[SÁT CÁNH CÙNG Y BÉ 2019] Kinh nghiệm Răng Hàm Mặt năm 4 – Y Huế

Rate this post

XEM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/

 

Chào các bạn sinh viên Y, cũng như các em sắp trở thành sinh viên Y, xin tự giới thiệu một chút, mình là NGUYỄN ĐĂNG KHOA, khoảng 35 ngày nữa là mình trở thành sinh viên năm 5 ngành Răng Hàm Mặt, trường ĐH Y Dược Huế rồi.

Bài viết này của mình bao gồm 3 phần:

  1. Khủng hoảng năm 1
  2. Ngoại ngữ và các hoạt động ngoại khoá
  3. Tóm tắt (Dành cho các bạn thông minh, đọc 1 hiểu 10)

Okayyy, bắt đầu phần đầu tiên nào!

I. KHỦNG HOẢNG NĂM 1

  • Ít hay nhiều, các bạn sinh viên sẽ trải qua một giai đoạn – giai đoạn chuyển tiếp từ những năm tháng phổ thông tươi đẹp, nhiều tình yêu và đầy màu hồng, đến giai đoạn trở thành một sinh viên năm 1 với vô vàn những câu hỏi mà các bạn (có thể) chưa tìm ra câu trả lời: ví dụ như là Ngành học của em có nặng hay không? Cơ hội việc làm như thế nào? Em có nên ôn thi nội trú từ năm 1 hay không? Học Y bận thế thì có người yêu được không anh chị ơi? … và vạn vạn câu hỏi vì sao nữa.
  • Cũng không thể trách các bạn khi ở Việt Nam, chúng ta chưa có những định hướng cụ thể để các bạn có cái nhìn toàn diện và chọn ngành nghề phù hợp, đa số sẽ chọn ngành theo lời khuyên của bố mẹ, theo xu hướng. Tuy nhiên bài viết hôm nay sẽ không đi sâu về vấn đề này, ở đây mình mong nếu bạn nào đã chọn ngành Y (vô tình hay hữu ý) thì hãy “LOVE WHAT YOU DO”. (đại ý là HÃY TẬP YÊU CUỘC SỐNG CỦA SINH VIÊN Y VÀ NGÀNH Y NHÉ).
  • Đầu tiên, hãy bỏ hết những “câu hỏi nhỏ” về tương lai qua một bên đã nhé. Việc trước tiên cần làm đó là

 

BƯỚC 1: MUA 1 QUYỂN SỔ + HÃY XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU LỚN CHO BẢN THÂN.

  • Các bạn sẽ hỏi: Tại sao cần phải xác định mục tiêu? Đôi khi mình thấy mục tiêu có vẻ xa vời và mơ hồ quá? Xác định mục tiêu rồi cũng bỏ không thôi. Chẳng có ích gì.

 

  • Câu trả lời: Ban đầu, mục tiêu của bạn sẽ chưa được định hình một cách rõ ràng, đó có thể chỉ là một ý tưởng le lói, đó đôi khi chỉ là một sự thích thú tạm thời khi bạn đi khám bệnh về tai ở bệnh viện và bạn gặp một bác sĩ với nụ cười thân thiện làm bạn rớt tim, sau đó bạn lập tức suy nghĩ mình sẽ trở thành một bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Cứ thoải mái mơ mộng, và viết tất cả những thứ bạn thích vào QUYỂN SỔ bạn đã mua. Sau khi đã viết hết, hãy bắt đầu suy nghĩ và khoanh tròn 4 HÌNH MẪU bạn muốn trở thành nhất tương ứng với CÂU HỎI: TÔI SỐNG ĐỂ LÀM GÌ? Và 4 hình mẫu ứng với các mốc thời gian sau: 1 hình mẫu cho sau 1 tháng, 1 hình mẫu cho sau 6 tháng (1 học kì), 1 năm và cái cuối cho sau 6 năm (hoặc 4 năm tuỳ thuộc ngành học). Cứ đến thời điểm mốc thì cần phải xem lại mình đã làm được những gì với hình mẫu nhé, chứ nếu chỉ để hình mẫu và các bạn quên luôn nó thì không có tác dụng đâu.

 

Tác dụng của HÌNH MẪU như là biển chỉ dẫn, nó sẽ hướng bạn đi theo con đường mình đã chọn mà ít bị xao nhãng và phân tán bởi các việc khác.

 

Ví dụ:

Với chủ thể là sinh viên RHM đang phè phỡn mùa hè 6 tuần chuẩn bị lên năm 5, thích màu tím và sự chân thật, thích đi du lịch nhưng mắc bệnh viêm màng túi, ngoài ra còn thích bơi, bóng rổ và đọc tóm tắt của những quyển sách có bìa đẹp nhé các bạn.

 

 

Mốc thời gian Hình mẫu Cần thực hiện
1 tháng Sinh viên mùa hè 1.    Đi du lịch ít nhất 1 nơi

2.    Tập gym rèn luyện sức khoẻ

3.    Học thêm 1 kĩ năng hoặc rèn luyện kĩ năng tiếng Anh

6 tháng Sinh viên mùa thi Lo học bài từ đầu kì đi mấy chế
1 năm Sinh viên mùa thi thấy … à mà thôi Như trên
4 năm Bác sĩ RHM Thực tập nâng cao kĩ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp

 

Một lần nữa, khi đã “nhìn thấy hình mẫu”, chúng ta sẽ ngay lập tức hình dung được những việc cần phải làm. Vì vậy, mục tiêu/ hình mẫu của bạn càng rõ ràng sẽ càng có lợi cho bạn. Lời khuyên của mình đó chính là có một MỤC TIÊU LỚN (hình mẫu 4 năm/6 năm), từ đó xây dựng các mục tiêu nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa để dễ thực hiện và hoàn thiện được mục tiêu của mình.

 

Và tin mình đi, những hình mẫu này có thể sẽ thay đổi khi mà thời gian qua đi, khi mà bạn có những câu trả lời khác cho những CÂU HỎI của chính mình thông qua những trải nghiệm của bản thân.

 

Nhân tiện đây, mình cũng giới thiệu cho các bạn một kĩ năng mà chúng ta thường đã sử dụng rồi nhưng mà chưa ai sử dụng nó một cách hiệu quả: FUTURES LITERACY. Một cách đơn giản, tương lai là thứ mà chúng ta tưởng tượng và nhờ có tương lai mà hành động trong hiện tại của chúng ta thay đổi, và thay đổi một cách mạnh mẽ. Nếu ngày mai bạn có bài kiểm tra giữa kì thì tối hôm trước bạn cần ôn tập thật kĩ càng, có khi bạn làm cú đêm vì nước đến cổ rồi mà bạn vẫn chưa chịu nhảy ấy chứ, hay là nếu tháng 9 đến bạn có kế hoạch đi Thái Lan thì bạn cần đặt vé, rồi lên kế hoạch và học vài câu tiếng Thái nè.

Mình sẽ để link để các bạn đọc thêm về kĩ năng này nhé:

https://en.unesco.org/themes/futures-literacy

 

Đấy, BƯỚC 1 chủ yếu là hãy suy nghĩ về HÌNH MẪU trong tương lai để rồi chúng ta có mục đích để hướng tới nhé.

 

  • BƯỚC 2: TẬP TRUNG HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU

+ Khi đã có những mục tiêu lớn rồi thì hãy tập trung vào việc thực hiện những mục tiêu đó. KHÔNG XAO NHÃNG, KHÔNG LÀM QUÁ NHIỀU NHỮNG VIỆC KHÔNG HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU.

+ Như đã nói ở trên, chia nhỏ mục tiêu của mình và hoàn thành nó. Mình rất tâm đắc một câu: “A journey of a thousand miles begins with a single step.” (Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân), tương tự như việc đọc sách, hãy nhớ rằng bạn không bắt đầu quyển sách bằng cách đọc 1 chương sách, bạn bắt đầu khi bạn cầm nó lên, mở trang đầu tiên, đọc TỪ đầu tiên, câu đầu tiên, đoạn đầu tiên, … Ở đây mình muốn nhấn mạnh rằng khi đã có mục tiêu LỚN, hãy bắt đầu bằng các mục tiêu NHỎ, thực hiện nó bằng 1000% sự cố gắng của bản thân.

 

  • BƯỚC 3: TẬN HƯỞNG CUỘC SỐNG SINH VIÊN Y
  • Các bạn là sinh viên, các bạn có quyền sai, nhưng không được LẶP LẠI lỗi lầm của mình. Chắc mình cũng cần nhắc lại một số điều: Đó là hãy bắt đầu học tập và cố gắng ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc sống sinh viên.
  • Thời gian trôi qua rất nhanh và nó không chờ đợi ai cả. Bạn nghĩ bạn có thời gian nhưng thực sự, 4 năm hay 6 năm nó rất ngắn, hãy lăn vào cuộc sống sinh viên, hãy lăn vào đời để trải nghiệm.
  • Cuối cùng cho mục này, HÃY TẠO CHO MÌNH MỘT (VÀ NHIỀU) THÓI QUEN TỐT. Bởi vì nó là tiền đề cho 1 tương lai tốt đẹp cho chính bản thân bạn.

II. NGOẠI NGỮ VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ

Sinh viên sẽ được đánh giá trên 2 tiêu chí: Điểm HỌC TẬP và Điểm RÈN LUYỆN. Tuy nhiên, Điểm HỌC TẬP sẽ được đánh giá cao hơn.

Vì vậy, với các bạn sinh viên năm 1 mới vào học Y, lời khuyên của mình là tập trung học để “thích nghi” với môi trường sinh viên, khi đã quen rồi thì tìm kiếm CLB Học thuật hoặc CLB hoạt động xã hội/thể thao trong trường để tham gia nhé. Và nên nhớ rằng, việc tham gia CLB cần phải phù hợp với HÌNH MẪU mà mình đã tạo ra, ví dụ như là tham gia vào CLB Karatedo/ Vovinam để rèn luyện sức khoẻ, tăng cân để đẹp trai hơn =)) Đấy nhé.

 

  1. NGOẠI NGỮ
  • A: Ngoại ngữ quan trọng như thế nào? Mình chẳng thấy nó quan trọng gì cả.
  • B: Chưa cần bàn cãi quan trọng nhiều hay ít, ra trường phải có bằng tiếng Anh chuẩn B1 đã, vậy thì chắc chắn phải đưa vào hình mẫu rồi. Sau 6 tháng, thi hoàn thành chứng chỉ A2, sau 1 năm, hoàn thành chứng chỉ B1 và chém gió được vài câu tiếng Thái: Sa-wa-dee-krap ;))

 

Ở đây, mình sẽ không cố thuyết phục các bạn tiếng Anh quan trọng như thế nào, về bản thân mình, tiếng Anh đã mang đến cho mình 3 lợi ích:

  1. Tự tin hơn, vui vẻ hơn
  2. Tìm kiếm được các NGUỒN THÔNG TIN giúp cho việc học tập lẫn các hoạt động khác
  3. Giúp mình có thêm nhiều LỰA CHỌN

 

  • Trong lúc học, mình nhận thấy đôi khi sách ở trường viết hơn ngắn gọn nên mình thường tìm thêm những nguồn sách ebook để đọc thêm, vừa nâng cao khả năng tiếng Anh, vừa nâng cao kiến thức. Sách có thể tìm được ở hai nguồn nhé: một là ở thư viện trường và hai là qua mạng. Không biết ở trường ĐH Duy Tân như thế nào chứ ở Thư viện trường ĐH Y Dược Huế, sách chuyên ngành Tiếng Anh và cả Tiếng Việt rất nhiều, mình có thể dành cả ngày trong đấy … để ngủ cũng được (hic hic).

Nói đùa chứ, THƯ VIỆN TRƯỜNG là một nơi các bạn cần thường xuyên lui tới trong quá trình sinh viên và ngay cả sau ĐH nhé. Ở đó có vô vàn đầu sách để bạn tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy nhiên, đừng để số lượng quá nhiều đó làm bạn choáng ngợp nha, NHỚ rằng KHÔNG XAO NHÃNG, tập trung vào HÌNH MẪU.

  • Tiếng Anh giúp mình có thêm nhiều LỰA CHỌN: lựa chọn về hướng đi tiếp theo, lựa chọn về địa điểm làm việc, … Cái này mỗi người tự suy ngẫm nha. Trên mạng viết quá nhiều rồi.
  • Về việc học tiếng Anh thì để kể ra học như thế nào, phương pháp nào là tốt thì mình nghĩ mỗi người sẽ có một phương pháp học khác nhau, và mình nghĩ là các bạn sẽ chỉ học khi bạn có một MỤC TIÊU rõ ràng và LÝ DO ĐỦ LỚN.
  • Các bạn chỉ cần nhớ rằng để học tiếng Anh chuyên ngành thì bạn cần có vốn tiếng Anh thông thường đủ dùng, bởi vì sách tiếng Anh chuyên ngành không viết 100% bằng những từ chuyên ngành (đúng không?).

 

  1. HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ

Đối với mình, các hoạt động ngoại khoá chính là một cách để các bạn tự tìm hiểu chính con người mình, các bạn là người có tố chất lãnh đạo hay là một người “follower”, các bạn yêu thích điều gì, và nhiều điều các bạn có thể khám phá nữa.

Một số lời nhắn nhủ của mình dành cho các bạn sinh viên Y:

  1. Tham gia hoạt động phù hợp với hình mẫu và không ảnh hưởng học tập
  2. Không tham gia quá nhiều CLB Đội/ Nhóm
  3. Hãy làm từ những việc/ chức vụ nhỏ nhất và làm với hết khả năng của mình

Bản thân mình là một sinh viên RHM, mình sẽ chọn các hoạt động liên quan về ngành học của mình, ngoài ra mình cũng sẽ chọn một số hoạt động liên quan về việc trau dồi khả năng tiếng Anh. Cùng xem qua một số hoạt động mình đã tham gia trong 4 năm qua nhé:

  • Tham gia CLB Tiếng Anh và CLB Bóng rổ – Trường ĐH Y Dược Huế và các hoạt động liên quan trong trường
  • Tham gia Hội Sinh Viên Nha Khoa Châu Á – Thái Bình Dương (APDSA)
  • Tình nguyện viên – phiên dịch viên trong các chương trình: Thăm khám Từ Thiện Nha Khoa tại Thừa Thiên Huế; chương trình Pacific Partnership 2018, 2019; chương trình Pacific Angel 2018
  • Tham gia Futures Literacy Lab “STEM SPEAK” 2018; Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ I

 

Mỗi chương trình, mỗi hoạt động ngoại khoá sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm khác nhau. Khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, được gặp gỡ và tiếp xúc với các bác sĩ, điều dưỡng nước ngoài và các bạn sinh viên từ khắp mọi miền Việt Nam, mình đã học hỏi được thêm rất nhiều điều mà có lẽ bản thân sẽ khó hiểu được khi chỉ đọc sách và đi học ở trường: đó có thể chỉ đơn giản là việc giao tiếp giữa bác sĩ/ điều dưỡng và bệnh nhân, có thể chỉ là một sự cố gắng khi nói “Xin chào” bằng tiếng Việt của các bác sĩ nước ngoài với bệnh nhân Việt Nam và còn vô vàn những điều tuyệt vời khác.

Ngoài việc học hỏi ra thì tham gia các chương trình sẽ mang đến cho các bạn trải nghiệm về những vùng đất mới, xem ảnh của mình tiếp nhé (cho có động lực học tiếng Anh tham gia hoạt động ngoại khoá hehe)

Ảnh  1 Hướng dẫn các em nhỏ ở Indonesia đánh răng (APDSA MYM 2018)

III. TAKE HOME MESSAGE

  1. Cần xác định MỤC TIÊU và CỐ GẮNG trong mọi việc, ngay cả việc chơi nha haha (WORK HARD, PLAY HARDER)
  2. Tiếng Anh, hay hoạt động ngoại khoá, chỉ là phương tiện, HỌC TẬP cần đặt lên hàng đầu, nhất là khi chúng ta là các bác sĩ tương lai.

 

PS: Đọc 2 cái trên thì không cần đọc tiếp cũng được nè. Cái này mình chỉ kể về trải nghiệm của mình khi là một sinh viên Răng Hàm Mặt thôi.

Vào một ngày mình bất ngờ nổi hứng đến bệnh viện để quan sát (“shadow”) các bác sĩ điều trị, đến gần cuối buổi, mình nhớ là lúc 11h thì mình được giao nhiệm vụ đó là Lấy sạch vôi răng cho bệnh nhân (Giang hồ hay gọi là Cạo cao răng đó các bạn).

Advertisement

Mình vui vẻ nhận bệnh nhân, mời bệnh nhân lên ghế, chuẩn bị dụng cụ, ngặt cái là mấy cái đầu lấy vôi siêu âm “xịn” đã được rửa và đem đi hấp và khử khuẩn tẩy trùng rồi. Okayy, mình vẫn tự tin vào khả năng của mình, lấy một đầu cạo vôi siêu âm ‘tròn tròn’ rồi ngồi xuống ghế, đội mũ mang găng sẵn sàng điều trị. Mình không quên chào hỏi bác. Cũng tầm tuổi 50 như bố mình nhưng mà bác bệnh nhân mang trong người bệnh lí tim mạch trông già hơn tuổi với mái tóc muối tiêu. Mình bảo bác là nếu lúc nào có hơi ê hay có gì không thoải mái thì cứ đưa tay trái lên, mình sẽ dừng lại và bắt đầu miệt mài chơi đùa với vôi răng của bác.

Trước lúc lấy vôi cũng có khám qua, thì thấy mặt trong vùng răng cửa trước hàm dưới nhiều vôi răng, cộng thêm kinh nghiệm của một sinh viên đang thực tập lấy vôi với 5 chỉ tiêu cạo + 5 chỉ tiêu phụ cạo cao, mình sẽ dành nhiều thời gian để cạo vùng đó hơn các vùng khác.

Khổ nỗi đầu lấy vôi không xịn lắm, mình ngồi miệt mài lấy mãi mà không sạch vôi răng, còn chưa kể đến vết dính trên thân răng haha. Thật sự lúc đó vôi răng bay ra miếng nào mình vui miếng đó vì lấy mãi không hết. Bác bệnh nhân cũng mệt vì chờ đợi cả buổi sáng và bị mình “hành hạ”, mình cũng đói một chút rồi haha.

Kết thúc buổi điều trị vào lúc 12h hơn một lúc, bác bệnh nhân trong bộ áo quần của bệnh viện đưa tay vào túi quần, lấy ra chiếc ví đã sờn cũ màu nâu của mình. Với giọng Quảng đặc trầm, bác nói cảm ơn mình và bảo mình là bác muốn gửi mình ít tiền để mình uống sữa chứ nhìn mình ốm quá, chắc vì vậy mà lấy vôi lâu quá. Mình chỉ cười và bảo là “Bác giữ lại đi, mua sữa thêm để uống, bồi dưỡng sức khoẻ, bác khoẻ mạnh là con vui lắm rồi. Con cảm ơn bác nhiều lắm.” Và không biết lúc đấy có một thế lực nào đấy đã đẩy mình đến ôm bác một cái (may là bác không sợ người mình bẩn hehe), thật sự là lúc đấy mình cảm thấy xúc động, và cũng bất ngờ, bất ngờ vì người bệnh nhân đáng mến đã tin tưởng mình, mình biết là với kĩ năng của sinh viên năm 4 như mình lúc đấy, đôi khi bác cảm thấy không thoải mái nhưng bác vẫn cảm ơn và cười với mình. Mình còn bất ngờ vì mình trải nghiệm được một điều mới lạ khi mình là một sinh viên Răng Hàm Mặt, một sinh viên Y, mình thấy nó khá là thú vị đấy chứ, khi bạn và bệnh nhân quan tâm nhau như là những người thân.

Vậy đấy, trong con đường trở thành một bác sĩ, bạn sẽ trải qua nhiều khó khăn nhưng mình tin chắc, sẽ có những điều kì lạ tuyệt vời sẽ giúp bạn tự tin vững bước.

 

Các bạn có thể đọc quyển “ĐỂ YÊN CHO BÁC SĨ HIỀN” của BS. NGÔ ĐỨC HÙNG để có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống sinh viên và bác sĩ nhé.

Nếu các bạn có bất kì thắc mắc gì thì liên hệ với mình thông qua các địa chỉ sau nè:

 

Cảm ơn các bạn đã đọc đến tận đây nè! 😉

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu Trần Thị Hạnh Dung

Check Also

[Y khoa] Danh sách các trường y toàn cầu

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG Y TOÀN CẦU World Directory of Medical Schools Những ngày gần …