[CHUYỆN HỌC Y] Có nên học vì điểm?

Rate this post

Dạo này gần đây đọc nhiều bài viết về học hành cũng như nói chuyện về việc học trong trường Y hôm trước, mình có mấy chia sẻ nho nhỏ về quan điểm của mình trong việc nên làm gì trong cái xứ Y khoa đông đúc.

1. KHÔNG HỌC VÌ ĐIỂM

Đơn giản bởi vì để có điểm cao, con người cần dung nạp kiến thức nhiều nhưng nhanh quên, nhiều phần trong những kiến thức đó không thực sự áp dụng được trên thực tế, và điều quan trọng nhất là kiến thức để thi không bao phủ hết thực tế chúng ta cần. Cá nhân mình học theo nhu cầu – cảm thấy cần mở rộng chỗ nào thì mở rộng chỗ đó, cần đào sâu cái gì thì đọc thêm cái đó. Nhiều khi những thứ mình nói chả ai nghe qua, xong còn bị chửi là nói linh tinh. Cũng nhiều khi những thứ mọi người hỏi mình chả biết, xong bị phán là lười học. Nhưng ra trường, đứng trước một bệnh nhân cấp cứu, mình vẫn biết cái gì cần được ưu tiên – thế là được rồi.

Một điểm nho nhỏ nữa là mình học theo hứng. Hứng ở đây có nghĩa là: sắp xếp thời gian học và làm việc theo sở thích để đảm bảo hiệu suất cao nhất, chọn những nội dung mình hứng thú hơn học trước (có thể không phải là mục tiêu học tập của tuần tiếp theo [​IMG]=)))), tìm ra những điểm hứng thú trong những phần khó để từ đó khám phá hết toàn bộ chúng, lựa chọn loại tài liệu phù hợp để đọc (đồng nghĩa với việc sách của trường không bao giờ là lựa chọn số một) …

2. CHÚ TRỌNG THỰC TẾ

Mình có thói quen quan sát mọi thứ. Quan sát xem các chị y tá làm gì, quan sát các máy móc trong phòng, thậm chí quan sát cả cách người nhà chăm sóc bệnh nhân. Quan sát rồi thì bắt đầu hỏi. Hỏi để lấy từ khóa về đọc sách và đối chiếu với câu trả lời của những người đã nói cho mình. Rồi lại hỏi tiếp. Cứ như vậy, kiến thức sẽ được ôn tập nhiều lần trên thực tế, và ghi nhớ dài lâu.

Thời sinh viên, mình đã biết một cái bệnh án có những gáy nào, dán thông tin gì. Biết bệnh án nào có bảo hiểm, bệnh án nào không, bệnh nhân nào chuyển từ tuyến dưới, bệnh nhân nào chuyển từ khoa khác. Biết tại sao một số thuốc lại đánh số đằng trước. Biết những thứ hành chính của khoa tưởng như vô nghĩa với sinh viên … Đó là công việc sau này của người bác sĩ ở khoa phòng, tại sao lại không quan sát và ghi nhớ từ thời sinh viên?

3. XẮN TAY VÀO LÀM

Mình ghét nhất khi đi viện là sinh viên đứng một hàng chắp tay sau đít ngó nghiêng. Như cái ngày mình là Y6, đang cấp cứu bệnh nhân trong phòng Hồi sức 1 của Việt Đức, một đàn Y3 dòm vào xem mình đang làm gì, tất cả liền bị đuổi thẳng cổ ra ngoài. Tất nhiên, sau cũng có nói với các em sinh viên phải chia nhau ra như thế nào, và ở mỗi vị trí thì quan sát và làm cái gì.

Thời sinh viên, khi đi trực, việc đầu tiên của mình là chào các chị điều dưỡng, hỏi xem hôm nay có cần đưa xét nghiệm gì cấp không thì mình làm luôn. Sau đó mới đến chào bác sĩ [​IMG]=))). Tranh thủ theo dõi bệnh nhân trên bảng theo dõi, rồi lại ngó nghiêng một vòng xem các chị y tá có cần gì không. Mình chỉ làm bệnh án sau 9h tối, khi đã xem xong hết bệnh nhân và các chị điều dưỡng không dùng bệnh án nữa. Tóm lại là mình tỏ ra có ích trong tua trực, và không cản đường những người khác. Thậm chí có hôm đi trực, chị điều dưỡng còn nhờ mình khám và xử trí bệnh nhân mới, chứ không thèm gọi anh chuyên khoa [​IMG]=))). Nghĩ cũng tội, nhưng mà thôi cũng kệ, anh ý thậm chí còn không biết phiên giải kết quả khí máu.

4. TIẾNG ANH + TIN HỌC

Về chuyên ngoại ngữ: Hồi xưa còn có một bạn lớp tiếng Pháp gọi điện cho mình nhờ dịch giúp bạn ý mấy trang guideline tiếng Anh. Thế có phải khổ không? Tóm lại biết tiếng gì cũng được, nhưng nên biết tiếng Anh đủ dùng cho công việc chuyên môn.

Về chuyện tin học: Mình thực sự rất không thích những bạn không xài email, căn giữa bằng dấu cách, chưa bao giờ đụng vào Excel hoặc làm một cái slide dày đặc chữ Times New Roman với hình nền trời xanh rặng núi dòng sông quê mùa. Đơn giản là họ không hiểu được tầm quan trọng của công nghệ trong thời đại mới.

5. CÓ KIẾN THỨC NỀN

Nhiều người nghĩ có tiền và địa vị là đủ. Ngang tuổi mình có nhiều bạn được bố mẹ mua cho đủ thứ xịn, đi chơi với một hội, có mình trong đó, thỉnh thoảng vẫn tỏ ra sang chảnh. Nhưng khi mình quay ra lồng cho hai câu Kiều vào trong câu chuyện thì … bỗng dưng im bặt! Đơn giản là kiến thức không có thì biết đáp trả thế nào?

Kiến thức (âm nhạc, văn học, xã hội …) đóng vai trò như đòn bẩy cho hình ảnh của một người. Một người có thể không đẹp về ngoại hình, nhưng ứng xử và thể hiện mình là người có văn hóa thì không bao giờ làm mất lòng người khác. Thời đại bệnh nhân là thượng khách, các bạn cư xử như vừa mới đi từ dưới ruộng lên, thì không bao giờ được những người có tầm vóc để mắt tới, cho dù có thể chuyên môn không tệ. Và kinh nghiệm chủ nghĩa cho thấy, tỉ lệ lớn những người có kiến thức chuyên môn khá sở hữu khối kiến thức văn hóa xã hội đa dạng.

6. CHỦ ĐỘNG + BIẾT MÌNH

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Biết mình quan trọng hơn cả biết người. Biết mình yếu gì, mạnh gì, cần học thêm cái gì, cần phát huy cái gì … là điều tối quan trọng trong việc phát triển bản thân. Trong một buổi tuyển thành viên cho đội văn nghệ, mình khó chịu với những bạn hát như bò rống trên sân khấu, không phải vì bạn ý không biết hát, mà chính là vì bạn ý không “biết mình biết người” – đáng lẽ họ cần hiểu rằng sân khấu là nơi chỉ dành cho những người đủ khả năng tạo ra thứ âm thanh không làm khán giả phải bịt tai.

Advertisement

Và trong cuộc sống cần phải chủ động. Chủ động hỏi, chủ động tìm sách vở mà đọc, chủ động kết giao, chủ động lập kế hoạch cho bản thân … Sống thụ động và dựa dẫm không bao giờ đưa con người tới một vị trí tốt. Những kĩ năng mềm như lập kế hoạch, quản lí thời gian, thuyết trình, thảo luận, viết loại các văn bản … là những thứ cốt lõi trong thời đại mới, ai cũng phải biết.

7. ĐỂ Ý NGOẠI HÌNH

Khoan nói về phối màu hay chọn đồ. Nhiều sinh viên Y, không phải là quá nghèo, nhưng bô nhếch bô nhác không chịu được. Móng tay thì dài ngoằng cáu bẩn, tóc tai xõa xượi. Đi lép dê đến viện. Áo blouse 5 khuy đứt mất 3. Những thứ như thế thuộc về ý thức. Đứng trước bệnh nhân mà nhìn như ông lao công thì làm sao người ta tin tưởng được? Mà 50% thành công của người bác sĩ đến từ lòng tin của bệnh nhân. Ít nhất thì cũng đầu tóc gọn gàng, ăn mặc chỉn chu, trông mặt mũi người ngợm sạch sẽ.

Sau này đi làm, bạn nào có điều kiện nữa thì lựa chọn quần áo phù hợp với môi trường bệnh viện, khoa phòng sạch sẽ rộng rãi có thể thêm một ít nước hoa nhẹ. Không ai đánh thuế ngoại hình, làm mình đẹp hơn trong mắt bệnh nhân chẳng bao giờ là thừa.

 

Nguồn: Fb. Hoàng Bảo Long

 

Giới thiệu Chuyện ngành Y

Mang đến những thông tin và câu chuyện trong quá trình học tập và làm nghề Y

Check Also

[VYPO] Chọn chuyên ngành gì? Vì sao mình chọn Nhi khoa?

Thực tế rất nhiều em sinh viên trong quá trình học và kể cả tốt …