[SÁT CÁNH CÙNG Y BÉ 2019] Kinh nghiệm Răng Hàm Mặt năm 3 – Y Huế

Rate this post

 

XEM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/

 

Xin chào chác bạn, dưới đây là những kinh nghiệm mình có được sau khi kết thúc năm 3, có tham khảo thêm từ những người bạn nhưng chủ yếu đến từ góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân, có thể là không nhiều nhưng cũng mong giúp được các bạn đỡ bỡ ngỡ hơn.

Kì I: Chủ yếu là các môn cơ sở, bắt đầu học môn chuyên ngành.

Đây là một kỳ học bản lề, là bước chuyển tiếp từ chương trình học toàn những môn cơ sở sang các môn chuyên ngành. Học kì này tất cả các môn đều học vừa lý thuyết vừa thực hành/lâm sàng, do đó các bạn cần phân bố thời gian thật hợp lý vì gần cuối kì lịch thực hành các môn có thể sát nhau, nhiều khi thi thực hành 3, 4 môn trong một tuần kèm học lý thuyết nên khá áp lực. Kèm theo đó là thời gian từ thi thực hành đến thi lý thuyết khá ngắn, nên các bạn hãy ôn thực hành kèm lý thuyết luôn, tránh để dồn tới cuối kì ôn sẽ không kịp, thêm nữa là các bạn phải có một cách học và cách ghi nhớ kiến thức hợp lý nữa nhé!

  • Chẩn đoán hình ảnh cơ sở (2 chỉ)

Đây là một môn học rất hữu ích cho quá trình đi lâm sàng nội, ngoại ở bệnh viện sắp tới. Thêm vào đó đây là môn cơ sở và là nền tảng kiến thức cho môn chẩn đoán hình ảnh nha khoa của kỳ 2 nên các bạn chú ý học, đừng chủ quan.

Các bạn nên đốc thúc lớp trưởng/lớp phó học tập liên lạc với bộ môn để nắm lịch học trước của cả kỳ hoặc ít nhất là trước mỗi buổi học để có thể chuẩn bị đọc trước bài học tránh bị “bơi” khi lên giảng đường nghe giảng, ngoài ra các bạn cũng nên chú tâm nghe bài giảng của thầy/cô vì có một số thầy cô sẽ gọi đứng dậy hỏi để cho điểm cộng (sẽ có ích cho điểm thi thực hành sau này), đừng quá căng thẳng, vì những câu hỏi này đa phần rất khó, ngoài vùng kiến thức hoặc dễ ơi là dễ, chỉ cần nghe thầy cô giảng trước đó rồi tới lúc chỉ cần vận dụng một xíu xiu để trả lời thôi.

Về việc học thực hành thì năm mình không học, chỉ có đến cuối thời gian học lý thuyết sẽ có một bài thi thực hành. Bài thi thực hành thường là 10 câu tự luận, chiếu trên 10 slide, mỗi slide có 1’30s để vừa nhìn vừa ghi. Câu hỏi thì thường là cho một hình ảnh X Quang/Siêu âm/CT/MRI và hỏi: kỹ thuật chụp/mô tả hình ảnh/chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt.  Các bạn phải trả lời hết tất cả các phần. Lưu ý môn này mọi năm số sinh viên rớt rất nhiều mặc dù đề thi nhìn chung thì vừa sức, không đánh đố nhưng nó đòi hỏi các bạn phải học kỹ, và ghi nhớ những gì thầy cô dạy ở 2 buổi ôn tập cuối cùng trước khi thi thực hành. Về tài liệu ôn tập sẽ có một file 120 slide của các anh chị khóa trước vừa học vừa làm phục vụ cho việc ôn tập, các bạn nên tham khảo, dành nhiều thời gian đọc file này.

Thi kết thúc học phần với hình thức trắc nghiệm kết hợp vẽ hình mô tả tổn thương. Kiến thức sẽ bao trùm toàn bộ các chương bạn đã học, đa số sẽ là kiến thức trong sách. Về tài liệu ôn tập thì các bạn vừa học lý thuyết trong sách vừa kết hợp làm nhiều đề các năm trước. Chú ý ghi nhớ những hình ảnh trong sách (những hình vẽ) để vào thi sẽ có 1 phần vẽ và mô tả tổn thương.

 

  • Giải phẫu bệnh (2 chỉ)

Đây là một môn khó học, nó giống như mô phôi hồi năm 1 vậy nhưng đối với RHM thì thầy cô sẽ giới hạn bài học, không học hết sách.

Bài kiểm tra đơn vị học trình môn này sẽ gồm 20 câu trắc nghiệm chiếu slide trên bảng rồi ghi đáp án ra giấy, cũng không khó.

Thi thực hành thì không khó lắm, chỉ cần tâm lý vững vàng là ez. Hình thức thi là chạy trạm, soi kính hiển vi và trả lời câu hỏi (thường là hỏi bệnh gì? Tiêu bản gì,…). Trong quá trình học phải chú ý thật kỹ lời thầy dạy và mô tả hình ảnh tiêu bản, tốt nhất là nên ghi lại. Lúc nhận tiêu bản tự soi thì chụp ảnh lại hết các tiêu bản không sót tiêu bản nào, ghi chú cụ thể rõ ràng để cuối đợt học thực hành dễ dàng ôn tập. Chú ý những đặc điểm của tiêu bản, để phân biệt các thể bệnh.

Bài thi kết thúc học phần dưới hình thức trắc nghiệm 80 câu/40 phút. Cách ôn tập tốt nhất là vừa làm đề các năm trước vừa tra sách, làm nhiều đề vào.

 

  • Mô phôi răng (2 chỉ)

Đây là một trong những môn chuyên ngành đầu tiên trong 6 năm học, môn này tương đối khó nhọc bởi vì lượng kiến thức nhiều cộng thêm học những bài đầu tiên khá nhàm chán và khó hiểu nên thường đa phần các bạn né tránh việc đọc sách trong quá trình học. Nhưng theo góc nhìn cá nhân của mình thì môn này không khó, dành nhiều thời gian đọc lui đọc tới chương đầu tiên (chương khó hiểu nhất) cho thật thông suốt và có một ít kiến thức nền của môn này. Trong quá trình học các bạn nắm được lịch giảng dạy của bộ môn trước bài giảng để đọc trước và hệ thống trước lượng kiến thức thầy cô chuẩn bị dạy, lên lớp chú ý thầy cô giảng và gỡ rối những cụm từ lạ hay mô tả những cấu trúc mô học của răng một cách dễ hiểu thì các bạn sẽ cảm thấy môn này dễ dàng hơn rất nhiều so với cách các bạn cứ ngồi đọc sách.

Đây là môn thi thực hành rất nhẹ nhàng, chạy trạm mỗi trạm 1’30s soi tiêu bản, việc học thực hành của môn này do bộ môn mô phôi (năm 1) đảm nhiệm nên các bạn sẽ lại được gặp giáo viên dạy mô phôi. Quá trình học thực tập chỉ bao gồm 3 buổi, 2 buổi học lý thuyết và 1 buổi thi. Môn này có rất ít tiêu bản nên lượng kiến thức khá ít, rất dễ kiếm điểm 10. Các bạn trong 2 buổi học lý thuyết nhớ chụp ảnh lại đầy đủ tiêu bản rồi ngồi xem lại ở nhà là ăn chắc > 7đ rồi.

Thi lý thuyết môn này thì rất nhọc nhằn, hình thức thi trắc nghiệm 80 câu/40 phút (ít đọc sách hay đọc sách không kỹ sẽ có khả năng làm không kịp). Môn này không có đề để tham khảo nhiều, chủ yếu các bạn đọc sách thật nhiều và thật thong suốt, bên cạnh đó sau mỗi bài học trong sách giáo trình (Y  Hà Nội – thầy cô sẽ khuyên mua giáo trình này vì giáo trình của Y Huế rất sơ sài và thiếu rất nhiều) đều có phần trắc nghiệm, các bạn nên làm kỹ phần này vì đề thi sẽ ra tương tự như vậy.

 

  • Ngoại bệnh lý (2 chỉ)

Môn này rất quen thuộc với các bạn vì kỳ II năm 2 các bạn đã được học môn Ngoại cơ sở và đi lâm sàng bệnh viện môn này rồi, về hình thức thì không khác biệt lắm so với Ngoại sơ sở, chỉ khác lúc thi lâm sàng (vẫn thi viết trên giấy như Ngoại cơ sở) các bạn được hỏi cụ thể về bệnh hơn một chút xíu thôi.

Thi cuối kỳ thì tương tự như Ngoại cơ sở, làm đề và tra sách thôi.

 

  • Nội bệnh lý (2 chỉ)

Giống như Nội cơ sở thôi, các bạn sẽ được học lý thuyết sâu hơn về từng bệnh, đi lâm sàng cũng chỉ ở BV trường, khoa Nội tổng hợp và Nội tim mạch.

Về thi lâm sàng thì các bạn chú ý học kỹ slide và bài trong sách mới của bộ môn (quyển dày) những bài như hô hấp, tim mạch, dạ dày,… để ra sẽ cho 1 case lâm sàng và hỏi các bạn chẩn đoán, mức độ, tiên lượng.

Thi lý thuyết thì các bạn phải tự học trong slide và sách hoàn toàn, đề các năm trước nên tham khảo qua nhưng đừng quá phụ thuộc vào nó vì khả năng đề sẽ đổi nhiều.

 

  • Giải phẫu răng (3 chỉ)

Đây là một duy nhất có 3 tín chỉ của kỳ I này, là một môn chuyên ngành cơ sở đòi hỏi các bạn đọc sách và ghi nhớ từng chi tiết, biết so sánh đặc điểm của các răng này với răng khác, nắm được những thuật ngữ của răng và cung hàm. Môn này đề cuối kỳ năm mình khá khó và chi tiết, vận dụng khá cao rất khác so với những năm trước, lớp mình C rất nhiều ở môn này mặc dù đầu tư rất nhiều thời gian học nên đòi hỏi các bạn phải học kỹ, có một cách học hợp lý nhất.

Về học thực hành có 2 phần: vẽ răng; điêu khắc răng. Phần vẽ răng thì rất dễ, các bạn chỉ cần nhìn sách và vẽ theo như trong sách bộ môn là được, nhớ phải mua giấy thật dày, dễ tẩy dễ xóa và mua bút chì chuyên vẽ. Ngoài ra cũng nên đầu tư một chút về hình thức bên ngoài trước khi nạp cho cô, điều này sẽ tạo thiện cảm cho cô hơn đấy! Phần tiếp theo là điêu khắc răng trên mẫu thạch cao, phần này khó nhất vì đòi hỏi các bạn phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức, vì thạch cao đã sai rồi sẽ không sửa lại được nên các bạn phải cực kỳ cẩn thận. Phần này cô sẽ yêu cầu mỗi bạn làm 3 răng ngẫu nhiên (thường sẽ là 1 – 2 răng trước và 1 – 2 răng sau). Kinh nghiệm của mình là các bạn lúc đi đúc khuôn ở phòng thực tập thì các bạn nên đúc nhiều khuôn cho 1 răng (tầm 4 cái cho 1 răng) và đúc khuôn dư kích thước ra tầm 2 – 3mm vì khi về nhà làm các bạn lỡ có hư thì sẽ có khuôn khác để làm lại liền, chứ nếu đợi đến ngày học thực hành mới mài được khuôn sẽ rất lâu và mất thời gian. Trước khi bắt tay vào công việc điêu khắc thì các bạn nên gặp những anh chị năm trên để xin răng mẫu của các anh chị đã làm và tư vấn thêm về kỹ thuật và mẹo điêu khắc. Mình chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình là nên làm những răng mà các bạn cảm thấy dễ nhất (như răng trước chẳn hạn) và đo thật kỹ kích thước thường xuyên trong quá trình làm, để dư ra 1-1,5mm so với kích thước răng trong sách yêu cầu, ngoài ra các bạn nên tải app 3D Dental trên App store hay CH Play về để nhìn theo đó mà điêu khắc, tránh làm sai chi tiết. Tranh thủ điêu khắc xong càng sớm càng tốt, vì khi xong sớm bạn sẽ có thời gian để tham khảo răng của các bạn khác để sửa lại cho đẹp, cho đúng, đưa răng lên cho cô xem thử,…

Thi lý thuyết thì các bạn nên học ôn kỹ, kẽ bảng so sánh các răng và không bỏ bất cứ phần nào trong sách, đề ra 100 câu/ 60 phút có tính vận dụng cao nên các bạn phải vững kiến thức mới có thể làm tốt bài thi trong thời gian quy định.

 

  • Sinh học miệng (2 chỉ)

Đây là một môn mới (chuyển đổi từ môn Hóa sinh răng miệng ở các năm trước) bắt đầu từ năm nay nên bộ môn chưa có giáo trình, tài liệu duy nhất của tụi mình là những slide tiếng anh cô gửi rồi ngồi dịch ra và tự làm powerpoint để thuyết trình. Môn này không thi thực hành, điểm học phần lấy từ điểm làm powerpoint và thuyết trình nên các bạn phải đầu tư nghiêm túc vào vấn đề làm slide.

Thi cuối kỳ hình thức trắc nghiệm 80 câu/45 phút , ôn tập trên các slide các bạn đã dịch ra và làm, không có tài liệu ngoài. Thầy cô ra đề dựa trên slide của các bạn nên các bạn làm càng nghiêm túc, dịch slide càng có tâm càng tốt. Đề thi bám sát trong slide nên không khó, học kỹ sẽ được điểm cao!

 

  • Vật liệu – thiết bị nha khoa (2 chỉ)

Tên môn học đã nói lên tất cả nội dung mà các bạn sẽ được học ở môn này, đây là môn dạy về các thiết bị, dụng cụ và vật liệu thường dung trong nha khoa tổng quát. Quá trình học gồm học lý thuyết và học thực hành. Học lý thuyết không khó, thầy cô yêu cầu các bạn nắm đầy đủ lượng kiến thức có trong giáo trình của bộ môn. Các bạn nên đọc trước bài mỗi khi lên lớp nghe giảng và tìm kiếm hình ảnh của các dụng cụ, vật liệu ở trên mạng bằng các search bằng tên tiếng Anh (dễ ra hơn search bằng tiếng Việt) cho dễ hình dung và dễ ghi nhớ.

Học thực hành rất nhẹ nhàng, thường chỉ học trong ½ buổi chiều là xong, cố gắng hệ thống và ghi nhớ những dụng cụ và vật liệu mà thầy/cô đưa ra mỗi buổi học, chụp ảnh lại để về nhà coi. Thi thực hành thì rất khó đạt điểm từ 8 trở lên, hầu như mọi năm đều có kha khá sinh viên rớt thực hành môn này, tuy nhiên bộ môn cho thi lại ngay sau đó và hầu như là qua hết sau lần thứ 2. Hình thức thi thực hành là chạy 20 trạm, mỗi trạm là một dụng cụ mà các bạn đã được học (kể cả lý thuyết lẫn thực hành, đôi khi thực hành thầy cô chưa đưa ra nhưng vào thi vẫn có) và bắt các bạn trả lời tên + công dụng của dụng cụ ở trên bàn. Một số dụng cụ rất dễ nhưng một số dụng cụ bắt các bạn phải phân biệt đâu là dành cho răng trên đâu dành cho răng dưới hay đâu là kim bơm rửa,…

Thi lý thuyết khá khó, hỏi rất chi tiết, chi tiết đến nỗi vừa làm đề vừa giở sách cũng cảm thấy khó.  Tốt nhất là đọc đi học lại nhiều lần và hệ thống lại bằng giấy kết hợp làm đề tham khảo.

 

Kì II: Học kì này nhiều môn chuyên ngành hơn.

Sau khi hoàn thành xong học kỳ I, học kỳ II có thể sẽ dễ dàng hơn đối với các bạn. Ở học kỳ II này thời gian học của tụi mình rất thong thả, hầu như không có tuần nào học căng, lịch học thưa dẫn đến thời gian cho các bạn tự học rất nhiều nên mình nghĩ đây là một học kỳ thuận lợi để các bạn kéo điểm của học kỳ I lên.

  • Dược lý (3 chỉ)

Đây là môn học khá nặng nề về kiến thức, nó giống như một ngọn núi khổng lồ về kiến thức mà chúng ta phải vượt qua. Đây là 1 trong tổng số 2 môn ở kỳ này có 3 tín chỉ nên các bạn không được lơ là với nó. Môn này nếu nói học thuộc long một cách thông suốt thì rất khó, đối với mình là bất khả thi vì vậy cách tốt nhất giúp các bạn học tốt Dược lý là siêng đi học để nghe giảng, biết được trọng tâm và mẹo nhớ mà thầy cô truyền lại cho từng phần trong bài học. Ngoài ra, các bạn nên kết hợp làm đề từng chương với việc đọc sách trong suốt quá trình học để nâng cao khả năng ghi nhớ (theo mình việc làm đề là cực kỳ quan trọng nếu các bạn muốn điểm số cao). Đặc thù của môn này là vô vàn tên gốc, vô vàn biệt dược thêm vào đó các bạn cũng phải ghi nhớ tác dụng thuốc, quá trình bán hủy hay tác dụng phụ, tương tác thuốc,… nữa nên phần đông mình thấy trong lớp mình các bạn đều bỏ dở môn này trong quá trình học. Mình thì mình không khuyến khích các bạn làm như vậy vì Dược lý sẽ rất cần thiết trong suốt quá trình các bạn công tác và hành nghề sau này.

Thi thực hành và kiểm tra giữa học phần rất nhẹ nhàng, thậm chí kiểm tra học phần mình thấy còn khó hơn cả thi thực hành. Kiểm tra học phần sẽ làm bài tự luận, cô sẽ hỏi 1 câu về cơ chế tác dụng của thuốc (đề của mình là cô hỏi về cơ chế tác dụng của cafein) các bạn sẽ ghi ngắn gọn trong vòng 10 phút, nhưng đừng quá lo lắng lắm. Còn thi thực hành thì hình thức thi cũng sẽ tự luận nhưng các bạn được làm nhóm, một nhóm tầm 6 – 7 bạn tùy lớp trưởng chia, sẽ bốc thăm bệnh và tiến hành kê một đơn thuốc hoàn chỉnh, thầy không đòi hỏi các bạn phải kê thuốc đúng vì yêu cầu của thầy chỉ cần các bạn trình bày sạch đẹp và đúng mẫu đơn thuốc là được, nhớ hôm đi thi đăng ký sẵn 3G mà lên mạng search nha!

Thi kết thúc học phần sẽ là 100 câu 50 phút. Kiến thức trải dài trong toàn bộ quyển sách Dược lý. Rất nặng nề tuy nhiên mình khuyên các bạn làm thật nhiều đề của các năm trước, môn dược lý có rất nhiều đề từ cũ đến mới nên các bạn cố gắng vừa làm vừa ôn tập thêm sách. Nếu muốn đạt điểm 8-9 thì ít nhất các bạn phải làm trên 10 đề thậm chí là 15 đề mới có khả năng đạt được mục tiêu!

  • Nhi khoa (2 chỉ)

Môn này lượng kiến thức ở mức khá, không quá nhiều nên mình khuyên các bạn cố gắng cày hết những bài trong chương trình. Giáo trình của bộ môn đọc cũng khá dễ hiểu nên đa phần sẽ dễ thuộc hơn.

Về đi lâm sàng thì tương đối nhẹ nhàng, đặc biệt với RHM tụi mình thì nó cũng nhẹ nhàng như khi các bạn đi Ngoại cơ sở, Ngoại bệnh lý vậy, các bạn sẽ được đi trong 2 tuần. Thi lâm sàng, các bạn sẽ thi IMCI, đây là một bộ gồm nhiều bảng dùng để đánh giá tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ của trẻ khi vào viện, yêu cầu của các bạn là phải đánh giá được một tình huống lâm sàng cụ thể mà thầy cô đưa cho. Các bạn yên tâm, vì phần này chỉ cần đọc rồi dò bảng, không có gì khó cả. Tuy nhiên khi vào thi ngoài kiến thức, kinh nghiệm đã chuẩn bị trước thì tâm lý cũng là một yếu tố rất quan trọng vì đề thi sẽ chiếu trong khoảng 8-10 slide với thời gian 1’30s/slide và yêu cầu các bạn phải đọc thật kỹ dữ kiện đề cho để tra bảng nên nhiều bạn sẽ mất bình tĩnh dẫn đến đọc nhầm đọc thiếu,…Điểm lâm sàng thì thường rất cao, cộng thêm nó lại chiếm đến 40% điểm của môn này nữa vì vậy khi thi cuối kỳ sẽ thoải mái hơn khá nhiều.

Thi kết thúc học phần sẽ là 60 câu trắc nghiệm làm trong 40 phút. Thời gian là đủ tuy nhiên lượng kiến thức không phải ít nên dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt là từ năm nay bộ môn đưa vào kiểu câu hỏi đếm số câu đúng như đề thi đại học vậy. Các bạn phải siêng đọc sách, đọc nhiều lần mới tốt, ngoài ra làm đề cũng rất quan trọng (làm những đề gần, làm tập từng chương) nhưng đừng phụ thuộc nhiều quá nhé!

 

  • Phụ sản (2 chỉ)

Môn học liên quan đến mẹ và thai nhi, chủ yếu nói về các bệnh và các nguy cơ của mẹ và con trong suốt kì thai sản. Giống như Nhi khoa, đây là môn mà chúng ta phải đi lâm sàng và thi lâm sàng, điểm thi lâm sàng sẽ chiếm 40% trọng số của điểm môn này. Về lý thuyết thì nhẹ nhàng, dễ học dễ nhớ nhưng lượng kiến thức không phải là quá nhiều vì vậy các bạn nên cố gắng vào môn này để kiếm cho mình một con điểm A hay ít nhất là B. Lịch học lý thuyết thì nhẹ nhàng, kiến thức liên quan nhiều đến Nội và Ngoại nên cũng tương đối dễ hiểu. Còn về kinh nghiệm học lý thuyết của mình thì nên bắt đầu học từ đầu học kỳ, đọc lý thuyết bài giảng qua 1 lần rồi đánh trắc nghiệm từng bài, cứ đọc dần đọc dần, hết thì đọc lại, thấy quên thì xem lại. Việc đánh trắc nghiệm rất quan trọng , nó vừa giúp các bạn tăng khả năng ghi nhớ, vừa giúp các bạn trong đợt thi cuối kỳ.

Lâm sàng môn này rất nhẹ nhàng, giống như đi lâm sàng Ngoại, thậm chí các bạn còn được miễn trực. Còn hình thức thi thì đa dạng, các bạn có thể được ra một đề bài toàn là lý thuyết, cũng có thể gặp một case lâm sàng và từ đó nêu hướng chẩn đoán. Việc học các bạn chú ý kỹ phần bài chảy máu 3 tháng đầu của thai kỳ vì thường sẽ ra quanh trong phần này (theo kinh nghiệm của mấy anh chị là như vậy). Tuy nhiên năm của tụi mình lại ra bài Thai nghén nguy cơ cao?!

Thi kết thúc học phần gồm 60 câu trắc nghiệm với thời gian 40 phút, kiến thức đầy đủ trong chương trình được dạy. Các bạn chú ý làm trắc nghiệm từng bài và đọc sách kỹ.

 

  • Phẫu thuật thực hành (2 chỉ)

Môn học rất nhẹ nhàng, các bạn sẽ được học số tiết học tương đối ít, chủ yếu liên quan đến các đường khâu đường mở bụng đại cương, hay khâu cắt ống tiêu hóa. Việc học lý thuyết tương đối dễ vì một bài trong giáo trình không quá dài tuy nhiên việc hình dung từ lý thuyết ra thực thế khá khó nên các bạn phải cố gắng đi học đầy đủ để nghe thầy giải thích và mô tả từ đó dễ dàng thuộc bài hơn. Đối với mình việc học lý thuyết môn này tương đối nhẹ nhàng, các bạn có thể vừa làm đề vừa đọc sách, đó là một cách rất tốt để ghi nhớ.

Học và thi lâm sàng xung quanh việc phẫu thuật trên chó, các bạn sẽ được học những đường khâu, cách khâu, cách buộc chỉ, cách mở bụng, cắt khâu nối ruột của chó. Về hình thức thi thì các bạn sẽ thi thực hành mổ chó, có 4 con chó và các nhóm thay nhau làm các thủ thuật từ bộc lộ tĩnh mạch đùi, mở bụng, cô lập đoạn ruột, cắt ruột, khâu nối ruột tận tận. Mỗi thủ thuật đều có cái khó riêng và các bạn có thể được chỉ định làm bất cứ một trong những thủ thuật đó nên trong quá trình học nên thật sự nghiêm túc, cái nào cũng nên làm qua ít nhất 1 lần cho biết. Điểm số mặc dù không cao nhưng bù lại là hầu như ko có ai rớt.

Thi cuối kì gồm 80 câu/50 phút, đề ra trong chương trình học, mình khuyên các bạn nên tìm và làm những đề của các năm trước kết hợp với việc đọc sách và tìm tòi thêm trên mạng.

 

  • Mô phỏng lâm sàng (2 chỉ)

Một môn học về tư thế và một vài thủ thuật cơ bản trong nha khoa tổng quát. Lý thuyết của môn này khá ngắn, dễ học nhưng thi rất khó được điểm cao thậm chí điểm sẽ thấp và làm các bạn hoang mang. Về lý thuyết chỉ học tầm 4-5 bài, khá  ngắn nhưng đến khi thi thì thầy cô sẽ ra đề rất chi tiết, bạn nào đọc không kỹ sẽ rất dễ thấp điểm. Việc học lý thuyết chỉ xoanh quanh việc đọc sách và đọc thật kỹ, để ý những điểm nhỏ.

Thi thực hành cũng rất căng, các bạn sẽ được làm 20 câu dưới hình thức câu hỏi ngắn, câu hỏi được chiếu trên slide với thời gian vô cùng ít ỏi để các bạn có thể load ra rồi ghi vào bài, nên mình khuyên các bạn học thuộc lòng luôn cho lẹ.

Thi cuối kỳ rất khó, như mình nói đó, đề sẽ ra chi tiết, thời gian làm ngắn nữa nên việc học kỹ, học xuyên suốt thời gian của học kỳ là rất cần thiết.

Advertisement

 

  • Bệnh học miệng 1 (3 chỉ)

Đây là một môn học về bệnh vùng hàm mặt, các bạn sẽ được thầy Minh dạy, tính thầy rất thất thường nên các bạn nhớ lưu ý. Mỗi buổi học của thầy, thầy sẽ đến rất sớm và đúng giờ, 7h học thì 7h thầy sẽ bắt đầu dạy nên việc các bạn đến trễ và đi vào lắt nhắt sẽ rất khó chịu cho cả thầy và các bạn khác, thậm chí có nhiều bạn còn bị đuổi và đánh vắng luôn buổi đó mặc dù đi trễ “chỉ” 10 phút thôi. Về giáo trình thì viết dễ hiểu nhưng khó nhớ, các bạn phải đọc và cố gắng hệ thống lại các ý chính để ghi nhớ mau hơn, đọc lại nhiều lần nhất có thể.

Đi lâm sàng các bạn sẽ được phân ra đi ở 3 nơi: Trung tâm Gamma – BV Trường; Khu nha tổng quát – BV TW; Tầng 5 – BV Y học gia đình. Vì đây là lần đầu tiên các bạn đi lâm sàng RHM nên tác phong trước tiên phải nghiêm túc, lễ phép. Ráng làm quen với càng nhiều anh chị càng tốt để hỏi và được các anh chị bày thêm về kinh nghiệm học và thi. Thi lâm sàng thì nhẹ nhàng, thầy yêu cầu nạp sổ tay lâm sàng và 2 bệnh án yêu cầu, về sổ tay thì mỗi ngày các bạn nắm bệnh rồi ghi vào sổ tay thật đẹp và tươm tất, đầy đủ nữa, nên vẽ thêm hình minh họa. Các bạn mà làm sổ tay sơ sài coi chừng rớt á! Năm mình rớt nguyên cả 1 nhóm đi ở trung tâm Gamma vì làm bệnh án sổ tay không ghi đầy đủ các phần cơ bản của một bệnh án.

Thi cuối kỳ dưới hình thức trắc nghiệm 90 câu + điền khuyết 10 câu trong 60 phút. Đề thi những năm gần đây thầy có xu hướng ra mới và khó hơn nên việc học của các bạn cũng đừng quá buông lỏng. Đọc kỹ sách rồi làm tham khảo vài đề là ổn.

 

  • Chẩn đoán hình ảnh nha khoa (2 chỉ)

Nếu các bạn đã được học môn CĐHA cơ sở ở học kỳ I thì ở học kỳ II này các bạn sẽ được dạy về môn CĐHA trong nha khoa, các bạn sẽ được thầy Minh Phương dạy, thầy hiền và dễ thương. Vì đôi khi thầy khá bận rộn nên việc các bạn được giao bài về tự làm slide rồi lên thuyết trình rất thường xuyên được thầy áp dụng, đây cũng có thể coi là một cách học giúp các bạn đọc sách và chủ động hơn trong việc nắm kiến thức. Về giáo trình thì mình khuyên các bạn nên mua quyển giáo trình của Y Hà Nội, và nhớ là phải mua sách gốc vì nó còn có hình cho các bạn nhìn. Thầy cũng dựa trên giáo trình YHN để giảng dạy cho các bạn, tuy giáo trình khá dày nhưng lượng bài học tương đối ít. Việc đọc sách rất dễ vì sách viết đơn giản, đôi khi hơi lan man. Các bạn nên đọc qua hết các bài trong giáo trình thật kỹ, chú ý những góc đặt cone định vị, nguyên tắc tạo ảnh, nguyên tắc sinh ra dòng tia X, bản chất tia X, kỹ thuật chụp phim cận chop song song và phân giác,…

Môn này các bạn chỉ được học thực hành chứ không thi, điểm thực hành sẽ lấy dựa vào ý tưởng của thầy Phương, nhưng đa phần là dịch sách rồi nạp lấy điểm. Học thực hành các bạn sẽ được học kỹ thuật chụp phim cận chop theo phương pháp chụp phân giác, rửa phim nhanh. Các bạn học trong vài buổi ngắn là xong.

Thi cuối kỳ dưới hình thức trắc nghiệm 80 câu/60 phút. Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên chuyển từ hình thức thi tự luận truyền thống, việc thi trắc nghiệm đòi hỏi các bạn phải học và nắm hết toàn bộ kiến thức trong chương trình học. Về đề thi thì theo đánh giá của nhiều bạn là khá khó, đề ra những phần liên quan nhiều đến vật lý ví dụ như vật chất là gì? Năng lượng của song tia X, nhiệt năng tia X,… bên cạnh những câu hỏi về kỹ thuật chụp.

  • Nha khoa dự phòng (2 chỉ)

Ở môn này các bạn sẽ được học về phương pháp phòng tránh lây nhiễm chéo, cách xữ lý chất thải, phân loại rác thải,… về cơ bản thì đây là môn mà nhiều bạn đánh giá là dễ học tuy nhiên khi vào thi thì đề không hề dễ, đòi hỏi các bạn cũng phải học kỹ và đọc sách không bỏ sót chi tiết. Giáo trình môn này rất mỏng nhưng nhiều chữ và đôi khi làm các bạn dễ nhầm lẫn, đặc biệt là giữa định nghĩa về khử khuẩn, tiệt khuẩn, tiệt trùng, vô trùng,… Khi lên lớp, các thầy cô sẽ dạy những bài ngoài mà các bạn thấy ngoài giáo trình, tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình thì các bạn nên đọc hết sách, vì các bài thầy cô dạy được lấy ra từ trong sách, thầy cô chỉ đưa nó về gọn lại thành 1 chủ đề riêng rồi đặt cho nó một tiêu đề khác. Các bạn đôi khi ỷ lại việc thầy cô gửi slide những bài mà tên bài các bạn không thấy trong giáo trình, tuy nhiên gửi hay không gửi, có hay không có slide thì các bạn cũng nên đọc hết một lượt sách (theo mình thì ít nhất là 2 lần) và nắm những kiến thức trong sách, điều này rất có lợi trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ của các bạn.

Môn này các bạn sẽ được đi lâm sàng, các bạn sẽ được đi ở 3 nơi: BV Răng hàm mặt tỉnh; Khoa Nha tổng quát – BV TW Huế; Tầng 5 – BV Y học gia đình. Về thi lâm sàng thì các bạn sẽ được thi thực hành rửa tay – mặc áo – mang găng, thầy cô sẽ xem các bạn thực hành và chấm ngay tại chỗ. Thường thì điểm thực hành sẽ không thấp và không có người rớt tuy nhiên muốn điểm cao thì trong quá trình học các bạn phải siêng thực hành trước, để ý những lỗi nhỏ ví dụ như khi rửa tay xong tay các bạn lại không giơ cao mà lại để thong xuống dưới thắt lưng,…

Thi cuối kỳ hình thức thi trắc nghiệm 80 câu/45 phút, đề ra dàn trải toàn bộ kiến thức. Các bạn làm đề và kết hợp đọc sách kỹ, xem và học thuộc luôn nhưng slide thầy cô gửi.

Processed with VSCO with ss3 preset

 

 

Giới thiệu Trần Thị Hạnh Dung

Check Also

[Y khoa] Danh sách các trường y toàn cầu

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG Y TOÀN CẦU World Directory of Medical Schools Những ngày gần …