(Thứ ba, 25/02/2020 16:07)
Ngày 25/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố Trung ương tại hơn 700 điểm cầu. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đại biểu tại hội trường Bộ Y tế và hơn 700 điểm cầu trực tuyến đứng lên dành 1 phút tri ân thế hệ thầy thuốc hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trong đó có cả các y bác sĩ hy sinh trong đại dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta những tấm gương và bài học quý báu ngày hôm nay.
“Chúng ta cũng cảm ơn cả những chiến sĩ biên phòng, công an cửa khẩu, các ngành, cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà báo và mọi người dân cùng tham gia chống dịch COVID-19. Với một tinh thần “Chống dịch như chống giặc” có thể nói chúng ta đã đạt được những kết quả đáng mừng cho đến giờ phút này” – Phó Thủ tướng nói.
“Năm nay không chỉ có tôi mà có rất nhiều anh em ngồi đây không có Tết. Đặc biệt, đúng đêm Giao thừa, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp khai báo y tế bắt buộc, cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau này, WHO cũng đánh giá Việt Nam áp dụng những giải pháp sớm hơn và cao hơn mức khuyến nghị của WHO là hết sức đúng đắn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện bốn kịch bản ứng phó dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “luôn luôn lường đến tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi. Tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất không xảy ra. Phương châm chống dịch của Việt Nam gồm 5 điểm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để. Dù tình hình dịch bệnh có thay đổi nhưng chúng ta cần phải kiên trì theo đúng các nguyên tắc chống dịch, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là vấn đề toàn cầu, cần có sự đồng bộ, tham gia và hợp tác quốc tế, Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh, sớm và chủ động nhưng luôn trao đổi, thuyết phục để tìm được sự đồng thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị của ngành y tế làm việc với các nhà mạng di động, cơ quan báo chí, công ty công nghệ thông tin để đưa thông tin kịp thời, minh bạch nhất có thể đến người dân, cả trên các mạng xã hội. “Chúng ta phải minh bạch để cảnh báo nguy cơ và đặc biệt là những việc cần làm để mọi người dân tham gia chống dịch. Đây không phải là việc của ngành y tế, bộ đội biên phòng, công an cửa khẩu… mà đầu tiên và tiên quyết là từng người dân phải ý thức được, cùng tham gia”.
“Đến ngày hôm nay với tất cả sự khiêm tốn cầu thị, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào hàng cao nhất do có biên giới đất liền với Trung Quốc, các hoạt động giao thương đi lại đường bộ, đường không, đường thuỷ… rất lớn nhưng chỉ có 16 ca dương tính COVID-19. Chúng ta đã kết hợp nhiều biện pháp, chữa thành công các trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có cả những người bị bệnh nền, tuổi cao, người nước ngoài, người Việt Nam và cả cháu bé 3 tháng tuổi. Đến giờ phút này toàn bộ 16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi hoàn toàn”, Phó Thủ tướng nói. Một trong những bài học rút ra là việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay ở tuyến dưới, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành hỗ trợ chứ không tập trung vào một nơi.
Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các cấp chính quyền không được lơi lỏng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch. “Cách ly là biện pháp tốt nhất, dù có sự bất tiện đối với người được cách ly nhưng đây là trách nhiệm đối với sức khoẻ của chính những người này và cộng đồng. Chúng ta thuyết phục mềm dẻo nhưng kiên quyết”.
Nhấn mạnh ngoài việc chống dịch thành công còn cần đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, trong điều kiện có dịch, Phó Thủ tướng cho biết gần đây Bộ VH-TTDL, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế có các bước chuẩn bị, hướng dẫn để du lịch an toàn, đi học an toàn.
“Chúng ta nói quay lại bình thường nhưng không thể bình thường như lúc không có dịch mà phải có thêm các biện pháp bổ sung để bảo đảm an toàn, làm yên lòng, an tâm người dân”, Phó Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh vai trò của các hoạt động truyền thông để người dân hiểu đúng về dịch bệnh, không chủ quan nhưng không lo sợ thái quá và có những hành động không cần thiết, gây tốn kém và bất an trong xã hội. Làm sao để người dân tham gia cùng chính quyền phát hiện, cách ly, quản lý, giám sát những có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Việt Nam: 11 ngày qua không xuất hiện ca bệnh mới
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, Ban Bí thư, Chính phủ, các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, chỉ đạo cách ly, khoanh vùng, điều trị. Điều này đã đạt hiệu quả và được cộng đồng đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, không có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
“16 trường hợp mắc bệnh COVID-19 thì cả 16 ca đều được điều trị, phục hồi. 11 ngày qua ở Việt Nam không có ca mắc mới. Chúng ta không để ai bị nhiễm bệnh mà không được phát hiện, và nếu có ca bệnh thì phải dốc toàn lực để sớm điều trị khỏi bệnh, kể cả đối với người Việt Nam hay người nước ngoài mắc bệnh”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh vấn đề chống nhiễm khuẩn bệnh viện cần đặc biệt coi trọng, tránh lây từ người bệnh sang nhân viên y tế. Các đơn vị cần chủ động đáp ứng với các tình huống dịch trong trường hợp dịch lan rộng. Giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không nên tụ tập đông người. Người dân cần hạn chế tối đa việc đi đến nơi có dịch khi không cần thiết, nếu do đặc thù công việc bắt buộc phải đi thì khi trở về Việt Nam phải được cách ly y tế 14 ngày theo quy định.
Về vấn đề xét nghiệm, các phòng xét nghiệm đảm bảo yêu cầu công tác xét nghiệm, chẩn đoán nhanh COVID-19, cần lưu ý vấn đề an toàn sinh học, xét nghiệm chính xác. Bên cạnh đó, truyền thông về dịch bệnh minh bạch, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh đến người dân, xử lý các trường hợp tung tin thất thiệt về dịch bệnh gây hoang mang dư luận.
16/16 ca điều trị phục hồi tốt
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mô hình bệnh COVID-19 ở nước ta đã xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Trong 16 ca nhiễm bệnh, chúng ta đã điều trị phục hồi đạt kết quả tốt, đặc biệt đã điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân lớn tuổi mang nhiều bệnh nền nguy hiểm (bệnh nhân người Trung Quốc và bệnh nhân Việt kiều Mỹ); 1 em bé 3 tháng tuổi cũng đã khỏi bệnh và xuất viện.
Thứ trưởng Sơn cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, đồng thời cách ly, điều trị kịp thời đã giúp chúng ta điều trị bệnh nhân COVID-19 thành công ngay từ tuyến huyện. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ở thế giới diễn biến khó lường, ngoài Trung Quốc thì Hàn Quốc là quốc gia có số mắc cao nhất và tăng nhanh; một số quốc gia có tỉ lệ tử vong nhanh như Iran, Nhật Bản… Do vậy, Việt Nam không thể chủ quan lơ là với dịch bệnh.
Nhấn mạnh đến những công việc cần triển khai để ứng phó với dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, cần đảm bảo không lây nhiễm chéo tại các khu cách ly, cũng như tại các BV. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo chấn chỉnh các phòng khám tư nhân trên địa bàn xuất phát từ thực trạng có một số bệnh nhân sốt, ho, nhưng không đến cơ sở y tế mà đến tại phòng khám tư nhân. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các phòng khám cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ và chuyển đến cơ sở y tế chẩn đoán chính xác các trường hợp mắc bệnh.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới và các khu cách ly khi cần. Các đơn vị chuẩn bị dự trù trang thiết bị phòng chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch với các tình huống xấu hơn. Tăng cường mạng lưới phòng xét nghiệm đạt chuẩn, tăng cường năng lực y tế cơ sở; đồng thời kịp thời câp nhật khoa học tiến bộ để đáp ứng nhu cầu chống dịch.
Chuẩn bị trang thiết bị chống dịch kịp thời ứng phó các kịch bản
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, theo báo cáo của các đơn vị, hiện đã chuẩn bị tốt trang thiết bị phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương tìm nguyên liệu đầu vào để đáp ứng nhu cầu sản xuất các trang thiết bị phòng chống dịch; đồng thời xin miễn giảm thuế một số trang thiết bị y tế phòng chống dịch, chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư tiêu hao trong điều trị.
Bộ Y tế cũng đã triển khai mua dự phòng một số trang thiết bị dự trữ thiết yếu phục vụ điều trị cho bệnh nhân như máy thở, Xquang… đáp ứng nhu cầu chống dịch với các tình huống xấu hơn như kịch bản 3, kịch bản 4 với số mắc cao trong kịch bản chống dịch. Cung ứng kịp thời thuốc điều trị cho cơ sở theo quy định của Bộ Y tế, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng…
Người dân cần sàng lọc thông tin chuẩn về dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, chưa bao giờ lãnh đạo chỉ đạo dịch quyết liệt như vậy, huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phòng chống dịch, không ai đứng bên ngoài.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Long nhận định, tới đây dịch sẽ chuyển sang giai đoạn mới thử thách hơn, khó khăn hơn. Dịch ở Trung Quốc chúng ta đã ngăn chặn triệt để từ bên ngoài vào nhưng dịch ở Hàn Quốc tới đây như nào, làm sao để hạn chế đi lại, việc cách ly những người Hàn Quốc tới Việt Nam, người Việt Nam từ Hàn Quốc trở về trong vòng 14 ngày thế nào.
Thứ trưởng Long cho biết, để phòng các bệnh truyền nhiễm, cách ly là việc tối quan trọng, cách ly tại Vĩnh Phúc thời gian qua là một bài học, giúp người dân tin tưởng hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Về vấn đề truyền thông phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải một các nhanh nhất tình hình dịch bệnh đến người dân và các khuyến cáo cần thiết để người dân nắm được. Các tin nhắn được gửi đến điện thoại của từng người dân hàng ngày, cập nhật liên tục.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khuyến cáo đến người dân cần sáng suốt, sàng lọc thông tin đúng đắn, khoa học về dịch bệnh, tránh nghe những tin đồn thất thiệt gây hoang mang, lo lắng.
Phạm Hiệp