[Thảo luận] Vấn đề bảo mật thông tin ở Việt Nam

Rate this post
Nhìn thấy cách báo chí và mạng xã hội lan truyền danh tánh và địa chỉ của người bị nhiễm Covid-19 [1] mà … rùng mình. Đó là một sự xâm phạm vô cùng nghiêm trọng vào quyền riêng tư (privacy) cá nhân. Tại sao báo chí không chịu hiểu. Có thể đó là một nét văn hóa đấu tố chăng?
Vấn đề ‘confidentiality’ (bảo mật thông tin) của bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Ở những nước như Úc, việc tiết lộ thông tin bệnh nhân trên báo chí hay mạng xã hội rất dễ ra tòa, và có khi bị đuổi việc. Bác sĩ và y tá công bố thông tin bệnh lí và hình ảnh — cho dù đã làm mờ mặt của bệnh nhân — trên mạng vẫn có thể bị kiện như thường, nếu không được phép của họ.
Ấy vậy mà ở Việt Nam tôi thấy người ta thản nhiên chụp hình bệnh nhân trên giường bệnh kèm theo thông tin cụ thể về bệnh nhân và công bố trên mạng xã hội! Mặc dù người công bố chỉ muốn ‘khoe’ một ca được điều trị thành công (tức có thiện ý), nhưng nếu bệnh nhân không biết hay không cho phép thì đó là một sự vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân.
Trong nghiên cứu y khoa có liên quan đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, thì giữ mật cho họ càng quan trọng hơn. Nhiều người nghĩ rằng xóa bỏ tên họ và địa chỉ của người tham gia là một cách giữ mật tin cho họ, nhưng điều đó chưa chắc đủ. Nếu với những thông tin như tuổi, giới tính, tiền sử bệnh hiếm, và kết quả xét nghiệm, thì danh tánh của bệnh nhân đó vẫn có thể nhận ra. Do đó, các cơ quan nhà nước rất thận trọng, không cho công bố bất cứ tổ hợp thông tin nào mà người khác có thể nhận dạng bệnh nhân.
Vậy mà ở Việt Nam, người ta thản nhiên công bố địa chỉ, nghề nghiệp, nơi tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19 mới nhứt! Tôi không rõ ở Việt Nam có luật về bảo mật thông tin cho bệnh nhân, nhưng tôi thấy việc làm này không đúng. Công bố những thông tin như thế (địa chỉ, nghề nghiệp) chẳng khác gì bêu rếu và đấu tố bệnh nhân. Có thể ý đồ là công bố như thế để những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, hay những nơi bệnh nhân từng ghé qua, nên đi xét nghiệm, nhưng ngay cả như thế thì cũng đâu cần nêu địa chỉ cư trú và nghề nghiệp.
Có lẽ chính vì thế mà các chuyên gia ở nước ngoài không đánh giá cao ‘mô hình’ chống dịch của Tàu và Việt Nam. Họ cũng không xem cách làm đó khả thi ở những nước mà quyền riêng tư được tôn trọng triệt để. Ngay cả trong nghiên cứu khoa học, chẳng ai nhắc đến ‘mô hình’ của Tàu và Việt Nam.
Ở Sydney nơi tôi ở, thỉnh thoảng có 1 ca bệnh Covid-19, nhưng người ta tuyệt đối giữ kín danh tánh của bệnh nhân. Không báo chí hay truyền hình nào dám công bố danh tánh của họ. Ngay cả anh chàng du học sinh Ấn Độ ở Nam Úc khai báo giả về Covid-19 mà người ta cũng không công bố danh tánh anh ta.
Mới đây, có nhiều người đòi công bố danh tánh của 55 người nhận bằng tiếng Anh từ ĐH Đông Đô (mà thực chất có lẽ là ‘mua bằng’). Tôi tự hỏi công bố để đạt mục đích gì. Hạ nhục họ? Đành rằng những người này sai, nhưng cái sai bắt đầu từ đại học và cái hệ thống lớn hơn. Cái hệ thống đó cần chỉnh sửa, chớ công bố danh tánh họ có giúp ích gì (ngoài việc làm hả hê những ai không ưa họ).
Một cựu kí giả còn viết trên fb rằng những người mua bằng này toàn là quan chức, và nếu họ không chịu từ chức, thì ông sẽ công bố danh tánh của họ. Tôi nghĩ đó là một sự đe dọa, một sự bully dưới dạng [mà tiếng Anh gọi là] ‘cyber intimidation’.
Việc công bố danh tánh bệnh nhân và người mua bằng làm tôi liên tưởng đến đấu tố và chánh sách kiểm điểm. Những người thuộc thế hệ trước đều biết hay nghe qua chuyện đấu tố ở miền bắc Việt Nam. Chuyện đã là quá khứ, nhưng tôi có cảm giác hình như ‘di sản’ của nó vẫn tồn tại đến ngày nay. Trong cái văn hóa đó, nạn nhân bị nêu danh để cho đám đông xỉ vả. Thật ra, có người còn hung hãn đòi “xử” (xử tử?) nạn nhân. Nhưng những người xỉ vả không quan tâm đến sự tổn thương tinh thần của nạn nhân và gia đình họ.
Một yếu tố khác nữa là sự ghét: ghét quan chức. Không ít người ghét các quan chức tiến thân nhờ vào mua bằng cấp, và họ đòi bêu rếu và xỉ vả những người này. Những bêu rếu xong rồi, liệu có giải quyết được vấn đề, hay chỉ gây thêm thù hận. Cái đáng xỉ vả là cái hệ thống tạo ra thị trường bằng giả.
Advertisement
Kiểm điểm cũng là một hình thức đấu tố và gây thù hận. Tôi còn nhớ thời ở trong nước còn có chánh sách ‘kiểm điểm và tự kiểm điểm’ mà trong đó người ta tha hồ xỉ vả nạn nhân trước mặt mọi người ngay trong buổi họp hàng tuần. Nạn nhân, nếu không tu thân, không bao giờ quên ‘kẻ thù’ và họ hay người thân sẽ tìm cách trả thù. Nếu đấu tố là một ‘văn hóa’ thì đó là một loại văn hóa độc hại vì nó tích luỹ thù hận trong cộng đồng.
Ở ngoài này, các công ti và cơ quan nhà nước cũng có ‘appraisal’ (giống như kiểm điểm) hàng năm nhưng cách người ta làm rất nhẹ nhàng, chỉ thảo luận giữa 2 người (sếp và nhân viên), tuyệt đối không có người thứ ba. Và, rất bình đẳng, chớ không có chuyện ai lấn áp ai. Ngay cả người bị kỉ luật cũng không bao giờ công bố, vì đó chỉ là thỏa thuận đôi bên. Tôi nhận ra là người ta rất coi trọng nhân phẩm và nhân quyền.
Ở Việt Nam người ta hay nói về ‘hội nhập thế giới’, nhưng nếu cái văn hóa đấu tố và trả thù vẫn còn trong mỗi con người Việt Nam thì rất khó hội nhập.

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …