[COVID-19] Tản mạn en-cô vi

Rate this post

TẢN MẠN EN-CÔ VI
bài dài khuyến cáo ai ngại đọc hãy bỏ qua
================================

BS Trần Văn Phúc

Thiếu 4 ngày nữa tròn 2 tháng, đại dịch en- cô Vi xảy ra ở TQ đã lan ra khắp thế giới, tạo nên bầu không khí thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề này, số bệnh nhân nhiễm và tử vong ở TQ ngày càng tăng, xã hội bỗng nhiên trở nên căng thẳng.

Tôi xin lỗi khi phải dùng chữ en- cô Vi & vài chữ viết tắt!

Là bởi nguy cơ rối loạn xã hội, có lẽ thế, nên truyền thông xã hội đã chủ động giảm tương tác với một số từ khóa. Cũng chỉ muốn bài viết có thêm người tiếp cận mà tôi phải thay đổi một số từ, như en- cô Vi, hay TQ và VH, để tránh bộ lọc của AI mà thôi.

Chỉ mất 14 ngày kể từ thông báo dịch đầu tiên của chính quyền VH, các nhà khoa học TQ đã công bố giải mã xong bộ gen của con vi rút gây bệnh, WHO đã khéo léo đặt tên nó là 2019 en- cô Vi. Tiếp sau 14 ngày đó, là cuộc chạy đua nước rút giữa cộng đồng khoa học và con vi rút en- cô Vi tinh quái, chưa biết chừng nào chúng ta mới đuổi kịp và bắt nó dừng lại. Nhưng dựa vào số liệu TQ công bố để tính toán theo một mô hình toán học cụ thể thì tôi có niềm tin rất lớn là đại dịch đang chững lại và giảm dần.

Nếu chỉ nhìn vào con số mắc mới phát hiện & con số tử vong mỗi ngày thì sẽ rất bi quan!

Ai sẽ là người chiến thắng? Là một dịch bệnh càn quét loài người và hủy diệt hàng triệu sinh mạng, hay là khoa học công nghệ cùng với các y bác sĩ đang lao ra tuyến đầu sẽ cứu nhân loại? Tôi không thể đưa ra câu trả lời ngoài việc chia sẻ những hiểu biết của tôi về en- cô Vi và dịch bệnh.
————————————–

Khi các nhà khoa học TQ tìm ra vi rút en- cô Vi, cùng họ với Sác và Mớt-cô-vi, tôi hỏi người bạn là du học sinh ở VH rằng điều gì đang xảy ra? Cô bạn cho tôi xem những bức ảnh thành phố không một bóng người, giống hệt thành phố ma trong bộ phim câm có tựa đề “Cái chết mệt mỏi – Der Mude Tod” của đạo diễn Fritz Lang.

Tôi hiểu tình hình ở thành phố này thật tồi tệ, thế giới đang phải đối phó với một con vi rút mới rất khủng khiếp. Và tôi tưởng tượng đến những giọt nước bọt bay lơ lửng trong không khí. Nếu en- cô Vi giống Sác với tỉ lệ tử vong 11%, giống Mớt-cô-vi với tỉ lệ tử vong 36%, mà lại có thể lây truyền trong không khí, thì điều gì sẽ xảy ra. Lúc đó thế giới sẽ khác. Con người sẽ ít hơn 7 tỉ như bây giờ, có thể còn lại ¾, hoặc một nửa, thậm chí là ¼ cũng nên.

Thật rùng rợn khi các nhà khoa học công bố en- cô Vi giống Sác đến 80%.

Rõ ràng, nếu en- cô Vi có sức hủy diệt như Sác, thì không nơi nào trên thế giới này được coi là an toàn. Tôi vẫn biết, sự sống trên trái đất luôn theo quy luật sinh và diệt, thiên nhiên đầy rẫy những kẻ giết người. Nhưng với sức lây lan như en- cô Vi cộng với sức hủy diệt như Sác thì có lẽ con người sẽ hết đường trú ẩn.

Thật may mắn, cho đến tận thời điểm này, những lo sợ ban đầu của tôi vẫn chưa xảy ra.
——————————

Bây giờ tôi muốn chia sẻ với các bạn một chút về vi rút.

Trước khi con người xuất hiện, vi rút đã chiếm lĩnh hành tinh, cho dù sự thay đổi của nhiệt độ, nóng lạnh hoặc khô hạn, thì vi rút càng ngày càng phát triển và tràn ngập.

Là những sinh vật bé nhỏ nhất nhưng lại gây bệnh nhiều nhất, vi rút không được coi là “thực thể sống” vì cấu trúc vật liệu di truyền chủ yếu là ARN 1 sợi đơn hoặc cùng lắm là ADN 2 sợi kép với cấu trúc đơn giản, nên vi rút không có khả năng hoạt động “một mình” ở môi trường bên ngoài, tức là nó không hoạt động được và không nhân lên được.

Vì bản thân vi rút không được coi là “thực thể sống” nên có quan điểm không dùng chữ CON + VI RÚT = CON VI RÚT. Tôi nghĩ ngược lại, tiếng Việt không phong phú như tiếng Latin, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Trung; vì thế cần tạo thêm những từ và cụm từ mới cho sinh động. Theo đó, những gì có tính động có thể gắn thêm chữ con; như con đường, con sông, con kênh, con đò, hay con diều. Những gì quý giá cũng có thể gắn từ con, như con xe Mercedes, con SH, con Iphone. Rồi đến những gì tinh vi, nguy hiểm cũng có thể quy về con, như “con vi rút en- cô Vi” chẳng hạn.

Vi rút chỉ có thể hoạt động, phát triển, nhân lên khi nó chui được vào bên trong tế bào. Các tế bào giúp vi rút kí sinh, có thể là tế bào ở người, ở động vật, ở thực và thậm chí ở cả những con vi khuẩn.

Ngay ở người, vi rút để lại rất nhiều thông tin di truyền, khoảng 8% ADN trong cơ thể chúng ta hôm nay có nguồn gốc từ vi rút mà ra. Điều đó muốn nói rằng, chúng ta phải cẩn thận với nhiều ADN đang nằm im không hoạt động, biết đâu một ngày nào đó nó thức dậy và sinh bệnh, thậm chí tạo ra một con vi rút hoàn toàn mới.

Động vật cũng vậy, sẽ có một tỉ lệ nhất định vật liệu di truyền ADN có nguồn gốc sâu xa từ vi rút, nó nằm im một chỗ. Chưa kể có những vi rút chui vào tế bào động vật và sống hòa bình đơi khi chúng ta ăn phải mới sinh ra bệnh tật.

Tổ tiên loài người chuyển từ chuỗi thức ăn thực vật, sang ăn rác, rồi đến ăn thịt động vật, đến hôm nay thức ăn của con người là động thực vật, đó là bước tiến hóa. Chuỗi thức ăn của tổ tiên loài người, hàng triệu năm trước là từ săn bắt hái lượm, sau đó đến canh tác và chăn nuôi. Nghĩa là chúng ta từ bỏ chuỗi thức ăn hoang dã đã quá lâu, chuyển sang chuỗi thức ăn nuôi trồng theo kĩ thuật, hôm nay đã thích nghi với chuỗi thức ăn mới này. Bởi vậy mà thịt động vật hoang dã, tôi cho rằng con người đã từ bỏ nó quá lâu, đến hôm nay không còn phù hợp nên ăn vào sẽ rất nguy hiểm.

Đến các quốc gia phương Tây, tôi không thấy người dân ở đó họ ăn thịt động vật hoang dã. Từ thịt thú rừng, cho đến những con vật trong tự nhiên như chim bay trên trời, ngan vịt và ngỗng sống trong các hồ ao, rắn rết hay các loại côn trùng; chưa bao giờ tôi thấy người phương Tây họ ăn những thứ này.

Vi rút, với đặc tính chuyển đổi giữa các vật chủ khác nhau, nên không ngạc nhiên khi nó ở động vật thì không hề gây bệnh, nhưng sang người thì lại là thảm họa; và ngược lại.
——————–

Có thể nói vi rút là kẻ giết người máu lạnh do thiên nhiên tạo ra.

Vì cấu trúc của vi rút chủ yếu là ARN đơn giản, nên khi vào bên trong tế bào, nó rất dễ tổng hợp từ các Acid Nucleic, để nhân lên với tốc độ siêu khủng. Vi rút lại chỉ phát triển và nhân lên trong tế bào, nên được tế bào bảo vệ, vì thế mà chẳng có loại thuốc nào diệt được vi rút, vì muốn tiêu diệt nó thì phải giết chết tế bào, điều đó là không thể. Điều trị các bệnh vi rút, như en- cô Vi chẳng hạn, cũng theo nguyên tắc chung với các loại vi rút khác, là điều trị triệu chứng và bệnh cảnh lâm sàng, tạo sức đề kháng miễn dịch để ức chế không cho vi rút nhân lên, đợi nó quá tuổi chết đi và cơ thể khỏi bệnh.

Những vi rút siêu nguy hiểm, phải kể đến như Sác-cô-vi, Mớt-cô-vi và Ebola. Những vi rút này đã gây bất ngờ rất lớn cho con người. Ban đầu chúng chỉ tấn công dơi, chuột hoặc chim, lạc đà. Vì lí do nào đó, có thể con người ăn thịt những động vật này, vi rút đã tính sổ với chúng ta. Mặc dù, khoa học luôn tìm kiếm vắc xin, nhưng vi rút với khả năng tiến hóa, nó bỏ xa tuyến phòng thủ được coi là hữu hiệu này, bởi những chủng vi rút mới sinh.

Trở lại với lịch sử của dịch bệnh, từ thời tiền sử cho đến nửa đầu thế kỉ 20, bằng cách ghi chép theo thời gian, chúng ta đã khám phá rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm ở các nền văn minh châu Á, châu Âu và châu Phi.

Sau giải Nobel y khoa về sinh lí và y khoa vật liệu di truyền ADN, cùng với sự trợ giúp của kính hiển vi điện tử và công nghệ gen; một kỉ nguyên mới về vi rút đã thực sự được khám phá, hàng loạt những vấn đề được sáng tỏ, giúp cho việc phòng, kiểm soát và khống chế hiệu quả hơn rất nhiều.

Với en- cô Vi, vấn đề của hôm nay, với các nhà khoa học là khám phá thật nhiều thông tin bí mật về con vi rút, vấn đề với các nhà chuyên môn thực hành là phương pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả, đặc biệt là việc phát hiện sớm và cách ly sớm. Ngay cả khi với những bệnh nhân đã điều trị khỏi, với số lượng bệnh nhân là 9 người, việc xuất viện sớm cho 3 bệnh nhân tôi e là chưa cẩn thận.

Bài học của Phillipine, bệnh nhân âm tính nhưng tử vong sau 2 ngày. Đó là chưa kể, chúng ta chưa biết bệnh nhân xét nghiệm âm tính bao lâu thì không còn khả năng lây bệnh. Nên tôi muốn các nhà chuyên môn xem xét lại việc xuất viện sớm cho các bệnh nhân âm tính với vi rút en- cô Vi.
———————-

Bây giờ tôi muốn nói sâu hơn một chút về cô-rô-na vi rút.

Vi rút này được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1937, đến nay có tất cả 7 chủng gây bệnh cho người, trong đó en- cô Vi vừa tìm thấy đang gây đại dịch ở VH là chủng thứ 7. Tất cả 7 con vi rút này được chia thành 3 nhóm chính với đặc điểm riêng biệt.

NHÓM ĐẦU TIÊN = 4 virus rất dễ lây nhiễm + gây bệnh tương đối nhẹ

 HCoV-229E (vật chủ ban đầu là dơi)
 HCoV-OC43 (vật chủ là gia súc)
 HCoV-NL63 (vật chủ là dơi và cầy hương)
 HCoV-HKU1 (vật chủ là chuột)

NHÓM THỨ HAI = 2 virus không dễ lây + gây bệnh rất nặng

 SARS-CoV (vật chủ là dơi và cầy hương)
 MERS-CoV (vật chủ là lạc đà)

NHÓM THỨ 3: Chính là vi rút en- cô Vi, theo quan sát của tôi, rất có thể vi rút này nằm trung gian giữa nhóm 1 & nhóm 2, nghĩa là en- cô Vi có khả năng lây lanh rất nhanh nhưng kém hơn nhóm 1, gây bệnh không thể nặng như nhóm 2. Nếu đúng như suy đoán của tôi, thì đây là điều may mắn, để thế giới tránh không bị rơi vào thảm họa suy giảm dân số. Thực tế cho đến hôm nay, en- cô Vi mới chỉ gây bệnh nặng chủ yếu ở người già mắc nhiều bệnh nền, những người khỏe mạnh chỉ thoáng qua hoặc bị nhẹ và hồi phục nhanh.

Suy luận tiếp theo của tôi là en- cô Vi có bộ gen giống Sác đến 80%.

Cũng giống như tất cả mọi người, điều tôi quan tâm là các tác nhân như thời tiết, độ ẩm, lí hóa ảnh hưởng thế nào tới sự tồn tại của en- cô Vi? Đến nay chưa có câu trả lời chính xác, mới chỉ tìm thấy en- cô Vi ở nắm đấm cửa, nên còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Nhưng dựa vào nghiên cứu về Sác công bố trên tạp chí Hiệp hội Vi sinh học Hoa Kỳ nộp vào tháng 5 năm 2010, bài báo có tiêu đề “Hiệu ứng của Nhiệt độ không khí và Độ ẩm không khí đối với sự sống sót của cô-rô-na vi rút trên bề mặt”, từ đây tôi thấy có nhiều dấu hiệu khả quan.

Advertisement

Trong nghiên cứu này, để biết vi rút Sác tồn tại bao lâu ngoài môi trôi trường không khí, các nhà khoa học đặt các mẫu trên bề mặt thép không gỉ, thay đổi độ ẩm và nhiệt độ khác nhau để xem điều này ảnh hưởng đến tuổi thọ của các mẫu vi rút.

– Ở 4°C + Độ ẩm dưới 20% –> vi rút bất hoạt.
– Ở 4°C + Độ ẩm trên 20% –> vi rút tồn tại từ 5-28 ngày.
– Ở 20°C vi rút bất hoạt nhanh hơn 4°C.
– Ở 40°C vi rút rất kém hoạt động.
– Độ ẩm thích hợp để vi rút tồn tại là 50%.
– Độ ẩm dưới 20% và trên 80% cũng làm cho vi rút kém hoạt động.

Cũng như vậy, tôi đã đọc những báo cáo khác đều cho thấy, nhiệt độ để vi rút hoạt động tốt là dưới 20°C, đến 25°C đã giảm hoạt động đi khá nhiều, 28°C khả năng hoạt động giảm đi đến hàng ngàn lần, 38°C vi rút rất khó hoạt động, 56°C vi rút bị phá hủy trong 30 phút. Độ ẩm thích hợp để vi rút phát triển từ 45-50%, độ ẩm càng cao hoạt động càng giảm.

Vì thế mà tôi đã dự đoán, rằng 2 yếu tố là (nhiệt độ không khí + độ ẩm không khí) ở VN có thể là yếu tố bất lợi làm cho vi rút khó phát triển. Từ tết Nguyên Đán đến nay, nhiệt độ dao động từ 13 đến 20°C, độ ẩm không khí dao động từ 80 – 92% do có mưa lớn và mưa xuân, nên có thể làm cho vi rút rất khó bùng phát.

Một số bạn thắc mắc tại sao vi rút trong cơ thể người 37 – 42°C nó không chết?

Như ở trên đã nói, vi rút ở trong môi trường không khí nó không được coi là “thực thể sống” và nó phụ thuộc vào nhiệt độ không khí và độ ẩm không khí, tôi nhấn mạnh chữ “không khí”. Điều này khác với vi rút đã vào tế bào trong cơ thể, lúc đó ARN của vi rút là 1 phần vật liệu di truyền của tế bào, thì nó phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể.

Dễ hình dung, giống như 1 người đứng ngoài đoàn tàu, bị xe máy đâm vào thì người đó sẽ bị thương hoặc chết. Nhưng khi người đó đã chui được vào bên trong đoàn tàu, mà xe máy vẫn đâm đoàn tàu, thì người đó không sao cả.

Tuy nhiên, phỏng đoán của tôi về nhiệt độ và độ ẩm không khí ở VN cao có thể làm cho vi rút bị kém hoạt động và bất hoạt, nhưng đó mới chỉ là phỏng đoán, tôi cũng rất hi vọng phỏng đoán của mình là đúng. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không được phép chủ quan, mọi sự chủ quan lơ là sẽ phải trả giá rất đắt, nên càng cẩn thận đề phòng, chống dịch càng tốt.

Sau cùng, tôi muốn nói thêm rằng vi rút cô-rô-na nói chung nhạy cảm với ether, ethanol 75% (cồn sát trùng), thuốc khử trùng chứa clo, axit peracetic và các dung môi lipid như chloroform. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng xà phòng rửa tay đúng quy trình 20 giây là rất tốt, nếu có xà phòng chlorhexidine (chlorhexidine) càng hiệu quả. Cần phải nhớ rằng để phòng cho bản thân thì rửa tay là quan trọng nhất, rửa tay sau khi tấp xúc với tay nắm cửa, vịn cầu thang, khi tiếp xúc với đồ dùng vật dụng có nguy cơ, rửa tay trước khi ăn. Không sờ tay lên miệng, mũi và mắt, đó là thói quen nguy hiểm.

Mùa xuân đang ấm dần và mưa bụi làm cho độ ẩm tăng cao chúng ta cũng đỡ lo, nhưng không được chủ quan, trong lúc dịch nghiêm trọng hãy cố gắng tránh đi thăm người thân và bạn bè càng nhiều càng tốt, tránh đến những nơi đông người nhất có thể, nhớ đeo khẩu trang khi đến những nơi quá đông người, chú ý thông gió trong nhà, rửa tay thường xuyên, tập thể dục nhiều hơn và đừng có thức khuya.

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …