[COVID-19] HẢI DƯƠNG, SÀI GÒN & HÀ NỘI

Rate this post
Kể từ 0:00 ngày 16/2/2021:
– Cả tỉnh Hải Dương bị phong tỏa.
– Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, quán trà đá, cà phê và các di tích; dừng toàn bộ các lễ hội.
Tính đến thời điểm bị phong tỏa, toàn tỉnh Hải Dương có tổng số 499 ca bệnh COVID-19, trong đó 300 ca liên quan đến ổ dịch thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn, còn lại 199 ca ở các làng xã thuộc nông thôn.
Địa bàn Hà Nội có tổng số 36 ca nhiễm.
So với năm đợt bùng phát dịch trước đây trong cả nước, đợt bùng phát dịch thứ sáu này có tâm dịch ở Hải Dương với đặc điểm nổi bật là hiện tượng lây lan ở các vùng nông thôn, chiếm 40% số bệnh nhân. Hiện tượng lây lan này xảy ra ngay cả ở những làng xã đang bị cách li. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho số ca mắc trong đợt dịch này nhanh chóng áp đảo, với 679 ca, chiếm 50% ca lây nhiễm trong nước kể từ đầu vụ dịch.
Cẩm Giàng là một ví dụ điển hình.
Vào ngày 2 tháng 2, huyện Cẩm Giàng phát hiện trường hợp đầu tiên, đó là một người đàn ông 44 tuổi, khởi phát bệnh từ ba ngày trước với các triệu chứng sốt, ho và đau họng. Xét nghiệm những người tiếp xúc gần, kết quả thêm 5 ca dương tính, trong đó có hai nữ nhân viên karaoke, ba người còn lại gồm vợ, mẹ vợ và con trai.
Hơn chục ngày sau đó, kết quả sàng lọc trên địa bàn nông thôn huyện Cẩm Giàng có 71 ca dương tính, cứ 2000 người thì có có 1 ca COVID-19, con số biết nói ấy cho thấy ba đặc điểm: tỉ lệ mắc cao, tốc độ lây lan nhanh, mối liên quan tới yếu tố gia đình và quan hệ cộng đồng mạnh.
Đợt bùng phát dịch thứ sáu này, có hai thành phố lớn nhất với mật độ dân số đông nhất cả nước, đó là Sài Gòn và Hà Nội. Sài Gòn có tổng số 35 ca nhiễm đều liên quan đến nhân viên của một công ti thuộc sân bay Tân Sơn Nhất. Thủ đô Hà Nội có tổng số 36 ca, nhưng mới chỉ ghi nhận 27 ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch khu trú từ một nhà máy ở vùng ngoại ô, còn lại 7 ca liên quan trực tiếp đến tâm dịch Hải Dương và 2 người đàn ông Nhật Bản mới phát hiện chưa rõ nguồn lây.
Tại sao dịch lại bùng phát ở những ngôi làng nông thôn đáng lẽ phải là nơi “an toàn” với COVID-19?
Huyện Cẩm Giàng, là trung tâm sự chú ý của dịch bệnh hiện nay, với dân số hơn 158 ngàn người, diện tích 108 km2; mật độ dân số không đông, dân số phân bố đồng đều ở 17 xã. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 2 tháng 2, nhưng đến ngày 5 tháng 2 đã thực hiện cách li triệt để cả huyện, nhưng số bệnh nhân chỉ thực sự tăng lên những ngày sau đó, tăng nhanh đến mức chóng mặt.
Các làng xã khác ở Hải Dương cũng rơi vào tìn trạng tương tự.
Rõ ràng có một nghịch lí, dịch bệnh COVID-19 lây qua đường hô hấp, về nguyên tắc sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các thành phố có mật độ dân số đông đúc, ít xảy ra ở nông thôn thưa thớt; bằng chứng là diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới đều tuân theo quy luật này. Nhưng đợt dịch thứ sáu đã ngược lại, Sài Gòn vẫn đang an toàn, Hà Nội cũng tương tự đang trong tầm kiểm soát, trong khi Hải Dương chỉ kiểm soát được ổ dịch thành phố Chí Linh, còn lại các làng xã dù đã cách li nhưng đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Nghịch lí này theo tôi có 2 điểm nổi bật.
Điểm nổi bật đầu tiên, đó là các hoạt động tụ tập đông người, có liên quan đến văn hóa và lối sống, đặc biệt là những thói quen không phù hợp với quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn của người dân.
Là người theo vết các ca bệnh cẩn thận, tôi nhận thấy “đám cưới ở Hải Dương” là một trong số những từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các bản tin truy vết F1, thậm chí thời điểm đầu bùng phát dịch tôi liên tục nghe thấy từ khóa này.
Người Việt, nhất là ở nông thôn đám cưới thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Cỗ bàn ba ngày. Theo phong tục tập quán ở quê, đám cưới phải mổ lợn, gà thịt bắt buộc vài trăm con, bày cỗ ít nhất ba ngày. Khách mời cả làng, thậm chí cả xã, mời hết bạn bè từ nơi rất xa, quy mô đám cưới được tính bằng đơn vị hàng trăm mâm cỗ, số lượng mâm cỗ thể hiện vị thế và uy tín của gia chủ. Trong các gia đình nông thôn Việt Nam mà tôi biết, mọi nhà đều có một cuốn sổ lớn ghi số tiền trong chiếc phong bì của những người đã từng đến ăn cỗ, sau đó họ có nghĩa vụ đi ăn cỗ “giả nợ” cũng với đúng số tiền như vậy, dù bận đến mấy hay xa đến mấy cũng sắp xếp đi ăn. Nếu là họ hàng thân thích, đi ăn cỗ là phải đầy đủ cả gia đình, thiếu một người dù đó là trẻ con sẽ rất phiền phức, gia chủ hỏi rất nhiều và những người khác thì nhìn vào đánh giá nọ kia.
Hãy thử tưởng tượng, đám cưới ở làng quê Bắc Bộ được tổ chức vào mùa đông, trời lạnh giá, số lượng khách lên tới hàng nghìn người tập trung dưới một khung bạt quây kín gọi là rạp cưới, bàn kê sát bàn, khách quý được xếp vào những căn phòng chật kín, cửa sổ và cửa ra vào đương nhiên đóng chặt. Và những đôi đũa dùng trong bữa cỗ, nó không bao được khử trùng bằng nhiệt độ cao, thâm chí thiếu đũa thì sẽ được tráng rửa qua loa để quay vòng; đũa ấy sẽ liên tục chọc vào các đĩa thức ăn, những người đàn bà mút chùn chụt, những người đàn ông gắp thức ăn cho người khác và cũng mút.
Chẳng ai đi ăn cỗ lại đeo khẩu trang.
Trăm phần trăm (100%)…
Dô!
Trăm phần trăm…
Dô!
Trăm phần trăm…
Uống!…
Sau đó nhất thiết phải có màn bắt tay từng người.
Người Việt có đặc điểm, nếu người bên cạnh nói to, thì mình sẽ phải nói to hơn và nhiều hơn, trong bữa cỗ ai cũng phải cố gắng nói to hơn và nhiều hơn. Phô trương đã trở thành văn hóa. Nhà hàng xóm cỗ cưới ba ngày thì nhà mình phải bốn, hàng xóm 200 mâm thì cưới con mình phải 300, sĩ diện và so sánh là nét văn hóa rất đặc trưng của nông thôn vùng quê Bắc Bộ.
Là một bác sĩ, tôi đã từng đi ăn cưới ở những vùng quê và nhận thấy, điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn tương đối kém, thiếu phương tiện khử trùng, hầu hết bát đĩa không được vệ sinh đúng cách, không gian kín, tập trung đông người, không khí kém lưu thông, người dân ý thức bảo vệ phòng chống bệnh truyền nhiễm rất kém, đám cưới nông thôn trở thành tụ điểm có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Uống rượu đám cưới ba ngày nên xét nghiệm COVID-19.
Tôi lấy ví dụ đám cưới diễn ra ngày 18 tháng 1, nhà trai đưa dâu từ huyện Nam Sách (Hải Dương) về Ba Vì (Hà Nội), chỉ riêng mỗi chiếc xe đưa dâu 16 người thì có 11 người dương tính, nên được ví là chiếc xe siêu lây nhiễm.
Đám hiếu cũng tương tự đám cưới.
Hầu hết đám bốc mả diễn ra vào cuối năm âm lịch, chưa kể ma chay, đều phải tổ chức linh đình, ăn uống và tụ tập đông người. Những từ khóa như “liên hoan”, “tiệc tất niên”, đi “siêu thị” cũng nằm trong nhóm xuất hiện với tần số cao nhất truy vết F1 của đại dịch COVID-19 ở vùng nông thôn.
Cỗ bàn đám cưới hay đám hiếu, không khó để khắc phục, chỉ cần chính quyền yêu cầu người dân không tổ chức, hoặc tổ chức trong giới hạn để phòng chống dịch bệnh, thì tôi tin chắc đa số sẽ chấp hành.
Nhưng thói quen sinh hoạt hàng ngày mới đáng lo.
Thói quen nhỏ nhất mà tôi quan sát thất, hầu hết các bà và các mẹ ở quê cho trẻ ăn, thường thổi thức ăn cho nguội và đút thức ăn vào mồm mình trước. Tôi đã có thống kê bỏ túi về lây truyền vi khuẩn HP gây loét dạ dày tá tràng từ mẹ sang con theo cách này. Đại dịch COVID-19, theo tôi, vấn đề lây truyền bệnh qua những phương thức nhấm nháp thức ăn, gắp chung đũa càng phải nghiêm túc xem xét.
Tôi thích cách làm của người Trung Quốc, trong đại dịch COVID-19, chính quyền phát động “đôi đũa công cộng”. Nghĩa là, trong mâm cơm sẽ có một đôi đũa chung, dùng để gắp thức ăn vào bát từng người, đôi đũa ấy không được dùng riêng để tránh lây lan mầm bệnh.
Một thói quen ăn sâu vào gốc rễ của làng quê Việt, mà theo tôi đó có thể đó là nguyên nhân chính lây truyền dịch bệnh, đó là thói quen ngồi lê đôi mách, mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “buôn chuyện”, thuật ngữ lóng hơn gọi là “bà Tám”. Chỉ một chuyện nhỏ nhưng cả làng xã đều nhanh chóng biết. Nông thôn Bắc Bộ những tháng ngày mùa đông cuối năm đúng dịp nông nhàn, lại có nhiều hoạt động liên quan đến cỗ bàn, có thời gian tụ tập ăn uống hát karaoke, nên chuyện tụ tập từng nhóm người bàn tán là không tránh khỏi. Chỉ cần một người mắc, thì gia đình, những người hàng xóm gần xa, sẽ đều mắc thành chùm ca bệnh.
Khác với những đô thị lớn, ví dụ như Hà Nội, nơi tôi ở là tòa chung cư cao cấp, chỉ dùng duy nhất cầu thang máy dùng chung. Trong mùa dịch bệnh, khi vào cầu thang máy ai cũng đeo khẩu trang, mọi người đều ý thức im lặng, không nói và không cười. Ra khỏi cầu thang máy, ai vào nhà nấy, mọi người không quan tâm đến chuyện của nhau, không ngồi lê đôi mách tụ bạ bàn tán. Mọi người vẫn nghĩ, ở các tòa chung cư chỉ cần có một ca nhiễm COVID-19 thì sẽ bùng nổ cả tòa nhà vô số ca mắc, nhưng thực tế ngược lại. Bằng chứng các tòa T6 Times City, hay 88 Láng Hạ, mặc dù có ca nhiễm nhưng chính quyền nhanh chóng dỡ bỏ phong tỏa vì xét nghiệm cư dân đều âm tính.
Sài Gòn khi xảy ra ổ dịch liên quan đến một công ti ở sân bay Tân Sơn Nhất, bạn bè tôi sống trong đó hoảng sợ, nhưng tôi cho rằng dịch không bùng phát và hoàn toàn kiểm soát được. Hà Nội cũng vậy, từ khi dịch xảy ra ở Đà Nẵng, cho đến giờ là Hải Dương đã tác động đến Hà Nội mà ai cũng lo mất kiểm soát, nhưng vẫn đứng vững. Ca bệnh chuyên gia Nhật Bản tử vong cũng thế, hành trình tiếp xúc của chuyên gia rất nhiều, nhưng tôi vẫn có một niềm tin rằng dịch bệnh sẽ không bung và toang ở thủ đô trong hoàn cảnh hiện tại.
Advertisement
Tôi dự báo dù ca bệnh chuyên gia Nhật Bản rất phức tạp nhưng Hà Nội sẽ không bung và không toang!
Hà Nội người ta không sang nhà hàng xóm chơi, điều này ngược với nông thôn, do thời gian rảnh rỗi nên có thể ngồi với nhau vài tiếng, uống chung chén trà, hút chung điếu thuốc lào. Nông thôn thưa thớt giống như giãn cách xã hội. Nhưng với COVID-19, chỉ cần lỗ thủng nhỏ bằng đầu kim thì gió lớn cũng lọt, vi rút sẽ tấn công ồ ạt có thể gây mất kiểm soát. Đó chính là lí do tôi dự báo dù Sài Gòn hay Hà Nội ở tình thế rất nguy hiểm nhưng vẫn an toàn, các vùng nông thôn ở Hải Dương đang nỗ lực căng mình đánh đuổi COVID-19 nhưng dịch vẫn bùng phát rất phức tạp.
Điểm nổi bật thứ hai tôi muốn nói, đó là năng lực của hệ thống y tế địa phương, thực sự vẫn yếu kém trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhìn vào bức ảnh đồng nghiệp chia sẻ, nhân viên y tế địa phương mặc bộ quần áo chuyên dụng phòng chống dịch như phi công bay vào vũ trụ, nhưng khẩu trang y tế thông thường ở bên trong, sau đó là khẩu trang N95 phòng chống vi rút ở bên ngoài với dây đeo vòng qua đầu thắt buộc phía sau; đây là bức ảnh toát lên những hạn chế của y tế địa phương.
Đồng nghiệp có thể không hài lòng với tôi về nhận xét này.
Nhưng đó là sự thật! Để ngăn vi rút đường hô hấp, phải là khẩu trang N95 ôm sát chặt lấy mặt, đến mức rất khó thở. Có thể một số đồng nghiệp dùng khẩu trang y tế lót bên trong, như vậy sẽ dễ thở hơn, nhưng chỉ cần kẽ hở như lỗ kim thì gió lớn cũng lọt, huống chi vi rút SARS-CoV-2. Chưa kể khi nhân viên y tế cởi đồ, sẽ phải tháo khẩu trang N95 đầu tiên, sau đó đến bộ đồ phòng dịch, mà trên bộ đồ đó đang có rất nhiều vi rút khi cởi ra sẽ hít phải. Đáng lẽ, quy trình cởi bỏ bộ đồ phòng chống dịch, thì khẩu trang sẽ phải là thứ cởi ra cuối cùng, thì một số nhân viên lại làm ngược lại.
Tôi ghi nhận đóng góp vô cùng quan trọng của các nhân viên y tế địa phương, các bạn phòng chống dịch rất tích cực, nhưng khoảng cách về năng lực vẫn còn xa, các bạn cần biết điều này để xóa dần và lấp đầy nó.
Theo tôi, để phòng chống dịch hiệu quả cần có ba thế chân kiềng vững chắc, đó là chính quyền, y tế, cùng với người dân hợp nhau thành khối sức mạnh. Đã đến lúc Việt Nam nên chuyển sang chống dịch bằng sự hiểu biết tích cực, chống dịch bằng trí tuệ, chứ không phải là nỗi sợ hãi để tìm cách xua đuổi vi rút bằng mọi cách.
Tôi tin Hà Nội sẽ không bung và toang!
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Phan Thị Phước Thảo

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …