[SÁT CÁNH CÙNG Y BÉ 2019] Kinh nghiệm Răng Hàm Mặt năm 5 – Y Huế

Rate this post

EM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/

I. Lời mở đầu

Mình hiện là sinh viên năm 5 chuẩn bị lên năm thứ 6 khoa Răng hàm mặt  Trường Đại học Y Dược Huế khóa niên khóa 2014-2020. Trải qua những năm đầu bỡ ngỡ, mình đã gặp không ít khó khăn, một phần vì chưa có được phương pháp học tập phù hợp, hơn cả là không được tiếp cận với những kinh nghiệm để lại của các anh chị đi trước, do đó mình muốn viết những dòng chia sẻ nhỏ này với hy vọng các em khóa dưới có thể bớt đi chút lúng túng trong quá trình học tập các môn cũng như việc đi lâm sàng thế nào cho hiệu quả. Mình sẽ tập trung vào các môn học của năm 5 ở trường mình thôi. Vì đây chỉ là những đúc kết của cá nhân mình nên chắc chắn sẽ còn nhiều điều thiếu sót, mong rằng các bạn đoc có thể đọc tham khảo và lựa chọn được cho mình những phương pháp học tập phù hợp nhất.

II. Chia sẻ

  1. Các môn khoa lẻ

Đầu tiên mình sẽ chia sẻ ngắn gọn về các môn khoa lẻ mà mình được học tronng năm 5 bao gồm Y học cổ truyền, Mắt, Tai mũi họng, Nội thần kinh, Da liễu. Với việc dạy cho khối ngành ngoài Đa khoa, các giảng viên sẽ không đòi hỏi quá cao, chủ yếu phải biết được những kiến thức cơ sở, việc đi lâm sàng cũng không phải khắc khe, nếu bạn đam mê khoa nào đó hãy đọc sách từ những điều cơ bản nhất trong sách giáo khoa của bộ môn rồi áp dụng trên lâm sàng để thử chẩn đoán bệnh và tự đưa ra hướng điều trị phù hợp. Vì chỉ đi lâm sàng mỗi môn là 2 tuần và thi lâm sàng ngay sau khi kết thúc thực tập lâm sàng nên cần thiết nắm căn bản, đọc hiểu sách của bộ môn, slide bài giảng của giảng viên, note lại lời giảng của thầy cô trong buổi dạy lâm sàng ( nhất là Nội thần kinh và da liễu), ghi nhớ hình ảnh Slide các dấu hiệu bệnh lý (mắt và da liễu) để thi tốt bài thi lâm sàng. Về kì thi lý thuyết cuối kì, đề ra hầu như trong sách và slide bài giảng, đối với Mắt, Tai mũi Họng và Da liễu các bạn có thể tham khảo tập trắc nghiệp ngân hàng câu hỏi và đề thi của các năm trước trong các drive, đối với Nội thần kinh và Y học cổ truyền, đọc và hiểu sách giáo khoa của bộ môn.

  1. Các môn chuyên ngành Răng hàm mặt

Năm 5 có các môn chuyên ngành là Nha chu 3, Chỉnh hình hàm mặt 1-2, Răng trẻ em 3, Phẫu thuật miệng 2, Bệnh lý miệng 3, Phẫu thuật hàm mặt 2, Phục hình TLBP nền nhựa và TLBP khung bộ, Nha cộng đồng, Nha khoa hiện đại và Nghiên cứu khoa học trong nha khoa.

  • Về việc thực tập lâm sàng: Vì điều kiện chỗ thực tập chưa đủ với lượng sinh viên đông của cả 3 khối năm 4, 5, 6 nên đối với năm 5 vẫn chưa phải ngồi ghế điều trị thực thụ mà chủ yếu là thăm khám, chẩn đoán được bệnh, các chẩn đoán phân biệt, đưa ra điều trị cụ thể, quan sát, nắm quy trình, áp dụng kiến thức lý thuyết để giải thích các kĩ thuật trên lâm sàng, phụ dụng cụ, vật liệu, phụ tiểu phẫu, khâu chấn thương hàm mặt và phụ mổ. Đối với mình, để nắm được các kiến thức và vận dụng được, mình thường ngồi vào khám, quan sát kĩ thuật điều trị, note lại trong sổ tay họặc điện thoại, những gì không hiểu mình sẽ về tìm đọc lại ở sách, chủ yếu là sách của khoa và và cả giáo trình khác, cách này giúp mình nhớ kiến thức lâu hơn, còn nếu các case lâm sàng có khác với những gì sách viết thì hỏi trực tiếp thầy cô, bác sĩ điều trị case đó để giải đáp vì trên lâm sàng có nhiều thứ khác với lý thuyết được học để phù hợp với mỗi bệnh nhân. Đối với các chỉ tiêu lâm sàng, đa số các môn đều có chỉ tiêu riêng bắt buộc phải hoàn thành để đủ điều kiện thi lâm sàng, như đối với Phẫu thuật miệng là gây tê và nhổ răng, với Phẫu thuật hàm mặt là khâu chấn thương và phụ mổ, để hoàn thành chỉ tiêu này cần đi lâm sàng, đi trực nghiêm túc, xin vào phụ mổ, xung phong nhận bệnh để nhổ răng, khâu, trám…dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của thầy cô.
  • Về các sách lý thuyết: mình chủ yếu đọc giáo trình tiếng việt, bao gồm tất cả các giáo trình của khoa, đặc biệt là sách Chữa răng Nội nha, với nha chu, răng trẻ em, phẫu thuật miệng, chỉnh hình hàm mặt thì mình đọc sách của Y dược tp HCM, với Phục hình, Phẫu thuật hàm mặt và bệnh lý miệng mình đọc sách của Y Hà Nội, với nội nha mình đọc thêm sách Nội nha lâm sàng của Bs Bùi Quế Dương. Các thầy cô thường hay cập nhật kiến thức trong slide bài giảng nên đây cũng là những tài liệu quan trọng nên đọc. Vì các môn học đều có làm power point nhóm để trình bày, nên cần tìm đọc thêm tài liệu nước ngoài, đặc biệt là hình ảnh minh họa phải đúng và phong phú, nên tìm các từ khóa bằng tiếng anh để có được nguồn tài liệu dồi dào, các từ khóa tiếng anh này thường có trong các đề mục hoặc ở phần phụ lục trong giáo trình mình đã kể trên. Tài liệu nước ngoài hay đã dịch hoặc chưa dịch thường đươc share trên facebook trong các group hay các trang chuyên ngành răng hàm mặt. Một trang web rất hữu ích các bạn nên ghé thăm là trang web của thầy Hoàng Tử Hùng với lượng kiến thức vô cùng lớn và cập nhật.
  • Advertisement
  • Về thi lâm sàng: thi thủ thuật (phẫu thuật miệng 2) và thi bệnh án, trình bệnh (tất cả các môn). Thi bệnh án và trình bệnh nên đâu tư thời gian, kĩ càng ngay từ bước khám và khai thác bệnh sử của bệnh nhân (cần miềm nở và tôn trọng bệnh nhân), chú trọng phần biện luận, chẩn đoán phù hợp và đưa ra hướng điều trị hợp lý, các kiến thức để làm bệnh án cũng chủ yếu từ các giáo trình mình đã kể trên. Một số môn đặc biệt như Phục hình thì nên lấy dấu đổ mẫu nghiên cứu, Răng trẻ em thì chỉ định điều trị phải dựa vào tuổi bệnh nhân, tuổi răng,…
  • Về thi lý thuyết, khoa mình chủ yếu ra đề trong giáo trình của khoa nhưng ra rất chi tiết và đòi hỏi nắm chắc kiến thức nên cần đọc sách thật kĩ và hiểu để làm bài tốt.
  • Về việc học ngoại ngữ: mình nghĩ rất cần thiết (chủ yếu là tiếng anh), hơn nữa vì sắp ra trường nên cần tăng cường học hơn, đầu tư để lấy chứng chỉ ngoại ngữ là một lý do quan trọng

III. Lời kết

Trên đây là những thứ mình đúc kết được sau khi hoàn thành năm 5, việc đi lâm sàng hay học lý thuyết đều quan trọng như nhau nên khi làm việc gì cũng cần chú tâm, đừng chăm chăm đọc sách khi đang đi lâm sàng hay đừng nghỉ học lý thuyết để đi thêm lâm sàng.

Chúc các bạn có được chiến lược học tập hiệu quả.

Giới thiệu Trần Thị Hạnh Dung

Check Also

[Y khoa] Danh sách các trường y toàn cầu

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG Y TOÀN CẦU World Directory of Medical Schools Những ngày gần …