BS. Hung Truong
1.KHÁM CON NÍT
- Trong quá trình hướng dẫn lâm sàng cho các bạn sinh viên, NP, PA. Tôi nhận thấy các bạn hầu hết đều bối rối khi phải khám con nít. Tôi phải trở lại hướng dẫn cách khám con nít sao cho dễ dàng và hiệu quả. Không hỏi bệnh sử cho kỹ, khám cho tốt thì chỉ có nước làm bs “Ấn Độ” (Ấn Độ ở đây không phải là India nhé, Ấn Độ có nghĩa là ấn ấn rồi độ coi bệnh gì). Mà làm bs “Ấn Độ” thì khỏi phải bàn là giỏi hay dở.
Con nít ở đây là trẻ 1-5 tuổi. Vì sao khám bệnh rất khó ở tuổi này. Tuổi này giao tiếp và nhận thức còn kém, hỏi nó không trả lời, hoặc trả lời cũng như không. Hỏi có đau không từ đầu đến chân tụi nó gật đầu hay ừ tuốt, không tin bữa nào thử coi. Mấy bạn quen khám người lớn kêu gì làm nấy, tụi con nít này thì quên đi nha. Con nít từ 1-3 tuổi còn tệ nữa, bị chích thuốc quá nên vừa thấy mặt bs là nó khóc rùm lên rồi, khỏi khám bụng hay nghe tim gì hết. - Tui có thói quen là vào phòng khám gặp mấy đứa 1-5 tuổi là nhào vô làm quen với nó. Không bao giờ tui a thần phù đè nó ra khám liền, khổ nó mà khổ cả tui. Tui cố gắng cười tươi, hỏi tên nó, chào nó, high-five nó, thấy nó có con gấu bông thì chào con gấu xong hỏi con gấu tên gì, thấy nó có đồ chơi thì ngồi xuống chơi với nó. Nói chung là cho nó thấy tui là bạn vui tính của nó, quá trình này mất 30 giây tới 1 phút. Sau đó bắt đầu hỏi bệnh rồi khám, mấy đứa 1-2 tuổi thì khám ngồi trong lòng mẹ, khám từ từ mấy cái dễ, không đau trước để tạo niềm tin cho nó. Sau đó là khám phần nào đau hoăc gây khó chịu cuối cùng, MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG NHẤT, thông thường khám họng và tai là cuối cùng. Cách này giúp tôi khám dễ dàng khoảng 60-70%. Phần lớn còn lại là do đã có kinh nghiệm xấu với bs trước đây hoặc bé quá nhát.
- Bởi cái khó ló cái khôn. Khám tụi nó khó khăn thì phải có chiêu, dưới đây là một số chiêu mà tui học hỏi áp dụng trong quá trình hành nghề.
2. KHÁM GIÁN TIẾP:
- Không dưới một lần sinh viên trình bệnh, tui hỏi có khám bụng không, được trả lời là không vì nó khóc. Tui nói mai mốt ra hành nghề em có nói với mẹ là tao không biết con mày bệnh gì vì nó khóc quá, hay ra toà trình với ông quan toà rằng tao không khám ra viêm ruột thừa vì nó khóc quá hay không? Khó thì tìm cách.
- Khám gián tiếp là sự quan sát bệnh nhân một cách cẩn thận mà không cần chạm vào bệnh nhân. Cách này đòi hỏi kiến thức về bệnh học và kinh nghiệm lâm sàng, sự quan sát này giúp người bs rút ra được những kết luận quan trọng chỉ bằng quan sát từ xa.
- Ví dụ như tui có một bệnh nhân 10 tháng khám vì ói nhiều lần hôm nay, không sốt không tiêu chảy. Trong nhi khoa, có lẽ điều quan trọng nhất của người bs là phải khám hàng trăm hàng ngàn bệnh nhi có các bệnh thông thường mà không bỏ sót các bệnh nặng nghiêm trọng. Khám một trăm ca viêm hô hấp trên mà đừng sót một ca viêm phổi, nên phải luôn nghĩ tới trường hợp xấu nhất cho từng bệnh nhân. Ca này tôi nghĩ không biết nó có tắc ruột, lồng ruột gì hay không??? Tôi nhớ là trong suốt thời gian chờ đợi 15-20 phút tôi không nghe bé khóc, khi tôi vào phòng thì bé ngủ ngon trên tay mẹ, sau khi tôi khám xong thì bé thức nhưng nằm yên không có vẻ gì đau đớn. Suốt quá trình khám bé không có những cơn khóc đột ngột của lồng ruột, tất cả sự quan sát giúp tui biết bé này không có đau bụng, nên khả năng lồng ruột rất thấp.
- Bệnh sử thật sự là cách khám gián tiếp. Bệnh nhân ngày 1-2 với sốt ho thì có lẽ là viêm hô hấp trên, nhưng nếu ho 6-7 ngày hôm nay đột nhiên sốt cao thì có lẽ là viêm phổi hay viêm tai giữa. Cho nên bệnh sử chi tiết và có định hướng luôn là khởi đầu cho một lần trị bệnh tốt.
- Muốn biết nó có đau chân không thì cho nó xuống đất đi vài bước.
- Con nít không biết trả lời, nên khám bụng nó mà ngó mặt nó, nó nói đau mà cái mặt nó bơ bơ thì thường là mình đè mạnh quá
3. KHÁM ƯU TIÊN THEO BỆNH CẢNH
- Đa phần sinh viên khám bệnh nhi rất máy móc, khám theo một thứ tự từ đầu tới chân như người lớn. Con nít đang ngủ rồi đè nó ra khám họng, nó khóc um sùm rồi còn làm ăn gì nữa. Nên phải suy nghĩ coi ca này khám cái gì là quan trọng, là ưu tiên 1, hay trong hoàn cảnh hiện tại khám sao cho hợp lý nhất. Lại một lần nữa bệnh sử lại giúp cho bạn biết cái nào là ưu tiên.
- Trở lại ca bệnh trên, khám bụng là quan trọng nhất, nên tui lén lén khám bụng nó khi nó đang ngủ, bụng mềm, không đau, không khối lồng. Khám xong cộng với kết quả quan sát qua khám gián tiếp, nỗi lo âu của lồng ruột không còn nữa.
Bệnh tới khám vì ho sốt thì cứ nói chuyện với mẹ nó, kêu mẹ nó kéo áo lên (áo của bệnh nhi chứ không phải áo của mẹ nha) ngó coi nó thở ra làm sao, rồi nghe phổi nó cái, rồi từ từ khám mấy cái khác sau, chứ đừng hăm hở đè ra khám tai khám họng.
4. KHÁM DU KÍCH
- Khám kiểu này là rình khám, bất chấp thủ đoạn miễn sao đạt được mục đích thì thôi.
Nó ngó mình nó khóc quá không nghe phổi được thì kêu mẹ nó vác lên vai xoay lưng lại rồi lén nghe phổi nó.
Nó khóc hả họng thì tranh thủ nhìn cái khỏi khám họng nữa.
Khám tai là hay bị khóc nhất thì lấy cái đèn chơi với nó như đồ chơi rồi từ từ để vào tai mà đừng để sâu, kéo nhẹ tai cho thẳng ra là thấy hết cả tai (đèn phải loại ngon có độ sáng và phóng đại cao mới chơi kiểu này được)
Khám mấy cơ quan gây khóc nhiều là phải chuẩn bị khám cho lẹ, đánh nhanh rút gọn.
5. KHÁM ĐỂU
- Con nít là chúa ma lanh, tụi nó nhiều khi muốn trốn học nên giả đò đau bụng, nhức đầu đủ thứ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, để coi trứng khôn hơn vịt hay vịt khôn hơn trứng.
Nó đau bụng buổi sáng trước khi đi học thôi, chiều về hết, cuối tuần quên đau. Cho nó đi học đều đặn là tự nhiên hết bệnh.
Khám bụng thấy nó kêu đau quá mà không phù hợp với triệu chứng khám, bèn nói chuyện với nó đủ thứ, về trường học, game, phim hoạt hình, …, vừa nói vừa khám bụng nhẹ nhàng, nó nói chuyện đến quên đau bụng.
Nó than là đau chân, khám tới mắt cá là than đau, thấy có vẻ không phù hợp, nói vài câu bâng quơ, xong kêu nó leo lên giường khám. Nó leo lên xong rồi leo xuống mà không thấy đau chút xíu nào. Cho về. - Mấy đứa lớn hơn nó giả đò hay hơn nên mình phải đểu hơn nữa.
Bệnh nhân nữ 16 tuổi tới khám vì than đau, tê toàn tay phải mấy ngày. Khám thì thấy tay bình thường ngoài việc đụng vô than đau. Tui gõ gõ vô cổ tay, mỗi lần gõ là tự nhiên mấy ngón tay rung giật rất lạ. Tui gật gù làm mặt nghiêm trọng, gõ chừng chục lần, lần nào ngón tay của cổ cũng rung giật, lần thứ 11 tui gõ gần tới thì đột ngột dừng lại, vui một điều là ngón tay của cổ vẫn rung giật như mấy lần trước, à há, bắt quả tang rồi. Tui nhìn cổ nhếch mép cười đểu, cổ nhìn tui ỏn ẻn cười mắc cỡ. Thử coi ai đểu hơn ai nhé. Con gái là chúa giả đò.
Con nít thì có cách khám cho con nít.
* Viết cho mấy bạn sinh viên đang học khám bệnh, hy vọng giúp ích được mấy bạn trên con đường hành nghề
Las Vegas 11/2018, trong lúc chờ mọi người thức dậy sau một đêm dài … cờ bạc.