Đau cơ tăng trưởng – Growing pain. Huyền thoại thiếu Calcium tập 4
Bs. Hung Truong
Con bạn có bao giờ than đau chân vào buổi tối, nhất là sau những ngày chạy nhảy leo trèo nhiều, rồi sáng hôm sau thì bình thường và tiếp tục chạy nhảy không? Nếu có thì khả năng cao là con bạn có hiện tượng đau cơ tăng trưởng mà thôi?
ĐCTT là loại đau chân thường gặp nhất ở trẻ em, khoảng gần 1/3 trẻ em sẽ có hiện tượng này, gặp nhiều hơn ở bé gái một chút, từ 2-12 tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi tiểu học
Loại đau chân này cũng mang nhiều nỗi oan khiên, thứ nhất là bị gán cho tội thiếu Ca, hễ than đau chân là phán do thiếu Ca, cho mớ Ca về uống.
Thứ hai là bị gán cho tội đang lớn nên bị đau chân, mặc dù chuyện này không liên quan tới tăng trưởng.
Ngày xưa khi mới biết tới hiện tượng này vào những năm 1930s người ta cho là do cơ và gân không phát triển kịp với xương nên làm đau cơ nên mới có cái tên đau cơ tăng trưởng, sau này thì biết là không phải nhưng vẫn còn tên cũ, dễ gây hiểu lầm, kể cả bs.
Không có bằng chứng gì chuyện đau chân này liên quan tới sự tăng trưởng. Đứa nào mà không tăng trưởng, sao có đứa đau đứa không? Hơn nữa lúc dậy thì là lúc tăng trưởng nhanh nhất mà sao không đau?
Nguyên nhân của ĐCTT thường liên quan tới các yếu tố sau:
– Vận động quá mức vào ban ngày (overuse pain), thì ban đêm trẻ hay bị đau.
– Trẻ có ngưỡng đau thấp, các trẻ này có thể kèm theo đau bụng hay nhức đầu.
– Hay gặp ở trẻ có bàn chân bẹt hay các khớp có biên độ di động cao.
– Có yếu tố tâm lý hoặc có hội chứng chân không yên (restless leg syndrome).
– Nhõng nhẻo, con tôi tới lớn thỉnh thoảng vẫn than đau chân và đòi massage.
BIỂU HIỆN CỦA ĐCTT
– Chỉ đau và chiều tối và ban đêm, có thể làm trẻ thức giấc, tuy nhiên không đau, không cứng khớp và hoạt động bình thường vào ban ngày
– Đau CƠ vùng cẳng chân, đùi, sau gối, đau nhức hay đau nhói, KHÔNG sưng đau khớp. Thường đau cả 2 chân.
– Các cơn đau có thể từ 10 phút tới vài giờ, ngày đau ngày không, không phải đêm nào cũng đau. Có một số ít trường hợp có thể đau gần như mỗi ngày.
– Mức độ từ có thể từ nhẹ tới nặng làm trẻ khóc.
– Không kèm triệu chứng gì khác.
CHẨN ĐOÁN
Việc chẩn đoán chủ yếu là loại trừ các loại đau chân khác, các bệnh khớp, đau xương. Hầu hết là chỉ cần hỏi bệnh kỹ càng, và khám cẩn thận để loại trừ các bệnh khác là được, hiếm hoi mới cần tới xét nghiệm hay XR để loại trừ bệnh khác hay làm cho cha mẹ yên tâm hơn. Bs nhi khoa phải trị liệu tâm lý luôn cho cả cha mẹ thì mới có hiệu quả điều trị.
ĐIỀU TRỊ.
Chủ yếu là điều trị triệu chứng nếu cần thiết, ngoài ra không cần điều trị gì khác, kể cả Ca.
– Giải thích, trấn an con.
– Massage chân nhẹ nhàng, ôm ấp con.
– Dùng miếng đắp ấm trước khi ngủ.
– Thuốc giảm đau: paracetamol (Tylenol, Ibuprofen).
– Tập các động tác giãn cơ.
– Thường khi lớn lên sẽ tự hết.
KHI NÀO CẦN PHẢI LO LẮNG?
– Đau thường xuyên, ngày nào cũng đau.
– Đau vào ban ngày, cứng khớp buổi sáng.
– Đau sưng khớp.
– Ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ vào ban ngày.
– Liên quan tới chấn thương.
– Kèm theo các triệu chứng khác như sưng, đỏ, sốt, nổi ban, sụt cân, mệt mỏi, biếng ăn, yếu cơ.
Xin cảm ơn bài chia sẻ của Bs. Hung Truong!