[Cấp cứu] Xử trí ngừng hô hấp tuần hoàn: Adrenaline liệu có là thần dược?

Rate this post

CẤP CỨU NGỪNG HÔ HẤP TUẦN HOÀN (lời kết) : ADRENALINE LIỆU CÓ LÀ THẦN DƯỢC ?
Các bạn nhớ đọc bài này nhé ?
Tác giả: BSNT Hà Văn Quốc

Hết lễ rồi, cả nhà cùng khởi động tuần mới nào!!!
Từ lâu, adrenaline đã trở thành một trong những phần không thể thiếu trong cấp cứu ngưng tim. Tôi đã từng ám ảnh trong đầu với những case cấp cứu hàng chục ống “a rề” mà vẫn không thành công. “Dùng xối xả còn chưa ăn thua nữa là 3-5 phút” là câu nói cửa miệng rất hay gặp khi mình định bày tỏ ý kiến về việc dùng “a rề”. Thế nhưng quay lại sách vở, tại sao lại chỉ dùng 1 mg mỗi 3-5 phút, liệu có gì sai.
Trước hết, chúng ta cùng nhắc lại một chút nhé. Thành công trong cấp cứu ngưng tim được chứng minh lợi ích rõ ràng nhất đó là ép ngực, khử rung và hạ thân nhiệt sau phục hồi tuần hoàn (phần này hiện chưa triển khai rộng rãi nên mình cũng ít biết 😊)) ). Tất cả các phần còn lại, tất cả các thuốc, đều có bằng chứng lợi ích rất kém. ( Tại sao vậy nhỉ?


Yếu tố quyết định phục hồi tuần hoàn là sự sống của cơ tim, mà điều này phụ thuộc vào tưới máu vành. Áp lực tưới máu vành lại bị lệ thuộc vào áp lực trong động mạch chủ. Sau khi ngưng tim vài phút, các động mạch mất hết trương lực. Hãy tưởng tượng, động mạch chủ của bạn giờ đây đã dãn và xẹp lép. Khi đã đến giai đoạn mất trương lực này rồi, dù cho có ép ngực tốt đi nữa, bạn cũng đã mất đi 2 lợi ích của sức đàn hồi động mạch hay còn gọi huyết áp tâm trương, đó là duy trì dòng (flow) liên tục, và tạo áp lực tưới máu mạch vành (chúng ta nhớ lại mạch vành được cấp máu trong thì tâm trương). Như vậy, vai trò của Adrenaline tác động trên thụ thể alpha-adrenergic làm co động mạch (tạo áp lực), kết hợp động tác ép ngực (tạo thể tích nhát bóp), làm tăng lưu lượng máu vành, giúp phục hồi lại những phần cơ tim đang ngoi ngóp. Ngoài tác động có lợi đó, thì phần tác động có hại cũng bao la.
TÁC ĐỘNG BẤT LỢI CỦA ADRENALINE
–  Đầu tiên, adrenaline tác động lên cả thụ thể beta, làm tăng tần số tim, tăng rối loạn nhịp nhanh, tăng nhu cầu oxy cơ tim. Người ta thấy rằng,chỉ sau một thời gian ngắn dùng adrenaline làm thiếu hụt ATP dự trữ, ứ đọng lactate và tổn thương chức năng tế bào cơ tim. Như vậy, mới chỉ tăng được chút máu mạch vành mà bù lại làm tăng nhu cầu oxy và rối loạn nhịp rồi.
– Thứ hai, adrenaline là một chất có tác động hoạt hóa tiểu cầu và kích hoạt đông máu, lại làm nặng nề thêm sự thiếu máu cục bộ ở tim và cả các cơ quan khác, tất nhiên là có cả thiếu máu não. Hơn nữa, tế bào não nhạy cảm với sự thiếu oxy hơn cơ tim. Do đó, có thể những bệnh nhân chúng ta cấp cứu, thật ra đã rơi vào giai đoạn tổn thương não rồi, nhưng vẫn còn cơ hội phục hồi tim. Cả 2 lý luận trên, góp phần giải thích cho những nghiên cứu thấy rằng dùng adrenaline tuy có tăng được số lượng bệnh nhân sống sót so với “nước muối” nhưng đa số trong “mớ sống sót này” là có chức năng thần kinh kém (Rankn 4-5 điểm).
– Adrenaline đưa đến sự tăng tuần hoàn ở mạch máu lớn, bù lại, sự co mạch ở mạch nhỏ làm cho kéo dài quá trình thiếu máu cục bộ.
Việc dùng thêm liều cao hơn không mang lại lợi ích sống còn. Thế nên, hãy nhớ rằng 1mg IV mỗi 3-5 phút là đủ nhé.
Về phần thuốc chống loạn nhịp, Amiodarone hoặc lidocain không có khác biệt về hiệu quả và kết cục, chỉ làm tăng sự sống còn đến khi xuất viện nếu là ngưng tim có người chứng kiến, tức là thời gian đến khi dùng thuốc khá sớm. Đối với trường hợp còn lại, thì việc dùng 2 thuốc này làm tuy có thể tăng tỷ lệ có mạch (ROSC) và đến được bệnh viện (với ngưng tim ngoại viện) nhưng không làm tăng tỷ lệ xuất viện thành công. Dù có hiệu quả sống còn hay không, việc cấp cứu và sử dụng các phương pháp để có tuần hoàn trở lại có lẽ là mục tiêu ngắn hạn trông chờ nhất. Và cũng để đồng đội đỡ phải đứng ép ngực vài chục phút, hao tổn nguyên khí khi mà đêm trực bạn chỉ có một mình.
Nếu như việc vận chuyển bệnh nhân đi xa, có thể cân nhắc dùng Lidocain trong trường hợp vận chuyển bn kéo dài, khi mà việc cấp cứu nhịp nhanh thất mất mạch/rung thất trên đường đi thật sự là khó khăn.
Thật sự, cấp cứu ngừng tim không dừng lại ở chỗ “có tim, có mạch” trở lại, mà phải là sự phục hồi chức năng cơ quan, đặc biệt là thần kinh. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với một sự “sống” với chức năng tối thiểu. Rõ ràng adrenaline thật sự là một con dao hai lưỡi mà bề nào cũng sắc ngọt. Cần phải sử dụng trong chừng mực đã theo khuyến cáo. Và một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng, chỉ có hiểu được ý nghĩa đằng sau mỗi hướng dẫn là câu chuyện gì thì mới mong thực hành theo và thực hành đúng được. Và có lẽ chúng ta sẽ giảm đi được những lỗi suy diễn và thêm thắt điều chỉnh phác đồ theo hướng ngược lại với tinh thần của nó khi chưa rõ vấn đề.
Rất mong được các bạn và các anh chị cùng trao đổi thêm.

Advertisement

Nguồn: Cày bừa Giải Phẫu Sinh Lý – Nơi cày quốc y học

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …