[Uptodate] Đánh giá về tình trạng sụt cân ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi

Rate this post

LỜI NÓI ĐẦU

Chủ đề này sẽ thảo luận về cách tiếp cận tình trạng sụt cân ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Đánh giá tình trạng giảm cân ở trẻ nhỏ lớn hơn 6 tháng, trẻ lớn, thanh thiếu niên, người trưởng thành được thảo luận riêng.

TỔNG QUAN

Sụt cân thường thấy trong tuần đầu sau sinh, với trẻ sơ sinh khỏe mạnh giảm từ 7 đến 10% trọng lượng khi sinh do sữa mẹ chỉ mới được sản xuất trong 72 giờ đầu sau sinh. Trẻ sơ sinh thường lấy lại trọng lượng lúc sinh sau 2 tuần, hầu hết tăng thêm khoảng 30 g/ ngày.

Sụt cân liên tục ở trẻ nhỏ thường do nhiễm trùng cấp tính, vấn đề về cho ăn, bất dung nạp đạm sữa, suy dinh dưỡng hoặc không phát triển được. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hẹp môn vị, thiếu quan tâm chăm sóc trẻ là những nguyên nhân thường gặp khác. Mất nước liên quan đến bất kì nguyên nhân nào đều có thể làm tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.

Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng các tình trạng nguy hiểm khác có thể đe dọa tính mạng bao gồm các bất thường trong quá trình xoay của ruột như xoắn ruột, bệnh tim bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh và các rối loạn bẩm sinh về chuyển hóa. Để tìm nguyên nhân, cần khai thác kĩ bệnh sử và thăm khám lâm sàng, kết hợp với sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng hợp lí.

SINH LÝ BỆNH  

Thành phần chính của trọng lượng gồm nước, protein, carbohydrate, và chất béo. Sụt cân xảy ra khi lượng dư hàng ngày của một hoặc một số thành phần này trở nên âm. Trong thời kì sơ sinh và thời thơ ấu, các nguyên nhân chính gây sụt cân bao gồm lượng calo hấp thụ không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quá trình trao đổi chất, các hoạt động hàng ngày và tăng trưởng cảu trẻ, hoặc giảm thể tích dịch. Bao gồm các nguyên nhân cụ thể:

  • Giảm lượng calo
  • Lượng calo bình thường với nhu cầu trao đổi chất tăng lên
  • Lượng calo bình thường trong tình trạng kém hấp thu hoặc mất quá mức.

Trong các bệnh cấp tính, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột, mất nước vượt quá lượng hấp thu có thể dẫn đến sụt cân đáng kể.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Chẩn đoán phân biệt đối với tình trạng sụt cân ở trẻ sơ sinh nhỏ là rất rộng và có thể cần phải nghiên cứu nhiều. Ở nhiều bệnh nhân chưa thể đưa ra chẩn đoán trong lần thăm khám đầu tiên, nhưng có thê tiến hành đánh giá và giới thiệu với chuyên gia khi cần thiết.

 

Tình trạng đe dọa tính mạng

Mất nước – Mất nước nghiêm trọng do viêm dạ dày ruột cấp tính có thể dẫn đến giảm cân đáng kể. Mất nước do viêm dạ dày ruột là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển. Trẻ sơ sinh bị viêm dạ dày ruột cấp thường có biểu hiện cấp tính là tiêu chảy, nôn mửa, sốt và giảm bú. Máu hoặc chất nhầy trong phân hoặc phân như nước vo gạo gợi ý bệnh viêm ruột do vi khuẩn hoặc bệnh tả. Mất nước cũng có thể xảy ra do các bệnh nhiễm trùng cấp tính khác (ví dụ, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu), các tình trạng gây kém ăn (ví dụ: rối loạn ăn uống, bệnh tim bẩm sinh, trẻ bị bỏ rơi, suy dinh dưỡng) hoặc các tình trạng liên quan đến tăng mất lượng thức ăn (ví dụ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hẹp môn vị, dị ứng đạm sữa với tiêu chảy, hoặc kém hấp thu ở ruột). Phát hiện mất nước đáng kể (Kéo dài thời gian đổ đầy mao mạch, da khô, mắt trũng, thóp lõm, hoặc hôn mê) thường được tìm thấy khi khám sức khỏe.

Bù dịch và cách xử trí viêm dạ dày ruột được thảo luận chi tiết hơn. (Xem “Treatment of hypovolemia (dehydration) in children” and “Approach to diarrhea in children in resource-rich countries”, section on ‘Algorithmic approach to the patient’.)

Các đợt xoay ruột bất thường – Ruột xoay bất toàn xảy ra do sự ngừng quay bình thường của ruột trong giai đoạn phôi thai. Xoắn ruột  xảy ra khi ruột non xoắn xung quanh động mạch mạc treo tràng trên dẫn đến tổn thương mạch máu đến các phần lớn của ruột non (hình 1). Hầu hết trẻ em bị rối loạn đường ruột phát triển các dấu hiệu tắc ruột non cấp tính trong giai đoạn đầu của trẻ sơ sinh. Nên nghi ngờ rối loạn đường ruột ở bất kỳ trẻ sơ sinh nào bị nôn nhiều lần. Khám thực thể có thể thấy bụng căng nhẹ, đau lan tỏa có hoặc không có dấu hiệu viêm phúc mạc và phân có máu khi khám trực tràng.  Máu trong phân là một dấu hiệu đáng lo ngại, vì nó gợi ý đến tình trạng thiếu máu cục bộ ở ruột và có thể hoại tử do xoắn ruột. Hoại tử ruột làm mất dịch khoang thứ ba và nhiễm trùng huyết có thể làm tổn thương tim mạch tiến triển nhanh chóng. Tiến hành hồi sức bù dịch kịp thời và can thiệp phẫu thuật là rất cần thiết.

Nếu trẻ ổn định về huyết động, chẩn đoán cần được xác định bằng đánh giá X quang. Đánh giá này thường bắt đầu bằng chụp X quang bụng không chuẩn bị, hiếm khi nhìn thấy hình ảnh đặc hiệu của xoắn ruột, nhưng rất quan trọng để loại trừ thủng tạng rỗng với hình ảnh tràn khí màng bụng. Chụp X quang có thuốc cản quang đường tiêu hóa trên, đây là phương pháp tốt nhất để hình dung tá tràng ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Và nên được thực hiện bất cứ khi nào có thể, được thực hiện bởi bác sĩ X quang nhi khoa có kinh nghiệm. ( Xem  “Intestinal malrotation in children”, section on ‘Diagnosis’.)

Bệnh tim bẩm sinh – Bệnh tim bẩm sinh (CHD) là rối loạn bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh; Dị tật thông liên thất chiếm khoảng một nửa số dị tật. Trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh thường gặp khó khăn khi bú dẫn đến sụt cân do mất nước hoặc suy dinh dưỡng protein năng lượng. Mặc dù mức độ tím và phụ thuộc ống động mạch thường được chẩn đoán quanh thời kì chu sinh đến hai tuần tuổi, nhiều tổn thương tim (ví dụ như tổn thương cấu trúc, bệnh cơ tim và khối u tim) có thể xuất hiện muộn hơn ở giai đoạn nhũ nhi kèm theo sụt cân hoặc tăng cân kém. (Xem  “Identifying newborns with critical congenital heart disease”, section on ‘Postnatal diagnosis’)

Ở trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng, bố mẹ nhận thấy thường gặp khó khăn khi cho trẻ ăn, biểu hiện bằng việc trẻ chỉ uống được một lượng sữa hạn chế. Các cữ bú cũng mất quá nhiều thời gian do thường xuyên bị gián đoạn do ngủ hoặc nghỉ, sặc, buồn nôn, và / hoặc nôn. Trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp theo báo cáo của cha mẹ như thở nhanh hoặc khó thở, tình trạng này nặng hơn khi bú, ho dai dẳng hoặc khò khè. Các biểu hiện khác bao gồm thay đổi màu sắc da, chẳng hạn như tím tái hoặc xanh xao dai dẳng; ra mồ hôi trộm, tăng lên khi bú và khi ngủ, giảm hoạt động hoặc ngủ quá nhiều. Thăm khám có thể thấy tiếng thổi, tiếng ngựa phi hoặc mạch bắt yếu ở chi dưới. Nên kiểm tra điện tâm đồ, chụp X quang phổi, siêu âm tim và hội chẩn với bác sĩ tim mạch nhi khoa cho bất kỳ trẻ nào nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Tăng sản thượng thận bẩm sinh – Bệnh di truyền với thiếu hụt enzym trong quá trình sinh tổng hợp cortisol (tạo steroid) được gọi là tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH). Những rối loạn này gây ra suy thượng thận nguyên phát vì chúng làm giảm sự tổng hợp cortisol.

Thiếu CYP21A2 (21-hydroxylase) là dạng CAH phổ biến nhất (hình 2). Nó chiếm hơn 95% các trường hợp khiếm khuyết steroid tuyến thượng thận, và ước tính xảy ra ở một trong 14.200 ca sinh sống. Thiếu CYP21A2 thường biểu hiện như một trong hai hội chứng lâm sàng ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ rất nhỏ, cả hai hội chứng này đều liên quan đến thiếu glucocorticoid: thể mất muối (hạ natri máu, tăng kali máu và hạ huyết áp do thiếu mineralocorticoid) với cơ quan sinh dục ngoài bất thường nhẹ ở nữ (do dư thừa androgen tuyến thượng thận), và một thể đơn giản khác ở nam và nữ bị ảnh hưởng mà không mất muối. Ở một số trẻ sơ sinh, sự phân biệt giữa hai thể này không rõ ràng. Suy thượng thận cấp tính với suy giảm tuần hoàn có thể xảy ra trong vài ngày đến vài tuần đầu sau sinh. Tại Hoa Kỳ, thiếu hụt 21-hydroxylase là một phần của sàng lọc sơ sinh ở tất cả các bang, vì vậy hầu hết trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng đều được chẩn đoán trước khi tiến triển suy tuyến thượng thận cấp tính. (Xem  “Genetics and clinical presentation of classic congenital adrenal hyperplasia due to 21-hydroxylase deficiency”.)

Việc điều trị suy thượng thận và suy thượng thận cấp tính ở bệnh nhân suy thượng thận nguyên phát được thảo luận riêng.

Rối loạn chuyển hóa di truyền (IEM) – Các rối loạn chuyển hóa là kết quả của sự thiếu hụt hoặc bất thường của một enzym hoặc cofactor của nó, dẫn đến sự tích tụ hoặc thiếu hụt của một chất chuyển hóa cụ thể [1] . Bệnh nhân thường biểu hiện trong thời kỳ sơ sinh trong tình trạng mất bù chuyển hóa cấp tính do nôn mửa và mất nước đáng kể. Sự sụt cân này có liên quan đến các bất thường trong kết quả xét nghiệm (ví dụ, hạ đường huyết, nhiễm axit lactic hoặc tăng đường huyết). Các phát hiện bổ sung có thể bao gồm thờ ơ, hôn mê, co giật và mùi bất thường. Các khuyết tật một phần hoặc nhẹ có thể xuất hiện với diễn biến nhẹ hơn và trong thời kì sau này.
Hầu hết các đợt mất bù chuyển hóa do IEM có liên quan đến một hoặc nhiều rối loạn chuyển hóa sau đây thường là một phần của đánh giá thường quy đối với bệnh nhân có một trong các biểu hiện lâm sàng được đề cập ở trên:

● Rối loạn axit-bazơ (bao gồm cả nhiễm axit lactic)

● Tăng natri huyết

● Hạ đường huyết

● Các đặc điểm giống nhiễm trùng huyết thứ phát sau ức chế tủy xương (ví dụ: bệnh galactosemia)

Một giá trị bất thường trong kết quả cận lâm sàng có thể là phát hiện đầu tiên được ghi nhận cho thấy IEM. Trong một số rối loạn, những bất thường này chỉ xuất hiện trong giai đoạn mất bù chuyển hóa.

CÁC TÌNH TRẠNG PHỔ BIẾN

Nhiễm trùng cấp tính – Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính cơ bản có thể bị sụt cân do giảm khả năng ăn cùng với tăng nhu cầu trao đổi chất. Trẻ sơ sinh thường có biểu hiện lơ mơ hoặc giảm hoạt động, sốt, hạ thân nhiệt hoặc suy hô hấp do nhiều loại bệnh bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm tiểu phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi rút khác, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm phổi.

Rối loạn bú mẹ – Rối loạn bú mẹ có thể bao gồm các vấn đề về giải phẫu, y tế hoặc hành vi, hoặc do quá trình phát triển chưa trưởng thành. Những vấn đề này thường cản trở sự phối hợp của việc bú, nuốt và thở và có thể dẫn đến sụt cân hoặc tăng cân kém ở trẻ nhỏ. Trẻ sinh non, trẻ bị dị dạng giải phẫu của hầu họng hoặc thực quản (ví dụ: khe hở môi và vòm miệng hoặc lỗ rò khí quản-thực quản), suy nhược thần kinh cơ bao gồm ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh, hoặc rối loạn thần kinh mãn tính (ví dụ: bại não hoặc yếu thần kinh cơ) có nguy cơ cao nhất.

Trẻ sinh non và những trẻ cần đặt nội khí quản kéo dài trong thời gian đầu đời có thể tăng ác cảm với những thứ đưa vào miệng. Một số trẻ sơ sinh trở nên cực kỳ nhạy cảm với một số kết cấu nhất định và có thể từ chối ăn. Sự ác cảm này có thể bao gồm từ hơi khó chịu với các thức ăn có kết cấu cho đến hoàn toàn từ chối uống bất cứ thứ gì qua đường miệng. Một nhà tâm lý học, nhà trị liệu ngôn ngữ có kinh nghiệm trong việc điều trị chứng rối loạn ăn uống nên tư vấn ngay khi có vấn đề khi nghi ngờ có ác cảm về miệng. Cần đánh giá kỹ lưỡng để xác định phạm vi các yếu tố liên quan và loại trừ các vấn đề sinh lý không xác định được.

Bệnh nhân bị bệnh thần kinh cơ có thể tăng cân kém hoặc sụt cân cùng với suy nhược toàn thân, giảm trương lực cơ và khó ăn. Các vấn đề về bú và nuốt thường gặp ở trẻ sơ sinh bị rối loạn hệ thần kinh trung ương hoặc thần kinh cơ. Ngoài ra, việc khó duy trì sự thông thoáng đường thở và làm sạch dịch tiết có thể khiến những bệnh nhân này bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, làm tăng nhu cầu chuyển hóa. Những bệnh nhân mắc bệnh nặng thường phải duy trì nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày lâu dài thông qua ống nuôi hoặc bổ sung qua đường tĩnh mạch.

Chứng ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh là một bệnh hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng do vi khuẩn Clostridium botulinum xâm nhập đường ruột. Ngoài việc giảm bú, trẻ sơ sinh còn có biểu hiện suy nhược (trương lực toàn thân giảm dần), khóc yếu và táo bón

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản – Trào ngược dạ dày thực quản phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường không phải là bệnh lý. Trớ có mặt ở 50% – 70% trẻ sơ sinh, đỉnh điểm ở 4 tháng tuổi và thường hết sau một năm. Ngược lại, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi các đợt trào ngược có liên quan đến các triệu chứng hoặc biến chứng. Một số ít trẻ sơ sinh bị GERD phát triển các triệu chứng khác, bao gồm từ chối bú, khó chịu có thể thứ phát do đau trong khi ăn, buồn nôn, thiếu máu, triệu chứng hô hấp và trẻ không phát triển. Giảm lượng thức ăn mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác có thể là triệu chứng của viêm thực quản ở trẻ sơ sinh, có thể gây sụt cân. Ở một số trẻ sơ sinh, cơn đau của viêm thực quản gây ra cong lưng, mở rộng cổ và quay đầu sang một bên liên quan đến nôn mửa hoặc nghẹt thở (hội chứng Sandifer). Thay đổi màu sắc da (xanh xao hoặc tím tái) cũng có thể xảy ra. Những cơn này có thể bị nhầm lẫn với co giật, ngưng thở hoặc rối loạn trương lực cơ. GERD là một chẩn đoán lâm sàng. Ở những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, có thể chỉ định nội soi đường tiêu hóa trên kết hợp sinh thiết thực quản, dạ dày hoặc tá tràng.

Hẹp môn vị – Bệnh nhân bị hẹp môn vị có thể vào phòng cấp cứu với tình trạng mất nước và sụt cân cấp tính do nôn mửa liên tục. Biểu hiện điển hình là trẻ sơ sinh nam đầu lòng từ 3 đến 6 tuần tuổi nôn ói ngay lập tức sau ăn, không buồn nôn, thường xuyên và đòi được bú lại ngay sau đó (một “hungry vomiter”). Nôn trớ có thể ít hơn ở trẻ sinh non và những trẻ có dị tật hệ thần kinh trung ương hoặc sứt môi và vòm miệng. Có thể xảy ra tình trạng mất nước đáng kể với huyết động không ổn định. Đánh giá cận lâm sàng cho thấy tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm Clo do mất một lượng lớn axit Clohydric trong dạ dày. Mức độ nghiêm trọng của những kết quả bất thường này phụ thuộc vào thời gian xuất hiện các triệu chứng. Chẩn đoán được thực hiện bằng cách sờ nắn môn vị phì đại hoặc bằng các phát hiện đặc trưng trên siêu âm hoặc X quang bụng có cản quang.

Xâm hại và bỏ rơi trẻ em – Bỏ mặc trẻ em là hình thức ngược đãi trẻ em phổ biến nhất, chiếm hơn một nửa số trường hợp được báo cáo cho các dịch vụ bảo vệ trẻ em, là không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về thể chất, tình cảm, giáo dục hoặc y tế của một đứa trẻ (theo Trung tâm Quốc gia về Ngược đãi và Bỏ mặc Trẻ em). Các biểu hiện của việc bỏ bê trẻ sơ sinh dẫn đến sụt cân có thể bao gồm trẻ bị đói hoặc mất nước do không được cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống, vệ sinh cơ thể kém, không đáp ứng được nhu cầu y tế của trẻ và bị lạm dụng thể chất. Đa số nhưng không phải tất cả trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cũng sẽ có các dấu hiệu ngược đãi về thể chất bao gồm gãy xương và bầm tím.

Dị ứng đạm sữa – Dị ứng đạm sữa bò (CMA) là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến khoảng 2% tổng số trẻ em dưới 4 tuổi. Các triệu chứng lâm sàng của dị ứng đạm sữa bò thường xuất hiện trong vài tháng đầu đời, thường trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi đưa sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò vào chế độ ăn, mặc dù các triệu chứng cũng có thể xảy ra khi cho con bú hoàn toàn nếu người mẹ ăn sữa bò. Bệnh nhân thường có biểu hiện sụt cân kết hợp với nôn mửa, tiêu chảy, chướng bụng và / hoặc phân có máu mặc dù bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng, sốc phản vệ hoặc bệnh đường tiêu hóa nặng hơn.

 

Chẩn đoán CMA dựa trên tiền sử và xét nghiệm (các xét nghiệm chẩn đoán đối với các biểu hiện CMA không qua trung gian IgE còn hạn chế). Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là thử thách thức ăn qua đường miệng có kiểm soát giả dược, mù đôi có sự giám sát của bác sĩ lâm sàng, mặc dù thử thách mở thường đủ. Đo IgE đặc hiệu trong sữa bò có thể hỗ trợ chẩn đoán CMA qua trung gian IgE và có thể không cần thử thức ăn qua đường miệng

Suy dinh dưỡng và chậm phát triển – Một xã hội có lịch sử nghèo đói và các vấn đề kinh tế là những yếu tố có thể góp phần làm sụt cân do thiếu nguồn lực. Trẻ sơ sinh có thể bị sụt cân hoặc tăng cân kém vì giảm ăn do không thể hấp thụ đủ lượng dinh dưỡng và các tình trạng mãn tính do nghèo thức ăn có sẵn [3].

Suy dinh dưỡng cũng có thể vô tình xảy ra khi cha mẹ thiếu kinh nghiệm pha quá nhiều nước vào sữa bột hoặc sữa công thức đậm đặc [4]. Tương tự như vậy, cha mẹ có thể chọn một chế độ ăn uống cụ thể (ăn chay, thuần chay, v.v.) để phù hợp với mục tiêu của gia đình họ. Mặc dù chế độ ăn hoàn toàn với thức ăn từ thực vật có khả năng phù hợp với tất cả các giai đoạn của cuộc đời, nhưng nó phải được lập kế hoạch tốt để tránh suy dinh dưỡng và thiếu chất ở trẻ đang phát triển.

Chậm tăng trưởng (FTT) là một thuật ngữ mô tả một vấn đề cụ thể, thay vì chẩn đoán. FTT được sử dụng để mô tả các trường hợp không tăng trưởng hoặc cụ thể hơn là không tăng cân một cách thích hợp. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, sự phát triển và chu vi đầu cũng có thể bị ảnh hưởng. Một loạt các vấn đề y tế và các yếu tố gây căng thẳng tâm lý xã hội có thể góp phần gây ra FTT. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa luôn là “dinh dưỡng không đủ dùng”. Tất cả các định nghĩa đều xác định trẻ sơ sinh không phát triển được là có cân nặng thấp so với tuổi hoặc chiều dài hoặc tăng cân không đủ theo thời gian.

Các tình trạng khác – Một loạt các tình trạng ít phổ biến hơn nhưng quan trọng và có thể xuất hiện khi giảm cân như sau:

  • HIV – Biểu hiện lâm sàng của HIV ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất đa dạng và thường không đặc hiệu. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, nổi hạch, nhiễm nấm Candida miệng, không phát triển mạnh và chậm phát triển là những biểu hiện thường thấy của nhiễm HIV. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng tái phát không rõ nguyên nhân dẫn đến giảm cân dần dần và không phát triển được.
  • Suy giảm miễn dịch nguyên phát – Trẻ sơ sinh bị suy giảm miễn dịch nguyên phát thường tăng cân kém hoặc sụt cân. Điều này đặc biệt đúng khi bị loét miệng, nhiễm nấm Candida hoặc tiêu chảy mãn tính. Gần 3/4 các trường hợp suy giảm miễn dịch nguyên phát là do thiếu hụt kháng thể (tế bào B) hoặc kháng thể kết hợp với bất thường tế bào (tế bào T). Các khuyết tật tế bào T biệt lập, cũng như tế bào thực bào, bổ thể, và các khuyết tật miễn dịch bẩm sinh khác, ít phổ biến hơn nhiều. Do đó, bệnh tế bào B (kháng thể) hoặc các bệnh tế bào B và tế bào T kết hợp nên được xem xét ban đầu, trừ khi các đặc điểm lâm sàng gợi ý khác. Nhiễm trùng tái phát bao gồm các phát hiện lâm sàng phổ biến nhất. Loại và kiểu nhiễm trùng tái phát phụ thuộc vào thành phần nào của hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng. Mức độ nhiễm trùng cũng khác nhau, từ nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ đến nhiễm trùng toàn thân.
  • Hấp thu đường ruột – Giảm cân liên quan đến tiêu chảy mạn tính bẩm sinh có thể do rối loạn di truyền làm gián đoạn quá trình tiêu hóa, hấp thụ hoặc vận chuyển chất dinh dưỡng, sự phát triển và chức năng của tế bào ruột, hoặc chức năng nội tiết. Các gen cụ thể đã được xác định đối với một số rối loạn này. Nếu nghi ngờ bị tiêu chảy bẩm sinh, cần đo điện giải, pH, chất béo và các chất khử. Thử nghiệm nhịn ăn để xác định xem tiêu chảy do bài tiết hay thẩm thấu.
  • Bệnh thận – Nhiễm toan ống thận (RTA) có thể biểu hiện dưới dạng tăng trưởng kém ở trẻ sơ sinh. Dạng phổ biến nhất là proximal RTA (RTA ở trẻ sơ sinh qua). Chẩn đoán dựa trên kết quả máu và nước tiểu được mô tả chi tiết riêng.

Tổn thương thận cấp tính (AKI) là một nguyên nhân hiếm gặp gây sụt cân ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần nghi ngờ ở những bệnh nhân có creatinin huyết thanh tăng cao, vô niệu hoặc thiểu niệu. Thiểu niệu được định nghĩa là không có lượng nước tiểu được ghi nhận sau 48 giờ tuổi hoặc lượng nước tiểu giảm (lượng nước tiểu dưới 1,0 mL/kg /giờ). Thời gian bài tiết nước tiểu có thể thay đổi, nhưng ít nhất 50% trẻ sơ sinh bài tiết trước 8 giờ tuổi và gần như tất cả đều bài tiết trước 24 giờ. Tuy nhiên,sự xuất hiện nước tiểu không loại trừ AKI vì một số trẻ sơ sinh bị AKI không thiểu niệu. Chẩn đoán AKI ở trẻ sơ sinh được xác nhận bằng mức creatinine huyết thanh 1,5 mg / dL (133 micromol / L) hoặc tăng ít nhất 0,2 đến 0,3 mg / dL (17 – 27 micromol / L) mỗi ngày.

  • Bệnh gan – Bệnh gan mãn tính có thể liên quan đến giảm cân ở trẻ nhỏ và có liên quan đến vàng da do tăng bilirubin trực tiếp trong máu. Các nguyên nhân bao gồm: Thiểu sản đường mật, rối loạn chuyển hóa (ví dụ: galactosemia), viêm gan truyền nhiễm (ví dụ: nhiễm toxoplasmosis, rubella, cytomegalovirus, herpes và giang mai [nhiễm TORCH]) và viêm gan sơ sinh vô căn.
  • Bệnh phổi mãn tính – Trẻ sơ sinh bị bệnh phổi mãn tính (ví dụ, loạn sản phế quản phổi) có thể tăng tiêu hao năng lượng do gắng sức để thở và các bệnh đường hô hấp bị tái phát. Nhiều bệnh nhân bị khò khè tái phát hoặc dai dẳng, tăng nhịp thở và gắng sức, khó bú và sụt cân.

Bệnh xơ nang (CF) là bệnh bất thường gen lặn trên NST thường gây tử vong cao nhất trong quần thể người da trắng, với tần suất 1 trong 2000 – 3000 trẻ. Các biểu hiện ở trẻ nhỏ bao gồm chậm phân su khi mới sinh, thở khò khè, ho, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát và viêm phổi và / hoặc kém hấp thu đường tiêu hóa kèm theo rối loạn tiêu mỡ, không phát triển. Sàng lọc CF được thực hiện ngay từ khi mới sinh ở hầu hết các nước phát triển. Chẩn đoán xác định với xét nghiệm clorua trong mồ hôi tăng cao. Để có độ chính xác tối ưu, nên kiểm tra mồ hôi khi trẻ được ít nhất hai tuần tuổi và nặng 2 kg.

  • Bệnh ác tính – Ung thư hiếm gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng nhưng có thể biểu hiện với sốt, khối u ở bụng (ví dụ: u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4S hoặc khối u Wilms), xanh xao và dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (ví dụ: bệnh bạch cầu cấp tính)

 

ĐÁNH GIÁ

Mục tiêu của việc đánh giá trẻ sơ sinh bị sụt cân là xác định bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh lý có từ trước, đặc biệt là bệnh bẩm sinh, hoặc các yếu tố tâm lý xã hội tiềm ẩn, chủ yếu là trẻ bị bỏ rơi và những vấn đề liên quan. Ở bệnh nhân ổn định, thể trạng tương đối tốt, khai thác tiền sử và khám sức khỏe cẩn thận, kết hợp với việc sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng một cách thận trọng thường sẽ phát hiện nguyên nhân. Chỉ dựa vào phân tích cận lâm sàng khó có thể phát hiện ra nguyên nhân từ các hệ cơ quan nếu không có bằng chứng gợi ý từ tiền sử hoặc khám sức khỏe.

 

Tiền sử – Bác sĩ lâm sàng nên bắt đầu bằng cách xác định mức độ nghiêm trọng và khoảng thời gian sụt cân:

  • Sụt cân nặng, nhanh chóng – Sụt cân nhanh chóng trong vài ngày ở trẻ nhỏ là dấu hiệu đe dọa tính mạng và cần được đánh giá để điều trị kịp thời. Sụt cân cấp tính thường do thiếu dịch và năng lượng, lượng dịch mất đi tăng lên hoặc nhu cầu trao đổi chất tăng lên liên quan đến một căn bệnh kèm theo.

+ Nôn ra dịch mật

+ Khó thở, thở gấp, hoặc tím tái khi bú

+ Tiền sử có cơ quan sinh dục hướng nam ở trẻ sơ sinh nữ hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh.

+ Mất bù cấp ở thời kỳ sơ sinh với hôn mê, nôn mửa, co giật và / hoặc có mùi bất thường

+ Tiền sử sốt, khó bú, nôn mửa và / hoặc tiêu chảy với lượng nước tiểu giảm cho thấy mất nước. Cần lưu ý, các triệu chứng nghiêm, chẳng hạn như nhiễm trùng cấp tính (ví dụ: viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi), hẹp môn vị hoặc rối loạn ăn uống có thể gây mất nước đáng kể.

  • Giảm cân liên tục, ổn định – Trẻ sơ sinh bị sụt cân kéo dài trong một đến hai tuần mà không mất bù nghiêm trọng, cần hỏi bệnh sử cẩn thận cũng như nghi vấn về tình trạng nôn trớ, tiêu chảy, máu khó đông, phân có mùi tanh. Bác sĩ cũng nên xem xét tiền sử chu sinh, tập trung vào tuổi thai khi sinh, tiếp xúc với nhiễm trùng TORCH (ví dụ: nhiễm toxoplasma, giang mai, rubella, cytomegalovirus, hoặc nhiễm vi rút herpes simplex) và dị tật bẩm sinh khi sinh hoặc phát hiện dị tật qua sàng lọc trước sinh. Nếu bệnh nhân được cho ăn bằng sữa bột hoặc các chế phẩm khác không phù hợp lứa tuổi, bác sĩ lâm sàng nên đánh giá xem bố mẹ có pha đúng công thức hay không.

Các nguyên nhân cụ thể được gợi ý bởi những phát hiện tiền sử sau:

+ Sinh non, loạn sản phế quản phổi, bệnh thần kinh cơ (ví dụ: bại não hoặc yếu liệt), hoặc dị tật giải phẫu ( sứt môi và vòm miệng) gây khó khăn khi bú.

+ Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm bỏ bú, khó chịu với thức ăn, nôn trớ hoặc ưỡn người và quay đầu (hội chứng Sandifer) kết hợp với tình trạng nôn trớ thường xuyên trong khi ăn

+ Nôn mửa sau ăn, không liên tục, thường xuyên xảy ra vào khoảng 4 tuần tuổi và trẻ đòi bú sau khi nôn ở trẻ bị hẹp môn vị.

+ Nghèo đói liên quan đến chất lượng và số lượng sữa mẹ, hoặc cung cấp sữa công thức không đủ

+ Bố mẹ sử dụng ma túy và việc tuân thủ kém các biện pháp chăm sóc y tế được khuyến nghị cho thấy tình trạng lạm dụng và bỏ rơi trẻ em

+ Nôn mửa, tiêu chảy, chướng bụng và / hoặc phân có máu bắt đầu trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sử dụng sữa công thức làm từ sữa bò hoặc ở trẻ bú mẹ mà người mẹ uống sữa bò

+ Thiểu niệu hoặc vô niệu ở trẻ sơ sinh cho thấy tổn thương thận cấp tính

+ Nhiễm trùng thường xuyên, tái phát gợi ý suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)

+ Tiêu chảy mạn tính kể từ khi sinh ra phù hợp với tiêu chảy mạn tính bẩm sinh

Cần điều tra tiền sử ăn kiêng đầy đủ, bao gồm loại lượng ăn vào (sữa mẹ, sữa công thức dựa trên protein hoặc đậu nành, v.v.), số lượng và tần suất

Khám sức khỏe – Những bệnh nhân có dấu hiệu sốc cần được can thiệp kịp thời để điều trị các rối loạn sinh lý, bao gồm hỗ trợ đường thở và thở, tiếp cận mạch nhanh và truyền nhanh dịch đẳng trương, sau đó là kiểm tra toàn diện trẻ

Cân nặng phải được lấy và so sánh với các phép đo trước đó cùng với chiều dài và chu vi vòng đầu. Các phép đo này phải được vẽ trên biểu đồ tăng trưởng thích hợp và so sánh với bất kỳ phép đo nào có sẵn trước đó để đánh giá tỷ lệ hao hụt và thay đổi trọng lượng.

Trẻ sơ sinh đủ tháng bình thường có thể giảm tới 10% trọng lượng sơ sinh trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời nhưng sẽ lấy lại trọng lượng khi sinh sau 14 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh thường tăng gấp đôi trọng lượng sơ sinh của chúng khi được bốn tháng tuổi.

Quan sát trực tiếp việc trẻ bú thường xuyên cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến nguyên nhân giảm cân. Cần lưu ý bất kỳ tình trạng suy hô hấp kèm theo, đổ mồ hôi hoặc sặc khi bú vì chúng có thể liên quan đến nguyên nhân cơ bản của việc tăng cân kém. Ngoài ra, cần lưu ý bất kỳ khó khăn nào khi cho con bú, trẻ ngậm ti, núm vú bị đau hoặc viêm vú.

 

Các quan sát bên ngoài cho thấy nguyên nhân tiềm ẩn bao gồm:

  • Toàn trạng – Trẻ quấy khóc có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng đạm sữa và bệnh tim bẩm sinh. Quấy khóc và ưỡn người khi bú được quan sát có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản với viêm thực quản (hội chứng Sandifer). Vệ sinh kém và vết bầm đáng ngờ cho thấy trẻ bị ngược đãi và bỏ bê.

Hơi thở, nước tiểu mồ hôi, nước bọt, hoặc ráy tai có mùi bất thường nên kiểm tra các bệnh về rối loạn axit hữu cơ, axit amin, bất thường chu trình urê và rối loạn quá trình oxy hóa axit béo. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân có mùi lạ thường không phải do các rối loạn trên hay các bệnh lý tiềm ẩn gây mùi khác

  • Sốt – Sốt có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng cấp tính hoặc hiếm gặp là bệnh ác tính.
  • Sốc còn bù hoặc hạ huyết áp – Nhịp tim nhanh với thời gian đổ đầy mao mạch kéo dài hoặc hạ huyết áp có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh bị tăng sản thượng thận bẩm sinh, mất nước, bệnh tim bẩm sinh mất bù, rối loạn đường ruột với tình trạng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, hoặc các bệnh nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng.
  • Bất thường về tim phổi – Khó thở khi nghỉ ngơi có thể gợi ý bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh cũng được gợi ý bởi vã mồ hôi, tiếng thổi hoặc tiếng ngựa phi , rales hoặc mạch ở chi dưới yếu hơn chi trên
  • Bất thường ở miệng – Khe hở môi và vòm miệng thường dễ dàng phát hiện khi quan sát trực tiếp nhưng đôi khi ở mức độ nhẹ. Trong quá trình cho ăn, có thể thấy rõ sự biếng ăn hoặc bú kém.

Ngoài ra, trẻ bị dính lưỡi có thể dẫn đến giảm cân ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Nếu không thể di chuyển núm vú vào đúng vị trí, trẻ có thể nhai thay vì ngậm núm vú, gây khó chịu và cản trở quá trình tiết sữa mẹ. Và kết quả trẻ bú kém, dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ, trẻ không phát triển được, trong nhiều trường hợp trẻ cần phải được phẫu thuật.

  • Chướng bụng hoặc có khối u ở bụng – Một số nguyên nhân gây giảm cân có thể xuất hiện khi phát hiện ở bụng:

+ Chướng bụng kèm theo đau có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh bị rối loạn chức năng ruột và trung tiện.

Advertisement

+ Hẹp môn vị có thể xuất hiện với một khối có kích thước bằng quả ô liu ở góc phần tư phía trên bên phải, trẻ nôn lập tức ngay sau khi bú.

+ Sờ bàng quang ở trẻ sơ sinh nam ngay sau khi đại tiện có thể do hẹp van niệu đạo sau, và liên quan đến tổn thương thận cấp tính.

+ Các khối bên sườn có thể phát sinh từ một khối u nguyên bào thần kinh hoặc khối u Wilms.

  • Vàng da – Vàng da do tăng bilirubin trực tiếp có thể là vàng da sinh lý và có liên quan đến nhiễm trùng huyết, bệnh gan, bệnh chuyển hóa (ví dụ: bệnh galactosemia) và nhiễm trùng chu sinh (ví dụ: nhiễm toxoplasmosis, rubella, cytomegalovirus, herpes và giang mai [ Nhiễm trùng TORCH]).
  • Các bất thường về hệ sinh dục – Cơ quan sinh dục không rõ ràng ở nữ có liên quan đến tăng sản thượng thận bẩm sinh.
  • Các bất thường về thần kinh – Giảm trương lực cơ kèm theo bú kém, có thể kèm suy nhược thần kinh cơ bẩm sinh hoặc mắc phải, sinh non kèm xuất huyết não thất, nhiễm trùng huyết, suy dinh dưỡng và không phát triển được.

Các cận lâm sàng kèm theo – Cần tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, dựa trên những thông tin đặc hiệu cho bệnh lý từ việc khai thác bệnh sử, thăm khám và các chẩn đoán nghi ngờ.

Các xét nghiệm ban đầu:

  • Công thức máu
  • Điện giải đồ
  • Nitơ urê máu và creatinin huyết thanh
  • Bilirubin huyết thanh toàn phần và trực tiếp
  • Đường huyết test nhanh
  • Khí máu tĩnh mạch hoặc động mạch
  • Amoniac trong máu
  • Lactate huyết thanh
  • Phân tích nước tiểu
  • Cấy máu, nước tiểu, phân, dịch não tủy

Các xét nghiệm bổ sung:

  • Điện tâm đồ và siêu âm tim để xác định các bất thường cấu trúc tim
  • Chụp X quang ngực để đánh giá viêm phổi hoặc loạn sản phế quản phổi
  • Siêu âm bụng hoặc chụp cản quang đường tiêu hóa trên để xác định hẹp môn vị hoặc dị tật ruột
  • Kiểm tra xương ở các nạn nhân bị bỏ rơi trẻ em
  • Xét nghiệm chuyên biệt (xét nghiệm máu và nước tiểu) để xác định các lỗi bẩm sinh về chuyển hóa, tăng sản thượng thận bẩm sinh hoặc tiêu chảy mạn tính bẩm sinh

TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN

Trẻ sơ sinh có biểu hiện ốm yếu cần được hồi sức kịp thời và điều trị tình trạng mất nước, sốc khi cần thiết. Ngoài tình trạng nhiễm trùng cấp tính, những bệnh nhân này cần được đánh giá cẩn thận để phát hiện các bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa ruột do có khối u, tăng sản thượng thận bẩm sinh, rối chuyển hóa bẩm sinh và bệnh ác tính. Ở những bệnh nhân có triệu chứng ban đầu của một số bệnh thường diễn tiến nặng, chẳng hạn như rối loạn chuyển hóa hoặc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, ngoại hình có thể bình thường.

Bỏ đói, ngược đãi và bạo hành trẻ, hẹp môn vị và viêm dạ dày ruột là những tình trạng phổ biến gây mất nước. Ở những bệnh nhân mắc các tình trạng này, tình trạng mất nước có thể trầm trọng và có biểu hiện nặng.

Trong số những trẻ sơ sinh có huyết động ổn định, có thể xác định nguyên nhân sụt cân bằng các phát hiện sau đây:

  • Nôn – Nôn liên tục có liên quan đến hẹp môn vị hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Sốt – Sốt thường liên quan tình trạng nhiễm trùng cấp tính (ví dụ: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột hoặc viêm phổi) hoặc có thể là bệnh ác tính.
  • Phân bất thường – Phân có mùi hôi hoặc phân lỏng thường xuyên có thể do tình trạng kém hấp thu ở ruột do suy dinh dưỡng, xơ nang hoặc hiếm hơn là các hội chứng kém hấp thu bẩm sinh. Phân có máu gợi ý dị ứng đạm sữa hoặc viêm ruột do vi khuẩn. Tiêu chảy có hoặc không kèm theo nôn thường do viêm dạ dày ruột do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra
  • Nhiễm trùng tái phát – Nhiễm trùng tái phát liên quan đến nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người hoặc suy giảm miễn dịch nguyên phát.
  • Vàng da – Vàng da, đặc biệt do tăng bilirubin trực tiếp và kết hợp với tăng men gan cho thấy bệnh gan.
  • Bất thường về nước tiểu – Thiểu niệu hoặc vô niệu kết hợp với tăng creatinin huyết thanh và nitơ urê máu gợi ý bệnh thận.
  • Trẻ không phát triển và suy dinh dưỡng – Pha sữa không đúng cách, cố ý pha loãng sữa do nghèo hoặc bỏ bê trẻ, đều gây ra suy dinh dưỡng không phát triển được. Vệ sinh kém, không được chăm sóc y tế thích hợp, các vết bầm tím hoặc gãy xương đáng ngờ cho thấy trẻ bị ngược đãi và bỏ bê.
  • Rối loạn bú mẹ – Trẻ bú kém có thể do khiếm khuyết về giải phẫu (ví dụ: khe hở môi và vòm miệng hoặc lỗ rò khí quản-thực quản) hoặc trẻ bú kém do biếng ăn hoặc suy nhược thần kinh cơ.

TÓM TẮT VÀ KHUYẾN NGHỊ

  • Sụt cân ở trẻ nhỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khai thác tiền sử kết hợp thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng giúp tìm ra nguyên nhân.
  • Sụt cân nhanh chóng trong vài ngày ở trẻ sơ sinh là dấu hiệu đe dọa tính mạng và cần được đánh giá để điều trị kịp thời. Các đặc điểm tiền sử quan trọng gợi ý các nguyên nhân cụ thể bao gồm:

+ Nôn ra dịch mật

+ Khó thở, thở gấp, hoặc tím tái khi bú

+ Tiền sử có cơ quan sinh dục hướng nam ở trẻ sơ sinh nữ hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh.

+ Mất bù cấp ở thời kỳ sơ sinh với hôn mê, nôn mửa, co giật và / hoặc có mùi bất thường

+ Tiền sử sốt, khó bú, nôn mửa và / hoặc tiêu chảy với lượng nước tiểu giảm cho thấy mất nước. Cần lưu ý, các triệu chứng nghiêm, chẳng hạn như nhiễm trùng cấp tính (ví dụ: viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi), hẹp môn vị hoặc rối loạn ăn uống có thể gây mất nước đáng kể.

  • Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi bị sụt cân kéo dài trong 1-2 tuần sau đó cần phải khai thác kĩ tiền sử cho ăn. Các nguyên nhân cụ thể được gợi ý bởi những đặc điểm sau:

+ Sinh non, loạn sản phế quản phổi, bệnh thần kinh cơ (ví dụ: bại não hoặc yếu liệt), hoặc dị tật giải phẫu ( sứt môi và vòm miệng) gây khó khăn khi bú.

+ Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm bỏ bú, khó chịu với thức ăn, nôn trớ hoặc ưỡn người và quay đầu (hội chứng Sandifer) kết hợp với tình trạng nôn trớ thường xuyên trong khi ăn

+ Nôn mửa sau ăn, không liên tục, thường xuyên xảy ra vào khoảng 4 tuần tuổi và trẻ đòi bú sau khi nôn ở trẻ bị hẹp môn vị.

+ Nghèo đói liên quan đến chất lượng và số lượng sữa mẹ, hoặc cung cấp sữa công thức không đủ

+ Bố mẹ sử dụng ma túy và việc tuân thủ kém các biện pháp chăm sóc y tế được khuyến nghị cho thấy tình trạng lạm dụng và bỏ rơi trẻ em

+ Nôn mửa, tiêu chảy, chướng bụng và / hoặc phân có máu bắt đầu trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sử dụng sữa công thức làm từ sữa bò hoặc ở trẻ bú mẹ mà người mẹ uống sữa bò

+ Thiểu niệu hoặc vô niệu ở trẻ sơ sinh cho thấy tổn thương thận cấp tính

+ Nhiễm trùng thường xuyên, tái phát gợi ý suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)

+ Tiêu chảy mạn tính kể từ khi sinh ra phù hợp với tiêu chảy mạn tính bẩm sinh

  • Cân nặng phải được lấy và so sánh với các phép đo trước đó cùng với chiều dài và chu vi vòng đầu. Các phép đo này phải được vẽ trên biểu đồ tăng trưởng thích hợp và so sánh với bất kỳ phép đo nào có sẵn trước đó để đánh giá tỷ lệ hao hụt và thay đổi trọng lượng.

Trẻ sơ sinh đủ tháng bình thường có thể giảm tới 10% trọng lượng sơ sinh trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời nhưng sẽ lấy lại trọng lượng khi sinh sau 14 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh thường tăng gấp đôi trọng lượng sơ sinh của chúng khi được bốn tháng tuổi.

  • Quan sát trực tiếp trẻ bú thường xuyên sẽ cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến nguyên nhân giảm cân. Cần lưu ý với bất kỳ tình trạng suy hô hấp, đổ mồ hôi hoặc sặc khi bú kèm theo,vì chúng có thể liên quan đến nguyên nhân cơ bản của việc tăng cân kém. Ngoài ra, cần lưu ý bất kỳ khó khăn nào khi cho con bú, trẻ ngậm ti, núm vú bị đau hoặc bị viêm.
  • Cần tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, kết hợp khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các chẩn đoán có khả năng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ficicioglu C, An Haack K. Failure to thrive: when to suspect inborn errors of metabolism. Pediatrics 2009; 124:972.
  2. Kerzner B, Milano K, MacLean WC Jr, et al. A practical approach to classifying and managing feeding difficulties. Pediatrics 2015; 135:344.
  3. Kirkpatrick SI, McIntyre L, Potestio ML. Child hunger and long-term adverse consequences for health. Arch Pediatr Adolesc Med 2010; 164:754.
  4. Schmitt BD, Mauro RD. Nonorganic failure to thrive: an outpatient approach. Child Abuse Negl 1989; 13:235.
  5. Committee on Nutrition American Academy of Pediatrics. Malnutrition/Undernutrition/Failure to thrive. In: Pediatric Nutrition, 8th edition, Kleinman RE, Greer FR (Eds), American Academy of Pediatrics, Itasca, IL 2020. p.781.

Nguồn: https://www.uptodate.com/contents/evaluation-of-weight-loss-in-infants-six-months-of-age-and-younger

Bài viết được biên tập và dịch thuật bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!

Người dịch: Phương Thảo

Giới thiệu phuongthao12

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …