[Y khoa cơ bản] Bài 16: Hệ tiêu hóa

Rate this post

I- MỤC TIÊU.

  • Miêu tả chức năng chung của hệ thống tiêu hóa, tên các cơ quan chính
  • Giải thích sự khác nhau giữa tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học, cho biết tên của các sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa
  • Miêu tả cấu trúc và chức năng của răng và lưỡi
  • Nêu chức năng của nước bọt
  • Miêu tả vị trí và chức năng của hầu và thực quản
  • Miêu tả cấu trúc và chức năng của 4 lớp của đường tiêu hóa
  • Miêu tả vị trí, cấu trúc và chức năng của dạ dày, ruột non, gan, túi mật và tụy
  • Miêu tả sự hấp thu ở ruột non
  • Miêu tả vị trí và chức năng của đại tràng
  • Giải thích chức năng của hệ vi khuẩn thường trú trong đại tràng
  • Miêu tả chức năng của gan

II- NỘI DUNG.

  1. THUẬT NGỮ.

– Alimentary tube (AL-i-MEN-tah-ree TOOB)

– Chemical digestion (KEM-i-kuhl dye-JES-chun)

– Common bile duct (KOM-mon BYL DUKT)

– Defecation reflex (DEF-e-KAYshun)

– Duodenum (dew-AH-den-um or DEW-oh-DEE-num)

– Emulsify (e-MULL-si-fye)

– Enamel (e-NAM-uhl)

– Essential amino acids (e-SEN-shul ah-ME-noh ASS-ids)

– External anal sphincter (eks-TERnuhl AY-nuhl SFINK-ter)

– Ileocecal valve (ILL-ee-oh-SEE-kuhl VALV)

– Internal anal sphincter (in-TER-nuhl AY-nuhl SFINK-ter)

– Lower esophageal sphincter (e-SOF-uh-JEE-uhl SFINK-ter)

– Mechanical digestion (muh-KAN-ikuhl dye-JES-chun)

– Non-essential amino acids (NON-eSEN-shul ah-ME-noh ASS-ids)

– Normal flora (NOR-muhl FLOOR-ah)

– Periodontal membrane (PER-ee-ohDON-tal)

– Pyloric sphincter (pye-LOR-ik SFINK-ter)

– Rugae (ROO-gay)

– Villi (VILL-eye)

– Appendicitis (uh-PEN-di-SIGH-tis)

– Dental caries (DEN-tuhl KAIR-eez)

– Diverticulitis (DYE-ver-TIK-yooLYE-tis)

– Gastric ulcer (GAS-trik UL-ser)

– Hepatitis (HEP-uh-TIGH-tis)

– Lactose intolerance (LAK-tohs in-TAHL-er-ense)

– Lithotripsy (LITH-oh-TRIP-see)

– Paralytic ileus (PAR-uh-LIT-ik ILL-ee-us)

– Peritonitis (per-i-toh-NIGH-tis)

– Pyloric stenosis (pye-LOR-ik ste-NOH-sis)

  1. NỘI DUNG.

Bữa sáng ăn vội vàng khi bạn muộn học hay muộn làm, bữa ăn tối mừng Lễ Tạ Ơn hay ăn kiêng để giảm 5 pounds… tất cả có điểm chung là gì? Đều là đồ ăn. Chúng ta có thể ăn như thế đấy là việc hiển nhiên, để ăn mừng hay là mong ta đã không ăn quá nhiều. Dù đồ ăn không cần ngay như ta cần không khí nhưng đó cũng là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Thức ăn cung cấp các nguyên liệu thô hay các chất dinh dưỡng mà tế bào tái sử dụng và tạo các mô mới được lấy từ thức ăn qua quá trình hô hấp tế bào. Trên thực tế, sự cung cấp chất dinh dưỡng từ thức ăn hằng ngày để cho cơ thể dự trữ và dùng lúc khác. Phần “5 pounds thừa này” được cơ thể dự trữ dưới dạng chất béo ở các mô mỡ. Tuy nhiên, thức ăn mà chúng ta ăn không phải là dạng mà tế bào có thể sử dụng được. Ví dụ, một cái bánh sandwich gà tây bao gồm phức hợp protein, chất béo và carbohydrate. Chức năng của hệ tiêu hóa đó là biến chúng thành các phân tử hữu cơ hay vô cơ đơn giản để hấp thu vào máu hoặc bạch huyết và vận chuyển đến các tế bào. Ở chương này, ta sẽ cùng thảo luận về các cơ quan tiêu hóa và sự góp phần của chúng vào sự tiêu hóa và hấp thu.

Phân chia hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa được chia làm 2 phần là ống tiêu hóa và cơ quan hỗ trợ tiêu hóa. Ống tiêu hóa kéo dài từ miệng đến hậu môn. Nó bao gồm khoang miệng, hầu, thực quản, dạ dày, tiểu tràng, đại tràng. Sự tiêu hóa diễn ra ở khoang miệng, dạ dày và tiểu tràng, hầu hết sự hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra ở tiểu tràng. Những phần không tiêu hóa được như cellulose được thải ở đại tràng.

Các cơ quan hỗ trợ tiêu hóa là răng, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, túi mật và tụy. Các cơ quan này không tiêu hóa thức ăn nhưng góp phần khác nhau trong việc tiêu hóa.

Các loại tiêu hóa

Thức ăn mà ta ăn được cắt nhỏ nhờ 2 quá trình bổ sung cho nhau đó là tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học. Tiêu hóa cơ học là quá trình biến thức ăn thành những phần nhỏ hơn, ví dụ như nhai. Khi thức ăn nhỏ hơn thì càng nhiều diện tích bề mặt của nó tiếp xúc với enzyme tiêu hóa (các enzyme được thảo luận ở chương 2). Các enzyme tham gia quá trình tiêu hóa hóa học giúp phân cắt các phân tử hóa học phức tạp thành các dạng đơn giản hơn mà cơ thể có thể sử dụng được. Các enzyme này đặc hiệu với phân tử chất béo, protein hay carbohydrate. Ví dụ enzyme tiêu hóa protein chỉ tác động tới protein mà không tác động đến carbohydrate hay chất béo. Mỗi enzyme được sản xuất bởi 1 cơ quan tiêu hóa cụ thể và thể hiện tác động ở 1 vị trí nhất định. Tuy nhiên nơi sản xuất và nơi tác động của enzyme có thể không là một. Các enzyme và tác động của chúng sẽ được bàn ở phần sau.

Sản phẩm cuối của quá trình tiêu hóa

Trước khi đi vào mô tả các cơ quan tiêu hóa, hãy cùng xem quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra như thế nào. Trong thức ăn có 3 loại phân tử hữu cơ phức tạp đó là carbohydrate, protein và chất béo. Mỗi phân tử phức tạp này sẽ được tiêu hóa để tạo thành các chất đơn giản hơn mà cơ thể tiêu thụ được. Carbohydrate, ví dụ như tinh bột và disaccharide được chuyển thành glucose, fructose và galactose. Protein được chuyển thành các amino acid, chất béo thì chuyển thành acid béo và glycerol. Ngoài ra, sản phẩm tiêu hóa còn có vitamin, khoáng chất và nước.

Bây giờ ta sẽ chuyển sang ống tiêu hóa, cơ quan tiêu hóa và quá trình tiêu hóa.

KHOANG MIỆNG

Thức ăn vào theo đường miệng. Khoang miệng được giới hạn phía trên là khẩu cái cứng và khẩu cái mềm, 2 bên là má, dưới là sàn miệng. Trong khoang miệng có răng, lưỡi và lỗ đổ của các tuyến nước bọt.

RĂNG

Tất nhiên chức năng của răng là nhai. Đây là 1 quá trình cơ học biến thức ăn thành những phần nhỏ hơn và nhào trộn với nước bọt. Mỗi người có 2 bộ răng: răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa bắt đầu nhú ra khỏi lợi vào khoảng 6 tháng tuổi, đến 2 tuổi sẽ mọc xong và có 20 chiếc. Những chiếc răng này sẽ dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn, chiếc đầu tiên thường được thay khi khoảng 6 tuổi. 1 bộ răng vĩnh viễn hoàn chỉnh có 32 chiếc, gồm răng cửa, răng nanh, răng hàm bé, răng hàm lớn. Răng khôn là răng hàm lớn thứ 3 ở mỗi bên của xương hàm. Ở một số người, răng khôn không mọc ra từ xương hàm do chúng không còn chỗ ở lợi. Những răng khôn như vậy là bị mọc lệch và có thể chèn ép vào rễ của răng hàm lớn số 2. Những trường hợp như vậy, cần nhổ răng khôn đi để không ảnh hưởng đến các răng khác.

Cấu trúc của răng được thể hiện trong hình 16-2. Thân răng nhô lên khỏi lợi và thấy được. Chân răng nằm trong lỗ chân răng ở cung răng dưới. Màng nha chu bao quanh lỗ chân răng và sinh lớp cement bọc lấy răng.

Lớp ngoài cùng của thân răng được gọi là men răng, do các nguyên bào tạo men tạo nên. Men răng giúp răng có 1 bề mặt cứng để nhai, là phần khó phá hủy nhất so với các phần khác của răng. Bên trong lớp men răng là ngà răng, rất giống với xương, được tạo nên bởi tế bào nguyên bào tạo ngà. Ngà răng cũng góp phần tạo nên chân răng. Phần trong cùng của răng là tủy răng, bao gồm các mạch máu và tận cùng thần kinh của dây tam thoa (dây sọ số 5).

Như ta đã biết, khoang miệng là 1 trong những nơi cư ngụ của các vi khuẩn trong cơ thể. Bình thường trong khoang miệng bao gồm nấm men, động vật nguyên sinh cũng như vi khuẩn, thông thường đây là những vi khuẩn tốt ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các yếu tố gây bệnh. Nhiễm nấm men thường xuất hiện ở những người suy giảm miễn dịch (như HIV-AIDS) hay những người dùng kháng sinh. Tuy nhiên 1 số vi khuẩn thông thường có thể gây bất lợi khi chúng chuyển hóa đường trong thực phẩm như thức ăn của chúng. Các sản phẩm của quá trình này làm phá hủy lớp men răng và ngà răng dẫn tới sâu răng. Nếu không chữa, các vi khuẩn có thể đi vào trong tủy gây đau răng, có thể làm chết cái răng đó và nhiễm trùng lỗ chân răng.

LƯỠI

Lưỡi cấu tạo từ cơ vân được dây sọ 12 (dây hạ thiệt) chi phối vận động. Mặt trên của lưỡi có các nhú lưỡi gồm các nhú vị giác (xem chương 9). Dây thần kinh chi phối vị giác là dây 7 (dây mặt) và dây 9 (dây thiệt hầu). Ta đã biết bên cạnh chức năng vị giác vô cùng quan trọng bởi nó giúp ta thưởng thức món ăn thì lưỡi cũng còn các chức năng khác.

Khi ta nhai, lưỡi giữ thức ăn nằm giữa 2 hàm trăng và nhào trộn nó với nước bọt. Những hoạt động này của lưỡi thuộc về phản xạ, nếu không như vậy ta cần phải thật chú ý để nhai không thì sẽ tự cắn vào lưỡi nhiều lần. Sự nâng lưỡi lên là bước đầu tiên để nuốt. Đây là 1 hành vi chủ động, lưỡi co lên và gặp vòm miệng cứng, vì vậy thức ăn được đẩy xuống hầu. Phần còn lại của nuốt là phản xạ mà ta sẽ mô tả trong phần về hầu.

TUYẾN NƯỚC BỌT

Sự bài tiết dịch tiêu hóa trong khoang miệng gọi là nước bọt, được sản xuất từ 3 cặp tuyến nước bọt (hình 16-3). Tuyến nước bọt mang tai nằm phía trước dưới tai. Tuyến nước bọt dưới hàm nằm sau góc hàm, tuyến nước bọt dưới lưỡi nằm dưới sàn miệng. Mỗi tuyến có ít nhất 1 ống để tiết nước bọt vào khoang miệng. Sự tiết nước bọt diễn ra liên tục nhưng số lượng khác nhau tùy trường hợp. Nếu có thức ăn hay bất cứ thứ gì trong miệng sẽ làm tăng tiết nước bọt. Đây là đáp ứng của hệ phó giao cảm dẫn truyền theo dây mặt và dây thiệt hầu. Mùi của đồ ăn cũng làm tăng tiết nước bọt. Kích thích giao cảm trong trạng thái stress làm giảm tiết khiến miệng khô và khó nuốt. Nếu ai đã từng đột ngột sợ hãi (dù là bởi 1 bộ phim kinh dị) hay cảm giác lo lắng kéo dài thì hẳn sẽ biết cảm giác khô miệng này là thế nào. Nước bọt chủ yếu là nước, làm hòa tan thức ăn để có thể cảm nhận được và làm ẩm thức ăn giúp nuốt được. Enzyme lysozyme trong nước bọt giống như thành phần có trong nước mắt và có cùng chức năng: ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Enzyme này không giết chết vi khuẩn ngay như HCl trong dịch vị mà làm chậm lại sự sinh sôi của chúng. Enzyme tiêu hóa trong nước bọt là amylase, phân cắt tinh bột thành các chuỗi phân tử glucose ngắn hơn hay thành maltose – 1 disaccharide. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không nhai thức ăn đủ lâu để cho amylase nước bọt thực sự phát huy tác dụng. Ta sẽ thấy, amylase từ tụy sẽ dùng để tiêu hóa tinh bột. Bảng 16-1 tổng kết chức năng tiết dịch tiêu hóa. Nước bọt được tạo ra từ huyết tương, do đó nó bao gồm nhiều chất hóa học có trong huyết tương. Một nghiên cứu quan trọng đã tập trung vào việc phát triển các marker hóa học trong nước bọt trong các bệnh như ung thư nhằm mục đích sử dụng nước bọt thay vì máu trong các xét nghiệm chẩn đoán.

HẦU

Như đã mô tả ở phần trước, hầu miệng và hầu thanh quản bên cạnh việc là đường dẫn khí vào thanh quản còn là đường dẫn thức ăn nối từ khoang miệng tới thực quản. Không 1 sự tiêu hóa nào diễn ra ở vùng hầu. Nó chỉ liên quan đến chức năng nuốt – vận chuyển cơ học thức ăn. Khi lưỡi đẩy viên nuốt ra sau, cơ của hầu co thắt như 1 phần của phản xạ nuốt. Trung tâm phản xạ nằm ở hành não, nó diễn tiến gồm: co hầu, ngưng thở, nâng lưỡi gà đóng đường lên mũi, nâng thanh quản và đóng nắp thanh môn và nhu động của hầu. Như ta đã thấy phản xạ nuốt khá phức tạp nhưng do đây là 1 phản xạ nên ta không cần phải suy nghĩ để làm sao nuốt cho đúng. Tuy nhiên nếu vừa ăn vừa cười nó có thể ngăn cản phản xạ khiến thức ăn đi lạc vào thanh quản. Khi đó thường ta sẽ có phản xạ ho để làm thông đường thở.

THỰC QUẢN

Thực quản có dạng ống chuyển thức ăn từ hầu đến dạ dày; ở đây không xảy ra quá trình tiêu hóa. Nhu động của thực quản đảm bảo thức ăn đi 1 chiều xuống dạ dày dù khi cơ thể nằm hay lộn ngược. Ở vị trí thực quản nối dạ dày có cơ thắt tâm vị, bản chất là cơ trơn xếp vòng. Khi cơ thắt tâm vị giản cho thức ăn đi xuống dạ dày, khi cơ co làm ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên. Nếu cơ thắt tâm vị không đóng hoàn toàn, dịch vị có thể trào ngược lên thực quản gây cảm giác khó chịu gọi là ợ chua, gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Hầu hết ai cũng từng ợ chua ít nhất 1 lần, nó chỉ gây khó chịu nhưng nếu trở thành mạn tính sẽ là nghiêm trọng. Niêm mạc thực quản sẽ bị tổn thương bởi acid dịch vị dẫn tới chảy máu hay thậm chí là rách thực quản. Hiện đã có thuốc điều trị bệnh này.

CÁC LỚP CỦA ỐNG TIÊU HÓA

Trước khi bàn về cụ thể từng cơ quan, ta sẽ xem cấu trúc điển hình của ống tiêu hóa. Trên mặt cắt dọc ta thấy 4 lớp: niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ và thanh mạc. Mỗi lớp có cấu trúc đặc trưng và góp phần vào chức năng của cơ quan.

Niêm mạc

Niêm mạc đường tiêu hóa cấu tạo từ các tế bào biểu mô, mô liên kết và 2 lớp cơ mỏng. Ở thực quản, tế bào biểu mô dạng lát tầng, còn ở dạ dày và ruột là biểu mô trụ đơn. Tế bào biểu mô tiết chất nhầy giúp thức ăn được lưu thông dễ dàng, đồng thời cũng tiết enzyme tiêu hóa thức ăn cho dạ dày và ruột non. Ngay phía dưới lớp tế bào này, trong lớp mô liên kết có các nang lympho chứa các tế bào lympho làm nhiệm vụ sản xuất kháng thể và đại thực bào làm nhiệm vụ thực bào vi khuẩn hoặc chất lạ xâm nhập qua lớp biểu mô. Các lớp cơ trơn mỏng tạo nếp gấp vào trong niêm mạc và các nếp nhăn trong lòng ruột, nhờ vậy mà mọi tế bào biểu mô đều liên kết được với phần còn lại của cơ quan ấy. Đây là một yếu tố quan trọng giúp hấp thu ở dạ dày và ruột non.

Dưới niêm mạc

Lớp dưới niêm mạc được cấu tạo từ các mô liên kết, ở đây có nhiều mạch máu và các nang lympho. Ngoài ra còn có hàng triệu sợi thần kinh là thành phần của hệ thần kinh ruột hay chính là bộ não của ruột, nó kéo dài khắp theo chiều dài ống tiêu hóa.

Hệ thần kinh ruột hoạt động không chịu ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương nhưng bị tác động bởi hệ thần kinh thực vật. Mạng thần kinh ở lớp dưới niêm mạc được gọi là đám rối Meissner hay đám rối dưới niêm mạc, nó phân bố thần kinh đến lớp niêm mạc để điều hòa việc bài tiết các dịch. Hệ phó giao cảm làm tăng tiết dịch trong khi hệ giao cảm làm giảm tiết dịch. Ngoài ra lớp cơ trơn còn có các neutron cảm giác  (sự căng giản quá mức của ruột gây đau) cũng như các neutron tự động đi tới các mạch máu giúp điều hòa đường kính mạch cũng như dòng chảy của máu trong lòng mạch.

Lớp cơ

Lớp cơ gồm 2 lớp cơ trơn: cơ vòng ở trong và cơ dọc ở ngoài. Tuy nhiên tùy từng cơ quan mà có các điểm khác nhau riêng. Ở thực quản, 1/3 trên là cơ vân sau dần chuyển thành cơ trơn ở phần dưới. Dạ dày lại có 3 lớp cơ trơn. Sự co cơ giúp thức ăn nhỏ hơn và được nhào trộn với dịch tiêu hóa. Nhu động ruột giúp đưa thức ăn tới hậu môn. Đám rối Auerbach là một phần của hệ thần kinh ruột, một vài neuron của chúng cũng nhận tín hiệu từ hệ tự động. Hệ giao cảm làm giảm nhu động ruột và sự co bóp trong khi hệ phó giao cảm lại làm tăng co bóp và nhu động, thúc đẩy sự tiêu hóa diễn ra bình thường. Hệ phó giao cảm thuộc dây lang thang (dây sọ 10) và thực sự nó mang chính xác nét nghĩa của chữ “lang thang”.

Thanh mạc

Phía trên cơ hoành, như ở thực quản, lớp ngoài cùng là mô xơ liên kết. Phía dưới cơ hoành là mạc treo hay phúc mạc tạng, 1 lớp thanh mạc. Bám dọc theo khoang bụng là phúc mạc thành. Thực chất phúc mạc – mạc treo là 1 màng liên tiếp nhau. Thanh dịch nằm giữa 2 lá của phúc mạc và mạc treo giúp chúng không bị cọ sát vào nhau khi ống tiêu hóa co bóp và các cơ quan trượt lên nhau.

Phần mô tả trên đây là điển hình cho ống tiêu hóa. Tuy nhiên có nhiều trường hợp có thể xảy ra và bất kì sự khác nhau quan trọng nào cũng sẽ được đề cập trong từng cơ quan cụ thể.

DẠ DÀY

Dạ dày nằm ở ¼ trên bên trái ổ bụng, phía bên trái so với gan và phía trước lách. Tuy là 1 phần của ống tiêu hóa nhưng dạ dày không có dạng ống, mà nó có hình dáng giống cái tù và và nối thực quản và ruột non. Vì có hình dáng như vậy nên dạ dày là nơi để chứa thức ăn nhờ đó mà quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra một cách từ từ và ta không cần phải ăn liên tục. Ở dạ dày diễn ra cả sự tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.

Các phần của dạ dày được trình bày trong hình 16-5. Tâm vị thông dạ dày với thực quản, đáy vị nằm cao hơn khuyết tâm vị. Thân vị là phần có tỉ lệ lớn nhất, có bờ cong lớn và bờ cong nhỏ. Lỗ môn vị nối giữa dạ dày với tá tràng, xung quanh vị trí này có cơ thắt môn vị. Đáy vị và thân vị là nơi chứa phần lớn thức ăn trong khi môn vị lại chủ yếu diễn ra quá trình tiêu hóa.

Khi dạ dày rỗng, niêm mạc gập lại thành các nếp. Khi dạ dày chứa đầy thức ăn và giãn ra thì các nếp này không còn nữa và cho phép dạ dày căng giãn. Các tuyến dạ dày gồm nhiều loại tế bào khác nhau và tiết ra dịch vị. Tế bào tiết nhầy tiết ra chất nhầy phủ lên bề mặt niêm mạc giúp chúng không bị phá hủy bởi dịch vị. Tế bào chính tiết pepsinogen, dạng chưa hoạt động của pepsin. Tế bào thành tiết HCl, các tế bào này có enzyme gọi là bơm proton, chúng tiết ion H+ vào lòng dạ dày. Ion H+ liên kết với ion Cl- sinh ra từ tế bào thành tạo thành HCl đi vào lòng dạ dày. HCl giúp chuyển pepsinogen thành pepsin nhằm tiêu hóa protein thành các chuỗi polypeptid và duy trì pH dịch vị từ 1-2. Chính pH acid này giúp pepsin thực hiện được chức năng và diệt hầu hết các vi sinh vật đi vào dạ dày. Tế bào thành còn tiết yếu tố nội tại – IF cần thiết cho việc ngăn ngừa tiêu hóa vitamin B12 và thúc đẩy hấp thu chất này ở ruột non. Tế bào G tiết hormone gastrin.

Khi ta nhìn thấy thức ăn thì 1 lượng nhỏ dịch vị được bài tiết. Khi thức ăn đi vào dạ dày gây đáp ứng của hệ phó giao cảm làm tiết dịch vị. Thức ăn vào lòng dạ dày làm tế bào G tiết gastrin, hormone này kích thích tiết nhiều dịch vị hơn. Đây là ví dụ nơi sản xuất và cơ quan đích của hormone ở cùng 1 nơi nhưng nó khác nhau về loại tế bào.

Lớp cơ dạ dày bao gồm 3 lớp cơ trơn: cơ dọc, cơ vòng, cơ chéo. 3 lớp cơ này có tận cùng thần kinh đám rối ruột của hệ thần kinh ruột. Kích thích đi tới theo dây lang thang và tác động mạnh tới quá trình tiêu hóa cơ học để chuyển thức ăn thành dạng dưỡng trấp. Mô vị đóng lại khi dạ dày nhào trộn thức ăn và thỉnh thoảng lại mở ra cho 1 lượng nhỏ thức ăn xuống tá tràng. Sau đó môn vị đóng lại không cho thức ăn từ ruột về dạ dày.

RUỘT NON

Ruột nom có đường kính khoảng 2.5cm và dài khoảng 6m đi từ dạ dày đến đại tràng. Trong ổ bụng, đại tràng đi vòng quanh các cuộn của ruột non.

Tá tràng là phần 25 cm đầu tiên của ruột non. Ống mật chủ đổ vào tá tràng ở bóng Vater cùng với ống tụy phụ cũng đổ vào đây. Hỗng tràng dài 8 feet, còn hồi tràng dài 11 feet. Ở người sống, ruột non thường co lại vì vậy chiều dài thường ngắn hơn. Sự tiêu hóa diễn ra hoàn toàn ở ruột non, và sản phẩm cuối cùng được hấp thu vào máu và bạch huyết. Niêm mạc gồm các tế bào biểu mô trụ đơn với các vi nhung mao và các tế bào đài tiết nhầy. Các tế bào tiết hormone vào lòng ruột.  Các nang lympho nằm ở lớp niêm mạc gọi là mảng Payer, có nhiều ở hồi tràng giúp diệt các mầm bệnh. Lớp cơ gồm cơ dọc và cơ vòng giúp nhào trộn dưỡng trấp với dịch tiêu hóa và đẩy chúng tới đại tràng. Các kích thích đi tới thần kinh của lớp cơ theo dây lang thang. Tuy nhiên các sóng nhu động ruột có thể có mà không cần tới kích thích của hệ thần kinh trung ương; hệ thần kinh ruột có thể tự đảm nhiệm chức năng này và nhu động diễn ra bình thường.

Dịch tiêu hóa trong ruột non có nguồn gốc từ 3 nơi: gan, tụy và của chính ruột non. Ta sẽ tiếp tục nói về ruột non sau khi nói về các cơ quan khác.

GAN

Gan gồm 2 thùy lớn, thùy phải và thùy trái, nằm phía trên bên phải và ở giữa ổ bụng, ngay dưới cơ hoành. Đơn vị cấu trúc của gan là các tiểu thùy gan, gồm 1 chuỗi các tế bào hình lục giác. Giữa các tiểu thùy gan liền kề có các nhánh của động mạch gan và tĩnh mạch cửa. Các mao mạch của tiểu thùy có dạng xoang, rộng và thấm dễ dàng giữa các hàng tế bào. Các xoang nhận máu từ cả động mạch gan và tĩnh mạch cửa, tức là máu hỗn hợp để các tế bào gan thực hiện chức năng của nó. Động mạch gan mang máu giàu oxy còn tĩnh mạch cửa mang máu từ các cơ quan có chức năng tiêu hóa và lách tới. Mỗi tiểu thùy lại có 1 tĩnh mạch trung tâm tiểu thùy. Các tĩnh mạch trung tâm tiểu thùy đem máu tới tĩnh mạch gan và đổ về tĩnh mạch chủ dưới.

Các tế bào gan có nhiều chức năng nhưng tiêu hóa của nó là nhờ mật. Mật đi vào trong vi quản mật của các tế bào gan sau đó tập hợp lại thành ống lớn hơn và cuối cùng thành ống gan chung đưa mật ra khỏi gan. Ống gan chung hợp với ống túi mật tạo ống mật chủ để đưa mật vào tá tràng.

Mật chủ yếu là nước và được tiết ra để đem bilirubin và cholesteron tới ruột để thải ra ngoài theo phân. Chức năng này là nhờ muối mật, chúng nhũ tương hóa chất béo ở ruột non. Nhũ tương hóa tức là làm các giọt mỡ lớn trở nên nhỏ hơn. Đây là quá trình tiêu hóa cơ học, không phải tiêu hóa hóa học do chất béo vẫn là nó nhưng tăng diện tích tiếp xúc nhằm tạo điều kiện cho tiêu hóa hóa học.

TÚI MẬT

Túi mật là một túi dài khoảng 7.5-10cm nằm ở mặt dưới thùy phải gan. Mật từ ống gan theo ống túi mật để vào túi mật dự trữ cho đến khi cần được sử dụng ở ruột non. Túi mật cũng cô đặc mật bằng cách hấp thu nước.

Khi thức ăn nhiều chất béo đi vào tá tràng, các tế bào enteroendocrine của niêm mạc tá tràng tiết hormone cholecystokin. Hormone này kích thích sự co bóp cơ trơn thành túi mật đưa mật vào ống túi mật sau đó là ống mật chủ để vào tá tràng.

TỤY

Tụy nằm ở ¼ trên bên trái ổ bụng, giữa phần cong của tá tràng với lách, dài khoảng 15cm. Chức năng nội tiết của tụy được đề cập ở chương 10 nên ta chỉ bàn về chức năng ngoại tiết. Các tuyến ngoại tiết của tụy được gôi là acini. Chúng tiết enzyme giúp tiêu hóa cả 3 loại phân tử thức ăn.

Enzyme amylase của tụy chuyển tinh bột thành maltose. Có thể coi enzyme này giống hệt amylase nước bọt dù amylase tụy đảm nhiệm hầu hết nhiệm vụ tiêu hóa tinh bột. Lipase chuyển chất béo đã được nhũ tương hóa thành acid béo và glycerol. Qúa trình nhũ tương hóa chất béo hay thực chất là sự phân cắt thành các giọt mỡ nhỏ hơn bằng muối mật giúp tăng diện tích bề mặt của chất béo giúp cho lipase làm việc hiệu quả hơn. Trypsinogen là dạng enzyme chưa hoạt động và được chuyển thành dạng trypsin hoạt động ở tá tràng. Trypsin phân cắt chuỗi polypeptide thành các chuỗi amino acid ngắn hơn.

Các enzyme dịch tụy được đưa vào các ống nhỏ sau tới các ống lớn hơn cuối cùng thành ống tụy chính. Ngoài ra còn có ống tụy phụ. Ống tụy chính đi dọc chiều dài tụy và cùng với ống mật chủ đổ vào tá tràng.

Tụy còn tiết bicatbonate (gồm cả natri carbonate) tạo môi trường kiềm. Do dịch vị khi vào tá tràng có tính acid mạnh nên cần phải được trung hòa để không làm tổn thương niêm mạc tá tràng. Sự trung hòa này nhờ natri bicarbonate trong dịch tụy và pH ở tá tràng tăng lên tới 7.5.

Sự bài tiết dịch tụy bởi kích thích bởi hormone secretin và cholecystokin được sinh ra do tế bào niêm mạc tá tràng khi dưỡng trấp vào ruột non. Secretin kích thích tụy sinh bicarbonate còn cholecytokin kích thích tụy sinh enzyme tụy.

TIÊU HÓA HOÀN TOÀN THỨC ĂN VÀ HẤP THU

Ruột non

Sự bài tiết của tế bào biểu mô tuyến Lieberkun được kích thích bởi sự xuất hiện của thức ăn trong tá tràng. Các enzyme của ruột bao gồm peptidase, sucrase, maltase, lactase. Peptidase giúp tiêu hóa hoàn toàn protein bằng cách phân nhỏ các chuỗi polypeptide ngắn thành các amino acid. Sucrase, maltase và lactase tương ứng tiêu hóa các disaccharide là sucrose, maltose, lactose thành monosaccharide.

Các tế bào enteroendocrine của tuyến tiết hormone của ruột non. Sự bài tiết này được kích thích bởi thức ăn vào tá tràng.

Hấp thu

Hầu hết việc hấp thu các sản phẩm cuối cùng đều diễn ra ở ruột non (dạ dày hấp thu nước và rượu). Qúa trình hấp thu này cần có 1 diện tích bề mặt lớn. Các nếp niêm mạc và dưới niêm mạc mà ta thấy được bằng mắt thường trông như nếp của đàn accordion. Trên niêm mạc có các nhung mao khiến lòng ruột trông mịn như nhung. Mỗi tế bào đài (trừ tế bào tiết nhầy) của nhung mao lại có các vi nhung mao trên bề mặt của nó.

Các vi nhung mao là các nếp gấp vi thể của màng tế bào và được gọi là bờ bàn chải. Tất cả các loại nếp gấp này làm tăng diện tích tiếp xúc bề mặt của niêm mạc ruột rất nhiều lần. Người ta ước tính rằng nếu trải phẳng niêm mạc ra thì nó khoảng 2000 feet vuông (khoảng ½ sân bóng rổ).

Chất dinh dưỡng được hấp thu từ lòng ruột vào các mạch máu của nhung mao. Ta thấy trong mỗi nhung mao lại có 1 mạng mao mạch máu và mao mạch bạch huyết. Các chất tan trong nước được hấp thu vào máu ở mạng mao mạch máu. Monosaccharide, amino acid, ion dương và vitamin tan trong nước (vitamin C và vitamin nhóm B) được vận chuyển tích cực. Ion âm có thể được vận chuyển thụ động hoặc theo cơ chế tích cực. Nước hấp thu bằng cách thẩm thấu khi hấp thu các chất khoáng, đặc biệt là natri. Hầu hết các chất dinh dưỡng cần những điều kiện riêng để có thể hấp thu được: vitamin B12 cần yếu tố nội tại của tế bào thành ở niêm mạc dạ dày bài tiết, hiệu quả hấp thu ion calci lại phụ thuộc vào hormone tuyến cận giáp và vitamin D.

Chất dinh dưỡng tan trong dầu được hấp thu vào hệ bạch huyết nhờ các mao mạch bạch huyết của nhung mao. Hấp thu hiệu quả các acid béo và vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Khi hấp thu, acid béo gắn với glycerol tạo thành triglyceride. Các triglyceride này sẽ tạo các giọt mỡ bao gồm cả cholesterol và protein; phức hợp lipid-protein này được gọi là chylomicron. Dưới dạng chylomycron hầu hết các chất béo được hấp thu bởi bạch huyết và về máu ở tĩnh mạch dưới đòn trái.

Máu từ mạng mao mạch của nhung mao không trực tiếp về tim mà phải qua tĩnh mạch cửa về gan trước. Sự quan trọng của tuần hoàn cửa được đề cập ở chương 13. Con đường này giúp gan điều chỉnh lượng đường và amino acid trong máu, dự trữ vitamin và loại bỏ chất độc trong máu.

Đại tràng

Đại tràng có đường kính 6.3cm và dài 1,5m. Nó đi từ hồi tràng tới trực tràng. Hình 16-9 biểu diễn các phần của đại tràng. Phần đầu tiên là manh tràng, vị trí nối với hồi tràng có van hồi – manh tràng, đây không phải là 1 cơ thắt nhưng cũng thực hiện cùng chức năng như vậy. Van hồi – manh tràng là nếp niêm mạc bao quanh chỗ nối hồi tràng với manh tràng. Sau khi thức ăn không tiêu hóa được (hầu hết là cellulose) cùng với nước vào manh tràng thì các nếp không còn nữa khi có nhu động ruột hầu như đóng kín nhờ đó ngăn không cho phân đi ngược vào hồi tràng.

Ruột thừa dính vào manh tràng, là 1 ống tận nhỏ có nhiều mô lympho. Ruột thừa được xem như 1 cơ quan vết tích tức là kích thước và chức năng của chúng bị tiêu giảm. Mặc dù thành ruột thừa có nhiều mô lympho nhưng chức năng của ruột thừa về miễn dịch vẫn chưa được làm sáng tỏ. Viêm ruột thừa có thể xảy ra khi phân ngấm vào ruột thừa và cần phải phẫu thuật.

Phần còn lại của đại tràng là đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống đi xung quanh ruột non; đại tràng sigma đi xuống dưới và ra giữa; trực tràng và hậu môn. Trên lâm sàng, người ta thường coi kết thúc đại tràng là trực tràng.

Đạu tràng không diễn ra quá trình tiêu hóa. Niêm mạc đại tràng chỉ tiết chất nhầy, để vận chuyển phân dễ dàng. Lớp cơ dọc của đại tràng có 3 dải dọc cơ. Phần còn lại của đại tràng phải co lại cho phù hợp với các dải dọc cơ ấy. Do vậy đại tràng có các bướu, nhờ đó làm tăng diện tích bề mặt đại tràng.

Chức năng của đại tràng là hấp thu nước, chất khoáng, vitamin và loại bỏ sản phẩm không tiêu hóa được. Mọi chất được hấp thu ở đại tràng đầu tiên đều về gan theo tuần hoàn cửa. Khoảng 80% nước vào đại tràng được hấp thu (400 – 800ml/ngày). Các ion dương và ion âm cũng được tái hấp thu. Vitamin được tái hấp thu là sản phẩm của hệ vi khuẩn thường trú ở ruột, có hàng nghìn tỉ con vi khuẩn sinh sống ở trong ruột.

Con người và hệ vi khuẩn trong đường ruột là ví dụ về cộng sinh, tức là cùng chung sống. Chúng ta cho vi khuẩn 1 nơi ở (không chỉ là nơi ở, nó giống với hệ thống điều khiển khí hậu để giữ luôn ấm áp hơn) và ta cung cấp thức ăn. Các vi khuẩn ruột tiêu hóa hay lên men thức ăn không tiêu hóa được và sinh ra các sản phẩm trao đổi chất có ích cho chúng. Một số sản phẩm cũng có lợi cho bản thân chúng ta.

Lượng vitamin K được sản xuất và hấp thu đủ theo nhu cầu mỗi người để tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu ở gan. Các vitamin khác được sản xuất ít hơn bao gồm riboflavin, thiamin, biotin, acid folic. Vi khuẩn cũng góp phần vào sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên có một vài sản phẩm của vi khuẩn không có ích cho con người và có thể ảnh hưởng tới sự tăng cân, viêm hay xơ vữa động mạch. Một chức năng khác của hệ vi khuẩn thường trú ở ruột đó là ngăn ngừa sự phát triển của yếu tố gây bệnh bằng cách chiếm thức ăn và không gian hay bằng cách sinh chất kháng sinh. Hệ vi khuẩn ruột bình thường của chúng ta không có một sự đối phó hoàn hảo chống lại các yếu tố gây bệnh, chúng không ngăn được virus và có thể bị tấn công dữ dội bởi vi khuẩn như Samonella (từ thức ăn nhiễm độc, trứng gà chưa nấu chín). Ta vẫn cần phải ghi nhớ rằng cần hiểu biết nhiều hơn về mối quan hệ giữa con người với hệ vi khuẩn đường ruột.

Sự bài tiết phân

Phân bao gồm cellulose và các thành phần không được tiêu hóa khác, vi khuẩn còn sống hoặc đã chết, và nước. Phân di chuyển trong lòng đại tràng nhờ co bóp của sóng nhu động, sóng này sẽ tăng lên sau khi ta ăn. Phản xạ dạ dày kết tràng và phản xạ tá tràng kết tràng là: khi có mặt của thức ăn và sóng nhu động liên tục ở dạ dày và tá tràng dẫn tới phản xạ co bóp của đại tràng. Phản xạ được thực hiện nhờ hệ thần kinh ruột. Sự bài tiết phân đi cùng với phản xạ đại tiện, đó là một phản xạ của tủy sống, được điều khiển tự động. Bình thường trực tràng ở trạng thái rỗng cho tới khi các sóng nhu động đại tràng tống phân vào. Thành trực tràng căng ra làm kích thích phản xạ đại tiện.

Thụ cảm thể về sự căng giãn nằm ở lớp cơ trơn của trực tràng truyền tín hiệu tới tủy sống. Khi tín hiệu trở về làm co cơ trực tràng. Xung quanh hậu môn có cơ thắt trong hậu môn, bản chất là cơ trơn. Trong phản xạ co thắt, cơ thắt giãn ra cho phép đi đại tiện.

Cơ thắt ngoài hậu môn bản chất là cơ vân, nằm phía ngoài của cơ thắt trong hậu môn. Khi không đi đại tiện, cơ này co lại để đóng hậu môn. Nhận biết nhu cầu đi đại tiện là nhờ thụ thể căng giãn của trực tràng. Thụ cảm thể này được kích thích mỗi khi có sóng nhu động đi tới.

CHỨC NĂNG CỦA GAN

Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, chỉ não mới có nhiều chức năng hơn gan. Tế bào gan sản xuất nhiều enzyme xúc tác các phản ứng hóa học trong cơ thể. Các phản ứng này là chức năng của gan. Khi máu vào trong các xoang mạch của gan, các chất được tế bào gan xử lý và sau đó đưa lại vào máu. Do gan có ảnh hưởng đa dạng tới các hệ thống của cơ thể nên ta có thể tổng kết lại:

  1. Trao đổi carbohydrate: Như ta đã biết, gan điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi cao, lượng glucose dư được chuyển thành glycogen; hormone isulin và cortisol tham gia vào quá trình này.

Khi bị hạ đường huyết hay ở trạng thái stress, glycogen được chuyển thành glucose làm tăng đường máu. Qúa trình này có sự tham gia của hormone epinephrine và glucagon.

Gan cũng chuyển các monosaccharide khác thành glucose. Ví dụ như fructose và galactose là sản phẩm của quá trình tiêu hóa sucrose và lactose. Do hầu hết các tế bào không sử dụng được fructose và galactose làm nguồn năng lượng, nên gan chuyển chúng thành glucose để tế bào dễ dàng sử dụng.

 

  1. Trao đổi acid amin – Gan điều hòa lượng amino acid trong máu để tổng hợp protein. Trong số 20 acid amin dùng để tổng hợp protein, gan có khả năng tổng hợp 12 acid amin, các acid amin này gọi là các acid amin không thiết yếu. Qúa trình này được gọi là quá trình chuyển amin, tức là sự chuyển nhóm amin (NH2) từ 1 acid amin này sang gắn vào chuỗi carbon tự do khác tạo 1 acid amin hoàn chỉnh mới. 8 acid amin còn lại được gọi là các acid amin thiết yếu. Tức là các acid amin này phải được lấy từ thức ăn do gan không tự tổng hợp được. Tương tự vậy, gọi là acid amin không thiết yếu do gan có thể tự tổng hợp chúng. Cần phải có đủ 20 acid amin này để tổng hợp protein của cơ thể.

Các acid amin dư không tham gia sản xuất protein không được dự trữ mà sẽ được dùng vào mục đích khác. Qúa trình khử amin, tách nhóm NH2 ra khỏi acid amin, chuỗi carbon sau đó được chuyển thành phân tử carbohydrate hay phân tử chất béo. Như vậy acid amin dư sẽ được chuyển hóa tạo năng lượng: có thể được sử dụng ngay lập tức hoặc là năng lượng dự trữ ở các mô mỡ. Nhóm NH2 được tách ra từ quá trình trên đi kết hợp tạo ure, được đào thải ra khỏi máu nhờ thận theo đường nước tiểu.

3. Trao đổi lipid – Gan tạo các lipoprotein, 1 phân tử gồm lipid và protein nhằm vận chuyển chất béo từ máu đến các mô khác. Gan cũng tổng hợp cholesterol và các cholesterol này 1 phần được chuyển thành mật và bài tiết theo phân.

Các acid béo là 1 nguồn năng lượng của cơ thể, nhưng để dùng trong hô hấp tế bào thì chúng phải được phân cắt thành phân tử nhỏ hơn. Qúa trình beta oxy hóa, chuỗi carbon dài được phân cắt thành các phân tử chứa 2 carbon gọi là nhóm acetyl, là các carbphydrate đơn giản. Các nhóm acetyl này được tế bào gan sử dụng để sinh ATP hay kết hợp với nhau tạo thành thể ceton vận chuyển đến tế bào khác. Sau đó các tế bào ấy dùng thể ceton sinh ATP cho hô hấp tế bào.

  1. Tổng hợp protein huyết tương – Chức năng này được đề cập trong chương 11. Gan tổng hợp nhiều protein trong máu. Albumin là protein chiếm tỉ lệ lớn nhất giúp duy trì thể tích máu lưu hành bằng cách kéo dịch ở mô vào trong lòng mao mạch.

Gan cũng sản xuất các yếu tố đông máu bao gồm prothrombin, fibrinogen và yếu tố VIII lưu hành trong máu trong cơ chế đông máu hóa học. Gan cũng tổng hợp alpha và beta globulin làm chất mang các phân tử khác như chất béo trong máu.

  1. Hình thành bilirubin – Gan có các đại thực bào làm nhiệm vụ thực bào các tế bào máu già cỗi. Bilirubin khi đó sẽ được hình thành từ nhân hem của hemoglobin. Gan cũng lấy bilirubin hình thành ở lách và tủy đỏ và chuyển thành mật bài tiết ra phân.

 

  1. Thực bào nhờ các tế bào Kupffer – Các đại thực bào ở tế bào gan gọi là tế bào Kupffer. Bên cạnh việc phá hủy các tế bào hồng cầu già, tế bào Kupffer còn thực bào các yếu tố gây bệnh hay các vật lạ theo tuần hoàn tới gan. Nhiều vi khuẩn vào máu đến từ đại tràng. Các vi khuẩn này thường cư trú ở đại tràng nhưng có thể gây độc khi ở nơi khác. Các vi khuẩn đi vào máu và đến gan nhờ tuần hoàn cửa. Các tế bào Kupffer ở gan thực bào và tiêu diệt các vi khuẩn, đưa chúng ra khỏi máu trước khi về gan và đi vào phổi.

 

  1. Dự trữ – Gan dự trữ các vitamin A, D, E, K tan trong dầu cũng như vitamin B12 tan trong nước. Nguồn dự trữ vitamin A và D có thể đủ cho từ 6-12 tháng, gan bò và gà là những nguồn thực phẩm giàu các vitamin này.

 

Gan cũng dự trữ sắt và đồng. Sắt là yếu tố cần thiết cho hemoglobin và myoglobin giúp gắn protein này với oxy. Đồng cũng như sắt là thành phần của  protein tham gia hô hấp tế bào và thành phần của enzyme cần cho quá trình tổng hợp hemoglobin.

 

  1. Khử độc – Gan có khả năng tổng hợp các enzyme làm nhiệm vụ khử độc, chuyển các chất độc thành chất ít độc hơn. Ví dụ rượu được chuyển thành acetat, là phân tử 2 carbon (nhóm acetyl) để dùng cho hô hấp tế bào.

 

Mọi loại thuốc đều có khả năng gây độc nhưng gan tổng hợp các enzyme nhằm phân hủy chúng hoặc chuyển hóa chúng. Trong 1 liều thuốc, chúng có tác dụng điều trị sau đó được chuyển hóa thành chất kém hoạt động hơn và bài tiết bởi thận. Qúa liều thuốc là khi có quá nhiều thuốc mà gan cần khử độc trong 1 khoảng thời gian và thuốc còn trong cơ thể có khả năng gây độc. Do đó người ta không được sử dụng rượu trong thời gian dùng thuốc do khi đó khả năng khử độc của gan bị quá tải và không hiệu quả, dẫn tới cả rượu và thuốc còn gây độc trong khoảng thời gian dài hơn. Đây là lý do mà dùng thuốc ngủ barbiturat sau khi uống rượu thường gây tử vong.

 

Amonic là 1 chất độc do vi khuẩn trong hệ tiêu hóa sinh ra. Do nó tan được trong nước nên 1 phần amoniac ngấm vào máu, đầu tiên nó đi tới gan theo tuần hoàn cửa. Gan chuyển amoniac thành ure, 1 chất ít độc hơn trước khi amoniac có thể tuần hoàn trong máu và phá hủy các cơ quan, đặc biệt là não. Sau đó ure được thải ra nhờ thận.

 

SỰ LÃO HÓA VÀ HỆ TIÊU HÓA

Hệ tiêu hóa bị lão hóa dẫn tới nhiều biến đổi. Vị giác kém nhạy hơn, nước bọt tiết ra ít hơn, dễ mắc bệnh răng lợi hơn và răng bị rụng. Sự bài tiết các chất trong hệ tiêu hóa cũng giảm đi, hiệu quả của nhu động ruột cũng giảm. Khó tiêu trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt khi cơ thắt tâm vị mất chức năng dẫn tới khả năng lớn bị tổn thương thực quản. Ở đại tràng, có thể hình thành các túi thửa ở vị trí thành đại tràng yếu, có thể không triệu chứng hoặc gây nhiễm trùng. Ở người già thường xảy ra tắc ruột non hoặc ruột già. Giảm nhu động góp phần gây ra táo bón từ đó dẫn tới trĩ. Nguy cơ ung thư đại tràng cũng tăng theo tuổi.

Khi tuổi cao, gan vẫn thực hiện chức năng 1 cách hiệu quả trừ khi bị hủy hoại bởi các yếu tố gây bệnh như virus viêm gan hay các chất độc như rượu. Sỏi mật cũng dễ hình thành hơn, có thể cần cắt túi mật. Viêm túi mật cũng thường xuyên xảy ra ở người cao tuổi. Nếu không mắc các bệnh đặc biệt thì chức năng tũy cũng vẫn sẽ còn tốt, tuy nhiên viêm tụy cấp không rõ nguyên nhân vẫn hay xảy ra ở người cao tuổi.

TỔNG KẾT

Qúa trình tiêu hóa thức ăn và sự hấp thu các chất dinh dưỡng có nhiều tác dụng khác nhau. Hầu hết thức ăn chúng a ăn vào sẽ trở thành 1 phần của chúng ta. Cơ thể tổng hợp protein và lipid cho sự tăng trưởng, sửa chữa các mô và sản xuất các enzyme tham gia xúc tác các phản ứng giúp duy trì sự cân bằng nội môi. Thức ăn cung cấp năng lượng cần thiết cho tăng trưởng, sửa chữa, vận động, cảm giác và suy nghĩ. Chương tiếp theo ta sẽ bàn về sự sinh năng lượng từ thức ăn và mối quan hệ giữa quá trình sinh năng lượng với sự duy trì thân nhiệt.

TÓM LƯỢC

Chức năng của hệ tiêu hóa là phân cắt thức ăn thành các chất hóa học đơn giản có thể hấp thu vào máu và bạch huyết để tế bào sử dụng.

Phân chia hệ tiêu hóa

  1. Ống tiêu hóa bao gồm khoang miệng, hầu, thực quản, dạ dày, tiểu tràng, đại tràng. Sự tiêu hóa diễn ra ở khoang miệng, dạ dày và tiểu tràng.
  2. Các cơ quan hỗ trợ tiêu hóa là răng, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, túi mật và tụy. Mỗi cơ quan có 1 chức năng khác nhau.

Loại tiêu hóa

  1. Cơ học – phân cắt thức ăn thành các mẩu nhỏ hơn làm tăng diện tích bề mặt cho hoạt động của enzyme
  2. Hóa học – các enzyme phân giải các hợp chất hữu cơ thành các chất hữu cơ đơn giản và chất vô cơ, mỗi thức ăn có 1 enzyme đặc trưng.

Sản phẩm cuối cùng của tiêu hóa

  1. Carbohydrate thành các monosaccharide
  2. Protein thành các amino acid
  3. Chất béo thành các acid béo và glycerol
  4. Ngoài ra còn có vitamin, khoáng chất và nước

Khoang miệng

  1. Răng và lưỡi cắn nhỏ thức ăn và trộn với nước bọt
  2. Cấu trúc răng
  3. Ngà răng phủ phía ngoài thân răng nhờ đó tạo bề mặt cứng để nhai
  4. Men răng nằm trong ngà răng và tạo chân răng
  5. Tủy chứa mạch máu và tận cùng thần kinh của dây tam thoa
  6. Màng nha chu sinh cement bọc lấy răng
  7. Lưỡi có cấu tạo bởi cơ vân do dây hạ thiệt chi phối vận động. Các nhú lưỡi ở trên bề mặt có các nhú vị giác do dây thần kinh mặt và dây thiệt hầu chi phối cảm giác. Chức năng: nếm, giữ thức ăn giữa 2 hàm răng khi nhai, tống thức ăn ra sau để nuốt
  8. Tuyến nước bọt – mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi; các ống đổ nước bọt vào trong khoang miệng, dây sọ gồm dây mặt và dây thiệt hầu; thần kinh phó giao cảm là tăng tiết.
  9. Nước bọt
  10. Amylase chuyển tinh bột thành maltose
  11. Nước hòa tan thức ăn để có thể nếm và làm ẩm giúp cho nuốt được dễ dàng
  12. Lysozyme ngăn sự phát triển của vi khuẩn.

Hầu – dẫn thức ăn từ miệng tới thực quản

  1. Không diễn ra quá trình tiêu hóa
  2. Sự co cơ của hầu thuộc phản xạ nuốt, do hành não điều khiển

Thực quản – dẫn thức ăn từ hầu đến dạ dày

  1. Không diễn ra quá trình tiêu hóa
  2. Cơ thắt môn vị ngăn trào ngược dạ dày.

Các lớp của ống tiêu hóa

  1. Niêm mạc cấu tạo từ các tế bào biểu mô – bài tiết các chất giúp cho quá trình tiêu hóa, các nang lympho chứa các đại thực bào làm nhiệm vụ thực bào yếu tố gây bệnh xâm nhập vào lớp niêm mạc.
  2. Lớp dưới niêm mạc – gồm các mô liên kết cùng với mạch máu và mạch bạch huyết; đám rối Meissner tận cùng ở lớp niêm mạc, là 1 phần của hệ thần kinh ruột trải khắp ống tiêu hóa.
  3. Lớp cơ – điển hình có lớp cơ vòng ở trong và lớp cơ dọc phía ngoài; có chức năng tiêu hóa cơ học và tạo nhu động ruột, chi phối bởi đám rối Aurebach, thành phần của hệ thần kinh ruột, thần kinh giao cảm là giảm hoạt động còn hệ phó giao cảm làm tăng hoạt động.
  4. Lớp thanh mạc phía ngoài cùng, phía trên là cơ hoành, đây là mô xơ liên kết, dưới cơ hoành là mạc treo. Phúc mạc dính với ổ bụng, giữa các lớp thanh mạc là thanh dịch làm giảm sự cọ xát.

Dạ dày – phần tư trên bên trái ổ bụng, hình dạng giống cái túi đi từ thực quản tới ruột non

  1. Chứa thức ăn, chuyển thức ăn thành dạng dưỡng trấp bắt đầu tiêu hóa protein
  2. Dịch vị do các tuyến dạ dày tiết ra
  3. Pepsin do tế bào chính tiết, chuyển protein thành polypeptide
  4. HCl hoạt hóa pepsin, diệt các yếu tố gây bệnh, do tế bào thành tiết
  5. Lớp nhầy phủ niêm mạc, ngăn bị phá hủy, do tế bào tiết nhầy tiết
  6. Hormone gastrin làm tăng tiết dịch vị do tế bào G tiết.
  7. Cơ thắt môn vị ở vị trí nối với tá tràng ngăn sự trào ngược các chất từ ruột non.

Gan – gồm 2 thùy ở phía trên bên phải và ở giữa ổ bụng

  1. Đơn vị chức năng là các tiểu thùy gan: tế bào gan, xoang mạch, nhánh của động mạch gan và tĩnh mạch cửa và ống mật.
  2. Chỉ tiết mật, ống gan đưa mật ra khỏi gan và hợp với ống túi mật tạo ống mật chủ đổ vào tá tràng.
  3. Mật nhũ tương hóa chất béo – 1 dạng tiêu hóa cơ học.
  4. Chlesterol dư và bilirubin được chuyển thành mật

Túi mật – nằm ở mặt dưới thùy gan phải

  1. Dự trữ và cô đặc mật và đưa đến tá tràng khi cần
  2. Ống mật hợp với ống gan tạo ống mật chủ

Tụy – nằm phần tư trên bên trái giữa tá tràng và lách

  1. Dịch tụy tiết bởi acini, vào ống tụy sau cùng ống mật chủ đổ vào tá tràng.
  2. Enzyme dịch tụy giúp tiêu hóa cả 3 loại thức ăn
  3. Amylase tiêu hóa tinh bột thành maltose
  4. Trypsin chuyển polypeptide thành các peptide
  5. Lipase chuyển chất béo đã nhũ tương hóa thành acid béo và glycerol
  6. Bicarbonate dịch tụy trung hòa HCl từ dạ dày xuống tá tràng

Ruột non – nằm giữa ổ bụng, đi từ dạ dày tới đại tràng

  1. Tá tràng là đoạn 10 inch đầu tiên, có mật từ ống mật chủ và dịch tụy đổ vào. Hỗng tràng dài 8 feet và hồi tràng dài 11 feet.
  2. Enzyme do tuyến ruột bài xuất giúp hoàn chỉnh quá trình tiêu hóa
  3. Peptidase chuyển polypeptode thành amino acid
  4. Sacrase, maltase và lactase chuyển các disaccharide thành monosaccharide
  5. Hormone cholecystokin và secrectin tác động tác gan, túi mật và sự bài tiết của tụy
  6. Diện tích bề mặt hấp thu tăng lên nhờ các nếp niêm mạc, nhung mao, vi nhung mao. Các vi nhung mao tạo các bờ bàn chải.
  7. Các nhung mao chứa các mạng mao mạch để hấp thu chất dinh dưỡng tan trong nước như monosaccharide, amino acid, vitamin C và nhóm B, khoáng chất và nước. Máu từ ruột non vào gan nhờ tuần hoàn cửa.
  8. Nhung mao có các mao mạch bạch huyết giúp hấp thu chất dinh dưỡng tan trong dầu như vitamin A, D, E, K, acid béo, tạo các chylomicron. Bạch huyết từ ruột non về máu tại tĩnh mạch dưới đòn trái.

Đại tràng đi từ ruột non đến trực tràng

  1. Đại tràng gồm: manh tràng, đại tràng lên, ngang, xuống, sigma, trực tràng và hậu môn.
  2. Van hồi manh tràng ở vị trí nối manh tràng và hồi tràng có tác dụng ngăn phân vào ruột non
  3. Đại tràng có chức năng hấp thu nước, khoáng chất, vitamin và loại bỏ các chất không tiêu hóa được
  4. Hệ vi khuẩn thường trú của ruột có khả năng sản xuất các vitamin, đặc biệt là vitamin K, ngăn ngừa sự phát triển của các yếu tố gây bệnh và các lợi ích khác.
  5. Phản xạ đại tiện: khi nhu động ruột tống phân vào trực tràng làm chúng căng giãn. Thụ thể dẫn truyền kích thích về tủy cùng và tuyền tín hiệu lại làm co cơ trơn của trực tràng. Cơ thắt hậu môn trong giãn cho phép phân ra ngoài. Cơ thắt hậu môn ngoài bản chất là cơ vân có sự điều khiển chủ ý.

Chức năng khác của gan

  1. Trao đổi carbohydrate: lượng glucose dư thừa được trữ dưới dạng glycogen và lại chuyển thành glucose khi hạ đường huyết, chuyển fructose và galactose thành glucose.
  2. Trao đổi các acid amin: các acid amin không cần thiết yếu được tổng hợp nhờ phản ứng chuyển amin, các acid amin dư thừa được chuyển thành carbohydrate hoặc chất béo bằng phản ứng khử amin, các nhóm amin chuyển thành ure và đào thải ở thận.
  3. Trao đổi chất béo-tạo các lipoprotein nhằm vận chuyển chất béo trong máu, tổng hợp cholesterol, chuyển cholesterol dư thừa thành mật, beta oxy hóa các acid béo thành các nhóm acetyl 2 carbon để sinh năng lượng.
  4. Tổng hợp protein huyết tương: albumin có vai trò duy trình thể tích máu, các yếu tố đông máu giúp đông máu, alpha và beta globulin là chất vận chuyển các phân tử.
  5. Tạo bilirubuin – các hồng cầu già bị bị thực bào, bilirubin được tạo thành từ nhân heme và chuyển thành mật để thải ra phân.
  6. Tế bào kuffer làm nhiệm vụ thực bào hồng cầu già và vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn hấp thu ở đại tràng.
  7. Dự trữ vitamin A, D, E, K, B12, sắt, đồng.
  8. Khử độc – các enzyme ở gan chuyển các chất độc thành các chất ít độc hơn , ví dụ như rượu, thuốc và amoniac được hấp thu ở đại tràng.

CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Kể tên các cơ quan của ống tiêu hóa, miêu tả vị trí. Kể tên các cơ quan có chức năng hỗ trợ tiêu hóa, mô tả vị trí.
  2. Giải thích tác dụng của tiêu hóa cơ học, lấy 2 ví dụ. Giải thích tác dụng của tiêu hóa hóa học, lấy 2 ví dụ.
  3. Kể tên các sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa, giải thích cách hấp thu các chất đó.
  4. Chức năng của răng và lưỡi, amylase nước bọt, ngà răng, lysozyme và nước của nước bọt.
  5. Miêu tả chức năng hầu, thực quản và cơ thắt tâm vị.
  6. Kể tên và miêu tả 4 lớp của ống tiêu hóa.
  7. Kể 2 chức năng chung của dạ dày và cơ thắt môn vị. Giải thích chức năng của pepsin, HCl và chất nhầy.
  8. Miêu tả chức năng chính của ruột non, kể tên các phần của ruột non. Miêu tả các cấu trúc làm tăng diện tích bề mặt ở ruột non.
  9. Giải thích cơ chế gan, túi mật và tụy hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
  10. Miêu tả cấu trúc bên trong của 1 nhung mao và cách hấp thu các chất.
  11. Kể tên các phần của đại tràng, miêu tả chức năng van hồi – manh tràng.
  12. Miêu tả chức năng đại tràng và hệ vi khuẩn trong lòng đại tràng.
  13. Trong phản xạ đại tiện, giải thích cách kích thích, phần của hệ thần kinh trung ương tham gia phản xạ này, các cơ tham gia, chức năng cơ thắt hậu môn trong và ngoài, sự điều khiển có chủ ý.
  14. Kể tên các vitamin và khoáng chất dự trữ ở gan và chất ở gan chuyển thành mật. Tên đại thực bào của gan, chức năng.
  15. Cách gan điều hòa đường máu. Miêu tả chức năng của phản ứng trao đổi amin và khử amin.
  16. Kể tên protein huyết tương do gan sản xuất, chức năng của từng loại.

MỞ RỘNG

  1. Nhiều người bị trào ngược dạ dày thực quản sử dụng thuốc ức chế bơm proton làm giảm acid dạ dày. Vì sao họ phải đặc biệt chú ý tới việc ăn uống?
  2. Đại tràng không có nhung mao ở niêm mạc. Vì sao nhung mao không cần thiết ở đây?
  3. Thức ăn vẫn còn ở dạ dày trong vài giờ. Thức ăn ở trong ruột non cũng mất vài giờ. 2 cơ quan này có hình dạng rất khác nhau. Tại sao lại có thể giữ thức ăn lâu như vậy? Hiệu quả của việc tiêu hóa và hấp thu.
  4. Tiêu chảy không hề tốt nhưng nó có tác dụng của nó. Giải thích tác dụng của nó cũng như tác hại.
  5. Vì sao tủy sống mức T10 lại tham gia phản xạ đại tiện.
  6. Nhìn vào hình bên về hormone của tá tràng. Thức ăn từ dạ dày vào tá tràng (mũi tên trắng) kích thích sự tiết 2 hormone vào mao mạch của tá tràng (mũi tên xám). Các cơ quan đích là mũi tên cam đi từ tá tràng. Kể tên các hormone theo tên chữ cái và cơ quan đích của nó.

Nguồn: Essentials of Anatomy and Physiology – Vietnamese Version

 

 

 

 

 

 

 

 

 

`

 

 

Advertisement

Giới thiệu My Trieu

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …