MÔ TẢ
Các vết trầy xước trên da là hậu quả của một triệu chứng tiềm ẩn (pruritus-bệnh ngứa), hay nói một cách đơn giản, đó là cảm giác ngứa (itchy). Nếu những vết trầy xước này không xuất hiện ở những vùng khó gãi tới (VD: giữa hai xương bả vai) nhưng lại có ở những vùng còn lại trên cơ thể, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng ngứa của bệnh nhân rất dữ dội.
NGUYÊN NHÂN
Chứng ngứa da có liên quan đến nhiều bệnh về da và bệnh hệ thống. Các bệnh hệ thống gây ra ngứa da bao gồm, tuy vẫn còn hạn chế, được ghi nhận trong Bảng 6.6.
CƠ CHẾ CHUNG
Trên da có nhiều sợi C không-bao-myelin (unmyelinated C-fibres) mà synapse chứa các neuron thứ phát đặc hiệu cho cảm giác ngứa. Kích thích các sợi C không-bao- myelin bằng các chất trung gian hoá học hoặc ‘chất gây ngứa’ (pruritogen) sẽ gây ra cảm giác ngứa.
Chất gây ngứa chủ yếu là histamine. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chất gây ngứa khác và mỗi năm lại phát hiện thêm vài chất mới.
SƠ ĐỒ 6.25 Cơ chế chung của chứng ngứa da
Các chất trung gian có khả năng gây ngứa được liệt kê trong Bảng 6.7. Các yếu tố này kích thích gây ngứa bởi:
1 tác động trực tiếp lên đầu tận thần kinh ở lớp biểu bì (VD: histamine)
2 phóng thích histamine từ các tế bào mast (VD: các neuropeptide)
3 khả năng hoá histamine (VD: PGE2, các opioid nội sinh).
Suy thận mạn
Có nhiều yếu tố góp phần gây ra hiện tượng ngứa da trong suy thận mạn. Sự tích luỹ các yếu tố gây ngứa (pruritogenic factor) do thận mất khả
năng đào thải các chất đó được cho là vấn đề chủ yếu. Những nét đặc trưng trong suy thận mạn góp phần gây ra ngứa da gồm có:
• da khô (xerosis)
•tăng sinh bất thường tế bào mast trên da
• cường cận giáp thứ phát
•tăng các cytokine gây ngứa
•tăng vitamin A
•tăng opioid nội sinh
• giảm tiết mồ hôi
• bệnh thần kinh ngoại biên
•tăng magnesium, kích thích giải phóng histamine
•tăng phosphate (các điểm vôi hoá trên da kích thích các thụ thể ngứa).
Bệnh gan mật
Giống như trong suy thận mạn, cơ chế của chứng ngứa da trong các bệnh lý gan mật có nhiều nguyên nhân gây ra. Lý thuyết truyền thống dạy rằng gia tăng muối mật tích luỹ trong máu và mô kích thích gây ngứa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho rằng, mặc dù muối mật có thể đóng vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng chứng về vai trò chủ chốt của muối mật trong việc kích thích gây ngứa khi bị ứ mật không có sức thuyết phục. Steroid, chất chuyển hoá của steroid, histamine, serotonin, GABA và cannabinoids chỉ là một trong số ít các chất gây ngứa được cho là có vai trò gây ra ngứa khi có tình trạng ứ mật.
Một nghiên cứu gần đây96 đã phát hiện acid lysophosphatidic có thể làm tăng calcium nội bào, kết quả là, hoạt hoá sợi thần kinh kích thích ngứa ở bệnh nhân bị ứ mật.
Bệnh tạo máu
Cơ chế chưa rõ ràng.
• Histamine và serotonin được cho là có liên quan trong cơ chế của bệnh đa hồng cầu nguyên phát.
• Trong u lympho Hodgkin một số nhà nghiên cứu đề xuất rằng histamine là chất trung gian chủyếu, trong khi đó các chất khác gây ra phản ứng tự miễn đến tế bào u lympho kích thích giải phóng bradykinin và leucopeptide.
Chuyển hoá và nội tiết
Cơ chế chưa rõ ràng.
Giả thuyết cho cơ chế bệnh sinh của chứng ngứa da trong cường giáp là nó có liên quan đến việc giảm ‘ngưỡng gây ngứa’ do tăng thân nhiệt và giãn mạch và hoạt hoá hệ kinin; chúng xuất hiện do tăng các hoạt động chuyển hoá mô.
Trong suy giáp, xerosis (khô da) là nguyên nhân chủ yếu gây ngứa.
Rối loạn thần kinh
Cơ chế chưa rõ ràng.
Trong chứng đa xơ cứng, các đợt ngứa da được cho là do sự hoạt hoá các synapse giả tạo giữa các axon ở một phần các vùng bị huỷ myelin của hệ thần kinh trung ương.
Ý NGHĨA
Rất ít nghiên cứu quan tâm đến ý nghĩa của chứng ngứa da như là một triệu chứng. Do có nhiều nguyên nhân gây ra nên nó có độ đặc hiệu thấp. Tỷ lệ phổ biến của triệu chứng trong một số nguyên nhân đã được nêu ở trên:
• 25–86% bệnh nhân có hội chứng ure huyết trong suy thận mạn
• 20–25% ở bệnh nhân vàng da; thường thấy ở 100% bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát và có biểu hiện triệu chứng là 50%
• 25–75% trong chứng đa hồng cầu
• 4–11% trong nhiễm độc giáp.
Chứng ngứa da có thể xuất hiện trước thời gian khởi phát bệnh ung thư lympho Hodgkin 5 năm.
Nguồn: Mechanisms of clinical signs. 1 st Edition. Mark Dennis Wiliam Bowen Lucy Cho
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả các cơ chế triệu chứng tại : https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/co-che-trieu-chung/