[Bàn luận] Xuất khẩu huyết tương có gì sai?

Rate this post
Cảm ơn bài chia sẻ của Bác sĩ Trần Văn Phúc.
XUẤT KHẨU HUYẾT TƯƠNG CÓ GÌ SAI?
========================
Chiều 5-4 năm 2019, truyền hình và các trang báo đồng loạt đưa tin Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM công bố ngân hàng máu của bệnh viện này đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice – thực hành sản xuất tốt) châu Âu, điều này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, mà còn giúp Việt Nam có thể xuất khẩu huyết tương sang châu Âu.
Thời điểm đó, dư luận bày tỏ sự bức xúc cực độ, vì cho rằng “xuất khẩu máu” là vô nhân đạo! Người ta phản đối, có lẽ bởi “máu” là một thuật ngữ mang tính ẩn dụ kì quái riêng, đến nỗi ai cũng có định kiến rằng họ có thể mua bán mọi thứ trên đời, ngoại trừ máu. Nếu bình tĩnh tìm hiểu chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên khác.
Tôi thực sự ấn tượng khi xem bộ phim tài liệu đen trắng nổi tiếng của Nga có tiêu đề “The Blood – Máu”, do hãng phim 317 sản xuất năm 2013, đã dành nhiều giải thưởng danh giá nhất kể từ khi phát hành đến nay. Bộ phim dài 59 phút, với nội dung xoay quanh chiếc xe ô tô minivan cũ kĩ sơn thêm chữ thập đỏ, được điều khiển bởi nhóm 7 người, bao gồm 1 lái xe, 1 nhân viên thu ngân, 1 bác sĩ và 4 y tá. Chiếc xe được ví như “cỗ máy tạo máu” đi về các vùng nông thôn nước Nga, họ mua máu của những người dân nghèo, với giá mỗi đơn vị máu 850 rúp, tương đương gần 300 ngàn tiền Việt.
Cảnh trong phim là những hội trường bụi bặm, nơi người bán máu xếp hàng dài đăng kí, họ lo lắng không đến lượt, rồi họ phải đấu tranh để được bán máu. Đó là những người không có tiền mua thực phẩm, không có khí ga để sưởi ấm, không đủ tã để con gái sắp sinh thêm em bé. Một người phụ nữ rơi nước mắt khi bị từ chối bán máu với lí do không có giấy chứng nhận cư trú hợp lệ. Một người đàn ông năn nỉ xin được lấy máu vì anh ta không còn một đồng trong túi và sắp phải đi ăn cắp. Rõ ràng, đối với một số người Nga hôm nay, bán máu cũng là một cách để kiếm tiền lành mạnh.
Nga không đơn độc trong câu chuyện mua và bán máu.
Trung Quốc, Đức và Mỹ là những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cũng vậy. Dreck James From là một luật sư hiện đang khá thành công ở Canada, nhưng 13 năm trước khi anh đang là sinh viên luật ở Mỹ, anh phải sống bằng các khoản vay và vật lộn với một đống hóa đơn. Đó là lí do để mỗi tuần, Dreck lại tìm đến các trung tâm bán máu ở Mỹ, anh được trả tổng cộng 45 đô la.
Chúng ta vẫn hình dung, máu từ người hiến được rút ra từng đơn vị, sau đó truyền nguyên bản từng đơn vị ấy cho người nhận. Thực tế không phải vậy. Từ những năm 1970, nhờ các kĩ thuật y khoa được cải thiện, máu toàn phần hút ra từ lòng mạch của người hiến sẽ được tách riêng 3 thành phần là hồng cầu, tiểu cầu và huyết tương.
Truyền máu trong các bệnh viện hôm nay là cung cấp một thành phần mà bệnh nhân cần, trong đó hồng cầu là phổ biến nhất, sau đó đến tiểu cầu; truyền máu toàn phần rất hiếm và thường chỉ dùng với những bệnh nhân mất máu ồ ạt quá nặng, vì thế mà huyết tương luôn bị dư thừa rất nhiều.
Huyết tương là phần chất lỏng trong máu, có 90% là nước, còn lại đa số là Protein do gan độc quyền sản xuất, nó có màu vàng; thứ chất lỏng này hoặc chỉ đổ đi hoặc trở nên vô giá.
Việc phải đổ bỏ huyết tương, là vì truyền huyết tương gây nên nhiều rắc rối, có thể mắc hàng loạt mầm bệnh sẵn có trong huyết tương, có thể dị ứng ngay trong lúc truyền, thậm chí sốc phản vệ chết người rất dễ xảy ra. Công nghệ bảo quản huyết tương cũng vô cùng khó khăn và tốn kém, như điều kiện nước ta hầu hết cả cơ sở chỉ có tủ -80 độ giữ huyết tương được 2 năm, các nước phát triển sử dụng tủ Nito lỏng -170 độ bảo quản được 10 năm.
Nhưng huyết tương lại chứa các thành phần đặc biệt như Albumin, Immunoglobulin, yếu tố đông máu; đó là những chất nếu tách được riêng rẽ sẽ trở nên vô cùng quý giá, để sản xuất hàng loạt thành phẩm an toàn, giúp điều trị những căn bệnh hiểm nghèo.
Đó là lí do để thế giới bùng nổ ngành công nghiệp huyết tương.
Mỗi năm, các công ti chế biến huyết tương trên toàn cầu đã sử dụng khoảng 50 triệu lít, đủ lấp đầy 20 bể bơi Olympic.
Riêng nước Mỹ được coi là quốc gia có nguồn huyết tương như “mỏ dầu”, tổng lượng huyết tương ở quốc gia này đủ lấp đầy 15 bể bơi Olympic. Trừ lượng huyết tương chế biến tại chỗ để phục vụ cho nền y tế Mỹ, số còn lại xuất khẩu ra thế giới, chiếm tới 1,6% kim ngạch xuất khẩu, ngành thép và xe hơi Mỹ đành chịu đứng sau.
Hàng loạt quốc gia cũng đang chạy đua xuất khẩu huyết tương, năm 2016 đạt tới 126 tỉ đô la, vượt qua con số xuất khẩu máy bay của tất cả các hãng cộng lại.
Mỹ trước đây đứng đầu thì nay tụt xuống hạng 2 sau Ireland, thứ ba là Đức, lần lượt đến Pháp, Anh và Đan Mạch. Đáng lưu ý, Hàn Quốc hiện đang xuất khẩu huyết tương đứng thứ 9 thế giới, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất, với mức tăng 289,4% kể từ năm 2013 cho đến thời điểm hiện nay.
Tuy vậy, thị trường mua bán và xuất khẩu huyết tương cũng vấp phải những rào cản ở nhiều quốc gia, đó là sự phản đối liên quan đến đạo đức, xã hội và y tế. Cụ thể như tình trạng lây truyền bệnh ở những người bán máu chuyên nghiệp mà không kiểm soát được bệnh tật, sự bóc lột người nghèo, nguồn máu hiến tặng tự nguyện không thể chuyển sang thương mại hóa.
WHO khuyến cáo: hiến máu là tự nguyện!
Khuyến cáo đó thể hiện tính nhân đạo chỉ một phần, còn lại phần lớn là đảm bảo tính an toàn, bởi người hiến tự nguyện và không được trả tiền thì đó là nguồn máu chất lượng, nó giảm thiểu những rủi ro như người mang nhiều mầm bệnh và nghiện ngập đi bán máu, hay những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bán cho dù chưa có sự kiểm chứng.
Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện mua bán máu.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho rằng, việc mua bán máu và xuất khẩu huyết tương là hợp pháp, đúng đạo lí và an toàn. Trong hai thập kỉ qua, nước Mỹ chưa phát hiện trường hợp nào truyền bệnh qua các sản phẩm của huyết tương sản xuất tại Mỹ. Mặt khác, huyết tương với đặc điểm nhanh chóng tái tạo trong vài ngày, phần lớn những người bán lặp đi lặp lại nhưng không thấy có vấn đề gì về sức khỏe, cho nên việc bán huyết tương được cho là an toàn nếu có sự giám sát chặt chẽ.
Số người Mỹ, đặc biệt là sinh viên, đi bán máu nói chung và huyết tương nói riêng là đông đảo nhất thế giới.
Ở những quốc gia không chấp nhận mua bán máu, thì nguồn huyết tương dựa vào hiến tặng thông qua các tổ chức như Chữ thập đỏ sẽ không đủ, nên phải dựa vào nguồn huyết tương nhập khẩu hoặc phải chấp nhận bỏ ra một số tiền rất lớn để mua các thành phẩm điều trị cho bệnh nhân.
Ở một góc độ nhân đạo khác, chẳng khó để hình dung nếu không được phép mua bán và xuất khẩu máu hay huyết tương, thì điều gì sẽ xảy ra khi đại dịch bò điên bùng phát khắp Châu Âu, bởi những sản phẩm máu dù đã chế biến cẩn thận nhưng vẫn bị biến thể, khi truyền vào bệnh nhân sẽ gây chết người. Nếu không có nguồn máu xuất khẩu từ Mỹ sang, thì hàng ngàn bệnh nhân nặng ở châu ÂU, những bệnh nhân tai nạn ở Anh và Pháp đã không thể sống được cho đến hôm nay.
Advertisement
Định kiến làm người ta sai lầm.
Phải chăng quan niệm máu chỉ để chảy trong huyết quản hoặc hiến nhân đạo, nên không thể mua bán và xuất khẩu, đó chính là loại định kiến có hại, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi.
Mỹ, Nga và các quốc gia phát triển khác đang duy trì thu gom máu từ 2 nguồn, một là nguồn hiến nhân đạo, hai là nguồn thương mại hóa mua và bán. Điều đó không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu máu, mà còn phát triển ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu huyết tương, thu lại lợi nhuận hàng tỉ đô la mỗi năm.
Hãy thử tưởng tượng đơn giản nhất là một lọ Albumin Human 50mL, giá rẻ cũng phải 1 triệu, trong khi mỗi đơn vị máu tách ra gần 250mL huyêt tương lại mang đổ đi, đó sẽ là sự lãng phí khủng khiếp.
Việt Nam chỉ có duy nhất hình thức thu gom máu bằng hiến máu nhân đạo nên xuất hiện những hệ lụy không hề nhỏ. Hệ lụy đầu tiên là chúng ta luôn ở trong tình trạng thiếu máu để truyền cho bệnh nhân. Hệ lụy thứ hai, là toàn bộ huyết tương chỉ đổ đi vì có quyết tâm bán cũng không có quốc gia nào dám mua do huyết tương đó được tách từ máu hiến nhân đạo, trong khi chúng ta không thể tự sản xuất các chế phẩm quý hiếm từ huyết tương. Hệ lụy thứ ba, là mỗi năm chúng ta phải bỏ ra hàng tỉ đô la để mua các sản phẩm của huyết tương về điều trị cho bệnh nhân.
Tỉ phú người Việt là ông HKieu giàu lên nhờ kinh doanh huyết tương, nhưng ông lại sống và mở công ti ở bên Mỹ.
Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần làm theo thế giới là duy trì 2 hình thức thu gom máu = Hiến nhân đạo + Mua bán.

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[CHUYỆN Y KHOA] Chuyện viết dở ở bệnh viện

Nguồn: Bs. Trần Văn Phúc (bạn đọc thấy thích tôi sẽ viết tiếp) ========================== Không …