CỨU TRẺ CHẾT ĐUỐI

Rate this post
Một cháu bé 7 tuổi bị đuối nước trưa ngày 1 tháng 11, may mắn được thượng uý công an cứu sống bằng cách hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Câu chuyện thật xúc động. Nhưng có một chi tiết, thiếu uý công an đã cầm hai chân DỐC NGƯỢC cháu bé chạy quanh sân, đây là động tác cấp cứu sai.
Khi người chết đuối bị sặc nước, theo phản xạ ngay lập tức nắp thanh quản đóng lại, nước tràn vào phổi rất ít. Nạn nhân uống no nước vào dạ dày. Nguyên nhân chết không phải dạ dày chứa đầy nước, mà chết vì thiếu Oxy, nên biện pháp dốc ngược chạy quanh sân không có tác dụng. Ngay cả khi phổi có một ít nước, thì dốc ngược cũng không thể ra được, nước trong phổi chỉ có thể hấp thụ vào máu khi nạn nhân thở được trở lại.
Dốc ngược chỉ làm mất cơ hội cứu sống.
Bởi vậy, ngay khi đưa nạn nhân lên bờ, việc đầu tiên là kiểm tra trong miệng có dị vật rong rêu gì không, nếu có thì xoay đầu sang một bên để dùng ngón tay móc hết dị vật. Tiếp theo, kiểm tra nếu ngừng thở và không có mạch, thì phải thực hiện hồi sức tim phổi nhân tạo.
Đặt nạn nhân nằm ngửa, lòng bàn tay đặt lên trán ấn xuống, tay kia nâng cằm lên và cho nạn nhân há miệng. Hít hơi thật sâu, ngậm vào miệng nạn nhân và thổi trong 1 giây hết sức, làm như vậy 2 lần. Lòng bàn tay đặt vào điểm giữa hai núm vú, tay kia đè lên mu với các ngón tay đan xen vào nhau, thực hiện ép tim 30 lần, độ sâu khoảng 5cm; làm liên tục như vậy, có thể kéo dài hàng tiếng cho đến khi nào nạn nhân thở lại thì mới dừng, rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Thổi ngạt và ép tim mới là chìa khoá cứu sống nạn nhân, dốc ngược không những chẳng có tác dụng, mà còn làm mất cơ hội cứu sống, đây là kiến thức và kĩ năng mọi người cần phải biết.
Để cứu người: kiến thức và kĩ năng vô cùng quan trọng!
Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn là nhân viên cứu hộ đang đi trên bờ, đột nhiên nhìn thấy ai đó đang chới với dưới nước. Trách nhiệm của bạn là phải đưa nạn nhân vào bờ càng sớm càng tốt. Bạn sẽ phải chạy một đoạn đường trên mặt đất, sẽ phải bơi một quãng khá xa dưới nước, vậy bạn sẽ chọn con đường nào theo hình vẽ.
✓ Con đường ngắn nhất ADB?
✓ Con đường dài nhất ACB?
✓ Con đường trung gian AEB?
Đầu tiên, nếu bạn chỉ dựa vào bài toán hình học lớp 8, thì bạn sẽ chọn đường thẳng ADB, nghĩa là bạn chạy bộ đoạn AD rồi nhảy xuống nước bơi đoạn DB. Đây là con đường có khoảng cách ngắn nhất vì A,D và B là ba điểm thẳng hàng. Tuy nhiên, cho dù bạn có là vận động viên bơi lội đi chăng nữa, thì tốc độ bơi dưới nước cũng luôn chậm hơn tốc độ chạy trên can. Vậy con đường ADB chỉ ngắn nhất về khoảng cách, nhưng lại dài nhất về thời gian.
Khi bạn đã hiểu vấn đề của thực tế, thì bạn sẽ chọn con đường ACB, để quãng đường phải bơi dưới nước đạt ngắn nhất. Tuy nhiên, do phải chạy trên bộ quá dài, nghĩa là tổng quãng đường ACB là dài nhất, nên bạn vừa tốn sức trong khi thời gian để tiếp cận nạn nhân cũng không phải là nhanh nhất nhất.
Đây là một bài toán cực trị.
Các mô hình toán học chỉ ra rằng, con đường AEB mới là rút ngắn thời gian tiếp cận nạn nhân nhất, vì thế mà nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp sẽ được dạy cách chọn con đường này. Họ không đi theo đường thẳng, cũng không vì rút ngắn khoảng cách bơi mà chạy quãng đường xa nhất, bởi kĩ năng bơi của họ rất tốt.
Cứu người phải ưu tiên thời gian là vàng!
Như vậy, để thực hiện việc đi từ điểm A đến điểm B, có thể ưu tiên chọn độ dài, có thể ưu tiên chọn thời gian, nhưng cũng có thể ưu tiên chọn cả về độ dài quãng đường lẫn thời gian bằng thuật toán tối ưu hoá.
Theo lí thuyết sẽ có hai sự lựa chọn.
Về quãng đường: ADB < AEB < ACB
Về thời gian: ACB < AEB < ADB
Trong thực tế tối ưu hoá chọ AEB lợi cả về mặt quãng đường và thời gian.
Nguyên lí tiếp cận nhanh nhất được nhà vật lí nổi tiếng Richard Feynman nêu ra: “Trong tuyến đường biểu diễn khoảng cách ngắn nhất (ADB) thì thời gian di chuyển đường thủy quá dài, trong khi tuyến đường có đường thủy ngắn nhất (ACB) thì thời gian di chuyển đường bộ lại quá dài. Tuyến đường có thời gian ngắn nhất phải là sự phân bổ hợp lý, trên thực tế, con đường nhanh nhất là AEB. Rõ ràng, đây là con đường nằm giữa các lựa chọn của con đường ADB và con đường ACB”.
Bài toán tối ưu của Feynman cũng được một luật sư kiêm nhà toán học lừng danh người Pháp Pierre De Fermat đưa ra khi giải quyết vấn đề ánh sáng. Fermat phát hiện ra rằng, khi ánh sáng truyền từ điểm A đến điểm B, sẽ có rất nhiều con đường để lựa chọn, nhưng ánh sáng sẽ chọn thời gian truyền nhanh nhất chứ không chọn quãng đường ngắn nhất.
Tất nhiên, theo Claude Clerselier thì sự xuất hiện của một hiện tượng tự nhiên không bao giờ có phán đoán trước, tự nhiên không đưa ra lựa chọn, mà luôn là sự quyết định mang tính tất yếu.
Mọi vật trong thế giới tự nhiên có quyền tự quyết.
Ví dụ như loài chó, hoàn toàn có thể thực hiện hành vi tương tự như một nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp cứu người chết đuối. Nhà toán học Tim Pennings nuôi một chú chó xứ Wales, có tên là Elvis. Một ngày nọ, Tim chơi với Elvis bên hồ Michigan, nhà toán học ném quả bóng tenis xuống hồ, rồi yêu cầu chú chó lấy quả bóng về. Tim đã phát hiện ra điều cực kì thú vị. Khi ném bóng xuống nước, chó Elvis không di chuyển theo đường thẳng, cũng không chạy đi quá xa để chọn đường bơi gần, mà nó luôn bơi theo con đường trung gian đúng với nguyên lí cứu hộ của Feynman.
Là một giáo sư toán học, Tim đã lặp lại phép thử rất nhiều lần, rồi lập mô hình toán để tính, con đường chó di chuyển tạo thành hàm mật độ, từ đó ra được phương trình hồi quy, nó cho thấy Elvis đã tìm ra cách tiếp cận trái bóng nhanh nhất.
Hành động chọn đường của Elvis đã tạo ấn tượng mạnh, để Tim xuất bản một bài báo khoa học, có tên là “Những chú chó có hiểu toán giải tích không?” Câu trả lời tất nhiên là chó không biết về toán học, nhưng bằng trực giác và cảm nhận, hay bằng kinh nghiệm, đã giúp chó Elvis có những kĩ năng phán đoán làm sao để tối ưu hoá việc thu hồi quả bóng dưới hồ. Elvis không phải là động vật duy nhất làm được điều đó. Một số nghiên cứu khác về chó, hay kiến lửa nhỏ (wasmannia auropunctata) cũng luôn biết cách tối ưu hoá chọn đường, đó chắc chắn không phải là đường thẳng, trong một mê cung hang động kiến luôn tìm ra đường đi rất hiệu quả.
Cuộc sống muốn nhanh đạt mục đích phải đi đường vòng.
Muốn chọn được con đường vòng tối ưu, bắt buộc chúng ta phải học hỏi, phải suy nghĩ, phải thực hành trải nghiệm. Cứu người bị đuối nước cũng vậy. Dân gian truyền nhau kinh nghiệm, khi vớt người đuối nước, phải ngay lập tức dốc ngược 2 chân lên vai rồi chạy, có người theo sau vỗ lưng hay vỗ bụng để tháo nước; các làm đó là sai hoàn toàn.
Có rất nhiều kĩ năng liên quan tới đuối nước.
Kĩ năng đầu tiên, là nhận ra một người bị đuối nước. Chúng ta thường mặc định trong đầu rằng người đuối nước sẽ la hét, giãy giụa và kêu cứu. Thực tế không phải vậy. Nhiều gia đình đi tắm biến, có khi cùng nhóm khá đông người, bãi tắm cũng rất đông, nhưng bỗng dưng có một người chết đuối không ai biết.
Đuối nước thường im lặng.
Bởi nước xộc vào mồm, nên người bị đuối nước không thể la hét, họ cũng bị chìm xuống thường là tư thế thẳng đứng, nên cùng lắm 2 tay giơ lên chới với như đang chơi đùa, cùng cái đầu lập lờ. Vậy nên khi đi tắm cùng nhau, mỗi người nên có trách nhiệm với người xung quanh, thấy ai đó để nước ngập đầu quá 20-30s thì phải nghĩ ngay rằng người đó bị đuối nước.
Tiếp theo, khi cứu người đuối nước, cần phải biết rằng theo phản xạ nạn nhân với được cái gì sẽ nắm chặt và không rời, với được ai đó thì sẽ dìm xuống để mình nổi lên. Bởi vậy, không nên để nạn nhân túm tay chân mình, sẽ rất nguy hiểm. Tốt nhất lên đưa cho nạn nân bất cứ cái gì có thể nổi, như cành cây, miếng xốp, phao bơi, phao tự tạo bằng quần áo, cây gậy… để nạn nhân bám chặt rồi kéo vào bờ.
Nếu tiếp cận nạn nhân trực tiếp, chỉ khi bạn là người có kĩ năng bơi lội rất giỏi, nên tiếp cận từ phía sau.
Biết bơi có bị chết đuối không?
Câu trả lời là có, trong trường hợp bạn không phải là người bơi giỏi, gặp phải những tình huống như bơi quá sức do chủ quan, nước xoáy, chuột rút đều có thể bị đuối nước.
Người bơi được hơn một kilomet rất khó để chết đuối.
Nếu bạn chỉ bơi được 200 mét, tức là vượt qua được một con sông, hay một cái hồ nhỏ, thì bạn mới chỉ dừng ở mức bơi cơ bản. Ở mức này bạn rơi xuống nước ít chết hơn. Nhưng để cứu người đuối nước bằng cách tiếp cận trực tiếp, thì bạn không thể làm được, gián tiếp dùng các vật dụng thì bạn cũng phải cẩn thận để tránh kiệt sức chết cả hai.
Bơi dưới 20 mét không thể gọi là biết bơi.
Ngược lại, người bơi được hàng ngàn mét, thì hầu như không bị chết đuối, trừ khi người đó quá chủ quan. Khi bơi sợ nhất bị chuột rút. Thực tế người bơi giỏi, khi gặp phải tình huống chuột rút, vẫn có thể giải quyết được an toàn. Yêu cầu lúc đó phải thật bình tĩnh. Chuyển sang bơi ngửa, chân bị chuột rút gấp lại về sau, dùng tay kéo mạnh bàn chân ép vào đù và phía lưng để cơ giãn ra, chuột rút sẽ giảm hoặc hết, sau đó từ từ bơi ngửa vào bờ.
Advertisement
Người bơi giỏi luôn rất cẩn thận, họ sợ chết đuối nên không chủ quan, luôn cân nhắc kĩ trong mọi tình huống. Cụ thể là biết lượng sức mình, không bơi một mình ở nơi vắng vẻ, luôn đánh giá an toàn mặt nước như sóng to, dòng chảy xiết, xoáy nước. Ở những nơi có cống xả ngầm hoặc cống nước ngầm, nơi có cửa ra, thì bao giờ cũng có xoáy nước nguy hiểm, bơi giỏi đến mấy cũng chết.
Tâm lí cũng rất quan trọng, những người bơi giỏi tâm lí rất vững vàng, họ điềm tĩnh, tự tin, khi gặp sự cố không hoảng sợ nên ít bị đuối nước. Người bơi kém thường có tâm lí dưới nước kém, bình thường bơi được 100 mét nhưng khi gặp sự cố họ hoảng sợ, không bơi nổi 10 mét.
Để không bị chết đuối và cứu được người chết đuối: cả hai đều phải học!
Ở các nước phát triển, bơi là môn thể dục bắt buộc với học sinh từ tiểu học cho đến trung học, phải học bơi trước khi học các môn khác. Các em cũng bắt buộc phải học cứu người chết đuối. Chúng ta ngược lại, nhiều người nghĩ rằng con cái họ ở thành phố, không tiếp xúc với sông ngòi ao hồ, nên chẳng cần học bơi làm gì. Trường học dạy đủ các môn thể thao, trừ môn thể dục bơi lội là không, nên trẻ chết đuối là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Cứu người chết đuối thế nào cho đúng cách cũng không được dạy, mọi người chủ yếu truyền nhau kinh nghiệm, như dốc ngược và chạy nên nhiều trường hợp không cứu kịp.
Hành động thượng uý công an tìm mọi cách để cứu sống cháu bé, ai cũng cảm động, đó là hành động tuyệt vời, mọi người biết chuyện đều chân thành cám ơn. Nhưng qua câu chuyện này, chúng ta cũng cần phải nhìn thấy những thao tác sai, đó chỉ là kĩ năng cực kì cơ bản mà ở các quốc gia khác họ đều dạy hết sức cẩn thận, ai cũng biết. Đừng vì hình ảnh đẹp mà quên đi những chi tiết sai nguy hiểm. Phải nhìn thấy và thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành động, thì mới cứu được nhiều trẻ không may bị đuối nước hơn nữa.
Mỗi ngày Việt Nam có 5 trẻ bị chết đuối…
Có thể là hình ảnh đen trắng

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …