[VYPO] Phát hiện nguyên nhân sảy thai liên tiếp hiếm gặp ở một người phụ nữ

Rate this post

Phát hiện nguyên nhân sảy thai liên tiếp hiếm gặp ở một người phụ nữ

Bs. Phan Trúc

 

Chị H (1994) và chồng (1993) sảy thai lần thứ 1 vào 8/2019 ở tuần thai thứ 6. Tiếp tục sảy thai lần thứ 2 vào 5/2020 ở tuần thai thứ 5. Sảy thai liên tiếp diễn ra ở giai đoạn rất sớm, trước cả khi hình thành phôi, gợi ý một bất thường nghiêm trọng khả năng cao liên quan đến nhiễm sắc thể thai nhi. Bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và thăm khám để điều tra theo quy trình tiếp cận sảy thai liên tiếp để loại trừ các nguyên nhân: Miễn dịch (bất đồng nhóm máu, kháng thể kháng Phospholipid, antiphospholipid antibody, antiCardioLipin antibody, Lupus Anticoagulant antibody, Anti beta 2 Glycoprotein I…); Nhiễm trùng (Toxoplasma, CMV, giang mai, …); Hình ảnh (không ghi nhận các bất thường ở tử cung); Nội tiết (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, suy hoàng thể sớm…).
Như dự đoán, các kết quả ở trên đều âm tính, bệnh nhân được hướng đến nhóm nguyên nhân di truyền và được làm xét nghiệm karyotype kèm bộ đột biến gen tăng đông tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kết quả như sau:
– Bộ gen tăng đông ghi nhận đột biến dị hợp tử của PAI-1 (Plasminogen activator inhibitor-1): PAI-1 là chất ức chế u-PA (có vai trò chuyển plasminogen thành plasmin). Đột biến 4G/5G tại vùng promoter của gen này làm tăng nồng độ PAI-1, gây tăng ức chế u-PA, từ đó làm giảm hình thành plasmin, khiếm khuyết hoạt động tiêu sợi huyết. Đây cũng là nguyên nhân bên Huyết học được mời tham gia hội chẩn. Tuy nhiên, 4G/5G cho đến nay vẫn chỉ được xem là một đa hình gen (polymorphism), mặc dù có ghi nhận tăng nguy cơ của sảy thai liên tiếp, nhưng thường là sảy thai muộn. Chưa thể quy kết là nguyên nhân trong trường hợp này.
– Phân tích bộ nhiễm sắc thể (karyotype) của bệnh nhân này, phát hiện kết quả rất bất ngờ: Bệnh nhân tồn tại dạng khảm của cả 3 dòng tế bào: 45X (của hội chứng Turner); 46XX (bình thường) và 47XXX (Hội chứng Triple X). Về mặt kiểu hình, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đây là một tình huống rất hiếm gặp, đến từ giai đoạn rất sớm trong quá trình phát triển của hợp tử của chị H., một trong số các tế bào mầm đã bị đột biến không chia tách được nhiễm sắc thể X về hai phía của tế bào ở kỳ sau, dẫn đến 1 tế bào chỉ nhận được 1 NST X (do NST X bình thường còn lại chia về) và 1 tế bào nhận đến 3 nhiễm sắc thể X (do 1 của NST X bình thường và 2 của cặp không chịu phân chia). Cũng nhờ tỷ lệ tế bào mang dòng 45X và 47XXX thấp, đồng thời bù trừ vật chất di truyền nên cô ấy vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi giảm phân tạo giao tử sẽ gặp vấn đề với các dòng lệch bội này (do không thể chia đôi được).
Advertisement
Mình đã liên hệ với các chuyên gia của BV Hùng Vương, giải pháp được đưa ra là sẽ làm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (Preimplantation genetic diagnosis-PGD), cụ thể sau khi thụ tinh, sẽ chọn lọc các phôi ở giai đoạn rất sớm (ngày 3, ngày 5…) để kiểm tra karyotype, nếu bình thường cho làm tổ. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc nguy cơ tăng đông do đột biến PAI-1 ở bệnh nhân này, xem xét kháng đông dự phòng.
Qua tình huống này, để các vợ/chồng vô sinh/hiếm muộn hiểu hơn về nguyên nhân, hướng giải quyết mà ngành y tế đã đạt được; đồng thời quý đồng nghiệp có cơ hội trao đổi thêm về một trường hợp hiếm nhưng rất thú vị này.

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …