XEM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI
https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/
Tác giả: Sinh viên Tô Thị Lợi
Học kì I:
- Y học cổ truyền: 3 trình gồm lâm sàng và lí thuyết.
Về lâm sàng: sẽ đi lâm sàng 2 tuần ở bệnh viện y học cổ truyền tỉnh và bệnh viện trung ương. Chị đi ở bệnh viện tỉnh nên chỉ nói những thứ ở bv tỉnh nhé. Thầy cô thoải mái, giảng bài kĩ càng, bệnh viện yhct rất yên tĩnh và không khí khác hẳn với các bệnh viện khác nên học rất thoải mái. Mỗi ngày đều có thầy cô dạy lâm sàng, thực hành châm cứu, mỗi lớp tự liên lạc với giáo viên để có phòng học, nên đi sớm chút để có chỗ dễ nghe và dễ nhìn thầy cô làm mẫu. Về thi lâm sàng thì có hai phần là thi lí thuyết 80 huyệt gồm tên huyệt, tên đường kinh, vị trí, cách xác định và tác dụng. Kinh nghiệm là nên học nhóm, ngồi nghĩ ra câu chuyện “điên điên” về cái huyệt đó để cùng nhau nhớ và ngồi đố nhau là nhanh thuộc nhất mà không bị chán. Vì thời gian đi lâm sàng ngoài lúc thầy cô dạy và tự châm cứu thì đa số là rảnh nên học nhóm rất thích hợp. Về thi châm cứu thì bốc thăm 5 huyệt và bốc thăm giáo viên. Các bạn cùng một giáo viên tự lập nhóm với nhau để bắt cặp châm cứu cho nhau. Thầy cô cho thời gian để ngồi xác định huyệt cho nhau sau đó mới thi.
Về thi lí thuyết: môn nào muốn điểm cao thì theo lí thuyết là đọc bài trước, đi học nghe thầy cô giảng và về nhà đọc lại bài ngay trước khi kiến thức trôi theo gió, đó là trường hợp lí tưởng cho tất cả các môn ^^. Trường hợp của cổ truyền thì thi có điền khuyết nên để ý lời giáo viên nói trên lớp, lời nói thường nằm trong điền khuyết. Còn lại thì trắc nghiệm, đề cũ và sách thôi là đủ oke rồi, nhưng cũng đừng chủ quan vì mấy thầy cô chủ trương nâng cao chất lượng đề.
- Mắt: môn 3 trình gồm lâm sàng và lí thuyết.
Về lâm sàng thì nhẹ nhàng, thầy cô nói ngay từ đầu là các em lớn rồi nên có muốn học hay không thì tự quyết thầy cô không quản. Ngoài giờ lâm sàng học trong phòng giao ban, ai muốn đi lâm sàng thì lên phòng khám còn không thì về hoặc có thánh siêng thì qua lâm sàng răng hàm mặt ngay bên cạnh phòng khám mắt. Lâm sàng thầy cô dạy rất hay, đặc biệt thầy Năm rất nổi tiếng với những câu hỏi rất thú vị. Thi lâm sàng là 20 câu hỏi chiếu slide, hỏi các loại triệu chứng, chẩn đoán, giải phẫu… phần lớn nằm trong tập slide ôn thi lâm sàng. Về thi lí thuyết học kì chủ yếu nằm trong tập trắc nghiệm và đề cũ, thầy cô có đổi đề nên cũng đừng chủ quan.
- Tai mũi họng: 3 trình gồm lâm sàng và lí thuyết. Đi lâm sàng rất khoẻ và thoải mái, chú ý những buổi lâm sàng của thầy Thái thì phải đi đúng giờ. Thi lâm sàng là thi tự luận gồm 3 câu, một câu vẽ hình và hai câu tự luận. Còn thi lí thuyết học phần thì phần lớn nằm trong tập trắc nghiệm, thầy cô vẫn có đổi đề đôi phần, phần lí thuyết của sách cũng tương đối nhiều nên cần học sớm. Nhìn chung các môn khoa lẻ của học kì này khá nhẹ nhàng nên không cần quá lo lắng.
- Phẫu thuật miệng 2: Gồm phần lâm sàng và lí thuyết. Lâm sàng thì tuỳ vào thời gian và tình hình của thầy mà lựa chọn cách thi. Ví dụ như lúc đó thầy có thời gian thầy sẽ cho chia ra nhóm 4 người làm chung một bệnh, bệnh nhân do mình tự chọn, các thành viên của nhóm sẽ làm chung bệnh án đến phần tóm tắt- biện luận- chẩn đoán và điều trị thì làm riêng. Mỗi người in thành một bản nộp cho thầy. Sau đó lớp liên hệ thầy để thi vấn đáp. Lớp chị thi thầy Tài nên chị chỉ biết cách hỏi thi của thầy Tài. Thầy Tài thì chủ yếu hỏi bệnh toàn thân, đặc biệt những lời thầy nói trên lớp thì thầy hỏi hết sau đó mới hỏi mấy câu trong bệnh án. Thầy cũng có để ý hình thức bệnh án và có so sánh các bệnh án với nhau rồi hỏi tại sao bạn này làm như này mà bạn kia lại không, đặc biệt thầy hay để ý phim x quang nên cần chuẩn bị tất cả các câu hỏi liên quan đến xquang cho tốt. Thầy hỏi một câu và lần lượt từng bạn trả lời cho tới khi đủ thì thôi. Thầy Tài thì quan trọng em học được gì và áp dụng được gì trên lâm sàng. Do đó khi thầy hỏi những câu lâm sàng thì em nên trả lời thực tế lâm sàng không nên quá lí thuyết. Còn trường hợp thầy bận thì chỉ làm bệnh án nộp mà không hỏi thi.
Về thi lí thuyết thì bài thầy nào thầy đó ra đề. Đề thi hay có vài câu trong phần trắc nghiệm sau sách của Lê Đức Lánh. Sách thì đọc sách Lê Đức Lánh và sách của khoa, còn muốn nhìn trực quang thì youtube rất nhiều. Theo chị nghĩ thì nên đọc sách của Lê Đức Lánh trước sau đó đọc sách trường mình vì theo chị thấy có nhiều kiến thức khá tương đương nhưng sách trường mình chia mục rõ ràng nên em có thể hệ thống kiến thức tốt hơn, sau khi đọc sách Lê Đức Lánh nắm kiến thức thì đọc sách trường để hệ thống lại là ổn nhất. Nói chung phần thi lí thuyết cũng không quá khó do thầy cô chưa ra đề lâm sàng nhiều mà chủ yếu tập trung vào lí thuyết nên em nào siêng đọc kĩ lí thuyết thì điểm cao thôi.
- Bệnh lí miệng 3: Gồm phần sổ lâm sàng, bệnh án và thi lí thuyết học phần. Phần đi lâm sàng với thầy Minh thì phải đi đúng giờ vì thầy đi sớm, để bị vắng hay trễ thì hơi vất vả. Sổ lâm sàng thì cần một cuốn mới chứ không nên lấy sổ đã ghi trước rồi. Tốt nhất là ghi vào sổ gần giống một cái bệnh án tóm tắt: bắt đầu từ hành chính đến lí do vào viện đến quá trình bệnh lí, thăm khám thực thể và chức năng, các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán của em và biện luận cho chẩn đoán đó, hướng điều trị như thế nào, bệnh phòng đã điều trị như thế nào, lược đồ phẫu thuật ra sao. Nên theo dõi bệnh hằng ngày, khi theo dõi thì ghi vào sổ quy trình khám từ đầu, có vẽ hình rõ ràng.
Bệnh án vẫn là bệnh án nhóm, bệnh thầy chỉ hoặc tự chọn, nên tự chọn bệnh từ sớm khi bắt đầu đi lâm sàng vì đằng nào cũng sẽ có nộp bệnh án thi. Tốt nhất là sau khi chọn được bệnh thì liên hệ báo thầy, tiến hành khám và làm bệnh án như thường, bệnh nhân có mổ thì đi vào phòng mổ chụp hình, coi quy trình mổ và có thắc mắc gì thì hỏi phẫu thuật viên tại sao lại làm như vậy luôn cho khoẻ. Sau khi bệnh nhân mổ về thì theo dõi hằng ngày, có chụp hình kèm theo quá trình hồi phục của bệnh nhân. Về bệnh án thì thầy rất chú trọng từ ngữ nên khi dùng từ phải trau chuốt và dùng từ nào phải giải thích được từ đó vì lúc thầy hỏi phải trả lời được tại sao lại dùng nó.
Về thi lí thuyết học phần thì thi tự luận gồm 4 câu hỏi. Dạng tình huống và có lí thuyết đơn thuần, câu hỏi bám sát với phần lí thuyết thầy dạy. Khi làm tự luận nên viết sát lâm sàng ví dụ như đưa ra tình huống đó thì em tưởng tượng bệnh nhân đang ngồi trước mặt và bắt đầu khám từ đầu, hỏi những cái gì, cận lâm sàng đã làm gì và nên làm gì thêm, hướng đến chẩn đoán nào và tại sao lại nghĩ đến chẩn đoán đó. Những bài thi đơn thuần viết giống lí thuyết sách giáo khoa thì điểm tầm trung không quá cao.
- Phục hình 3 – phục hình tháo lắp nền nhựa: Gồm phần tiền lâm sàng, bệnh án (cái này tuỳ vào thời gian) và thi lí thuyết cuối học phần.
Tiền lâm sàng chia cặp và tự chọn kiểu mất răng, một người làm hàm trên người kia làm hàm dưới. Đầu tiên là bước lấy dấu Alginate, bước này khá vất vả và tốn kém vì yêu cầu lấy hết thắng môi, má, lưỡi, ngách hành lang, tam giác hậu hàm và lồi củ. Cái này thuộc kinh nghiệm lâm sàng mỗi người mỗi khác nên chị không muốn nói rõ cách làm ra ở đây. Khi mình làm nhiều thì mình tự khắc rút được kinh nghiệm cho mình. Tiếp theo là mua giá khớp đơn giản, mua răng nhựa, mua sáp và đổ mẫu thạch cao đưa lên giá khớp. Khi tạo kiểu mất răng thì làm sống hàm tiêu nhiều lên răng sẽ đẹp hơn.
Bệnh án thì khá là bất thường, vì lớp chị gần thi học kì mới đi phục hình nên không có thời gian trình bệnh, cuối cùng thầy cô quyết định bỏ phần bệnh án.
Thi kết thúc học phần: đề thi ra rất kĩ trong sách trường, đổi từng chữ rất nhỏ nên tốt nhất là học thuộc luôn. Đáp án ra kiểu không sai hoàn toàn mà là nó không đúng hoàn toàn như trong lí thuyết thì là sai nên khó suy luận. Làm bài kiểu này rất ức chế nên muốn không ức chế thì học thuộc luôn cho dễ chọn. ^^ Ngoài phần ức chế ra thì câu hỏi khá hay, sát với lí thuyết và đánh vào những phần quan trọng. Nên hỏi cô bài nào cần học trong sách trường bài nào cần học thêm trong sách khác để biết nguồn tài liệu mà học.
- Chỉnh hình răng mặt1: không có lâm sàng mà chỉ có thi lí thuyết cuối học phần. Đây là học phần khá khó nên cần đầu tư thời gian ngay từ đầu để làm quen với phần kiến thức mới. Phần ra thi thì không phải đánh đố hay dạng lâm sàng mà chủ yếu là đọc kĩ sách. Câu hỏi thường là số liệu hoặc bê nguyên câu nằm đâu đó trong sách và hỏi đúng sai, trắc nghiệm 5 chọn 1. Muốn làm được thì quan trọng là siêng đọc sách.
- Nha chu 2: Gồm lâm sàng và lí thuyết. Bộ môn có một số giảng viên mới nên khá thay đổi. Học lí thuyết có phần làm về biểu mẫu nha chu, tức là bảng câu hỏi khi khám lâm sàng tránh bỏ sót và dễ lưu trữ. Mặc dù khi đưa vào lâm sàng vẫn còn các vấn đề nhưng qua việc học các cách mới đó thì cũng rút ra nhiều cái hay. Trên lâm sàng thì có chuẩn bị sẵn tình huống lâm sàng để cùng nhau thảo luận về case đó. Học các triệu chứng của bệnh và các hướng chẩn đoán của bệnh đó. Cùng thảo luận nên phát hiện được nhiều vấn đề và biết mình hổng kiến thức ở đâu mà bổ sung cũng là cách học tập thú vị. Chị thấy quan trọng là các em chủ động. Chủ động liên hệ giảng viên và tự chọn một bệnh nhân để thảo luận về case đó và giải quyết thắc mắc thì chắc chắn thầy cô sẽ nhiệt tình tham gia còn mình thì thấy đi lâm sàng đỡ tẻ nhạt khi phải đứng nhìn hoài.
Phần bệnh án nhóm 6-8 người làm bệnh tự chọn. Học lí thuyết có dạy làm bệnh án nha chu nên khi làm cứ theo đó mà làm. Khi trình bệnh thì cử một bạn đọc bệnh án sau đó từng người lên ngồi đối diện thi vấn đáp với các cô. Tìm đọc mọi thứ liên quan đến bệnh án, kể cả những cái cơ bản, đừng nghĩ mấy cô sẽ hỏi quá cao siêu.
- Răng trẻ em:
Là môn học kết tinh của nhiều môn học nên phải chú trọng. Gồm lâm sàng và lí thuyết. Môn này thi giữa kì và lâm sàng cũng khá nhiều thứ. Thi giữa kì thì gồm 20 câu với câu nhiều lựa chọn, câu điền khuyết, câu nối, câu tình huống đủ cả. Thi lâm sàng thì có hai phần, phần bệnh án và trình bệnh, thứ hai là phần viết tự luận về tình huống lâm sàng. Phần bệnh án thì cũng khá giống những môn khác, chia nhóm 8-9 người, bệnh nhân tự chọn. Thi vấn đáp thì quan trọng là đọc các kiến thức liên quan bệnh án, đọc phim, giả thiết các câu hỏi giáo viên sẽ hỏi. Thi răng trẻ em khoẻ hơn là trước đêm thi giáo viên sẽ gửi về bộ câu hỏi thi vấn đáp nên các em dễ hơn trong vấn đề ôn thi. Thứ hai là thi tình huống lâm sàng, ra một tình huống hỏi cần phải khai thác thêm những gì, cần làm thêm xét nghiệm gì, đọc phim, hướng chẩn đoán và điều trị. Về thi lí thuyết cuối học phần thì không có gì đặc biệt, đọc sách trường, sách bộ Y tế.
Học kì II:
- Da liễu: gồm lâm sàng và lí thuyết.
Đi lâm sàng 2 tuần bên trung ương, cả lớp không chia nhóm. Đi lâm sàng thì chia phòng để khám và theo dõi vì cô rất hay hỏi sinh viên ở bệnh phòng. Học lâm sàng 9 buổi là 9 bài cộng thêm bài tổn thương cơ bản là 10 bài. Lâm sàng da liễu khá nhiều nên học từ sớm, bài nào xào bài nấy, học sách giáo khoa, slide của cô, đặc biệt là lời thầy cô nói rất hay ra trong đề thi. Học thì cô Cao Nguyên không cho slide nên cần chọn chỗ ngồi trước để chụp slide về học, cô Trà My sẽ gửi slide nên không được dùng điện thoại trong lớp, thầy Khoa dạy hay nhưng giọng hơi khó nghe nên chọn chỗ bàn đầu nghe cho dễ vì thầy nói nhanh và thường ra thi trong lời thầy nói. Bữa lâm sàng đầu tiên cô sẽ phổ biến hôm nào ai dạy nên cần chú ý để đi học. Về thi lâm sàng thì khá là căng thẳng, thi 10 câu mỗi câu tầm 20-30s gì đó, mỗi người ngồi một bàn và không bao giờ được quay sang bạn bên cạnh vì dễ bị đánh dấu bài và cho thi lại (50k lệ phí ^^). Học bài kĩ từng chữ nhỏ, chữ màu đỏ, hình trong slide vì hay ra thi.
Về thi cuối học phần thì trắc nghiệm các năm, sách giáo khoa, lời giảng viên nói, slide, đề cũ, bài nào thi thực hành rồi thì không thi lí thuyết nữa. Đọc sách kĩ vì hay ra những cái nhỏ nhỏ trong sách, thầy cô đều có xu hướng đổi đề nên không được chủ quan.
- Thần kinh: Một môn khá khó trong các môn khoa lẻ. Gồm lâm sàng và lí thuyết. Môn này cần đi trực và trình bệnh. Khi trình bệnh thì chọn tầm 2 bệnh để trình và thay đổi để khi thi ra trong 2 bài này là đủ vất vả rồi. Lúc dạy thì thầy có nói những cái gì thầy sẽ ra thi nên chú ý cái đó. Tài liệu ôn thi lâm sàng thì có rất nhiều trên Drive, giải để biết cảm giác nhưng thực ra khi thi thì giống những cái thầy dạy trên lâm sàng hơn.
Về thi kết thúc học phần thì khá khó, khi em giải đề cũ thì em sẽ bị sốc vì độ khó của đề, ai cũng như vậy thôi nên cũng yên tâm. Sách thì dày, kiến thức thì khó nên đương nhiên cần đầu tư thời gian. Đặc biệt những lời thầy nói trên giảng đường sẽ rất quý báu khi em giải đề vì những cái đó không có trong sách mà trên mạng thì tràn lan. Tài liệu trên mạng có kênh youtube Osmosis Vietnamese rất hay và dễ hiểu, các em có thể tham khảo.
- Nha khoa hiện đại và Nghiên cứu khoa học trong nha khoa: hai môn này mời thầy Hùng từ Sài Gòn ra dạy. Hai môn này sẽ thi tự luận, thầy Minh ra đề. Slide bài giảng thì có trên trang wed của thầy Hoàng Tử Hùng, các em download về để gửi bài giảng cho thầy Minh để thầy biết các em học gì mà ra đề. Thi tự luận nên phải học thuộc mà viết thôi. Slide thầy có những chỗ rất logic, cũng có những chỗ không thể hiểu được tâm ý của thầy nên slide cảm giác rất rời rạc, khó nhớ nên cố gắng đầu tư thời gian để học thuộc.
- Phẫu thuật hàm mặt 2: Học hai bài là Khe hở môi vòm miệng và Kĩ thuật tạo vạt trong hàm mặt. Slide thầy Minh sẽ gửi, có trong drive nên ai muốn học sớm thì xin anh chị khoá trên trước vì lúc gần cuối năm thầy mới sắp xếp lịch học. Chỉ có 2 slide nên chú ý kĩ từng slide. Đề có trắc nghiệm, điền khuyết, liệt kê. Thầy đổi toàn bộ đề nên đừng có tư tưởng ôm đề cũ.
- Chỉnh hình răng mặt 2: Học phần này có tiền lâm sàng và lí thuyết cuối học kì. Tiền lâm sàng là gồm phần bẻ móc, làm khí cụ Hawley và phân tích phim sọ nghiêng. Bẻ móc và khí cụ Hawley. Bẻ móc thì chọn 2/6 hình để bẻ, thép nên chọn thép 0,9mm vì thép 10 có ưu điểm là ít đàn hồi giúp giữ được hình dạng nhưng cứng quá khó bẻ. Khâu bẻ móc quan trọng là chọn kềm tốt, kềm của khoa tương đối cũ nên nếu có đầu tư thì nên đầu tư một cái kềm vuông tròn để bẻ các góc vuông và góc cong được tốt hơn. Bẻ móc thì nên làm nhóm, người này chỉ người kia vì làm nhiều thì mới có kinh nghiệm mà rút. Khí cụ Hawley thì tương đối khó hơn nhưng nguyên lí thì vẫn như vậy. Phần phân tích phim thì làm hơi vất vả nhưng không khó. Sau khi được nhận phim thì về nhà tự xác định điểm trước, các điểm nào khó thì ghi lại để hỏi cô. Nhìn chung thao tác phân tích phim này không khó mà chỉ cần đầu tư thời gian.
Về thi cuối học phần thì học sách Sài Gòn và slide. Đề ra có phần số liệu nhiều và bê nguyên một câu trong sách ra hỏi đúng sai, không mang tính đánh đổ mà cần sự chăm chỉ.. Đặc biệt với các câu hỏi dạng liệt kê 1,2,3,4,5 rồi hỏi tình huống này dùng được cái nào, dạng câu hỏi này đặc biệt hack não và cần sự hiểu bài mới làm nhanh mà đúng được. Các bài khí cụ trong chỉnh nha ngoài sách giáo khoa thì youtube là nguồn hình ảnh âm thanh sống động để có thể hiểu được khí cụ hoạt động như thế nào.
- Phục hình 4- phục hình khung bộ: Gồm tiền lâm sàng, lâm sàng và lí thuyết. Tiền lâm sàng khá hay: tự chọn kiểu mất răng và thiết kế hàm khung. Hay ở chỗ mình phải đọc hiểu các loại móc, thanh chính, thanh phụ, yên… chỉ định như thế nào để áp dụng mà thiết kế móc. Học đi với thực hành thì sẽ nhớ lâu, đương nhiên. Nhưng lại bị dở ở chỗ là mẫu trên mule thì quá chuẩn nên khi làm lại mất đi cái hay của nó. Có một thắc mắc nên hỏi cô trước là mẫu trên mule nên vùng lẹm có ích có cả ở phía gần và phía xa do đó để thiết kế móc thì mình phải tự tạo lẹm mà thiết kế hay chấp nhận nó có cả lẹm phía gần và xa để thiết kế móc luôn.
Lâm sàng làm bệnh án tự chọn bệnh nhân, làm bệnh án như những môn khác.
Thi kết thúc học phần cũng có nhiều thay đổi. Đề có các case lâm sàng để thiết kế và chọn loại móc nào. Thứ hai là có hình ảnh để điền đáp án. Theo đánh giá thì ra đề gần với lâm sàng hơn.
- Nha khoa cộng đồng: bài giảng cũng khá nhiều gồm sách của khoa và slide của giảng viên. Cách ra đề hay, sát lâm sàng hơn. Những phần giảng viên đổi mới thì phần lớn nằm trong slide nên học kĩ từng hình ảnh và từng chữ nhỏ. Phần khác nằm trong sách và đánh vào những cái mang tính ứng dụng và không quên những câu hỏi về số liệu. Nhìn chung thầy cô đổi đề nhưng đánh giá thì cách ra đề hay nên đầu tư thời gian học.