MÔ TẢ
Tinh hoàn có kích thước nhỏ hơn bình thường. Thể tích tinh hoàn bình thường ở người lớn 18.6 ± 4.8 mL.
Tinh hoàn thường được đo bằng thước đo tinh hoàn hình xoan – với phương pháp này, đa số nam trưởng thành có kích thước mỗi tinh hoàn >15 mL.
NGUYÊN NHÂN
Hay gặp
• Chấn thương
• Xơ gan
• Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Ít gặp
• Hội chứng Klinefelter
• Hội chứng Prader–Willi
• Suy tuyến yên
• Nhiễm trùng
• Sử dụng các steroid đồng hóa
CƠ CHẾ
70–80% kích thước tinh hoàn tạo ra bởi các ống sinh tinh, do vậy, các chấn thương hoặc rối loạn chức năng liên quan đến chúng đều có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Sự phát triển đầy đủ của tinh hoàn cần có sự cung cấp đủ máu, hormon LH và FSH. Teo tinh hoàn có thể do thiếu máu cục bộ, chấn thương, thiếu các hormon kích thích (trong thiểu năng sinh dục nguyên phát hay thứ phát) hoặc do bất thường di truyền.
Hội chứng Klinefelter (47XXY)
Trong hội chứng này, xuất hiện thêm 1 NST X. Các hormon hướng sinh dục (LH và FSH) tăng sản xuất trong suốt thời kì dậy thì, các ống sinh tinh bị xơ hóa, co lại và biến mất dần. Do đó làm kích thước tinh hoàn giảm. Tuy vậy, lí do xảy ra hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng.
Hội chứngPrader–Willi
Bất thường trên NST 15 dẫn đến giảm sản xuất GnRH, làm giảm nồng độ FSH/LH và làm giảm sự sản xuất testosterol và tinh trùng của tinh hoàn. ‘Không hoạt động’, tinh hoàn sẽ bị teo.
Sử dụng các steroid đồng hóa
Các steroid ngoại sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của trục dưới đồi, cụ thể ức chế tiết LH , dẫn đến là giảm sản xuất testosterone, sau cùng dẫn đến teo nhỏ tinh hoàn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây rối loạn chức năng của tinh hoàn và 1 số trường hợp có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Các yếu tố nguyên nhân bao gồm : tăng nhiệt độ bìu, giảm máu đến nuôi dưỡng, tăng stress oxi hóa (oxidative stress) và giảm sản xuất testosterone.
Xơ gan
Tổn thương gan này làm giảm sản xuất androgens, chất chuyển hóa ostrogen ở ngoại vi. Nồng độ cao của oestrogen ở ngoại vi dẫn đến làm giảm sản xuất testosterone và tinh trùng, giảm kích thước của các ống sinh tinh, do đó tinh hoàn có nguy cơ teo nhỏ lại.
Rượu
Rượu có thể làm teo tinh hoàn có thể trực tiếp hoặc gián tiếp.
• Trực tiếp: alcohol và 1 số chất chuyển hóa của nó độc với tế bào Lleydig và giảm sự sinh tinh.
• Gián tiếp: alcohol có thể làm giảm chức năng của vùng dưới đồi và tuyến yên. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng rượu làm giảm nồng độ LH trong máu.
Ý NGHĨA
Mặc dù là triệu chứng không đặc hiệu, nhưng nếu xuất hiện, nên tiến hành các thăm khám khác để phát hiện các triệu chứng, dấu hiệu và nguyên nhân của rối loạn hormon.
Nguồn: Mechanisms of clinical signs. 1 st Edition. Mark Dennis Wiliam Bowen Lucy Cho
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả các cơ chế triệu chứng tại : https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/co-che-trieu-chung/