[Chia sẻ] VIẾT CHO 27-2

Rate this post
VIẾT CHO 27-2
=========
Đêm qua, ở Hà Nội mưa rất to, trời mưa và nhiệt độ giảm đột ngột, thời tiết khác hoàn toàn với mấy ngày trước, trời lại quay về những đêm mùa đông. Trong một ngày hơi se lạnh này, 27 tháng 2, tôi muốn chia sẻ với các bạn những câu chuyện ấm áp của nghề y trong đại dịch COVID-19.
Có một nơi ngọn đèn không bao giờ tắt.
Trong căn phòng rộng vài chục mét vuông không có bệnh nhân, ngay cả khi mọi người đã chìm hết vào giấc ngủ thì dưới ngọn đèn không giờ tắt vẫn có một nhóm thiên thần trong bộ quần áo trắng, họ đang mải mê với công việc trong sự im lặng tuyệt đối.
Đó là phòng xét nghiệm Acid Nucleic.
Đại dịch COVID-19, chúng ta ai cũng biết đến những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nhưng với nhóm người khoác bộ quần áo trắng trong phòng xét nghiệm Acid Nucleic, họ chỉ là những công nhân lùi lại phía sau, trong thế giới truyền thông và mạng xã hội nhộn nhịp này thì họ không có tên, mà chỉ có biểu tượng.
Xét nghiệm Acid Nucleic xác định chủng vi rút SARS-CoV-2 còn gọi là xét nghiệm PCR. Đây là một kĩ thuật sinh học phân tử được sử dụng để khuếch đại các đoạn DNA của vi rút và xác định hàm lượng vi rút trong cơ thể người. Xét nghiệm cho phép phát hiện sớm người mang vi rút, chẩn đoán chính xác, công tác phòng chống dịch có ý nghĩa rất lớn.
Công việc phát hiện vi rút là thường xuyên xử lí các mẫu thu thập bệnh phẩm. Từ việc “tăm bông ngoáy họng” cho đến kết quả cuối cùng, xét nghiệm PCR bao gồm nhiều bước như thu thập, bảo quản, vận chuyển, khử hoạt tính, tách chiết Acid Nucleic, khuếch đại gen, đọc kết quả. Đây là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác, nên mọi quá trình thao tác phải tuân thủ các bước kĩ thuật rất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn.
Trong suốt quá trình làm xét nghiệm, bác sĩ và kĩ thuật viên phải mặc trang phục bảo hộ ba cấp để bảo vệ an toàn cá nhân: đội mũ, đeo khẩu trang N95, quần áo bảo hộ, kính bảo hộ, găng tay cao su hai lớp, áo choàng cách li, bao giày dùng một lần…
Hình ảnh nhân viên xét nghiệm như phi công vũ trụ!
Nhưng công việc trong phòng xét nghiệm không như mọi người tưởng tượng. Để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm mẫu, các nhân viên y tế thường phải di chuyển liên tục giữa một số khu vực làm việc. Công việc mất nhiều thời gian và rất căng thẳng, các mối liên kết rất nhiều và phức tạp, nó tạo áp lực cả thể chất lẫn tinh thần, tổng số bước chân của một ngày làm việc có thể lên tới hơn 10.000 bước.
Để đảm bảo an toàn, khu vực chuẩn bị mẫu phải duy trì áp suất âm liên tục, tức là áp suất phòng xét nghiệm thấp hơn áp suất khí quyển tiêu chuẩn. Với bộ đồ bảo vệ ba cấp, lại vận động nhiều, khiến cho những người khỏe nhất cũng bị ngột ngạt, khó thở, cơ thể luôn kiệt sức và mệt mỏi, biểu hiện của tình trạng thiếu Oxy như lơ mơ, nhức đầu, buồn ngủ và ngáp vặt. Khi thực hiện một công việc, phòng xét nghiệm luôn phải bố trí ít nhất hai người cùng tham gia, thậm chí vài người, để khi có người mất tỉnh táo thì còn người khác phát hiện ra.
Khác với các chiến sĩ nơi tuyến đầu được giao tiếp xã hội, những người nhân viên xét nghiệm sẽ chẳng được ai biết đến, họ im lặng ngồi trong căn phòng kín, tỉ mỉ thực hiện từng mẫu bệnh phẩm với thuốc thử.
Khi làn sóng dịch bệnh thứ ba bùng phát, thời điểm đó là trước tết Nguyên Đán hai tuần, vào ngày 27 tháng 1 năm 2021, các phòng xét nghiệm đã phải căng mình làm việc 24/24 giờ để cho ra những kết quả sớm nhất. Bản tin COVID-19 từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, công bố vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối, chỉ là những con số tổng hợp lại.
Vào đêm giao thừa năm Tân Sửu, dịch bệnh bùng phát trở lại bất thường, đối với nhiều người dù trở về quê hương hay đón năm mới nơi đất khách thì hầu hết chúng ta vẫn quây quần bên gia đình nhỏ của mình, nhưng với nhân viên y tế làm xét nghiệm Acid Nucleic thì họ chẳng có một phút giây nào nghĩ đến tết Nguyên Đán.
Từ ngày đầu tiên nghe thấy dịch bệnh viêm phổi cấp tính nặng do vi rút corona chủng mới, cho đến hôm nay với câu chào nhau ngoài xã hội “bạn đã có kết quả xét nghiệm chưa”, thời gian chỉ mất đúng một năm. Xét nghiệm Acid Nucleic không chỉ là tấm giấy thông hành, là tấm thẻ cho phép trở lại làm việc bình thường ở công ti hay cơ quan sau kì nghỉ tết, mà còn là sự yên tâm bản thân chưa mắc bệnh.
Advertisement
Chẳng phải ngẫu đại dịch ở Việt Nam được kiểm soát hiệu quả.
Xét nghiệm Acid Nucleic là con mắt thần giúp y tế phòng chống dịch COVID-19. Thành quả chống dịch có được như hôm nay, một phần nhờ sự đóng rất lớn của đội ngũ nhân viên y tế phòng xét nghiệm PCR, những “chiến binh chống dịch” làm việc âm thầm lặng lẽ nhưng đầy tự ở phía sau, dưới những ngọn đèn không bao giờ tắt.
Có một nhóm công nhân y tế như vậy, họ là những người gần gũi với vi rút nhất, nhưng họ lại vô danh. Họ nhìn thấy tận mắt vi rút mỗi ngày trong khi chẳng ai nhìn thấy. Họ là người tiên phong chống dịch nhất nhưng lại bị đẩy về phía sau. Công việc của họ chẳng mấy ai biết, tên gọi cũng không có, ngoài cái tên chung là bác sĩ hay kĩ thuật viên xét nghiệm.
Ngày 27 tháng 2, chắc chắn mỗi nhân viên xét nghiệm PCR đều có một mong ước giản dị nhất, họ ước thế giới này sớm hết dịch bệnh, để họ được trở về nhà có những giờ phút hạnh phúc trọn vẹn bên gia đình nhỏ của mình.
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu nguyenthithuthao

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …