[Chia sẻ] Ruột thừa có thực sự thừa

Rate this post
          Cách đây rất lâu, rất rất lâu, chính xác là khoảng hàng chục triệu năm trước, tổ tiên của loài người là các loài vượn người vẫn còn đang leo trèo trên cây, sống một cuộc sống sung sướng, ăn trái cây và lá, chưa biết sử dụng lửa. Ruột thừa lúc bấy giờ rất quan trọng, nó giúp tiêu hoá những thức ăn từ thực vật, nếu không có ruột thừa tổ tiên khó tồn tại.
         Rồi một ngày nọ, thức ăn thực vật khan hiếm nên tổ tiên của chúng ta phải uống máu, vượn cổ đại biết đứng dậy đi bằng hai chân sau để săn bắt, biết dùng hai bàn tay đánh lửa để nướng chín mọi thứ, dần dần người cổ đại không cần dùng ruột thừa để tiêu hoá thức ăn thô đó nữa.
Kể từ đó “ruột thừa là cơ quan thoái hoá”.
        Nhắc lại một chút lí thuyết, hệ tiêu hoá của chúng ta bắt đầu từ miệng. Thức ăn được nhai trong miệng và trộn với nước bọt giàu enzym giúp phân hủy tinh bột. Sau khi thức ăn qua thực quản, vào dạ dày sẽ được các cơ của dạ dày khuấy trộn, đồng thời sẽ bổ sung thêm nhiều men tiêu hóa. Điểm dừng tiếp theo là ruột non, nơi hầu hết các chất dinh dưỡng được tiêu hóa và hấp thụ. Sau khi chất thải di chuyển từ ruột non đến ruột già, nước trong đó được ruột già hấp thụ và chất thải mất nước được bài tiết ra khỏi cơ thể.
       Nơi ruột non và ruột già nối với nhau, có một túi được gọi là “manh tràng”. Manh tràng của con người rất nhỏ, nhưng ở động vật ăn cỏ như thỏ, manh tràng lớn hơn nhiều và chứa vi khuẩn chuyên tiêu hóa thực vật. Ở người và một số động vật có vú khác, manh tràng có một phần phụ nổi bật giống giun được gọi là ruột thừa. Darwin tin rằng ruột thừa là một “cơ quan thoái hóa”, vì tổ tiên xa xưa của loài người chủ yếu ăn thực vật như lá cây, vì vậy ruột thừa đã được sử dụng trong lịch sử tiến hóa. Khi chế độ ăn uống của tổ tiên chúng ta thay đổi, hệ thống tiêu hóa của chúng ta đã tiến hóa, thu nhỏ manh tràng lớn trước đây, để lại phần còn lại ruột thừa.
         Hầu hết mọi người cho rằng ruột thừa vô ích.
Không dừng lại ở quan niệm “cơ quan thoái hoá”, ruột thừa đã thực sự bị tai tiếng như hai người anh em là răng khôn và amidan, cả thế giới ai cũng ghét, vì cho rằng đó là “bộ 3 vô dụng”, ngoài viêm nhiễm và đau đớn ra thì nó chẳng có tác dụng gì.
        Đây là một sự hiểu nhầm đáng tiếc.
Sự hiểu nhầm này bắt nguồn từ rất sớm, một bác sĩ phẫu thuật tên Lane vào năm 1890, ông nói “Nhiều bệnh tật của con người là do một số cơ quan vô dụng gây ra. Ví dụ, ruột thừa!”. Chỉ cần câu nói của một bác sĩ quá nổi tiếng ấy thôi, làm cho ai cũng ghét ruột thừa, ghét đến nỗi đó đây người ta còn cắt bỏ ruột thừa không bị viêm. Thậm chí có thời gian, người ta tìm đến bệnh viện xin bác sĩ cắt ruột thừa, trở thành phong trào cắt đề phòng viêm.
         Trên thực tế, hàng trăm năm qua các bác sĩ đã suy nghĩ nghiêm túc về ruột thừa, họ thảo luận ở mức độ nào đó, cho đến nay vẫn chưa có kết luận chắc chắn. Đã có những giả thuyết khá thuyết phục, ví dụ ruột thừa có tham gia vào chức năng tiêu hoá, là cái kho khổng lồ chứa vi khuẩn có lợi, là một phần của hệ thống miễn dịch ngoại biên, là hạch bạch huyết khổng lồ trong ruột.
        Theo một số nhà khoa học, ruột thừa bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 11 của phôi thai, đó là những tế bào ruột thừa, có chức năng tạo ra các hormone sinh học liên quan đến amoniac và peptide, cùng các hợp chất kiểm soát cân bằng nội môi. Sau khi trẻ sinh ra, mô bạch huyết tích tụ trong ruột thừa với số lượng nhỏ, tăng dần và đạt đỉnh điểm từ 20-30 tuổi, sau đó giảm nhanh chóng và biến mất sau 60 tuổi. Đó là lí do trẻ dưới 4 tuổi và người cao tuổi hiếm khi viêm ruột thừa.
        Ruột thừa hoạt động tích cực nhất và đóng vai trò quan trọng nhất ở tuổi thiếu niên, tham gia vào hoạt động miễn dịch của đường ruột, thông qua dẫn lưu bạch huyết dồi dào, tích cực truyền thông tin mầm bệnh trong ruột, tham gia kiểm soát viêm nhiễm đường ruột. Sở dĩ ruột thừa được coi là bạch huyết khổng lồ của đường ruột, vì cơ quan này tạo ra các tế bào lympho B, số lượng rất nhiều. Ruột thừa cũng được coi là cơ quan miễn dịch, vì tiết ra các kháng thể dòng IgA. Với hai chức năng ấy, ruột thừa giúp phát hiện các kháng nguyên xâm nhập đường tiêu hoá, ức chế phản ứng kháng thể, đồng thời thúc đẩy chức năng miễn dịch tại chỗ. Ruột thừa giống như các mảng Peyer mỏng trong phần còn lại của đường tiêu hóa, giúp hấp thụ các kháng nguyên, đóng một vai trò quan trọng trong sinh học và kiểm soát thực phẩm, thuốc, vi sinh vật và kháng nguyên virus.
           Một số bác sĩ trước đây có thể không chú ý đến các hoạt động miễn dịch, nên nghĩ rằng ruột thừa vô tác dụng, không có nó sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cái gọi là hoạt động miễn dịch này bao gồm trí nhớ miễn dịch, nghĩa là quá trình tạo ra kháng thể chống lại tất cả các loại vi khuẩn, virus cùng như các chất lạ xâm nhập vào đường ruột, điều này rất quan trọng, nếu không có nó, đứa tre khi bước vào đời sẽ bị tiêu chảy xì xoẹt mỗi ngày. Vẫn biết quá trình hình thành miễn dịch có thể được tạo ra từ các hạch bạch huyết phân bố rải rác trong đường ruột, nhưng hiệu quả rất thấp. Không phải ngẫu nhiên ruột thừa chỉ nằm ở nơi gặp nhau của ruột già và ruột non, chức năng của ruột thừa là chăm sóc cả hai cơ quan, tạo nên trí nhớ miễn dịch cho cả hai.
Advertisement
           Với người trưởng thành cũng vậy, mặc dù chức năng của ruột thừa đã giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn là cái kho khổng lồ chứa các vi khuẩn có lợi, hiểu nôm na ruột thừa là một cái kho chưa đầy men tiêu hoá. Chức năng miễn dịch cũng vẫn tiếp tục. Ngoài ra, ruột thừa còn là cơ quan nội tiết, tiết ra nhiều loại hormone liên quan đến tiêu hóa và nhu động ruột, cắt bỏ ruột thừa tất yếu sẽ gây rối loạn chức năng đường tiêu hóa.
          Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, những người sau khi cắt ruột thừa, họ có thể bị táo bón và tiêu chảy luân phiên, hay bị đau bụng vặt, có thể xảy ra vấn đề về hấp thu.
Tạo hoá đã sinh ra cái gì đều không thừa.
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …