[Cập nhật] Tin vui: nghiên cứu mới về ung thư vú ở Việt Nam

Rate this post
Tôi rất hân hạnh chia sẻ một tin vui: bài báo đầu tiên về tình hình ung thư vú ở Sài Gòn mới được công bố vài giờ trước trên PLoS ONE [1]. Bài báo này sẽ giải tỏa những ngộ nhận về tình hình ung thư vú ở VN.
Đây là một trong những công trình tâm huyết của chúng tôi. Tác giả chính của bài báo là Bs Phan Xuân Dũng (hình như là đồng hương Kiên Giang) và các đồng nghiệp trong nhóm VOS.
Không nói ra thì nhiều bạn đã biết rằng ung thư vú là loại ung thư đáng sợ nhất trong các loại ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu về ung thư vú (và ung thư nói chung) ở VN rất hiếm thấy trong y văn. Thành ra, có những câu hỏi căn bản và đơn giản (như có bao nhiêu ca ung thư mỗi năm) mà khó tìm dữ liệu để trả lời.
Trong điều kiện thiếu thốn dữ liệu, rất nhiều bài báo đại chúng suy đoán lung tung về tình hình ung thư ở VN, mà thường thì họ vẽ một bức tranh u ám [2]. Người đọc có cảm tưởng ung thư ở VN cao hơn các nước trên thế giới. Nhưng trong thực tế thì đó chỉ là những suy đoán không dựa vào dữ liệu, hay dựa vào dữ liệu thiếu tính hệ thống.
May mắn thay, ở Sài Gòn có một registry (giống như một nơi ghi danh) thu thập dữ liệu ung thư của cư dân TpHCM. Cái registry này được sự hỗ trợ của IARC nên các dữ liệu thu thập khá bài bản và có hệ thống. Thời gian thu thập là từ 1996 đến 2015 (20 năm). Chúng tôi sử dụng dữ liệu này để trả lời câu hỏi về gánh nặng ung thư vú ở TpHCM:
(a) Có bao nhiêu ca ung thư vú ở nữ và nam giới trong thời gian 20 năm qua;
(b) Tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng hay giảm trong 20 năm qua;
(c) So sánh với các nước tiên tiến thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM cao hay thấp?
Vậy chúng tôi phát hiện gì?
1. Trong thời gian 20 năm (1996 – 2015) TpHCM ghi nhận 14222 ca ung thư vú (95% là nữ). Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 50, nhưng có vẻ tăng theo thời gian. Ví dụ như ở nữ giới, số ca ghi nhận trong thời gian 1996-2001 là 1915 người, nhưng trong thời gian 2011-2015 thì tăng lên 5366 người.
2. Tuy nhiên, con số ca mắc bệnh phải hiệu chỉnh cho dân số của Thành phố vốn tăng nhanh trong 20 năm qua. Tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân) năm 1996-2001 là 62, và trong thời gian 2011-2015 là 107 người. Nói cách khác, ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho dân số thì tỉ suất ung thư vú tăng 70% trong 20 năm quan.
Biểu đồ phần trên: số phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh ung thư vú từ 1996 đến 2015. Năm 1996-2001 có 1915 ca ung thư vú, và con số này tăng lên 5366 vào năm 2011-2015. Như vậy, số ca ung thư vú ở TPHCM tăng 2.7 lần giữa 2015 và 1996.
Hình dưới là tỉ suất ung thư vú tính trên 100,000 phụ nữ 5 năm. Tỉ suất ung thư vú cũng tăng từ 62.2 trong năm 1995-2001 lên 107.4 vào năm 2011-2015. Nói cách khác, trong thời gian 1996 đến 2015, tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng ~70%
3. Tỉ suất ung thư vú ở nữ giới (tính trên 100,000 dân) ở Úc là 131, Mĩ là 200, Thái Lan là 31. Còn ở TpHCM thì tỉ suất là 21.5 trong thời gian 2011-2015. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM vẫn thấp hơn các nước kĩ nghệ hoá, thậm chí thấp hơn Thái Lan.
4. Tuổi khi chẩn đoán ung thư (tính trung bình) là 50. Tuổi này cũng được quan sát ở Hàn Quốc và Singapore. Còn ở các nước phương Tây thì tuổi chẩn đoán là 54. Nói cách khác, phụ nữ Việt Nam có vẻ mắc bệnh ung thư vú sớm hơn các phụ nữ Âu Mĩ.
So sánh tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân số mỗi năm) cho thấy tỉ suất ở TPHCM vẫn thấp hơn so với Thái Lan, China, Úc, Mĩ và trung bình thế giới. Năm 2011-2015, tỉ suất ung thư vú ở HCM là 21.5, trên thế giới là 46.3. Do đó, không thể nói rằng tỉ suất ung thư vú ở VN cao hơn thế giới.
Đây là một công trình tôi đã có ý định làm từ lâu nhưng không có cơ hội. Đến khi nhóm VOS có dự án làm nghiên cứu ung thư với các bạn bên Đại học Johns Hopkins, và khi Bs Thảo Quyên tham gia nhóm thì có người phụ trách. Rồi phải qua sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình của Bs Phan Xuân Dũng thì dự án mới bắt đầu khởi sắc. Do đó, hai tác giả chánh là Bs Dũng và Bs Thảo Quyên.
Advertisement
Đây là một bài báo gian nan vì quá trình bình duyệt kéo dài gần 1 năm trời. Không phải do sai sót gì cả, mà do tìm chuyên gia bình duyệt quá khó khăn. Có lẽ nhiều chuyên gia không muốn bình duyệt nghiên cứu dạng mô tả mà lại tử VN. Do đó, phải cảm ơn một đồng nghiệp người Việt (không rõ công tác ở đâu) đã đồng ý xem xét và góp ý cho bài báo. Hai chuyên gia nặc danh gốc Âu Châu khác cũng bỏ thì giờ đọc và góp nhiều ý về phân tích. Cuối cùng thì sau gần 1 năm bình duyệt và qua lại, bài báo đã được chấp nhận cho công bố trên PLoS ONE.
Bài học là trong công bố khoa học người Việt chúng ta phải giúp nhau. Tôi đoán là trong tương lai tình hình công bố khoa học sẽ khó khăn hơn, nhứt là những bài từ Việt Nam (vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia trong khoa học). Do đó, trong tương lai chúng ta cần những chuyên gia gốc Việt có kinh nghiệm và từng qua đào tạo bài bản giúp đỡ lẫn nhau một cách công minh.
Tóm lại, dữ liệu từ cơ quan đăng kí ung thư của TpHCM cho thấy mặc dù tỉ lệ ung thư vú ở cư dân Thành phố vẫn còn thấp so với các nước Âu Mĩ, nhưng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Có nhiều lí do tại sao số ca ung tư gia tăng (như do lối sống thời công nghiệp hoá, do môi trường, do phát hiện ung thư tốt hơn hay chẩn đoán tốt hơn, v.v.) nhưng đó là một chủ đề cho một nghiên cứu khác.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
_____

Giới thiệu Phan Thị Phước Thảo

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …