[COVID-19] VIÊM PHỔI VŨ HÁN 2019-nCoV & cả họ Corona

Rate this post

VIÊM PHỔI VŨ HÁN
2019-nCoV & cả họ Corona
======================

BS Trần Văn Phúc

Tôi có cảm giác, vi rút 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi Vũ Hán, đang được sờ nắn từng giờ từng phút. Và hôm nay, Việt Nam đã chính thức công bố có thêm 3 ca dương tính đều là người Việt trở về từ Vũ Hán; tôi dự đoán trong vài ngày tới con số bệnh nhân sẽ tăng lên đáng kể.

Chúng ta cần hiểu kĩ về vi rút này để tránh hoảng loạn.

Đầu tiên, tôi muốn nói về lịch sử, họ vi rút Corona gây bệnh ở mức độ nghiêm trọng, đã từng và hiện đang lưu hành phổ biến; được chia thành 2 nhóm.

NHÓM 1 = Rất dễ lây nhiễm + Gây bệnh tương đối nhẹ!
———-

Người nhiễm phải nhóm vi rút này có thể không triệu chứng, hoặc giống như cảm lạnh xẩu xít hắt hơi; nặng hơn thì có các triệu chứng giống như cúm, sốt, ho… và chỉ số ít gây viêm phổi. Nhóm vi rút này thường không gây bệnh nghiêm trọng, rất hiếm khi tử vong, ngay cả khi bệnh xảy ra ở người già, bệnh mãn tính hoặc người bị suy giảm miễn dịch.

Có 4 vi rút thuộc nhóm này gồm:

+ HCoV-229E (vật chủ ban đầu là dơi)
+ HCoV-OC43 (vật chủ là gia súc)
+ HCoV-NL63 (vật chủ là dơi và cầy hương)
+ HCoV-HKU1 (vật chủ là chuột)

NHÓM 2 = Không quá dễ lây nhiễm + Gây bệnh nghiêm trọng!
———

Đầu tiên là SARS-CoV nổi tiếng, đã từng xảy ra vào thời điểm này năm 2003 ở Việt Nam, bệnh nhân nhanh chóng viêm phổi nặng và suy hô hấp, tỉ lệ tử vong khoảng 6-15%.

Tiếp đén là MERS-CoV với lệ tử vong là khoảng 28- 35%.

Cả hai vi rút này khả năng lây truyền từ người sang người kém, nhưng khi đã nhiễm thì bệnh rất trầm trọng, tử vong hoặc để lại di chứng tàn phá phổi suốt cuộc đời.

Vi rút gây bệnh viêm phổi Vũ Hán có tên đầy đủ là “novel Coronavirus 2019” – kí hiệu là “2019-nCoV”.

Câu hỏi đặt ra là: 2019-nCoV thuộc NHÓM 1 (Rất dễ lây nhiễm + Gây bệnh tương đối nhẹ) hay là thuộc NHÓM 2 (Không quá dễ lây nhiễm + Gây bệnh nghiêm trọng)?

Nếu 2019-nCoV thuộc NhÓM 1 thì chúng ta không cần phải quá lo lắng. Phương pháp phòng bệnh giống như cảm lạnh thông thường: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi công cộng, tăng sức đề kháng.

Ngược lại, 2019-nCoV nếu thuộc NHÓM 2, thì chúng ta phải cách li triệt để bệnh nhân, mọi người hạn chế đến bệnh viện, không đến chỗ đông người, tuân thủ đeo khẩu trang đúng theo hướng dẫn.

Cảm nhận của tôi là 2019-nCoV có vẻ nằm giữa Nhóm 1 và Nhóm 2!

Bởi vì,…

1. Mức độ lây nhiễm của 2019-nCoV không quá cao.

Những ngày qua, chúng ta được nghe các nhà chuyên môn và báo chí nhắc đến hệ số lây nhiễm R0, vậy bản chất R0 nó là cái gì?

Khi một dịch bệnh xảy ra, các nhà dịch tễ học và nhà toán học sẽ thiết lập mô hình toán học cho dịch bệnh ấy, với nhiều tham số khác nhau. Mỗi mô hình toán học sẽ đưa ra nhiều phương trình, hệ phương trình, tích phân, vi phân để tính toán đưa ra các dự báo số người số người có nguy cơ mắc, số người sẽ mắc, số bệnh nhân tử vong, quy mô của dịch cả về không gian và thời gian. Đặc biệt hệ số lây nhiễm R0 là quan trọng nhất.

Tùy từng mô hình toán học mà có những hệ số R0 khác nhau.

Để dễ hiểu bản chất tôi lấy ví dụ: R0 = 2 nghĩa là khi 1 người mắc bệnh có thể lây truyền cho 2 người khác, R0 = 2,5 nghĩa là 10 người mắc bệnh có thể truyền bệnh cho 25 người, R0 = 8 nghĩa là 1 người mắc bệnh sẽ có nguy cơ truyền cho 8 người khác; nghĩa là R0 càng lớn thì dịch càng dễ bùng phát trên diện rộng.

Nếu R0 < 1 thì chỉ một thời gian vi rút sẽ biến mất mà không thành dịch lớn.

Trong thực tế, nghiên cứu dịch tễ cố gắng đưa ra các biến sát với vụ dịch, để giá trị R0 chính xác hơn; ngược lại, R0 có thể trôi nổi phụ thuộc nhiều yếu tố.

WHO ước tính 2019-nCoV có giá trị từ 1,4-2,5.

Giá trị này cũng chưa phải là chuẩn xác, bởi tôi quan sát những công bố từ Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là những trường hợp nghiêm trọng như sốt, ho, viêm phổi; chắc chắn còn hàng loạt bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng bị bỏ sót.

Nếu R0 tiệm cận về con số 1,4 thì dịch không nghiêm trọng, nghĩa là nó chỉ giống cảm cúm thông thường mà không cần vắc xin, chỉ cần rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người là đủ; vì thế mà tôi không nghĩ đến R0 thấp như vậy.

Nhưng nếu con số R0 tiệm cận tới 2,5 hoặc cao hơn nữa, thì dịch bệnh sẽ nghiêm trọng ở Trung Quốc, không cố gắng hạ thấp con số này có thể sẽ lan ra toàn cầu.

Điều tôi lo ngại là 2019-nCoV thích nghi với môi trường làm cho R0 tiếp tục tăng cao.

Để biết diễn biến R0 tăng như thế nào, chúng ta không cần phải có mô hình toán học lên tới 20 ẩn số như các nhóm nghiên cứu đã là, mà chúng ta chỉ cần quan sát ở Trung Quốc diễn biến số lượng bệnh nhân tăng hay giảm, quan sát các nước khác xem bệnh nhân là người sở tại không đến Trung Quốc tăng hay giảm, cũng đã có câu trả lời ở mức độ đơn giản.

Như vậy, với giá trị R0 được WHO công bố, cùng với quan sát ở thời điểm hiện tại số bệnh nhân mắc ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc vẫn trong giới hạn và chưa có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng công dân sở tại bị lây nhiễm người sang người; thì tôi cho rằng thời điểm hiện tại 2019-nCoV có mức độ lây nhiễm không quá cao.

2. Mức độ nghiêm trọng và tử vong không cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân tử vong là 170 trong tổng số 7189 ca bệnh, nghĩa là dưới 3%.

Tuy nhiên, 7189 ca hầu hết là những bệnh nhân bị sốt và viêm phổi, chưa sàng lọc với bệnh nhân nhẹ hoặc triệu chứng không điển hình, vì thế mà tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn nữa, có thể dưới 2%.

Bước đầu nhận định, nhóm bệnh nhân tử vong tập trung ở những người cao tuổi, có bệnh mãn tính, bệnh nền. Như vậy, 2019-nCoV có tỉ lệ tử vong cũng tương tự cúm, thậm chí thấp hơn cúm.

Advertisement

3. Vai trò của protein hACE2 ở phổi

Có 3 loại vi rút ái tính với protein hACE2 đó là: SARS-CoV, HCoV-NL63 và 2019-nCoV.

Protein hACE2 ở phổi rất quan trọng, vi rút có ái tính sẽ bám vào protein này, từ đó xâm nhập vào phổi và nhân lên rất mạnh, gây viêm phổi, suy hô hấp rồi dẫn đến tử vong.

HCoV-NL63 có ái tính với hACE2, nhưng lại bám dính không tốt vào protein này, vì thế mà vi rút gây bệnh rất nhẹ, khó sinh sôi ở phổi nên hiếm khi viêm phổi.

SARS-CoV thì ngược lại, khi gặp hACE2 nó bám chặt vào, ngay lập tức vi rút xâm nhập phổi và sinh sôi rất mạnh, bệnh nhân nhanh chóng viêm phổi, vừa sáng ra bị sốt thì trưa chiều chụp Xquang tim phổi đã trắng xóa, bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp, tử vong.

Rất may mắn: 2019-nCoV ái lực cao nhưng khả năng bám dính không tốt vào protein hACE2!

Vì lí do đó, tôi tin rằng vi rút 2019-nCoV khả năng gây viêm phổi nặng với xác xuất thấp, chủ yếu xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm, người già có bệnh nền và bệnh mãn tính. Tất nhiên, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh vì bé thơ bao giờ cũng nhạy cảm.

Điều tôi muốn nói qua bài viết này, là chúng ta nên đọc các bài viết từ nguồn tin cậy, như thông tin từ Bộ Y tế, WHO, CDC Hoa Kỳ; thay vì nghe thế giới online sẽ làm cho chúng ta hoảng sợ, điều đó không giúp ích gì cho bản thân, mà còn làm cho tình hình dịch bệnh trở nên xấu đi.

Làm bác sĩ tôi nhận thấy rằng: nhiều người chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì bệnh!
———————

P/s: Tôi dự đoán mấy ngày cuối tuần và tuần tới số lượng bệnh nhân dương tính có thể tăng lên tới hơn 20! Hãy cảnh giác và thận trọng nhưng không hoảng loạn.

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …