CHẢY NƯỚC MIẾNG
BS HUNG TRUONG
================
Thiệt là khổ, sau khi viết bài nanh sữa thì lại bị hỏi tới tấp vụ trẻ con chảy nước miểng nhễu nhão không phải là do mọc răng.
Từ đó giờ chúng ta luôn nghe nói con nít chảy nước miếng nhiều là do mọc răng. Thực sự không phải là như vậy.
Chúng ta có 6 tuyến nước bọt ở hai bên mặt, chúng liên tục tiết nước bọt vào miệng và được nuốt vào dạ dày. Mỗi ngày mấy tuyến này tiết khoảng 1-2 lít nước bọt vào trong miệng.
Nước bọt có tác dụng gì:
– Làm mềm thức ăn, giúp dễ tiêu hoá.
– Giữ độ ẩm trong miệng
– Giúp bôi trơn dễ nuốt
– Cuốn trôi mảnh vụn thức ăn
– Chống sâu răng
– Để báo cảm giác thèm ăn hay đứng trước gái đẹp.
Trẻ nhỏ thường có nhiều nước bọt bắt đầu lúc 2-3 tháng kéo dài tới khoảng 2 tuổi, thường được cho là do mọc răng, thật ra không hoàn toàn là như vậy.
Trẻ nhỏ thường chảy nước bọt nhiều trong 2 năm đầu vì do các cơ vùng mặt còn yếu và chức năng nuốt chưa hoàn thiện, nên thay vì nuốt vào thì nó chảy ra suốt ngày.
Có nhiều đứa tới 1 tuổi mới mọc răng mà đã nhễu nhão 9 tháng trước rồi, có nhiều đứa răng mọc hết hàm mà vẫn còn nhễu nhão, nên không phải tại mấy cái răng.
Hiện tượng này bình thường và thường chấm dứt lúc 2 tuổi, tuy nhiên có thể kéo dài tới 4 tuổi.
Chỉ nên lo lắng khi kéo dài quá lâu hay có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, khó thở, bỏ ăn, viêm loét miệng (như bệnh tay chân miệng), thở rít, co giật, rối loạn thần kinh (bại não).
Mấy ông mê gái hay bị bệnh nhễu nước miếng mãn tính khi gặp cô nào xếch xi, tui lâu lâu cũng còn. Bệnh này y học bó tay, chỉ có chết mang theo thôi.
MỤC LỤC CÁC BÀI ĐÃ VIẾT (02/19/2020)
https://www.facebook.com/pediatricsfordummies/posts/921522321533122