Có một câu hỏi rất nhiều người quan tâm: Làm thế nào để giảm nguy cơ viêm cơ tim khi tiêm vắc xin COVID-19?
Một bác sĩ cùng khoá đại học cũng vừa hỏi tôi câu này.
Bình thường khi bạn đi tiêm chủng, nhân viên y tế sẽ yêu cầu bạn vén áo bên cánh tay không thuận, quay mặt đi, một mũi kim sẽ đâm vào đúng vị trí cơ Delta.
Quay mặt đi là tránh ‘mặt đối mặt’ lây COVID-19.
Nhưng tại sao lại tiêm vào cơ, mà không phải tiêm dưới da, hay không chọc thẳng vào mạch máu để nhanh tác dụng và tăng hiệu quả, thậm chí tiêm thẳng luôn vào mũi nơi cửa ngõ vi rút tiếp xúc? Và tại sao lại tiêm vào tay không thuận, mà không tiêm vào đùi, hay tiêm vào mông?
Hầu hết vắc xin có hai thành phần: phần chính là kháng nguyên đặc hiệu với vi rút, phần phụ là chất tá dược bổ trợ giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch.
Khi tiêm vắc xin dưới da, phần tá dược dễ gây kích ứng, chai cứng, viêm, hình thành u hạt, đổi màu da. Hơn nữa, lớp mỡ dưới da với đặc điểm hệ mạch kém, nên khả năng huy động và xử lí kháng nguyên chậm, là nguyên nhân dẫn đến vắc xin kém hiệu quả.
Tổ chức cơ là nơi lí tưởng để tiêm vắc xin.
Không giống như lớp mỡ dưới da, cơ có nguồn cung cấp máu tuyệt vời giúp phân tán vắc xin. Trong cơ có nhiều tế bào miễn dịch đuôi gai, những tế bào này hấp thụ kháng nguyên trong vắc xin một cách nhanh chóng, chúng di chuyển đến hạch bạch huyết, nơi xảy ra các phản ứng lớn của hệ thống miễn dịch. Tại đây, tế bào đuôi gai gặp các tế bào T và tế bào B, kháng nguyên được truyền lại để gặp các tế bào nhận diện, sau đó kháng thể bắt đầu được sản xuất. Với số lượng lớn tế bào đuôi gai, cơ chính là “vùng lắng đọng”, nơi vắc xin tồn tại trong một thời gian dài để sinh nhiều kháng thể, nhờ đó vắc xin tăng hiệu quả.
Với những đặc điểm như vậy, tổ chức cơ là “điểm mốc vàng – goldilocks” để tiêm vắc xin, phản ứng miễn dịch tạo ra không quá chậm mà cũng không quá nhanh.
Nếu tiêm vắc xin vào mạch máu thì sao?
Vắc xin tiêm trực tiếp vào mạch máu rất dễ bị phá huỷ. Trong máu có những tế bào miễn dịch không đặc hiệu, nó phân huỷ kháng nguyên trước khi đến hệ bạch huyết để gặp tế bào T và B, đồng thời tá dược bổ trợ có thể gây tình trạng viêm tổng thể rất nguy hiểm.
Mới đây, một nghiên cứu của Khoa Vi sinh Đại học Hồng Kông cho thấy, vắc xin mRNA tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch có khả năng gây viêm cơ tim nhiều hơn so với tiêm vào cơ. Nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm trên chuột, kết quả sau khi tiêm vào tĩnh mạch 24-48 giờ chuột xuất hiện viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Sau 14 ngày tiêm liều thứ hai thì tổn thương viêm nghiêm trọng hơn, với biểu hiện xâm nhập tế bào viêm, chết tế bào, hoại tử mô cơ tim, vôi hoá màng ngoài tim. Ngược lại, chuột tiêm bắp cơ không có hiện tượng này.
Để giảm nguy cơ tiêm vào mạch máu, nhóm nghiên cứu đã khuyến cáo quay trở lại phương pháp tiêm truyền thống, tức là tiêm vào cơ, hút ống tiêm đảm bảo máu không tràn vào xi lanh, nghĩa là không bị chọc kim vào mạch máu; sau đó mới bơm vắc xin. Nhóm cũng khuyến cáo khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em, nên tiêm vào đùi, thay vì tiêm vào cơ Delta trên cánh tay.
Khuyến cáo cũng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia cố vấn chiến lược chống đại dịch Hồng Kông, theo đó, để phòng viêm cơ tim do tiêm vắc xin, các chuyên gia cho rằng nên tiêm vào đùi thay vì cánh tay, cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Các chuyên gia giải thích, tiêm vào đù sẽ xa tim hơn, lượng vắc tin tiêm vào sẽ đi qua hệ bạch huyết ở bẹn, sẽ rất ít kháng nguyên của vắc xin có thể đến được tim. Ủy ban khoa học thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, cơ quan tư vấn cho chính phủ về chiến lược tiêm chủng, cũng đã khuyến nghị lựa chọn tiêm vào bắp đùi “như một nguyên tắc phòng ngừa” viêm cơ tim. Cho đến nay, Hồng Kông đã ghi nhận 83 trường hợp viêm cơ tim, trong đó có 34 trẻ vị thành niên từ 12-15 tuổi.
Bên ngoài Hồng Kông thì vẫn có sự tranh cãi.
Ví dụ như Đài Loan, nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương đã được triệu tập, các chuyên gia này cho rằng khuyến cáo của nhóm nghiên cứu Hồng Kông chưa có bằng chứng tiêm vào đùi sẽ giảm tỉ lệ viêm cơ tim.
Cũng như vậy, một số chuyên gia trên thế giới cho rằng động tác hút ống tiêm là không cần thiết, bởi không có dữ liệu nào chứng minh sự cần thiết của động tác này. Ngược lại, có dữ liệu cho thấy rằng việc chọc hút gây đau đớn hơn cho đứa trẻ. Vắc xin không tiêm ở những vùng cơ có nhiều mạch máu lớn. Với kích thước của kim và góc tiêm, rất khó để chọc được vào lòng mạch, chưa kể nếu có chọc vào thì khi bơm mũi kim cũng dễ xuyên qua mạch.
Đùi và mông cũng là nơi thích hợp để tiêm chủng, nhưng có hạn chế là tổ chức mỡ dưới da khá dày, nên đòi hỏi kim tiêm phải dài hơn. Vắc xin cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến được vòng tuần hoàn sau khi được lắng đọng trong chất béo, dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình xử lí với các tế bào T và B có liên quan đến phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, các vắc xin có thể bị biến tính bởi các enzym nếu chúng ở trong chất béo trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Vì lí do này, các chuyên gia Hồng Kông khuyến cáo những trường hợp béo phì, cần phải đánh giá độ dày của lớp mỡ dưới da vùng đùi, phải sử dụng kim đủ dài tiêm chạm đến lớp cơ.
Một hạn chế khác khi tiêm vào đùi, đó là việc phải mất thời gian vạch quần áo, nên người tiêm cần mặc quần đùi, váy, hoặc chí ít là quần rộng rãi dễ vạch ra để tiêm.
Bản thân tôi thấy một số người viêm vắc xin vào cơ Delta trên cánh tay, khi đến siêu âm kiểm tra vị trí tiêm có thể sưng nề, thậm chí sưng nề diện rộng, nổi hạch vùng nách trái và cổ trái theo nguyên tắc phản ứng của hệ thống bạch huyết, đôi khi có những trường hợp hạch viêm rõ ràng và tổn thương viêm thâm nhiễm mỡ xung quanh hạch. Tay trái rất gần tim. Có lẽ vì thế, vắc xin tiêm vào cơ Delta trên cánh tay sẽ chạy nhanh hơn đến tim, gây tình trạng viêm cơ tim cũng như viêm màng ngoài tim.
Tôi ủng hộ tiêm vắc xin vào đùi cho trẻ em!