EM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI
https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/
Chào các tân sv RHM, mình là sv RHM18-24B, cũng là khóa đầu tiên của trường theo học chương trình đổi mới y khoa của đại học Havard mà một số trường Y trong cả nước đã, đang và sẽ triển khai như Y Hà Nội, Y dược TPHCM, Y Thái Bình, Hải Phòng,… Với kinh nghiệm là 1 người đi trước và cũng là kinh nghiệm của 1 thế hệ sinh viên Y khoa đổi mới ( thực ra thì là RHM đổi mới 🙂 ), thông qua bài viết này, hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về chương trình mới, phương pháp học tập và 1 số môn học các em sẽ học và cách để…QUA MÔN 🙂
1. CHƯƠNG TRÌNH MỚI (MODULE) CÓ GÌ KHÁC VỚI CHƯƠNG TRÌNH CŨ?
– Hệ thống elearning phát triển: Bài giảng, hướng dẫn học tập được cập nhật trên elearning, trước khi lên lớp học phải làm pre-test, có thể có post-test. Thay vì học các môn học rời rạc, học xong là xong luôn thì đối với MODULE môn học đó có thể theo mình mấy năm học bằng cách chia nội dung của nó từ cái cơ bản ở mức độ phân tử tế bào đến phức tạp ở mức độ cơ thể ( ví dụ năm 1 học mức độ phân tử, năm 4 học cái còn lại). Một số môn liên quan đến nhau sẽ được gộp chung lại vào một module và thi 1 bài thi tổ hợp (giống thi đại học hóa, sinh 1 bài thi) tạch 1 môn thi lại cả module, đấy là chương trình như vậy nhưng vì là khóa đầu còn nhiều bất cập sai sót nên năm vừa rồi một số bộ môn phải tách module ra vì … tội sinh viên.
– Thời gian học trên lớp rút ngắn: số tiết học trên lớp sẽ rút ngắn thay vào đó việc tự học là chính, vì thời gian có hạn nên giảng viên chỉ giảng những cái trọng tâm và khó hiểu, còn đâu đa phần là phải tự tìm hiểu thêm từ giáo trình của bộ môn và tài liệu bên ngoài, và từ bài học đó để áp dụng vào các case lâm sàng (hay có trong đề thì lắm nha), và nhiệm vụ của sinh viên là phải chuẩn bị bài trước ở nhà, mình khuyên thật nếu không chuẩn bị bài trước ở nhà thì thôi buổi đó ở nhà hay lên thư viện tự học còn hơn, lên lớp nghe giảng như gió thổi ngang tai ấy, chỉ cần không chú ý 1 cái là từ đó trở về sau là mơ hồ luôn.
2. CÁCH HỌC HIỆU QUẢ NHẤT:
– Học bài trước khi đến lớp: trên hệ thống elearning bộ môn sẽ thường xuyên cập nhật slide bài giảng hay hướng dẫn học tập tùy bộ môn (tùy tâm), dựa vào đó để sinh viên tìm hiểu bài trước. Trước khi lên lớp khoảng 1 tuần thì bộ môn sẽ thông báo lịch làm pre-test, để xem sinh viên chuẩn bị bài như thế nào (thực ra thì cái này nó phải là tính chủ động của sinh viên nhưng đa phần nhiều bạn còn lười như nhờ bạn làm hộ, share đáp án…)
– Tự học: Cái này mình cực kì khuyến khích. Việc lên lớp học lý thuyết nó không quá bắt buộc, bộ môn cũng khá thoải mái, dễ dãi trong việc điểm danh (trừ khi vắng nhiều quá), nên ngoài thời gian tự học ở nhà thì cái thời gian lên giảng đường các bạn có thể chọn 1 nơi yên tĩnh như thư viện để học bài, vì lên lớp dễ mất tập trung, giảng viên cứ nói lên tục từ phần này qua phần khác, mình chỉ không hiểu phần này đọc lại cho hiểu hơn nhưng vì ồn ào => mất tập trung, mà không hiểu cái đó học phần sau liên quan cái đó cũng không hiểu luôn => mơ hồ, bế tắc.
– Nhóm học tập: là nơi chia sẻ kiến thức, tài liệu, và tám chuyện luyên thuyên trời đất. Nhiều bộ môn thường không chia sẻ slide bài giảng của mình lên elearning vì tính bảo mật, và trong slide có rất nhiều cái hay, cái mới mà trong giáo trình không có. Lên lớp chỉ cần 1 cái điện thoại chụp hình, về share vào nhóm là cả nhóm cùng học, riêng việc chia sẻ đáp án pre-test thì mình không khuyến khích nhé.
– Học, học, học…. và chơi: sinh viên y khoa đâu phải chỉ mỗi học, đôi khi phải thư giãn sau những khi học tập căng thẳng. Tham gia các câu lạc bộ để giao lưu và làm quen nhiều hơn, đi chơi, tham quan dạo quanh mọi danh lam thắng cảnh cùng bạn bè, nếu sắp xếp thời gian hợp lí thì thỏa sức quẩy…. tới bến.
3. NĂM 1 RHM HỌC NHỮNG GÌ?
– Chương trình học mới nên 1 số bộ môn sẽ soạn lại giáo trình cho sát với chuyên ngành hơn như tập trung vào các vấn đề liên quan đến Răng- Hàm- Mặt hơn, và các môn học sẽ khác hoặc có chút thay đổi so với những năm trước ( vd: Giải phẫu sẽ học vào năm 2 thay vì năm 1).
– Học kì 1 khá là dễ thở với những môn học đại cương có sự pha trộn giữa kiến thức phổ thông và nâng cao của ôn thi HSG cùng với một chút y học: Hóa học đại cương, Lý sinh y học, Tin học đại cương và ứng dụng, MAC 1, xác suất thống kê. Học kì 2 sẽ học những môn cận lâm sàng và cơ sở như: di truyền y học, vi sinh – ký sinh trùng, sinh học phân tử, tiếng anh chuyên ngành 1, MAC 2, Hóa sinh. Để hiểu rõ hơn về từng môn học thì mình sẽ phân tích sau đây:
+ Triết học Mac ( Mac1 2 tín, Mac2 3 tín): gồm 3 phần, năm 1 sẽ học 2 phần đầu, là cái môn cực kì dễ lấy điểm A nhưng cũng dễ mất điểm A nhất (thuộc bài là 1 chuyện, tâm trạng người chấm là 1 chuyện). Môn học này chủ yếu lên lớp điểm danh lấy điểm quá trình là chính, giảng viên sẽ trực tiếp điểm danh các bạn. Các giảng viên rất dễ dãi thoải mái trong việc cho điểm cộng cho những ai tham gia phát biểu. Cuối kì chỉ cần học thuộc, thuộc và thuộc thôi.
+ Lý sinh ( 2 tín): Nỗi sợ của biết bao nhiêu anh chị đi trước. Một môn học phải nói là 1 nồi lẩu thập cẩm: các bài học rời rạc không có liên kiết nhiều với nhau, giáo trình thì có sự pha trộn 1 chút giữa vật lý phổ thông, hình học phẳng và google. Việc tự học khá là vất vả, lý thuyết trên lớp thì giảng viên hầu như sẽ chia lớp thành các nhóm để soạn lại nội dung bài giảng ( file Word và PowerPoint) rồi tự thuyết trình ( Nội dung nên tham giảo giáo trình của bộ môn 1 phần và của 1 số trường khác như y Hà Nội, y dược TPCHM chẳng hạn,…) và nên gửi lại file word soạn lại của mình vào nhóm lớp để các bạn tham khảo vì đọc trong giáo trình của bộ môn rất khó hiểu. Thực hành môn Lý sinh cũng khá là dễ, các bạn chủ yếu là đi học đầy đủ chuẩn bị bài trước ở nhà, nếu không học mà bị giảng viên hỏi bài là cẩn thận trừ điểm thi đó.
+ Hóa học ( 3 tín): môn học này khá nhiều lý thuyết, chủ yếu là kiến thức cấp 3 và kiến thức nâng cao của HSG ( những bạn nào từng thi HSG Hóa chắc cũng sẽ thấy quen thuộc). Môn này mình nghĩ học kĩ trong giáo trình bộ môn là đủ rồi, và làm thêm bài tập trong sách bài tập của bộ môn, phần hữu cơ hơi khó hiểu thì có thể đọc thêm trên google là được, hoặc là sách thư viện, không cần phải học sâu xa những cái không học ( bởi vì nhiều môn khác là đề thi ra rộng lắm, không có học nhưng vẫn ra, trong giáo trình không có luôn). Học thực hành hóa học chủ yếu là cách sử dụng dụng cụ, thực hiện và quan sát hiện tượng, giảng viên cũng yêu cầu khắt khe trong việc đọc bài trước khi đến lớp, và sẽ hỏi bài đầu giờ trước khi vào bài học, tham gia phát biểu sẽ có điểm cộng vào bài thi thực hành (20% tổng điểm và đề thi TH thì khá là hóc). Nếu học kĩ kiến thức trong sách thì thi cuối kì không là vấn đề. Nói chung là môn này “dễ” cũng ngang môn Lý sinh, tỉ lệ điểm trung bình và rớt có khi đến 3/4 lớp. Đối với mình môn này khá là dễ ( mình được A, lớp chỉ có 2/126 người được A) nhưng ko hiểu sao nhiều bạn điểm thấp vậy !!!
+ Tin học đại cương và tin học ứng dụng (3 tín): Môn học tích hợp module đầu tiên của năm nhất, gồm 2 phần: phần tin học đại cương học chủ yếu về word, excel, và lý thuyết khác; phần tin học ứng dụng thì học cách sử dụng và lý thuyết về phần mềm thống kê SPSS. Hai môn này ngoài phần kiến thức cơ bản trong sách phải nắm vững và nên đánh đề trắc nghiệm ( bán đầy ngoài tiệm photo), vì chưa chắc học trong sách không thôi là đã làm được đâu nha. Nói chung là môn này dễ.
+ Xác suất thống kê ( 2 tín): Môn học khá là rối não, nhưng nếu hiểu bài thì không là vấn đề, chủ yếu là nắm vững và làm bài tập thật nhiều cho quen tay vì bố cục trình bày nó cũng quyết định điểm bài làm. Học thực hành môn này chủ yếu là giải các bài tập trong sách giáo trình và thực hành trên phần mềm SPSS ( Giống y môn tin học ứng dụng SPSS). Đề thi cuối kì thì bộ môn cũng không đánh đố sinh viên cả, đề có khó đi chăng nữa nhưng chắc chắn 1 điều là cái câu khó đó kiểu gì cũng đã từng làm 1 bài tương tự rồi, vì vậy để ý nghe giảng, làm hết các dạng bài tập trong sách thì mọi thứ easy. Những khóa trước là thì hoàn toàn tự luận, năm ngoái bắt đầu theo chương trình mới nên có trắc nghiệm 1 phần, nhưng sẽ có khả năng từ năm học mới này trở đi sẽ trắc nghiệm hoàn toàn, nên có thể việc học XSTK sẽ khó khăn với các bạn hơn, vì không có trắc nghiệm có sẵn để đánh đề này, dạng đề này mới quá nên mình không thể có nhận xét thêm gì, các bạn nên tham khảo bộ đề trắc nghiệm của trường y khác ( nếu có).
+ Hóa sinh ( 2 tín): giáo trình khá là logic, các bài học có sự liên quan chuyển hóa đến nhau, bộ môn khá là có tâm, xây dựng bài cho sinh viên khá tốt, sinh viên phải chuẩn bị bài trước ở nhà, làm pretest, từ bài học để áp dụng vào các case lâm sàng ( có nhiều case lâm sàng đi hơi sâu xa và không liên quan lắm, cái này là 1 điểm trừ). Tuy nhiên môn học này học cực kì khó nhớ, lại thêm tính logic giữa các mối liên hệ, đề thi cực kì chua chát , khá nhiều case lâm sàng nên việc học chắc, thuộc lòng kiến thức nó là nền tảng để đạt điểm cao môn này. Ngoài những kiến thức có trong sách ra thì còn có những kiến thức mở rộng trong slide của bộ môn nữa, những cái này nó đều áp dụng trong đề thi mà học trong sách chưa chắc đã làm được. Học TH bộ môn khá là thoải mái, cái này mình cũng không có gì để đề cập.
+ Di truyền y học ( 3 tín): giảng viên rất dễ dãi việc cho điểm cộng ( rất nhiều điểm cộng), giảng bài dể hiểu, tuy nhiên khá nhàm chán dễ gây buồn ngủ. Điểm trừ đó là bộ môn không có giáo trình cụ thể mà phải tham khảo sơ qua giáo trình của Đại Học Huế hoặc tài liệu tiếng anh (trong hướng dẫn học tập có ghi trong mục tài liệu tham khảo, ghi như vậy thôi chứ tìm được tài liệu đó online là cả 1 thử thách), chủ yếu sinh viên học bài qua slide mà slide chỉ cập nhật lên elearning khi kết thúc mỗi bài học nên việc đọc bài trước ở nhà khá là khó khăn, tìm tài liệu để đọc cũng khó ( nên xin slide bài giảng của khóa trước để học), vì thế đa phần là các bạn không có kiến thức nhiều dẫn đến lên lớp nghe giảng lý thuyết thấy mơ hồ. Thực hành môn di truyền phải nói là vui nhất trong các môn, giảng viên dạy nhiệt tình và hứng thú cho sinh viên, điểm cộng thì dạt dào có khi khỏi cần thi thực hành cũng được 10 điểm. Thi cuối kì thì đề khá là dài, bao gồm tất tần tật các kiến thức khi học thực hành như sử dụng ncbi, những câu hỏi giảng viên giải đáp trong giờ thực hành cũng có khả năng ra, học chắc kiến thức cũng chưa chắc đã làm bài tốt, vì nếu chậm mà chắc thì hết giờ cũng không xong, phải nhanh nữa. Đánh đề cũng là 1 phương pháp học tốt để cải thiện tốc độ làm trắc nghiệm.
+ Sinh học (2 tín): bài giảng của bộ môn cũng chủ yếu dịch từ tài liệu tiếng anh và được đăng lên elearning chứ không có giáo trình cụ thể, sinh viên có thể tham khảo thêm sách của bộ y tế. Đề thì cực kì dài mà thời gian thì khá là ít, khá nhiều kiến thức liên hệ thực tế, có khi những thứ mình học trong sách nhưng không có trong đề, để đạt điểm cao thì khó mà bị rớt cũng khó vì kiến thức liên hệ thực tế có thể có nhiều cái dựa vào kinh nghiệm khách quan cũng có thể làm được. Theo mình thì kiến thức trong giáo trình chỉ cần nắm cơ bản là được rồi, không cần phải thuộc lòng, kĩ càng như môn Hóa sinh, việc cơ bản là phải biết tiếp thu những cái cơ bản đó để áp dụng vào thực tế, vào những case lâm sàng, và chủ yếu là tiếp thu kiến thức nhờ đánh đề trắc nghiệm, các bạn có thể tham khảo đề thi của các trường y khác đang theo học chương trình MODULE, vì với chương trình mới việc đưa vào những câu hỏi case lâm sàng vào trắc nghiệm rất nhiều, trắc nghiệm cũ trước đây nó không sát dạng này lắm. Thực hành sinh học thì cũng dễ nên mình không có gì để nói cả.
+ Tiếng anh: gồm có tiếng Anh chuyên ngành ( năm 1 học 2 tín) và ngoại ngữ không chuyên. Tiếng Anh chuyên ngành thì bộ môn rất dễ dãi, chủ yếu là dạy các em cho có, đề thì cũng đã cho làm trên lớp hết 60% rồi còn lại dựa vào từ vựng, ngữ pháp, nếu cấp 3 học tốt môn tiếng Anh nắm vững các cấu trúc ngữ pháp thì để đạt điểm 9 rất dễ. Ngoại ngữ không chuyên tuy không phải là 1 môn học tính trong điểm tổng kết nhưng nó là điều kiện để có thể ra trường sau này ( Bằng tiếng anh B1) đầu năm học các bạn sẽ được test đầu vào tại Đại học ngoại ngữ để phân lớp học tiếng Anh rồi đăng kí học ở đây theo thông báo của nhà trường, có thể học bằng tiếng Anh ở bên ngoài trường miễn sao khi quy đổi phải tương đương hoặc cao hơn B1 và phải còn hiệu lực cho đến khi tốt nghiệp ( học ở Đại học ngoại ngữ thì có thể thi từ năm 1 nhưng đến khi tốt nghiệp họ mới trao bằng cho mình còn nếu học bên ngoài thì phải đến gần năm cuối rồi mới thi, thi sớm năm từ ,1 năm 2 là ra trường bằng hết hạn).
+ Vi sinh, Kí sinh trùng ( 5 tín): 2 môn tiếp theo đáng lẽ thi theo kiểu tích hợp module như môn tin học nhưng vì 1 số sinh viên môn này điểm cao, môn kia bị cấm thi chẳng hạn nên đến gần cuối kì vừa rồi phải tách ra thi riêng vì tội sinh viên và cũng vì là năm đầu thực hiện nên sinh viên cũng bỡ ngỡ và cũng chưa có sự thống nhất giữa 2 bộ môn ( vi sinh 2 tín, kst 3 tín). Theo mình thì KST dễ học hơn vi sinh và cũng nhiều tín chỉ hơn nữa nên sẽ ưu tiên học môn này hơn rồi mới đến vi sinh. Hai môn này chủ yếu là lý thuyết học cực kì rối não và khó thuộc (kst dễ học hơn), cả 2 bộ môn thì đều soạn riêng hẳn 1 quyển trắc nghiệm từng bài cho sinh viên đánh đề và đề thi thì chủ yếu lấy từ trong đây ra và có thể tùy biến hơi khác đi, nếu học thuộc không não thì sẽ không làm được nhưng nếu nắm vững kiến thức trong sách nữa thì hai môn này khá dễ lấy điểm A, vì đề thi ra khá là kiến thức cơ bản, không có đánh đố hay logic gì nên dễ suy ra, nhưng cái quan trọng là trắc nghiệm thì không có đáp án, đáp án trên mạng của tập trắc nghiệm chỉ để tham khảo chứ không đúng hoàn toàn, có nhiều câu tra sách cũng không có nên rất dễ bị nhầm lẫn đáp án ( mình nghĩ đáp án này đúng nhất những có thể nó sai chẳng hạn, đáp án đề thi có nhiều cái không ngờ lắm). Thực hành thì khá là dễ và cả 2 bộ môn đều rất tạo điều kiện cho các bạn kiếm điểm thi thực hành cao nha, thi giữa kì thì giống cuối kì thôi đều từ sách trắc nghiệm mà ra cả.
Vậy thôi là hết năm nhất rồi đó các bạn, trên đây chỉ là kinh nghiệm của riêng mình thôi, tuy cũng không phải là tốt nhất nhưng nó cũng giúp mình có được kết quả học tập khá tốt. Hẹn gặp lại các tân sinh viên Răng – Hàm – Mặt vào lễ kết nghĩa giữa sinh viên năm 2 và năm 1 sắp tới vào đầu năm học mới, lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp mọi thắc mắc và thủ khoa lớp RHM2 sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm học tập hơn cho các bạn. Good bye!!!