BS. Nguyễn Tuấn
Con số thống kê như bộ đồ bikini …
Nhà chức trách Trung Quốc lại thay đổi cách đếm số ca nhiễm SARS-Cov-2! Sự thay đổi cách đếm này gây ảnh hưởng đến việc đánh giá qui mô của dịch Covid-19, và nhắc nhở chúng ta câu nói ‘Con số thống kê như là một bộ bikini; những gì nó phơi bày thì hấp dẫn, nhưng những gì nó che kín mới là quan trọng’ (1).
Tưởng rằng đếm số bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2 trong dịch Covid-19 là đơn giản, nhưng qua cách làm của các giới chức Trung Quốc thì vấn đề trở nên lẫn lộn. Hôm nay, giới chức Trung Quốc lại thay đổi cách thống kê số ca nhiễm SARS-Cov-2, và đây là lần thay đổi thứ 2 sau một thời gian chưa đầy một tháng! Có lẽ đa số các bạn không rõ cách họ đếm số ca bệnh, nên cái note này chỉ trước là cho tôi hiểu cách họ làm, và sau là chia sẻ cùng các bạn.
1. Cách đếm của WHO
Thế nào là một ca nhiễm? Để trả lời câu hỏi này, tôi phải nói qua về định nghĩa gọi là ‘case definition’. WHO phân biệt 3 nhóm bệnh nhân (2): confirmed case (xác định), probable case (khả dĩ), và suspect case (nghi ngờ).
• Ca xác định (confirmed case): có nghĩa là bệnh nhân được xét nghiệm bằng phương pháp NAT dương tính, bất kể có hay không có triệu chứng;
• Ca khả dĩ (possible case): kết quả xét nghiệm (như pan-coronavirus) dương tính nhưng không thể kết luận rằng bệnh nhân bị nhiễm SARS-Cov-2.
• Ca nghi ngờ (suspect case): có triệu chứng (sốt, ho cần nhập viện), VÀ không có bệnh lí nào để giải thích triệu chứng, VÀ ‘tiền sử’ đi hay lưu lại ở China trong 14 ngày tính từ ngày triệu chứng bộc phát. Ca nghi ngờ cũng có thể là người mắc bệnh hô hấp, VÀ có tiếp xúc với người có thể bị nhiễm SARS-Cov-2 hoặc làm việc trong các cơ sở nơi bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2 đang/đã được điều trị.
2. Cách đếm ở bên Trung Quốc
Ở trên là cách đếm có thể nói là ‘chuẩn’ của WHO, và nhiều nước trên thế giới (kể cả Úc) đều làm theo hay dựa vào (3). Thế nhưng ở bên Trung Quốc, vấn đề lại phát sanh, bởi vì phương tiện xét nghiệm NAT (phương pháp chuẩn) không phổ biến như ở các nước giàu có. Phương pháp NAT đòi hỏi thời gian, thường là 1-3 ngày mới có kết quả.
Do đó, bên Trung Quốc họ có khi (hay thuờng xuyên) dùng CT scan để nhận dạng các cá nhân có nguy cơ nhiễm. Làm CT scan thì nhanh, và có thể làm nhiều ca. Tuy nhiên, CT chỉ có thể giúp chẩn đoán viêm phổi, mà viêm phổi thì có thể do nguyên nhân khác chớ không hẳn là do nhiễm virus. Nói cách khác, CT scan không thể xác định bị nhiễm SARS-Cov-2 được, nhưng có thể là bước đầu để nhận dạng người có nguy cơ cao.
Tiến trình thay đổi cách đếm bệnh của các giới chức Trung Quốc có thể tóm lược ngắn gọn như sau:
(a) Trước ngày 13/2: họ chỉ đếm những ca được xét nghiệm NAT và có kết quả dương tính.
(b) Ngày 12/2: họ thay đổi cách đếm và chỉ thị cho tỉnh Hồ Bắc phải đếm số ca có kết quả xét nghiệm NAT dương tính VÀ số ca mà CT scan cho thấy bị viêm phổi bất cứ vì lí do gì. Do đó, số ca chỉ trong ngày 13/2 tăng vọt lên 15152 người! (Con số 15152 người này chắc chắn đã được ghi nhận trước đó, nhưng họ không cho chúng ta biết là thời gian nào).
(c) Ngày 19/2: họ được chỉ thị chỉ đếm số ca đã được xác định bởi xét nghiệm NAT, tức là quay về cách đếm trước ngày 13/2. Hậu quả là ngày 19/2 họ chỉ ghi nhận 349 ca mới mắc, nhưng 1 ngày trước đó con số là 1,700!
3. Tác động
Những thay đổi cách đếm số ca bệnh trên đây có tác động đến tất cả các mô hình và phân tích. Bởi vì tuyệt đại đa số ca bệnh là xuất phát từ Trung Quốc, nên các mô hình tính toán đều phụ thuộc vào số liệu của Trung Quốc. Thế nhưng Trung Quốc lại thay đổi cách đếm liên miên như trên thì kết quả của các mô hình tính toán đều khó có thể diễn giải đúng. Thật ra, thay đổi cách đếm trong một trận dịch có thể xảy ra tuỳ vào diễn biến của dịch, nhưng thay đổi 2 lần chỉ trong 2 tuần lễ là … hơi nhiều. Có thể nói rằng mấy giới chức y tế Tàu đã đùa giỡn trước cộng đồng khoa học thế giới. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khi nhìn vào con số ‘confirmed cases’ từ 14/2 trở đi thì quả thật số ca nhiễm có xu hướng giảm. Hi vọng rằng họ báo cáo đúng.
Những con số thống kê về dịch bệnh của giới chức Trung Quốc cung cấp cũng có thể ví von như bộ bikini của phụ nữ (mượn lời của Gs Aaron Levenstein). Những gì những con số đó tiết lộ cung cấp cho giới khoa học một diễn biến của dịch Covid-19, và về tính minh bạch mà họ (nhà cầm quyền Trung Quốc) muốn thế giới nhìn nhận. Nhưng những con số đó cũng có thể che giấu qui mô thật của dịch bệnh lớn hơn những gì nhà cầm quyền muốn chúng ta tin vào.
Cuối cùng thì tôi vẫn nghĩ con virus mới này sẽ ở lại với chúng ta. Xác suất cao là nó sẽ không đi đâu cả, nó sẽ sống chung với các virus ‘thành viên’ khác để thỉnh thoảng giúp cho chúng ta có lí do xin nghỉ việc vài ngày vì cảm cúm. 🙂
===
(1) Câu này nguyên văn là “Statistics are like bikinis. What they reveal is suggestive, but what they conceal is vital”, của Aaron Levenstein (1913-1986). Levenstein là giáo sư kinh tế bên Mĩ.
(2) https://www.who.int/…/global-surveillance-for-human-infecti…
(3) https://www.health.nsw.gov.au/…/2019-ncov-case-definition.a…