BS. TRẦN VĂN PHÚC
CÓ MỘT ĐÀI TƯỞNG NIỆM KHÔNG THỂ QUÊN
======================================
Sau tết Nguyên Đán năm 2003, Bệnh viện Việt Pháp tiếp nhận trường hợp SARS đầu tiên vào ngày 26/2, bệnh nhân là ông Johny Chen, một doanh nhân người Mỹ khó tính gốc Hồng Kông.
Vào thời điểm đó, thế giới chưa biết gì về SARS, sự mặc khải của bệnh viêm phổi không điển hình không chỉ làm giới hạn việc tiết lộ thông tin về một dịch bệnh rất nguy hiểm, mà còn làm đảo ngược sự hiểu biết của công chúng và chính phủ Trung Quốc, nơi đang có hàng trăm bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Ông Chen vào viện với các triệu chứng sốt 40˚C, ho và đau cơ bắp, diễn biến bệnh rất nhanh. Trước đó tại Hồng Kông, Chen đã ở trong khách sạn Metropole, nơi ông được cho là đã bị lây nhiễm bệnh từ một bác sĩ Trung Quốc khi cùng chung thang máy. Bác sĩ người Trung Quốc này đã truyền virus cho 67 bệnh nhân khác trong lúc điều trị cho họ ở miền nam Trung Quốc.
Olivier Cattin, một bác sĩ của bệnh viện Việt Pháp, nghĩ rằng có lẽ Chen đã bị cúm gia cầm ở Hồng Kông.
Hai ngày sau, bác sĩ Vũ Hoàng Thu đã gọi điện cho Tổ chức Y tế Thế giới và gặp bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam. Urbani ngay lập tức đến hội chẩn, ông nhìn vào phim Xquang ngực của Chen và khuyên bệnh viện nên lấy mẫu bệnh phẩm máu và ngoáy họng, ngoài việc xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thì bệnh phẩm cần được gửi đến các phòng thí nghiệm của WHO ở Tokyo và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ở Atlanta (CDC).
Đêm thứ 6, Chen đau đớn, vật vã, ho và ho, ông gào khóc không ngừng, đến nỗi những bệnh nhân nằm cách đó hai phòng cũng phải bật dậy.
Sáng thứ bảy, Chen được thông báo cần phải lấy máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm, nhưng ông khăng khăng “chỉ duy nhất một bác sĩ người Pháp được phép chọc kim”. Bác sĩ người Pháp đã phải cam đoan điều đó, nhưng chính vị bác sĩ này cũng không biết bằng cách nào để lấy ven thành thạo, giống như cách lấy ven của những y tá người Việt. Đợi khi Chen nhắm mắt lại, một y tá Việt Nam đã nhẹ nhàng luồn cây kim vào tĩnh mạch, dòng máu đỏ trào ra ống nghiệm, đó là bí mật mà Chen vĩnh viễn không bao giờ biết.
Chủ nhật, Chen không thể thở được, phim Xquang phổi trở nên trắng xóa, dấu hiệu của đông đặc nhu mô và tràn dịch khoang màng phổi. Chen được chuyển thẳng đến đơn vị chăm sóc đặc biệt, được đặt ống nội khí quản và máy thở, cùng với thuốc an thần.
Ngày 5 tháng 3, Chen yêu cầu được quay về chữa trị tại một bệnh viện hàng đầu ở Hồng Kông, nhưng ông đã kịp lây bệnh cho 37 nhân viên y tế, trước khi mất 7 ngày ở Bệnh viện Princess Margaret, bốn ngày sau sinh nhật lần thứ 49.
Buổi chiều sau khi Chen rời khỏi Bệnh viện Việt Pháp, 4 bác sĩ và y tá người Việt đã thế chỗ ông, họ chính thức trở thành bệnh nhân. Ngày hôm sau thêm 7 người nữa. Ngày 11 tháng 3, thêm hai chục người, đưa con số nhiễm bệnh bằng một phần tư trong tống sống nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Pháp.
Urbani và Hitoshi Oshitani, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO đến từ Manila, hai người bắt đầu nghi ngờ về nguồn gốc căn bệnh mà Chen mắc phải đang lây cho hàng loạt nhân viên y tế, dường như có sự liên quan với dịch bệnh viêm phổi không điển hình ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc.
Vào ngày 7 tháng 3, sau báo cáo của bác sĩ Urbani, WHO đã kích hoạt hệ thống cảnh báo và phản ứng dịch bệnh bùng phát toàn cầu, một đội ngũ chuyên gia nhanh chóng được thành lập để sẵn sàng đối phó.
Urbani và Pascale Brudon, hai người đại diện cho WHO, đã yêu cầu có một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 9 tháng 3 với Bộ Y tế và các quan chức của chính phủ Việt Nam. Sau 2 tiếng đồng hồ, phía Việt Nam đồng ý để WHO đưa các chuyên gia vào, đồng thời Việt Nam cũng xem xét toàn diện vấn đề, đây chính là “bước ngoặt” theo lời kể lại của bà Brudon.
Việt Nam ngay lập tức thành lập đội “đặc nhiệm” phòng chống dịch bệnh.
Vào ngày 12 tháng 3, đội “đặc nhiệm” của Việt Nam có thêm 2 chuyên gia đến từ WHO, họ xuất phát từ bãi đậu xe, nhóm đầu tiên 15 người đeo khẩu trang và quần áo bảo hộ chuyên dụng kính mít, họ nắm chặt tay nhau tiến đến khu vực cách li bệnh nhân. Nhiệm vụ của họ không chỉ cùng với các y bác sĩ ở đó ngăn chặn dịch bệnh, mà còn muốn có câu trả lời về căn bệnh lạ đang đe dọa sự sống của hàng tỉ người trên trái đất.
“Các y bác sĩ Việt Nam đã làm những công việc phi thường!”
Tim Uyeki, một nhà dịch tễ học thuộc CDC, người bay đến từ Atlanta, cô đã phải thốt lên như vậy khi chứng kiến 2 chuyên gia quốc tế đã đã bị đánh bật trở lại do sức ép khủng khiếp của bệnh tật. Chính phủ Việt Nam đặt dịch bệnh vào một cuộc chiến, mỗi nhân viên y tế trong đội “đặc nhiệm” là một chiến sĩ xung trận, họ chỉ được phép tiến lên chứ không được phép lùi, chỉ được phép thắng mà không được phép thua.
Suy nghĩ, hành động; tất cả đều phải rất nhanh!
Vài ngày sau đó, hàng chục nhà dịch tễ học và bệnh lí học của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển và Úc đã bay đến Việt Nam để hỗ trợ đội “đặc nhiệm”.
Trong khi đó, bác sĩ Carlo Urbani đã lên đường đi dự một cuộc họp ở Thái Lan, ông gọi cho bà Brudon từ sân bay Nội Bài, nói rằng ông cảm thấy bị sốt. Brudon hi vọng đó chỉ là sự mệt mỏi, bởi Urbani đã làm việc 16 giờ mỗi ngày, liên tục như thế trong 10 ngày. Đến sân bay Bangkok. Một người bạn rất thân cũng là đồng nghiệp đến từ CDC Hoa Kỳ, khi biết Urbani đã mắc bệnh, người bạn muốn lao tới dành cho ông vòng tay ôm cuối cùng. Urbani đã ra hiệu cho người bạn dừng lại từ xa, họ ngồi xuống phi trường vắng lạnh, cách xa nhau, trong im lặng chờ xe cứu thương đến lắp ráp đồ bảo hộ.
Bác sĩ Carlo Urbani được đưa vào bệnh viện nhỏ ở Bangkok và qua đời vào ngày 29 tháng 3.
Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, Carlo Urbani đề nghị các bác sĩ cắt 2 lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Và ông mãn nguyện: “Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả”. Hai tuần sau cái chết của người bác sĩ anh hùng, virus SARS-CoV-1 được chỉ mặt vạch tên.
Nhưng Carlo Urbani không phải là nhân viên y tế duy nhất chết vì SARS.
– Ngày 15 tháng 3, Nguyễn Thị Lượng, y tá chăm sóc bệnh nhân Chen, qua đời.
– Ngày 19 tháng 3, Jean Paul Derosier, bác sĩ gây mê, người đã đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân Chen và đưa ông vào chế độ thở máy, đã chết.
– Ngày 24 tháng 3, bác sĩ phụ khoa Nguyễn Thế Phương, qua đời.
– Ngày 24 tháng 3, y tá Nguyễn Thị Uyên, qua đời.
– Ngày 12 tháng 4, bác sĩ Nguyễn Hữu Bội, đã chết.
Hoảng loạn bao trùm khắp thế giới. Ngay tại Hà Nội, người ta phải rất cẩn thận khi gặp nhau, siêu thị và quán xá quanh khu Bệnh viện Việt Pháp và Bạch Mai đóng cửa. Đoạn đường Giải Phóng, đường Phương Mai và những con đường lân cận vắng tanh. Không ai chịu bán đồ ăn cho các y bác sĩ. Hơn một nửa số nhân viên Bệnh viện Việt Pháp đổ bệnh, trong bầu không khí căng thẳng, các bác sĩ và y tá khỏe mạnh còn lại họ tự nguyện làm việc ngoài giờ, mỗi ngày hơn 20 tiếng làm cho cơ thể ai cũng mệt mỏi, nhưng họ không thể ngủ.
Khi cả thế giới chìm trong bầu không khí chết chóc và tang thương, ngập tràn các trang báo là hình ảnh những thành phố ma không có bóng người, thì ở Hà Nội vẫn lóe lên những tà áo trắng của nhân viên y tế ào ạt tiến về tiền tuyến. Vào thời điểm nguy cấp nhất của dịch SARS, hàng loạt những nhân viên y tế đã lao lên phía trước để cứu mạng sống của đồng nghiệp và bệnh nhân, thậm chí họ chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình để giành lấy sự sống cho người khác.
Lực lượng “đặc nhiệm” tinh nhuệ nhất của Việt Nam trong cuộc chiến chống SARS, đó là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một trong những bệnh viện trực thuộc của Bạch Mai. Các quan chức của WHO và CDC đã hoảng hốt khi thấy bệnh viện quá sơ sài, không được trang bị đúng cách, nhưng lại tiếp nhận bệnh nhân SARS từ trước đó. Ngay đến chiếc khẩu trang N95 cũng không có. Trong những buồng bệnh không có điều hòa, cửa mở toang để đón gió và bật quạt, nhân viên y tế phải cho bệnh nhân ăn, phải tắm rửa, thậm chí thay cả băng vệ sinh khi bệnh nhân nữ đến tháng.
WHO cùng với CDC đã nhanh chóng tặng khẩu trang, áo choàng, cùng với những trang thiết bị khác. Nhật Bản cũng viện trợ tương tự, thêm 2 máy thở hiện đại. Pháp cử 4 bác sĩ, cùng các kĩ thuật viên kèm với 5 máy thở. Tổ chức bác sĩ không biên giới cũng cử một đội ngũ chuyên gia đến giúp đỡ.
Ban đầu, chuyên gia WHO khuyên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đóng hết các cửa lại, nhưng các bác sĩ Việt Nam không nghe. Kết quả của việc mở toang cửa, không điều hòa, bật quạt; cùng với việc hồi sức tích cực, động viên bệnh nhân tập thở, tất cả các trường hợp SARS đã qua khỏi, không có tử vong.
Cuộc chiến bên ngoài bệnh viện mới thực sự khó khăn.
Hệ thống y tế dự phòng nỗ lực tìm kiếm tất cả những người có nguy cơ mắc SARS. Một trong số đó, là người đàn ông ở Ninh Bình 44 tuổi, đi nuôi con mổ ở Bệnh viện Việt Pháp rồi bị mắc bệnh. Nhân viên y tế dự phòng đã tìm được 128 người có tiếp xúc, thực hiện cách li họ tại nhà, thời gian cách li 14 ngày, có nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe hàng ngày.
Những nỗ lực phi thường cuối cùng đã được đền đáp. Vào ngày 28 tháng Tư, tròn 2 tháng trời sau khi Johnny Chen mang mầm virus đến Bệnh viện Việt Pháp, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là quốc gia đầu tiên trên thế giới khuất phục hoàn toàn hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, hay còn gọi là SARS.
Câu chuyện về một quốc gia nghèo khó trở thành quốc gia đầu tiên chế ngự được một căn bệnh truyền nhiễm bí ẩn đe dọa hàng tỉ mạng sống trên toàn cầu, thực tế không có điều gì là thần bí. Nhưng việc xử lí SARS của Việt Nam là một câu chuyện về sự minh bạch, quyết đoán, hợp tác, tự lực tự cường, sáng tạo và có phần may mắn, trong đó việc phát hiện sớm và quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, cô lập, dập dịch và cách li mạnh mẽ dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế đã mang lại cho Việt Nam một lợi thế vượt trội.
Sự bùng phát của dịch bệnh SARS là một sự kiện lớn trong lịch sử sức khỏe của con người, giống như đại dịch Tây Ban Nha hay dịch hạch, nó sẽ được ghi lại trong lịch sử của nền văn minh nhân loại. Đúng 17 năm đã trôi qua và những hình ảnh li kì tưởng chừng đã biến mất và thậm chí bị ai đó lãng quên. Nhưng virus SARS-CoV-2 chủng mới đã quay trở lại gây dịch bệnh COVID-19, nó sẽ giống như SARS 17 năm về trước, sẽ làm thay đổi một cách sâu sắc cuộc sống của chúng ta.
Xin đừng quên một tượng đài!
Những người chiến sĩ áo trắng, họ đã ngã xuống, nhưng chưa bao giờ họ được công nhận là liệt sĩ. Cái chết của họ đã nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng ở trên đỉnh cao của tự nhiên và xã hội, mà sẽ phải đối diện với thảm họa và chết chóc; bởi vậy, mỗi chúng ta thay vì sợ hãi sự nguy hiểm, thì hãy phản ứng bình tĩnh, tìm kiếm sự thật, tôn trọng khoa học, kiên cường chiến đấu hết mình, dám hi sinh để giành lấy chiến thắng. Hơn bao giờ hết, cuộc sống là hơi ấm chạm vào, đó là những tinh thần tốt đẹp, là năng lượng tích cực, là sự động viên khích lệ; chỉ có những điều tốt đẹp mới sưởi ấm được trái tím, mới tạo sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.
=======
p/S: Bài viết đã đăng trên Soha với đường link dẫn ở cmt.