bệnh, mô liên kết dưới da chính là hàng rào thứ hai. Tuy nhiên có sự khác biệt về mặt giải phẫu đáng kể giữa hai lớp này. Các tế bào lớp thượng bì liên kết rất khăng khít và chặt chẽ trong khi các tế bào và sợi liên kết của mô dưới da cách xa nhau hơn, nhiều dịch gian bào hơn. Nếu chúng ta tưởng tượng lớp thượng bì là đường cao tốc 4 làn trong giờ cao điểm thì lớp hạ bì chính là con đường này lúc 3h sáng, khi nó không đông đúc và xe cộ có thể di chuyển nhanh hơn nhiều. Điều nay rõ ràng có lợi cho sự di chuyển của bạch cầu nhưng cũng là bất lợi bởi vì một số tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, khi xâm nhập có thể lây lan nhanh hơn trong hạ bì.

Ví dụ, liên cầu khuẩn nhóm A là một loại vi khuẩn gây viêm mạc hoại tử. Trong trường hợp này, mạc ở đây là mạc nông và mạc sâu xung quanh cơ bắp. Viêm
mạc hoại tử là một nhiễm trùng cấp tính với đầy đủ tính chất của “cấp” : đột ngột và cực kì nghiêm trọng. Bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ mô bị nhiễm bệnh,thậm chí là cắt cụt chi nhiễm bệnh để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn. Sự tự vệ của cơ thể bị vô hiệu hóa bởi chính cấu trúc giải phẫu mà bình thường có lợi, ở đây là sự “lỏng lẻo” của mô liên kết thưa. Chức năng của mô liên kết được tổng kết ở Bảng 5-3.

2.LÃO HÓA VÀ DA

Những ảnh hưởng của tuổi tác trên da khá dễ thấy.   Cả hai lớp da trở nên mỏng manh và yếu hơn khi sự phân bào trong lớp thượng bì chậm lại, các nguyên bào
sợi ở lớp trung bì chết và không được thay thế. Các vết thương nhỏ lâu lành hơn, da trở nên nhăn nheo do các sợi keo và chun trong lớp trung bì bị thoái hóa.

Advertisement

Các tuyến bã và tuyến mồ hôi ít hoạt động hơn, da khô và việc điều hòa nhiệt trong thời tiết nóng khó khăn hơn. Nang lông không hoạt động và tóc trở nên mỏng hơn. Mất tóc rõ rệt gọi là sự rụng tóc và được quy định bởi di truyền. Một phần tế bào sắc tố chết và không đươc thay thế làm tóc có màu trắng, phần còn lại không đủ tạo ra một hàng rào melanin hiệu quả, da dễ cháy nắng hơn. Khả năng tổng hợp vitamin D cũng giảm sút tới 50-70%, và người cao tuổi phải bổ sung thêm vitamin D vào chế độ ăn.

Lượng chất béo trong mô dưới da ít hơn làm người già nhạy cảm hơn với lạnh. Điều quan trọng với người cao tuổi là họ ( và người chăm sóc) nhận ra tác hại của sự thay đổi nhiệt và có biện pháp phòng ngừa trong thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh.

 

IV. TỔNG KẾT:

Da là cơ quan nằm ngoài cùng cơ thể, nhiều chức năng của da liên quan tới vị trí này. Da bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh và hóa chất, giảm thiểu sự mất hoặc xâm nhập của nước, ngăn chặn tác hại của ánh sáng mặt trời và sản xuất vitamin D.

Các thụ thể cảm giác trên da cung cấp thông tin về môi trường bên ngoài, ngoài ra da còn đóng vai trò điều chỉnh thân nhiệt đáp ứng với các thay đổi của môi trường. Các mô dưới da là lớp phòng thủ thứ hai chống lại các tác nhân gây bệnh và là một kho dự trữ mỡ.

 

V. ĐỀ CƯƠNG HỌC TẬP

  Hệ da bao gồm da, các thành phần phụ của nó và mô dưới da. Hai lớp chính của da là lớp thượng bì ở ngoài và trung bì ở trong. Lớp thượng bì được cấu tạo từ biểu mô lát tầng, không có mao mạch, các tế bào ở lớp này có mối nối liên kết chặt chẽ với nhau gọi là tế bào sừng. Đây cũng là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể.

1. Lớp đáy- lớp trong cùng của thượng bì, là nơi xảy ra sự phân bào. Các tế bào mới tạo ra keratin và chết khi chúng bị đẩy lên bề mặt da. Defesin là các peptid kháng khuẩn được tạo ra khi da bị thương. Vitamin D được tổng hợp từ cholesterol khi tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng, và chuyển thành dạng hoạt động mạnh nhất ở thận. Lượng vitamin D dư thừa được dự trữ ở gan.

2. Lớp sừng chứa các tế bào chết nằm ở ngoài cùng, chất sừng ngăn ngừa sự mất và xâm nhập của nước vào cơ thể, nếu không bị tổn thương, lớp sừng có khả năng chống lại sự xâm nhập của hóa chất và mầm bệnh. Các VSV trên bề mặt da giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và nấm.

3. Tế bào Langerhans, thực bào các vật lạ và mang chúng tới hạch lympho, kích thích phản ứng miễn dịch tế bào.

4. Tế bào sắc tố, sản xuất ra melanin. Tia UV kích thích tổng hợp melanin, melanin ngăn ngừa sự tiếp xúc của tế bào lớp đáy với tia UV bằng cách làm da tối màu hơn.

Lớp trung bì, được cấu tạo từ mô liên kết thưa, gồm sợi keo cung cấp sức mạnh và sợi chun cung cấp sức đàn hồi, có các mao mạch ở lớp nhú nuôi dưỡng cho lớp đáy( xem hình 5-1 và bảng 5-2).

1. Các nang lông: sự phân bào xảy ra ở gốc lông, các tế bào mới sinh sản xuất keratin, chết và trở thành thân lông. Tóc giúp giữ ấm cho da đầu, lông mi và lông mũi giúp cản bụi.

2. Móng: có ở đầu các ngón, sự phân bào xảy ra ở gốc móng. Bản thân móng tay gồm các tế bào chết sừng hóa. Móng bảo vệ đầu ngón, giúp nhặt các vật nhỏ và làm động tác gãi.

3. Thụ thể: phát hiện những thay đổi trên hoặc trong da: sờ, nóng lạnh, đau, ngứa.., cung cấp thông tin từ môi trường bên ngoài để cơ thể có đáp ứng phù hợp. Độ nhạy của da phụ thuộc vào số lượng thụ thể.

4. Tuyến bã nhờn: tiết bã nhờn đổ vào nang lông hoặc trên bề mặt da, ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn và ngăn ngừa khô da và tóc.

5. Tuyến ráy tai: tiết ráy tai vào ống tại, ngăn ngừa khô màng nhĩ.

6. Tuyến mồ hôi bán hủy: các tuyến mồ hôi đã bị biến đổi nằm ở nách và vùng sinh dục, bị kích hoạt bởi stress và xúc cảm.

7. Tuyến mồ hôi : có nhiều nhất ở mặt, lòng bàn tay và bàn chân. Bị kích hoạt bởi nhiệt độ cao bên ngoài hoặc tập thể dục, mồ hôi bốc hơi kéo theo nhiệt độ dư thừa, tuy nhiên cơ thể có thể bị mất nước. Chức năng nhỏ khác là bài tiết ure và muối.

8. Các tiểu động mạch: cơ trơn ở thành động mạch cho phép nó co và giãn. Mach co ở nhiệt độ thấp làm giảm lưu lượng máu tới da để bảo tồn thân nhiệt, giãn mạch khi nhiệt độ cao để tăng lưu lượng máu dưới da giúp tỏa nhiệt. Co mạch còn giúp tăng lưu lượng máu tới các cơ quan thiết yếu hơn trong các tình huống stress, ví dụ như cơ bắp để có thể đáp ứng nếu cần.

  Mô dưới da, còn được gọi là mạc ngoài, kết nối da với cơ và được coi là tuyến phòng thủ thứ hai.

1. Mô liên kết thưa, hay còn gọi là mô liên kết lỏng lẻo. Chất nền chứa dịch mô và tế bào bạch cầu giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua da. Các tế bào mast tạo ra các chất hóa học gây viêm.

2. Mô mỡ: lưu trữ mỡ như một dạng năng lượng tiềm năng, đệm ụ lồi của xương, cung cấp lớp đệm giữ nhiệt. Các chức năng khác: góp phần kích thích thèm ăn, sử dụng insulin và kích hoạt bạch cầu.

 

VI. CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Tên gọi các thành phần của hệ da. (p. 104)

2. Gọi tên hai lớp chính cấu tạo nên da, vị trí và cấu tạo mô học của chúng. (pp. 104,108)

3. Ở lớp thượng bì: (pp. 104,106)
a. Sự phân bào xảy ra ở đâu?
b. Các tế bào mới sinh sản xuất ra protein gì?
c. Chuyện gì xảy ra tiếp theo với các tế bào này?
d. Chức năng của tế bào Langerhans là gì?

4. Mô tả chức năng của lớp mầm. (pp. 104–105)

5. Tên của tế bào sản xuất melanin. Yếu tố nào kích thích sản xuất melanin? Chức năng của melanin là gì?(p. 108)

6. Trên cơ thể chúng ta lông/ tóc ở vùng nào có chức năng quan trọng? Mô tả các chức năng đó. (p. 110)

7. Mô tả vai trò của móng. (pp. 110–111)

8. Gọi tên các thụ thể cảm giác trên da. Mô tả tầm quan trọng của chúng.. (p. 111)

9. Giải thích chức năng của bã nhờn và ráy tai. (p. 111)

10.Giải thích tại sao ra mồ hôi giúp duy trì thân nhiệt bình thường. (p. 113)

11. Giải thích cách các tiểu động mạch ở lớp hạ bì đáp ứng với nhiệt độ bên ngoài và tình trạng stress. (p. 113)

12. Loại vitamin nào được tổng hợp ở da? Các yếu tố kích thích tổng hợp vitamin này?(p. 104)

13. Tên loại mô cấu tạo nên lớp cân mạc nông và chức năng của loại mô này. (pp. 114–115)

 

VII. KIẾN THỨC BỔ SUNG

1. Lớp thượng bì không có mao mạch, lớp sừng được cấu tạo từ nhiều lớp tế bào chết và không cần cung cấp máu. Giải thích tại sao lớp biểu bì chịu tác động của loét tư thế nằm? Kể tên vài nhóm người ngoại trú hoặc điều trị tại nhà đặc biệt dễ bị loét do tăng áp lực ?

2. Nấm ngoài da ( Ringworm-hay vòng sâu) là tình trạng da xuất hiện những mảng màu đỏ có vảy hình tròn hay bầu dục. Nó không do sâu gây ra mà do nấm. Thức ăn của những loại nấm này là gì, hay chúng tiêu hóa cái gì?

3. Đội một chiếc mũ khi trời lạnh là một ý tưởng không tồi. Điều gì xảy ra với các tiểu động mạch ở lớp hạ bì trong môi trường lạnh? Nó ảnh hưởng thế nào tới sự mất nhiệt? Đầu có phải là một ngoại lệ không? Giải thích.

4. Đáp ứng của da với ánh nắng được mô tả ở hình dưới. Chú thích vào hình vẽ cho phù hợp.

 

Nguồn: Essentials of Anatomy and Physiology – Vietnamese Version.

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …