[COVID-19] Hãy tự bảo vệ mình

Rate this post
🦠 🦠 🦠
Để chống lại dịch bệnh, chúng ta không thể dựa vào sự may mắn, mà phải thật tỉnh táo và bình tĩnh, phải hiểu biết rất rõ virus thì mới có cách đối phó tối ưu.
Hãy tưởng tượng, dị nhân Delta lây lan nhanh hơn 225% so với phiên bản Delta gốc của nó, tải lượng virus trong cổ họng nhiều hơn gấp 1000 lần; đó là lí do tôi sử dụng thuật ngữ “dị nhân Delta”.
Con số 225% và 1000 không phải tôi bịa ra.
Sau nhiều tháng thu thập dữ liệu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu mới vào ngày 7 tháng 7, cho thấy dị nhân Delta có bản sao virus trong cổ họng bệnh nhân nhiều hơn gấp 1000 lần và khả năng lây nhiễm tăng 225% so với biến thể ban đầu.
Phiên bản Delta gốc tăng 40% tạm ước tính.
Tôi ví dụ, giả sử dịch bùng phát ở Tp.HCM với chu kì gia tăng của virus là 14 ngày, thời điểm bùng phát tạm coi từ ngày 31/5 bắt đầu giãn cách xã hội với con số trung bình 21 ca nhiễm mỗi ngày.
✓ Sau 14 ngày = 77 ca (thực tế = 59 ca)
✓ Sau 28 ngày = 280 ca (thực tế 228 ca)
✓ Sau 42 ngày = 1.021 ca (thực tế 996 ca)
✓ Sau 56 ngày = 3.728 ca (thực tế 4.147 ca)
Nhìn vào con số trực quan, sau 16 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, số ca lây nhiễm tăng lên đột biến. Có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân hàng đầu vẫn là do dị nhân Delta siêu lây nhiễm, bằng chứng là 21 người ở Vĩnh Long đi dự đám ma đều dương tính hết, hoặc trước đó 689 nhân viên và học viên trại cai nghiện Bố Lá ở Bình Dươg đều dương tính 100%.
Thế giới chưa có ổ dịch nào dương tính 100% như vậy.
Tôi nhắc lại, 21 người đi dự đám ma tất cả đều dương tính, cả trại cai nghiện 689 người đều dương tính; đó là sự kiện có 1-0-2 trên thế giới; tôi tin chắc những người làm nghiên cứu dịch tễ học tập trung vào hai ổ dịch này, sẽ có được báo cáo làm thế giới đủ sức ngạc nhiên.
Theo suy diễn chủ quan của tôi, có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng, nó làm cho Tp.HCM bị bùng phát dịch dữ dội, mức độ lây nhiễm của virus lớn hơn nhiều so với con số 225% của dị nhân Delta ở tỉnh Quảng Đông.
Chúng ta vẫn coi đây là cuộc chiến tranh với COVID-19.
Trong mọi cuộc chiến tranh, không phải súng đạn, mà lương thực và thực phẩm mới là thứ vũ khí lợi hại nhất. Lịch sử đã có vô vàn bài học, biết bao anh hùng đã ngã xuống chỉ vì thiếu vài thùng gạo, bao nhiêu chế độ đã kết thúc chỉ vì thiếu lương thực. Sử dụng vũ khí lương thực sẽ tạo nên cuộc chiến phi đối xứng, đó là cuộc chiến tranh thay bằng dàn trận đánh nhau thì làm cho đối phương tiêu hao sinh lực, cuối cùng là sự thất bại. Cách thức tiến hành rất đơn giản, chỉ cần cắt đứt nguồn cung cấp lương thực, hạn chế buôn bán thực phẩm, phá nguồn dự trữ và ép khẩu phần ăn của người dân, từ đó tạo ra nạn đói và sự hỗn loạn.
Chiến tranh rất ít khi dàn trận đánh nhau.
COVID-19 đã đánh thẳng vào các chợ đầu mối ở Sài Gòn, xoá bỏ hoàn toàn các chợ truyền thống, dẹp luôn chợ tạm, các cung đường vận tải lương thực và thực phẩm vào thành phố bị cắt đứt bởi sự kiểm soát chặt chẽ.
Kể từ 0 giờ ngày 9/7 Sài Gòn bị cô lập gần như hoàn toàn.
Để khắc phục, chính quyền cho thực hiện những chuyến tàu cánh ngầm tháo ghế ngồi chở thực phẩm, những chiếc máy bay chở đồ ăn, đó chỉ là những kênh vận chuyển lương thực tương đối đơn lẻ, dễ bị hạn chế, thậm chí gián đoạn. Các tuyến đường vận chuyển quá dài đòi hỏi giấy “thông hành” xét nghiệm COVID-19 âm tính, nên phải đối mặt với nhiều rủi ro bất trắc, thực phẩm đến thành phố đã hư hỏng không thể sử dụng, giá cả leo thang không ngừng bởi sự khan hiếm.
Một khi cổ họng của siêu đô thị là các chợ đầu mối bị bóp nghẹt, thì Sài Gòn sẽ thoi thóp với những chiếc dạ dày trống rỗng, tất yếu dẫn đến thất bại trong cuộc chiến với COVID-19.
Tôi tạm sử dụng con số Sài Gòn có 9 triệu dân, thực tế cao hơn nhiều, trong đó có 3,5 triệu người sống bám vào lề đường, họ không có tích luỹ. Giãn cách xã hội kéo dài, đói cùng với tâm lí căng thẳng và mệt mỏi, những thân phận nhỏ nhoi ấy sẽ phải chạy ra đường kiếm sống bằng cách này cách cách khác. Những cuộc mua bán trao đổi, thậm chí là xin cho, sự va chạm vội vã để lẩn tránh kiểm soát, đó chính là tác nhân lây nhiễm. Khi một người bị nhiễm, họ trở về nhà cuả họ, nơi có những người khác đang bị nhốt phía sau cánh cửa, quá trình lây nhiễm cho cả nhà lại bắt đầu.
Còn nhiều nguyên nhân khác tôi đã nói ở bài viết trước.
Chắc chắn sẽ có người hỏi tôi, vậy giải pháp là gì, cùng với một số người chửi tôi rằng chỉ nói vuốt đuôi, một bác sĩ Xquang hạng 3 hãy ngồi im cho người khác chống dịch.
Hãy cá nhân hoá phòng chống dịch bệnh!
Đó là giải pháp mà tôi cho là quan trọng nhất lúc này, đặc biệt với các tỉnh Nam Bộ đang dần rơi vào căng thẳng, cũng như Hà Nội khi số ca nhiễm còn nằm trong tầm kiểm soát; hãy cá nhân hoá phòng chống dịch bệnh là chìa khoá giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Nghĩa là mỗi người phải tự bảo vệ để mình không bị COVID-19.
Chỉ khi hầu hết mọi người không bị nhiễm thì cộng đồng mới an toàn, ngược lại, đa số người mắc bệnh thì dịch sẽ mất kiểm soát. Khi số ca nhiễm tới hạn, với siêu dị nhân Delta thì các biện pháp giãn cách xã hội dù có nghiêm ngặt đến mấy cũng rất ít hiệu quả, lockdown càng kéo dài thì khủng hoảng càng trầm trọng. Đó là lí do tôi dự đoán, dịch ở Tp.HCM còn rất lâu mới kiểm soát được, trong tháng 8 số ca nhiễm sẽ tăng đột biến và cùng với đó là số bệnh nhân tử vong cũng gia tăng, hệ thống y tế sẽ rơi vào quá tải.
Vậy mỗi người hãy tự bảo vệ mình trước virus!
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng trên 99% virus lây truyền trong nhà ở những nơi có không gian kín, chỉ dưới 1% lây truyền ở ngoài trời.
Tôi lấy ví dụ cách mô phỏng không gian kín của nhà virus học Margarita Del Val, bà chọn một chiếc ô tô cá nhân.
Nếu chúng ta ngồi một mình trong chiếc xe đó, đóng kín cửa, thì 15 phút sau chúng ta hít trở lại phổi 4% lượng không khí chúng ta đã thở ra. Nếu có một người khác ngồi bên cạnh, thì chỉ 10 phút sau chúng ta đã hít đến 8% lượng khí của người bên cạnh. Giả sử người ngồi cùng bị COVID-19, thì xác suất chúng ta bị nhiễm là 30% trong 30 phút và 71% trong vòng 1 giờ.
Nhưng nếu kéo hai cửa kính xuống 5cm, hệ thống thông gió chéo sẽ làm mới không khí tới 9 lần mỗi phút, khí thở ra của chính chúng ta và người bên cạnh biến mất, nguy cơ lây nhiễm gần như không có.
Dựa vào nguyên lí này, tôi khuyên mọi người hạn chế đi cầu thang máy. Cá nhân tôi ở tầng 26 toà chung cư, luôn coi cầu thang bộ lúc đi xuống là cơ hội thể dục tuyệt vời. Khi lên tầng 6, tôi luôn chọn cầu thang bộ, đây là cách rèn luyện cung lượng tim và sức bền rất tốt, lại phòng tránh COVID-19 hiệu quả.
Cũng như vậy, khi ở chung với những người lạ trong một căn phòng quá 15 phút, thì nên bật quạt và mở cửa đảm bảo thông gió.
Tại sao lại là 15 phút?
Đó là con số mà các CDC đưa ra khi định nghĩa tiếp xúc gần, để nói về trường hợp tiếp xúc với người khác ở khoảng cách dưới 2 mét, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày.
Với hầu hết các virus đều tuân theo con số này.
Như vậy, tôi khuyên các bạn đừng tiếp xúc với người lạ quá 15 phút ở trong phòng kín, cố gắng cách xa họ trên 2 mét.
Ngoài trời thì tương đối an toàn.
Theo nghiên cứu của Del Val, ở không gian thoáng ngoài trời, không khí của một người thở ra sẽ nhanh chóng bị pha loãng, với khoảng cách trên 1 mét chúng ta không hít phải không khí của người khác thở ra, nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 gần như không có. Đó là lí do mà tôi liên tục đề xuất không cấm người đi trên phố, không cấm tập thể dục trong công viên hay nơi quảng trường, các bãi biển lại càng không nên cấm tắm. Việc cấm người đi bộ hay chạy quanh Hồ Tây, cấm đạp xe, cấm đủ các hình thức khác, theo tôi không hợp lí. Nên nhớ, thể dục hay vui chơi giải trí giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm bệnh tật. Các quốc gia trên thế giới từ lâu đã không còn cấm như ở Việt Nam. Chúng ta không thể đòi hỏi con số tuyệt đối không bị lây nhiễm ngoài trời, nhưng rõ ràng tham gia giao thông mỗi năm có hàng chục ngàn vụ tai nạn và khoảng 7000 trường hợp tử vong nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, thì mới xác suất rủi ro COVID-19 rất thấp chúng ta không nên cấm.
Điều tôi đặc biệt chú ý đó là hành vi cá nhân.
Chúng ta biết rằng, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn khi hắt hơi, ho, nói chuyện quá to, la hét, gào thét, hát hò.
Đi trong thang máy tôi thấy rất nhiều người nói chuyện với nhau, nói chuyện điện thoại, họ không vặn nhỏ được âm lượng.
Hãy tránh xa những người nói nhiều và hay nói.
Trong bữa ăn ở nhà ăn tập thể, nhiều người thoải mái nói chuyện, thoải mái cười đùa, thoải mái ngửa cổ lên trời mà ho; không ít lần tôi để ý nước bọt của họ bắn tung toé vào suất ăn của người bên cạnh. Vấn đề quan trọng là người ngồi cùng chẳng nhận ra. Người ốm, mũi sụt sịt ho và sốt nhưng vẫn thản nhiên đến bếp ăn tập thể, thản nhiên đến chỗ đông người, đã vậy lại hay lấy tay ngoái mũi, lau chùi và vẩy vót lung tung.
Advertisement
Buổi chiều trước ngày Hà Nội giãn cách, tôi đi qua hàng bánh cuốn tráng, dừng lại mua. Người bán hàng cho nước chấm vào túi bóng, cô lấy tay kéo khẩu trang xuống, dùng miệng thổi phù vào túi bóng, cũng như vậy khi cô cho hộp bánh vào túi bóng khác. Tôi đảm bảo nếu cô bị nhiễm COVID-19, thì những khách hàng khác khó thoát khỏi, đó là lí do xuất hiện siêu dị nhân Delta ở Việt Nam.
Tháng trước tôi đi viếng đám ma, nhìn thấy một nhóm người đi viếng, vòng hoa của họ cho tôi biết đó là giáo viên của một trường phổ thông. Họ bảo nhau làm phong bì nhanh chóng để viếng rồi về, tránh tụ tập đông người nhiễm COVID-19. Một cô đưa cho những người khác phong bì, họ cho tiền vào, đưa lên miệng nhấm nước bọt, rồi lấy tay vuốt vuốt. Cô trưởng nhóm cầm phong bì, thấy dán chưa kĩ, lại đưa lên miệng thè lưỡi ra liếm, rồi lấy tay vuốt vuốt.
Đưa tay lên miệng nhấm nước bọt rồi đếm tiền là hành vi phổ biến.
Tôi không dám gọi đồ ăn sẵn qua shipper, vì tôi sợ những người bán hàng dùng miệng thổi vào túi bóng, sợ họ nhấm nước bọt đếm tiền, tâm lí người Việt khuất mắt trông coi và rất thiếu trách nhiệm.
Mọi người hay mang theo đồ ăn, bánh kẹo và hoa quả, gặp bạn bè đồng nghiệp là mời ăn; bản thân tôi luôn từ chối những lời mời như vậy. Tôi cũng không uống nước chung cốc chén, luôn sử dụng cốc riêng, hoặc là không uống.
Từ khi làm bác sĩ tôi đã giữ đúng thói quen như vậy.
Bác sĩ tiếp xúc với đủ thứ mầm bệnh, nên chúng tôi phải biết tự bảo vệ bản thân, chẳng riêng gì COVID-19 mà ngay cả với các chủng virus hay vi khuẩn khác cũng vậy. Tôi cho rằng, bản thân mình không tránh khỏi có lần bị lây nhiễm COVID-19, bởi virus nó chẳng tha ai cả. Nhưng bằng sự hiểu biết, tôi cố gắng giữ gìn tối đa, để thời gian không may bị nhiễm càng kéo dài càng tốt, khi mà tôi hay mọi người đã có ít nhiều kháng thể và độc lực virus giảm đi như chủng gây cảm lạnh thông thường.
Tôi thử hỏi 5K thấy mọi người đều thuộc.
Nhưng tôi quan sát những người rất thuộc ấy, có không ít hành vi như tôi kể trên, nếu ở trong một cộng đồng có nhiều người mắc như Tp.HCM bây giờ, thì rất khó tránh khỏi nhiễm virus, sau đó họ trở thành những ca siêu lây nhiễm.
5k có 13 chữ đừng chỉ đọc thuộc nó!
🦠 🦠 🦠
P/s: Bài viết của bác sĩ Xquang hạng 3 chỉ có giá trị tham khảo cho vui, không phải là bài viết khuyến cáo chính thức.
BS. TRẦN VĂN PHÚC

Giới thiệu Bùi Thị Huyền Diệu

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …