Học và thực hành các kĩ năng để bảo mật thông tin và sự riêng tư cho bệnh nhân nếu bạn muốn trở thành một nhân viên y tế chuyên nghiệp, bệnh viện chuyên nghiệp.
Câu chuyện bắt đầu từ vấn đề khác biệt văn hóa, đôi khi ở Việt Nam không chú trọng nhiều về bảo mật thông tin cho bệnh nhân, có khi người nhà sếp này bị bệnh gì là cả khoa biết, hay ai đó bị bệnh gì là cả xóm biết hay đem ra bàn tán. Nhiều người làm ăn đầu tư sẽ gặp sự cố lớn nếu thông tin sức khỏe của họ bị lộ ra ngoài, hay nhiều trường hợp bị kì thị và mắng nhiếc khi họ bị bệnh lây nhiễm. Dù là người nổi tiếng hay người bình thường, thì thông tin về sức khỏe cá nhân đều được bảo vệ.
Mình xin chia sẻ góc nhìn về bảo mật thông tin được thực hành ở bệnh viện Singapore như sau:
- Khi khám cho bệnh nhân này thì bệnh nhân khác KHÔNG ĐƯỢC ngồi chờ ngay trong phòng khám. Vì họ có thể nghe thấy cuộc trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân.
- Chỉ có các nhân viên y tế trực tiếp điều trị mới được phép có mặt ở trong các buổi khám. Nếu bạn là nhân viên y tế nhưng KHÔNG THAM GIA ĐIỀU TRỊ thì bạn cũng không được phép có mặt. Trước khi khám bác sĩ sẽ giới thiệu từng người trong team nhân viên y tế, và vai trò, lí do vì sao họ có mặt trong buổi khám này.
- Khi người nhà bệnh nhân nhận thuốc thay hoặc làm thủ tục thay, cần phải xuất trình ID/passport và đọc đúng thông tin bệnh nhân, xác nhận đúng người nhà mới được hỏi thông tin hay nhận kết quả thay.
- Trong các phiếu hỏi bệnh luôn luôn có câu: Your answers are for our records only and are strictly CONFIDENTIAL (Câu trả lời của bạn để chúng tôi làm bệnh án và được bảo mật nghiêm ngặt).
- Các thông tin cá nhân của bệnh nhân (vòng đeo tay có thông tin của bệnh nhân, giấy tờ của bệnh nhân…) sau khi ra viện sẽ được thu hồi, cho vào 1 cái thùng rác chuyên biệt, và sau đó các thứ này cũng được xử lí riêng bằng cách đem nghiền nát giấy này, rồi tái chế, và không ai lấy được thông tin bệnh nhân.
Kể một câu chuyện tưởng đùa mà thật: Một bệnh nhân đi khám ở một viện lớn ở HN, đi nội soi đại tràng và có kí phiếu trước khi vào soi. Chẳng hiểu sao các phiếu khám này (trên đó có thông tin và SĐT của bệnh nhân và người nhà) lại rơi vào tay của mấy người bán hàng online thực phẩm chức năng, và gọi điện chào mời, người nhà ban đầu tưởng là bác sĩ gọi nhưng hóa ra là gọi bán thực phẩm chức năng và thuốc đông y. Cũng may bạn người nhà bệnh nhân là Dược sĩ nên cảnh giác chứ không thì rất nhiều người bị lừa rồi.
Còn sau đây là một số vi phạm quyền riêng tư, mà có thể kể cả người thực hành cũng không biết/ không để ý/ không có thời gian để để ý (Các bạn theo dõi thêm video nhé)
- Trao đổi thông tin của người bệnh nhưng xung quanh có rất nhiều người có thể nghe thấy được.
- Để giấy tờ hồ sơ của bệnh nhân không đúng nơi quy định, vứt bừa bãi ở chỗ nhiều người đi lại có thể dễ dàng nhìn thấy.
- Nhân viên y tế hay trò chuyện và chia sẻ thông tin của bệnh nhân một cách thoải mái, kể cả chia sẻ với những người không trực tiếp điều trị.
- Chưa xử lí tốt các giấy tờ, hồ sơ không cần lưu lại của bệnh nhân, thậm chí có thể thấy các phiếu xét nghiệm, kết quả của bệnh nhân được cho bác bán bánh mì ngoài cổng viện để tận dụng giấy thừa.
… Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Năm 1996, Health Insurance Portability and Accountability Act (HIPAA) – Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế đã được chính phủ liên bang Hoa Kỳ ban hành nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh cũng như người hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế. Các quy tắc bảo mật HIPAA được ban hành cùng với rất nhiều tài liệu hướng dẫn cách phát hiện và phòng tránh vi phạm.
Còn ở Việt Nam có quy định nào không thì mọi người chia sẻ thêm cho mình biết với nhé.
Nguồn: Dung Le – Diễn đàn Bác sĩ Trẻ Việt Nam