Dự án: Hệ sinh thái Y khoa online
Nhóm tác giả thực hiện: CLB Tình nguyện Y khoa
Chủ nhiệm đề tài: BS. Huỳnh Lê Thái Bão
1. Đặt vấn đề:
Y khoa có vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Kết hợp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông vào Y khoa là một xu hướng tất yếu phải diễn ra và diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên chưa có 1 hệ thống nào đạt cả 2 tiêu chí là đa nền tảng trên 5 công cụ phổ biến nhất (facebook – mạng xã hội, youtube – kênh video, website, app – ứng dụng trên điện thoại, zoom – webinar buổi tương tác trực tiếp) và hướng đến mọi khía cạnh của Y khoa.
Đào tạo Y khoa tại Việt Nam đang được mở rộng, có đến hơn 30 đơn vị đào tạo bác sĩ Y khoa, hơn 8000 sinh viên đầu vào mỗi năm. Hàng năm có hàng ngàn bác sĩ Y khoa, nhân viên Y Dược các ngành ra trường và bước vào làm việc. Tài liệu và mô hình mỗi cơ sở thực hành cũng như đào tạo có sự khác biệt, thiếu thống nhất và trao đổi thiếu thường xuyên.
Tại Việt Nam nguồn nhân lực y tế (nhân viên Y tế và sinh viên Y khoa) có nhu cầu tìm hiểu và trao đổi kiến thức đa nền tảng, có tiềm năng vừa là người thụ hưởng cũng vừa có thể là người hỗ trợ xây dựng mô hình.
2. Các công trình đã có trên thế giới và Việt Nam
2.1. Trên thế giới
Đã có rất nhiều các trang web, ứng dụng và nền tảng y khoa trên thế giới ra đời, tuy nhiên về mức độ sử dụng rộng rãi và cũng là những mô hình mà dự án của chúng tôi tham khảo và học tập, có những mô hình sau:
2.1.1. Mô hình tài liệu cập nhật y học Uptodate
Là trang tài liệu y học được cập nhật liên tục hàng ngày, điểm mạnh của trang là được biên tập dựa trên bằng chứng, các nghiên cứu mới nhất được trích dẫn, từ đó khuyến cáo và thông tin được đăng tải trở nên có giá trị. Đây là nguồn tài liệu thích hợp cho các nhà nghiên cứu, những người thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa, mong muốn cân đối và lựa chọn giữa những phương pháp chẩn đoán và điều trị.
Nền tảng mà Uptodate sử dụng là web và app trên ios và android.
Nhược điểm là chi phí để truy cập khá cao (hơn $500 cho mỗi năm), người dùng phải trả phí để truy cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế đa số sinh viên và nhân viên y tế ở Việt Nam, ngoài ra người dùng cũng chỉ có thể đọc, không thể tương tác và trao đổi được với nhau và với tác giả.
2.1.2. Mô hình BMJ Best Practice
Tạp chí Y học Vương quốc Anh (BMJ) có lịch sử 200 năm và là thành viên của Hiệp hội Y khoa Anh quốc.BMJ Best Practice (Thực Tiễn Tốt Nhất của BMJ) là một công cụ hỗ trợ quyết định trực tuyến cho phép các bác sĩ truy cập nhanh chóng và dễ dàng tới các thông tin mới nhất khi đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị. Được cập nhật hàng ngày, công cụ này vận dụng các nghiên cứu thực chứng, hướng dẫn, và ý kiến chuyên gia mới nhất để đưa ra hướng dẫn từng bước về chẩn đoán, tiên lượng, điều trị, và phòng ngừa. BMJ Learning (Học Tập tại BMJ) là một nguồn thông tin học tập trực tuyến đem lại cho các chuyên gia y tế cách thức kiểm nghiệm kiến thức của mình và cập nhật thông tin về những tiến triển mới nhất trong y khoa một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nó có hơn 1.000 học phần thực chứng, được các chuyên gia y tế khác bình duyệt trên 70 lĩnh vực chuyên môn.
Mô hình này hoạt động trên nền tảng web, có các mục y khoa chuyên ngành, tính toán các chỉ số, video hướng dẫn, các bằng chứng y học, thuốc và tương tác thuốc. Có các khóa học online cấp chứng chỉ. Đây cũng là những điểm sáng mà mô hình của chúng tôi đang học tập tập và định hướng hoàn thiện.
Nhược điểm của mô hình này là người dùng cũng phải trả phí (£138 cho gói chỉ đọc thấp nhất, các gói cao hơn tốn hơn £1000).
Người học có thể tương tác với các giảng viên, nhưng lại không có môi trường để trao đổi và tương tác với nhau.
2.1.3. Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ JAMA
JAMA: Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ là một tạp chí y khoa peer-reviewed được xuất bản khoảng 48 lần một năm bởi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Tại đây công bố nghiên cứu ban đầu, bài đánh giá; bài xã luận và khai thác tất cả các khía cạnh của y sinh học.
Hiện tại ngoài chuyên mục bản tin tạp chí, còn có chức năng khóa học cấp chứng chỉ CME.
Trang cũng có ứng dụng app trên điện thoại và giao diện web.
Nhược điểm của mô hình này là không có kênh video trực quan, thiếu tương tác mạng xã hội. Người học cũng phải trả khoảng $200 đến vài ngàn đô la mỗi năm cho các gói học.
2.1.4. Kênh video y khoa trực quan Osmosis
Đây là 1 kênh video học y khoa qua video rất hiệu quả, các video rất đơn giản, dễ hiểu qua các hình ảnh vẽ và hoạt cảnh sinh động. Kênh có nền tảng youtube miễn phí, nếu người dùng muốn xem và học nhiều hơn thì cần vào trang web trả phí khoảng $300 mỗi năm.
Đây là một hệ thống giúp học y khoa hiệu quả tuy nhiên cũng có nhược điểm như các hệ thống nói trên.
2.2. Tại Việt Nam
2.2.1. Trang web bsntvn.com
Trên trang web này, có các khóa học cơ bản về tiếng Anh chuyên ngành và chuyên sâu về các chuyên ngành Y khoa. Mặc dù mới ra mắt vào năm 2020, nhưng đây là một trang học tập tiềm năng hữu ích trong tương lai.
2.2.2. Mô hình bacsinoitru.vn
Đây là nền tảng phát triển từ năm 2012 với mô hình forum web dạng vbb, sau này có phát triển thêm trang tin portal và facebook. Đây là trang web lâu đời và có lượng truy cập lớn. Tuy nhiên cũng có một số nhược điểm là hệ thống truyền thông chưa mạnh, tương tác yếu, đa nền tảng yếu, hệ thống thiếu tính nỗ lực tự thân mà chủ yếu dựa vào đóng góp của cộng đồng. Đến nay mặc dù cũng có thị phần nhất định nhưng độ phổ biến đang giảm dần do người dùng đang dần truy cập vào các hệ thống khác.
2.2.3. Mô hình Dr. Plus
Đây là nền tảng phát triển từ năm 2017 với mục đích chính là chia sẻ dữ liệu y khoa. Mô hình hướng đến hoạt động lợi nhuận với việc bán tài khoản và dữ liệu. Hệ thống cũng có tính phổ biến nhất định trên facebook và google.
3. Mô tả chi tiết giải pháp
Từ những phân tích như trên, chúng ta thấy rõ ràng việc ứng dụng công nghệ, điện tử trong đào tạo Y khoa là điều vô cùng cần thiết và xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần phải có sự cân đối giữa các nền tảng web, youtube, app, facebook. Mô hình đưa ra cần phải phù hợp với đối tượng. Hướng đến là sinh viên Y khoa và nhân viên y tế trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam.
Với những mục tiêu đặt ra như vậy, Hệ sinh thái Y khoa online ra đời với các nền tảng:
Sự liên kết giữa các thành phần trong mô hình
Hệ sinh thái Y khoa online bao gồm
– App (ứng dụng) Hệ sinh thái Y khoa online chạy trên điện thoại (ios, android và tất cả thiết bị đề có thể sử dụng) đây là nền tảng trung tâm của hệ thống.
– Trang web ykhoa.org là nơi tập hợp hơn 3.000 bài viết y khoa được phân loại vào các chuyên mục và chuyên trang rõ ràng, có tính cập nhật, đến nay thu hút được khoảng 100.000 lượt truy cập mỗi tháng (theo thống kê chuẩn của google analytic).
– Group Diễn đàn Y khoa, Page kênh Y khoa, Các dự án khác trên nền tảng facebook.
– Chuỗi webinar (hội thảo trực tuyến – buổi chia sẻ y khoa) do các BS là báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức Y khoa cho hàng trăm đến hàng ngàn sinh viên mỗi buổi qua zoom và meet.
– Youtube “Kênh Y khoa” với hơn 1700 người theo dõi với các video Y khoa do nhóm tự sản xuất và video được cộng đồng đóng góp.
Các nền tảng trên không tách rời nhau mà phối hợp cùng hỗ trợ cho nhau mạnh lên, khắc phục các điểm yếu của nhau, tạo nên một hệ thống mà người dùng có thể vào xem và học tập bất kỳ lúc nào, bất kỳ thiết bị nào.
3.1. Ứng dụng (App) Hệ sinh thái Y khoa Online
Là trái tim của hệ thống, là nơi tập hợp và lưu trữ tất cả các công trình dự án con khác. Là một ứng dụng bỏ túi, có thể dễ dàng truy cập trên các thiết bị nhỏ gọn mọi lúc mọi nơi.
App dùng được tốt nhất trên ios (iphone, ipad), android (điện thoại, máy tính bảng), ngoài ra cũng dùng được trên tất cả các thiết bị khác có kết nối mạng
App “Hệ sinh thái Y khoa online” bao gồm 7 chức năng chính
– Các khóa học: Giúp người dùng đọc và học trực tiếp trên app.
– Trắc nghiệm Y Dược: Giúp người dùng ôn tập và làm bài tập trực tiếp trên app.
– Chuỗi sự kiện webninar: Đăng ký, tham gia và xem lại các khóa học do dự án tổ chức.
– Bài viết diễn đàn: Xem các bài viết trên Diễn đàn Y khoa do tác giả là thành viên hệ thống đóng góp.
– Cập nhật & nghiên cứu mới nhất: Xem các bài dịch từ các trang web Y Dược uy tín trên thế giới.
– CME và sự kiện Y khoa: Tổng hợp cập nhật liên tục thông tin đăng ký, video xem lại các CME và sự kiện Y khoa trên cả nước.
– Liên kết đến các nền tảng khác như:
+ Kênh youtube Y khoa (Các video tự sản xuất, video được đóng góp, video sưu tầm được tác giả cho phép đăng tải)
+ Website ykhoa.org
+ Page kênh Y khoa
+ Group diễn đàn Y khoa
+ Dự án Cho tặng y Dược
Sau đây là chi tiết của các thành phần trong app:
3.1.1. Các khóa học trên App
Bao gồm các khóa học: Y khoa cơ bản, Y khoa cơ sở, Cận lâm sàng, Lâm sàng
Các bài học được nhóm dịch biên tập từ các sách Y khoa uy tín trên thế giới. Các khóa học này được chia số và được miễn phí truy cập hoàn toàn.
Trong đó:
– Y khoa cơ bản:
+ Khóa học y khoa cơ bản vỡ lòng cho sinh viên mới vào học Y Dược gồm 21 bài được biên tập dựa trên “Essentials of anatomy and physiology 8th edition”
+ Kinh nghiệm Y khoa: Gồm 18 bài viết nói về kinh nghiệm cho sinh viên học Y khoa qua các năm do thành viên trang web và các chuyên gia đóng góp.
– Khóa học Y khoa cơ sở bao gồm:
+ Sinh lý Guyton gồm 85 bài được biên tập dựa theo sách “Guyton and Hall textbook of Medical Physiology 14th Edition”
+ Sinh lý thú vị (sinh lý lâm sàng): Gồm 58 bài được biên tập dựa trên “Physiology cases and problems 4th Edition”
+ Vi sinh lâm sàng: 31 bài được biên tập dựa trên “Clinical Microbiology Made Ridiculously Simple 7ed”
+ Cơ chế triệu chứng: 288 bài được biên tập dựa trên “Mechanisms of Clinical Signs. 1st Edition. Mark Dennis William Bowen Lucy Cho”
– Khóa học cận lâm sàng bao gồm:
+ ECG cơ bản: 18 bài được biên tập dựa trên “Antoni Bayés de Luna (2014) ECGs for Beginners”
+ Siêu âm cơ bản: 17 bài được biên tập dựa trên sách “Bài giảng siêu âm tổng quát” –PGS.TS Phạm Minh Thông
+ X-Quang cơ bản và nâng cao: Bao gồm 19 bài do thành viên diễn đàn đóng góp
+ Nội khoa Harrison gồm 220 bài được biên tập dựa trên “Harrison Manual of Medicine 18th”
+ CT-MRI bao gồm 58 bài được biên tập dựa trên “Pocket Atlas of Sectional Anatomy, 3rd”
+ Xét nghiệm gồm 24 bài được biên tập dựa trên sách “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” –PGS.TS Nguyễn Đạt Anh
– Khóa học lâm sàng
+ Kinh nghiệm lâm sàng Nội khoa: 8 bài do thành viên diễn đàn đóng góp
+ Case lâm sàng Nội Ngoại Sản Nhi gồm 194 case lâm sàng do thành viên đóng góp
+ Sản khoa cơ bản được biên tập dự trên “Obstetrics and gynecology 7th edition”
+ Bệnh học tim mạch gồm 30 bài được biên tập dựa trên “Lecturio (2019) Cardiovascular Pathology”
3.1.2 Chức năng webinar trên App
Đây là chuỗi các buổi chia sẻ, trao đổi kiến thức trực tuyến do ban quản trị diễn đàn và dự án tổ chức. Các buổi webinar diễn ra hoàn toàn miễn phí, với mục tiêu chia sẻ kiến thức với cộng đồng Y khoa. Hiện có 18 TS, ThS, BS là báo cáo viên của Diễn đàn đăng ký tham gia các buổi chia sẻ.
Trên App, người dùng có thể xem thông tin tất cả các buổi webinar đã đang và sẽ diễn ra.
Đăng ký tham gia các buổi webinar sắp diễn ra.
Đối với buổi webinar đã diễn ra rồi, người dùng có thể xem lại các buổi webinar đã diễn ra nếu không tham gia trực tiếp được. Đánh giá và phản hồi thông tin các buổi đã diễn ra để ban tổ chức biết được chất lượng của phiên tổ chức, nhu cầu người dùng, từ đó sắp xếp và tổ chức các buổi tiếp theo.
Chi tiết về buổi webinar, chúng tôi sẽ trình bày thêm nhiều thông tin ở các mục sau.
3.1.3. Chức năng Cập nhật & nghiên cứu mới nhất trên App
Đến nay chuyên mục này có trên 250 bài, được dịch từ các trang web y khoa quốc tế uy tín bao gồm các trang trả phí như “Uptodate, BMJ, cilnicalkey, NJEM, Dynamed, Jamanetwork” và các trang miễn phí như “Healthline, Mayoclinic, Medscape, Pubmed, Siencedaily, WebMD”.
Người đọc có thể truy cập và lựa chọn bài đọc mong muốn được cập nhật liên tục mỗi ngày, các bài mới nhất được hiển thị trên đầu.
Bài viết có tiêu đề rõ ràng, thông tin được trích dẫn nguồn và tài liệu tham khảo đầy đủ.
Mục này giúp cho người đọc cập nhật được các thông tin mới nhất về Y khoa trên thế giới, thông tin này là kết các nghiên cứu mới nhất, các bài viết, guidelines của các hiệp hội được phân tích kỹ lưỡng.
Đây là chuyên mục do dự án tự biên dịch, là nguồn tài nguyên do dự án tự sản xuất.
Hình ảnh các tính năng của chức năng bài viết cập nhật & nghiên cứu trên App
3.1.4. Chức năng Trắc nghiệm Y Dược trên App
Người dùng có thể vào lựa chọn môn học, chọn chủ đề đánh trắc nghiệm, sau khi làm bài xong, người dùng sẽ được xem điểm số, các kết quả đúng sai. Giúp củng cố kiến thức trong quá trình học.
3.1.5. Chức năng CME và sự kiện y khoa trên App
Có rất nhiều sự kiện Y Dược, các khóa đào tạo liên tục (CME) được tổ chức. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, các sự kiện được tổ chức ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên mỗi người dùng không thể đăng ký tham gia các khóa học vì thời gian và công việc.
Giải pháp của chúng tôi là tổng hợp lại tất cả các khóa học, các sự kiện đã diễn ra, nhằm giúp người học có thể lựa chọn, theo dõi các khóa học, CME đã diễn ra.
Điều này giúp sử dụng tối đa tài nguyên kiến thức được cung cấp trên nền tảng internet. Người dùng không phải tốn công tìm kiếm quá nhiều nhưng vẫn có thể tìm được các sự kiện và CME mình muốn muốn tham khảo.
Giao diện rất đơn giản, hiệu quả, giúp người dùng xem và lựa chọn các sự kiện luôn được cập nhật mới nhất.
3.1.6. Chức năng Bài viết diễn đàn trên App
Diễn đàn Y khoa là nền tảng group có lượt tương tác cao, tuy nhiên bài viết lộn xộn, dễ trôi và khó tìm lại. Chúng tôi sẽ giải thích thêm nền tảng này ở các mục sau.
Chức năng bài viết diễn đàn trên App giúp tổng hợp tất cả bài viết theo thứ tự từ mới đến cũ, luôn cập nhật mới nhất, người đọc dễ dàng xem và đọc.
Bài viết được cập nhật liên tục và sắp xếp theo thứ tự từ mới nhất. Người đọc được lựa chọn bài viết theo tác giả mình mong muốn. Trong quá trình đọc, người dùng cũng có thể tương tác khi đăng nhập facebook.
Đây là phương án giúp thu xếp và tối ưu hóa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn kiến thức do thành viên hệ thống dóng góp.
3.1.7. Liên kết các thành phần khác của hệ thống
Ngoài ra, App cũng là trung tâm của hệ thống, liên kết đến các thành viên khác như website ykhoa.org, youtube “Kênh Y khoa”, group “Diễn đàn Y khoa”, page “Kênh Y khoa”; các dự án, ví dụ như dự án “Cho tặng – trao đổi Y Dược”. Tất cả đều là thành viên của dự án. Người dùng có thể dễ dàng đến được với các thành phần này với chỉ một nút bấm mà không phải mất công tìm kiếm.
3.2. Trang web ykhoa.org
Trang web là nền tảng cơ sở dữ liệu lớn của hệ thống, là nơi lưu trữ thông tin và tài nguyên hiệu quả nhất, trong khi các nền tảng mạng xã hội như facebook tiếp cận người dùng tốt nhưng việc sắp xếp bài viết dữ liệu thiếu trật tự, các bài đăng cũ bị trôi và người dùng không tiếp cận được.
Trang web ykhoa.org ra đời từ đầu năm 2019, đến nay có hơn 3.000 bài viết thuộc các chuyên ngành Y khoa từ cơ bản, cơ sở, chuyên khoa và chuyên khoa sâu. Đến nay đạt trên 100.000 lượt truy cập mỗi tháng.
Một số chuyên mục trọng tâm trên trang web bao gồm:
3.2.1. Cập nhật kiến thức y khoa từ các trang web nước ngoài.
Hiện chuyên mục này có đến 250 bài, được dịch từ các trang web y khoa quốc tế uy tín bao gồm các trang trả phí như “Uptodate, BMJ, cilnicalkey, NJEM, Dynamed, Jamanetwork” và các trang miễn phí như “Healthline, Mayoclinic, Medscape, Pubmed, Siencedaily, WebMD”
Nội dung bài dịch được yêu cầu chính xác, có kiểm duyệt, đúng yêu cầu của ykhoa.org, cuối mỗi bài phải có trích dẫn các nghiên cứu liên quan đến bài, nguồn bài viết.
3.2.2. Khóa học miễn phí
Bao gồm các khóa học đã được nhắc đến ở mục 3.1.1 tuy nhiên được trình bày ở giao diện web, giúp người đọc có thể truy cập dễ dàng trên nền tảng máy tính bảng (tablet) hoặc máy tính (PC, laptop).
Khóa học trên App và trên Web là cùng một cơ sở dữ liệu, cùng liên kết với nhau chạy trên 2 hệ thống.
Lợi ích của việc có phiên bản web đó là lan tỏa được trên nhiều nền tảng hơn, nhờ chức năng SEO (Search Engine Optimized) của các công cụ tìm kiếm, thông tin y học được đưa đến người dùng khi học tìm kiếm bằng từ khóa, từ đó lượt truy cập và đọc cao hơn.
Các khóa học được đăng tải và cập nhật liên tục giúp cho người đọc luôn có những lựa chọn mới khi vào trang web mỗi ngày.
3.2.3. Bài viết chuyên gia
Là hệ thống bài viết do các bác sĩ và chuyên gia đóng góp qua việc gửi bài, hoặc trang web liên hệ xin phép chuyên gia đăng tải các bài viết hay lên web.
3.2.4. Bài viết chuyên đề
Có rất nhiều chuyên mục và chủ đề trên trang web như: Tin tức, chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi), bệnh học (triệu chứng, chẩn đoán, điều trị), COVID-19, dành cho cộng đồng, giúp người đọc lựa chọn bài viết theo chuyên mục cụ thể
3.3. Chuỗi webinar Diễn đàn Y khoa
Webinar là buổi gặp mặt, hội thảo online, tại đây người dùng có thể chia sẻ và tương tác với tất cả những người tham gia khác. Có rất nhiều hội thảo, hội nghị trực tuyến dành cho bác sĩ và nhân viên y tế, nhưng lại có ít buổi chia sẻ, học tập mở rộng ngoài trường lớp cho sinh viên Y khoa cũng như những người mới tốt nghiệp và mới bắt đầu làm việc. Nhận thấy xu thế cũng như nhu cầu về chia sẻ, học hỏi kiến thức y khoa tăng lên đặc biệt là trong mùa dịch, Hệ sinh thái Y khoa online đã tổ chức các buổi webinar.
Các buổi webinar được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Người chia sẻ chính soạn bài và chịu trách nhiệm chính về chuyên môn. Việc truyền thông và đăng ký được thực hiện trong Group facebook Diễn đàn Y khoa (cũng là 1 thành viên của hệ sinh thái sẽ được trình bày sau) có gần 20.000 thành viên, là nơi phong trào học tập Y khoa được hưởng ứng và thành viên rất nhiệt tình tham gia.
Các buổi webinar hoàn toàn miễn phí, người dùng không phải chịu phí tham gia. Dự án cũng dự kiến sẽ miễn phí vĩnh viễn cho người tham dự. Tuy nhiên để được cấp quyền vào buổi tham gia, người dùng cũng cần chia sẻ bài đăng ký, điều này giúp cho buổi webinar được truyền thông kép rộng rãi hơn nữa. Nhiều hơn số người đăng ký tham gia.
Webinar được tổ chức trên nền tảng Zoom pro, tài khoản do 1 nhà tài trợ cung cấp cho dự án sử dụng. Với tài khoản này, dụng lượng tối đa cho phép đến 1000 người tham gia trao đổi cùng lúc.
Hiện tại đã có 3 số được tổ chức, có các bác sĩ và chuyên gia đã nhận lời tổ chức cho 6 số tiếp theo trong tháng 7, 8 và 9.
Trong mỗi buổi webinar, khách mời sẽ trình bày nội dung kiến thức chuyên môn chính theo chủ đề đã đăng ký. Trong và sau mỗi phần trình bày, người tham gia đặt câu hỏi và tương tác với khách mời. Các câu hỏi được người dẫn chương trình đọc lên và cùng nhau giải quyết.
Sau buổi webinar, nhiều thành viên khác của hệ thống không thể thu xếp tham gia có thể xem lại video qua app Hệ sinh thái Y khoa hoặc youtube. Có đường link đính kèm tài liệu để người học tham khảo. Có đường link khảo sát giúp người dùng đóng góp ý kiến và nêu mong muốn về các khóa học tiếp theo.
Hệ thống webinar ưu việt vì là nơi hoạt động khoa học, y học với tinh thần cống hiến, người học với mong muốn tiếp thu thực sự, tối ưu hiệu quả khi có thể phát lại nhiều lần dù cho khóa học đã kết thúc.
Hiện tại khóa học thành công nhất là webinar số 3 với hơn 1000 người đăng ký, 600 người tham gia trực tiếp, 2000 lượt xem lại trên app và youtube. Nhận được đánh giá cao sau buổi học (hài lòng 9/10).
3.4. Kênh youtube
Hình ảnh kênh youtube “Kênh y khoa”
Kênh youtube “Kênh Y khoa” tham gia vào hệ thống với vai trò là kênh kết nối và vận hành video, liên kết với app, web, webinar như đã đề cập ở các mục trên.
Kênh đã có hơn 1600 lượt đăng ký. Hơn 100 video bao gồm:
– Video tự sản xuất, tự quay lại các khóa học, webinar do hệ sinh thái tự làm.
– Video do các sự kiện đóng góp, tất cả đóng góp đều có minh chứng cho phép sử dụng.
3.5. Group và page trên facebook
Group và page là nền tảng trên facebook, nó không mới nhưng quan trọng là phải có sự tổ chức và sử dụng hiệu quả. Ban quản trị diễn đàn đã vận hành hiệu quả hệ thống, các bài đăng thường xuyên với sự đóng góp của các bác sĩ và chuyên gia có kiến thức chuyên môn.
Đến nay đã có 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 11 bác sĩ là tác giả chính thức viết bài thường xuyên trên diễn đàn, ngoài ra diễn đàn còn nhận được sự đóng góp của các tác giả khác.
Địa chỉ truy cập diễn đàn Y khoa trên facebook: https://diendan.ykhoa.org hoặc
https://www.facebook.com/groups/858633861249240
Địa chỉ truy cập page Kênh y khoa trên facebook: https://www.facebook.com/ykhoa.org
4. Tính mới và sáng tạo
– Hệ thống có sự sáng tạo và nét riêng của mình như:
+ App là do dự án tự thực hiện, không dựa vào các nền tảng mạng xã hội có sẵn
+ Nội dung do hệ thống tự sản xuất chiếm tỷ lệ cao, trên 80%
+ Mô hình hệ thống và hướng phát triển hệ thống được tham khảo dựa trên các công trình đã có trong và ngoài nước, được thực hiện theo các giai đoạn và xây dựng từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao.
– Đây là hệ thống học tập và trao đổi Y khoa đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ đến 5 nền tảng, mọi thành phần của Y khoa.
+ 5 nền tảng bao gồm: facebook – mạng xa hội, youtube – kênh video, website, app – ứng dụng trên điện thoại, zoom – webinar buổi tương tác trực tiếp
+ Các thành phần của y khoa bao gồm nhiều chuyên ngành như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, các chuyên khoa lẻ.
– Sự kết hợp giữa 3 lĩnh vực: Y học, giáo dục, công nghệ thông tin trên cùng 1 nền tảng.
– Giữa các hệ thống có kết nối, có chung cơ sở dữ liệu, các thành phần trong hệ thống không tách rời nhau nhưng hỗ trợ cho nhau.
+ Tăng cường kết nối giúp cho người dùng có thể sử dụng đồng đều các thành phần, người dùng có thể đi từ app, web đến các kênh khác và ngược lại
+ Mỗi chương trình, dự án con thường không sử dụng 1 nền tảng, mà sử dụng nhiều nền tảng, nhiều thành phần của hệ thống.
– Huy động được sức mạnh xã hội với sự tham gia và hỗ trợ của đội ngũ khoảng 300 cộng tác viên là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ và sinh viên y khoa.
– Hệ thống với các sản phẩm nhỏ gọn và tra cứu tiện lợi như app. Nhưng cũng có những sản phẩm chi tiết đầy đủ rõ ràng như website ykhoa.org, youtube “Kênh Y khoa”. Tương tác mạnh như page và group facebook.
– Hệ thống có và đảm bảo tính phát triển bền vững
+ Hệ thống nhận được sự ủng hộ và hoạt động liên tục của nhóm cộng tác viên, tình nguyện viên ngày càng đông.
+ Nội dung được viết thêm, cập nhật mới liên tục trên hệ thống.
+ Các tài liệu của tác giả đóng góp đều có được sự xin phép và đồng ý.
+ Hệ thống có các bài viết, bài dịch và video của riêng mình tự sản xuất (khoảng 70%), không chỉ dựa vào nguồn đóng góp.
+ Hệ thống có sự tài trợ của các nhà tài trợ, có nguồn thu nhập từ việc đặt quảng cáo google adsense để tái đầu tư duy trì hệ thống.
+ Hệ thống đạt 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của liên hiệp quốc (UN) gồm: số 3 (Good health and well-being), số 4 (Quality education), số 10 (Reduced inequalities)
- Khả năng áp dụng
5.1. Đối tượng áp dụng
Đối tượng hướng đến bao gồm
+ Sinh viên Y khoa, sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe (Y, dược, điều dưỡng, xét nghiệm, kỹ thuật viên).
+ Cán bộ nhân viên y tế trên toàn quốc ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực đều có thể sử dụng được.
5.2. Phạm vi áp dụng
– Có thể áp dụng trên cả địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế và phạm vi toàn quốc.
5.3. Khả năng nâng cấp, mở rộng quy mô
Tất nhiên trong quá trình xây dựng, bên cạnh những thành quả đạt được, dự án còn có nhiều thiếu sót. Dự án sẽ tiếp tục tìm hướng đi để phát triển ở giai đoạn 2, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để có nguồn lực mạnh hơn, nhiều người tham gia đóng góp, nhiều người sử dụng hơn.
Dự án hoàn toàn có thể rộng quy mô lớn mạnh hơn nữa trong tương lai.
- Hiệu quả kinh tế xã hội sau thời gian áp dụng
6.1. Kết quả trên số liệu
Đến hiện tại thu được các kết quả sau
Kết quả theo thống kê, hiện có khoảng 2.5 triệu lượt sử dụng trên tất cả các nền tảng bao gồm:
+ Khoảng 1.000.000 lượt xem trên app với khoảng 400.000 người tiếp cận, web, số lượng người truy cập và phiên truy cập tăng dần theo thời gian. Hệ thống có hơn 3000 bài viết.
Thống kê truy cập trang web và app theo google analytics
+ Khoảng 20.000 thành viên (đạt vào lúc 15h25 ngày 30/7/2021), 800.000 lượt tương tác trên “Diễn đàn Y khoa”
Thống kê tương tác của Diễn đàn Y khoa trên facebook
+ 640.000 lượt xem page facebook “Kênh Y khoa”
Tổng hợp số liệu tương tác trên page Kênh y khoa
+ 28.500 lượt xem, 3.500 giờ xem, 1.700 người đăng ký trên youtube “Kênh Y khoa”
Tổng hợp số liệu phân tích trên kênh youtube “Kênh y khoa”
+ Toàn bộ hệ thống đã có khoảng 6.2 triệu lượt tìm kiếm và 236 ngàn lượt nhấp từ google
Số liệu theo google searh console
6.2. Giá trị thực tiễn
Trên thực tế, trong 1 năm trở lại đây hệ sinh thái Y khoa Online đã là địa chỉ thân quen với các sản phẩm quen thuộc đối với nhân viên Y tế và sinh viên Y Dược.
App “Hệ sinh thái Y khoa” đã có mặt trên điện thoại của rất nhiều đồng nghiệp và sinh viên Y trên tất cả miền của Tổ Quốc, được tra cứu và sử dụng hàng ngày.
Chuỗi webinar đã thu hút hàng ngàn sinh viên Y khoa tham gia học tập và trao đổi.
Webiste Ykhoa.org nhận được số lượt truy cập lớn, dần trở thành 1 trang web Y Dược quen thuộc với cộng đồng.
Diễn đàn y khoa trở thành địa chỉ tin cậy để đọc các bài viết có giá trị, cũng như có thể trao đổi kiến thức dễ dàng.
Hệ sinh thái Y khoa online đã, đang và sẽ là một phần không thể thiếu của các đồng nghiệp trong ngành Y tế và sinh viên Y khoa tại Việt Nam.
Hệ sinh thái này không những có tính hoàn thiện cơ bản ở giai đoạn hiện tại mà còn có tiềm năng để tiếp tục phát triển trong tương lai, thể hiện tính bền vững qua 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của liên hợp quốc (UN) gồm: số 3 (Good health and well-being), số 4 (Quality education), số 10 (Reduced inequalities)