1.MÔ TẢ
Khó thở nhiều hơn khi nằm ngửa.
Mặc dù được mô tả như một triệu chứng, với việc nghiên cứu về giấc ngủ đang trở nên phổ biến hơn, khó thở khi nằm ngày càng được theo dõi nhiều hơn trên lâm sàng. Trong cả hai trường hợp, nó là một phát hiện hữu ích vì cơ chế đằng sau chứng khó thở khi nằm có thể giúp ích trong việc hiểu được các bệnh cảnh tiềm ẩn.
2.NGUYÊN NHÂN
• Suy tim sung huyết (CHF)
• COPD
• Hen suyễn
3.CƠ CHẾ DO SUY TIM SUNG HUYẾT
Mặc dù thực tế rằng khó thở khi nằm đã được mô tả trong y học trong nhiều năm, lý do tại sao nó xảy ra là vẫn không hoàn toàn rõ ràng. Hình 2.14. tóm tắt những lý thuyết đã được đề xuất đến nay.
Lý thuyết hiện hành được chấp nhận về sự khởi phát của khó thở khi nằm là sự tái phân phối dịch từ hệ tuần hoàn nội tạng và
các chi dưới trở về hệ tuần hoàn trung tâm xảy ra khi nằm thẳng.
Ở những bệnh nhân có chức năng thất trái bị suy giảm, thể tích máu trở về tim tăng lên không được bơm đi hiệu quả. Tâm thất trái, tâm nhĩ trái và cuối cùng là mao mạch phổi tăng áp lực, kết quả dẫn đến phù phổi, tăng kháng trở đường dẫn khí, giảm độ giãn nở của phổi, kích thích các thụ thể ở phổi và, cuối cùng gây khó thở.
Hơn nữa, sự thay thế không khí trong phổi bằng máu hoặc dịch mô kẽ có thể làm giảm dung tích sống, (hội chứng) hạn chế sinh lý và ứ khí do đóng đường thở nhỏ. Sự thay đổi trong việc phân phối thông khí và tưới máu làm tỷ lệ V/Q bất tương xứng, hậu quả là gradient oxy phế
nang-động mạch mở rộng (tăng) lên, giảm oxy máu và tăng khoảng chết.
Sự phù nề các thành phế quản có thể dẫn đến tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ và gây ra khò khè (‘hen tim’).
Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy các yếu tố bổ sung có thể góp phần gây nên khó thở khi nằm ở những bệnh nhân suy tim suy huyết (CHF):
• Tăng kháng lực dòng khí. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tăng kháng lực dòng khí tăng lên ở những bệnh nhân suy tim sung huyết khi nằm ngửa. Lý do cho việc này vẫn chưa rõ ràng. Nó có thể là do tăng đáp ứng đường dẫn khí và / hoặc rối loạn đường dẫn khí, phù niêm mạc phế quản, dày thành phế quản, phù quanh phế quản và tăng thể tích máu tĩnh mạch ở phế quản 51 và giảm sức giãn nở của phổi do giảm thể tích phổi.
• Tăng giới hạn lưu lượng khí thở ra. Có sự gia tăng giới hạn lưu lượng khí thở ra ở bệnh nhân suy tim sung huyết và tình trạng này trầm trọng hơn khi họ nằm trên mặt phẳng, làm cho họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc ‘đuổi’ khí ra từ trong phổi. Một lần nữa, nguyên nhân của việc này là không rõ ràng. Có thể là khi bệnh nhân nằm trên mặt phẳng họ sẽ mất thể tích phổi nhiều hơn (vì trọng lực làm xẹp phổi), thêm cản trở khả năng hít vào và thở ra hiệu quả. Một giải thích khác là sự phân phối máu lại trong phổi ảnh hưởng bởi cơ học của phổi và làm tăng giới hạn lượng khí trong thì thở ra.
• Tăng tiêu thụ năng lượng của cơ hoành. 52 Ở bệnh nhân có suy tim sung huyết đang nằm trên mặt phẳng, dường như cơ hoành tăng tiêu thụ năng lượng để đối phó với sự tăng kháng tải trở về phổi (mà các cơ ở thì hít vào phải vượt qua). Sự tăng công của cơ hoành này cũng dẫn đến khó thở.
4.Ý NGHĨA
Khó thở khi nằm là một dấu hiệu có giá trị và tương đối đặc hiệu cho suy tim sung huyết (CHF). Các nghiên cứu đã cho thấy độ nhạy 37,6% và độ đặc hiệu 89,8%, giá trị tiên đoán dương (PPV) là 15,3% và giá trị tiên đoán âm (NPV) 96,7%. Như trong khó thở kịch phát về đêm (PND), nếu khó thở khi nằm không xuất hiện, nó rất hữu ích trong việc loại trừ suy tim, vốn là một nguyên nhân gây ra khó thở.
Nguồn: Mechanisms of Clinical Signs. 1st Edition. Mark Dennis William Bowen Lucy Cho.
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả Cơ chế tiệu chứng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/co-che-trieu-chung/