[SÁT CÁNH CÙNG Y BÉ 2019] Kinh nghiệm Răng Hàm Mặt năm 6 – Y Huế

Rate this post

XEM TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://ykhoa.org/sat-canh-cung-y-be-2019/

Tác giả: Bs. Trần Thị Hạnh Dung

 

Chào các bạn! Chị vừa kết thúc 6 năm học tại trường Đại học Y Dược Huế và chuyên ngành của chị là Răng Hàm Mặt. Hiện tại chị đang lơ ngơ và thật sự bối rối trong việc xác định con đường đi trong tương lai của bản thân mình. Do đó những chia sẻ của chị trong bài viết này không chỉ là những kinh nghiệm để các bạn có thể trải qua năm cuối một cách suôn sẻ mà còn hy vọng có thể giúp các bạn có sự chuẩn bị thật tốt trước khi ra trường. Mặc dù chương trình đào tạo của khoa mình qua mỗi năm sẽ có một vài sự thay đổi về cả giáo trình, chỉ tiêu học tập và hình thức thi cử, nên chị hy vọng các bạn có thể áp dụng thật linh hoạt những kinh nghiệm của chị một cách tốt nhất nhé.

  1. ANH VĂN:

Chắc các bạn sẽ thắc mắc vì sao chị lại đưa Anh văn lên đầu danh sách vì nó hoàn toàn không có trong chương trình học trong năm 6. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp và bắt đầu lăn lộn đi xin việc làm thì chị mới nhận ra nó CỰC KỲ QUAN TRỌNG. Khi các em có trong tay một chứng chỉ IELTS hoặc TOEIC với một điểm số khả quan thì đó thật sự là một điểm cộng to đùng trong mắt nhà tuyển dụng. Năm 6 trôi qua rất nhanh cho nên ngay trong mùa hè này các em hãy đặt ra mục tiêu phải có được trong tay một chứng chỉ ngoại ngữ trước khi ra trường nhé.

Đối với các bạn đã có nền tảng tiếng Anh thì chị khuyến khích các em nên thử sức mình với IELTS để có thể rèn luyện cả 4 kỹ năng thật tốt. Đôi khi nhà tuyển dụng sẽ muốn phỏng vấn bằng tiếng Anh đấy. Còn đối với những bạn chưa tự tin về khả năng tiếng Anh của mình thì TOEIC 2 kỹ năng cũng là một lựa chọn tốt và cũng đỡ tốn kém hơn so với IELTS.

Dưới đây là 2 giáo viên khá tâm huyết mà chị đã từng theo học, các bạn có thể tham khảo.

https://www.facebook.com/ieltschantruong/

https://www.facebook.com/lethikieu.trinh1994

Còn đây là tủ sách mà lớp chị đã tích góp được trong suốt 6 năm qua bao gồm nhiều bài giảng của các thầy cô thuộc nhiều môn học:

https://drive.google.com/drive/folders/1KlPSJh_pCn3qJMyK-0r2JEpA0mqAEzTW?usp=sharing

  1. CHƯƠNG TRÌNH HỌC NĂM 6

2.1. Điều trị loạn năng hệ thống nhai

– Giáo trình: Cắn khớp học – Hoàng Tử Hùng

+ Máng nhai: chương 12. Lý thuyết + Tiền lâm sàng. Thực hành làm máng nhai bằng việc lấy dấu, đổ mẫu lên giá khớp Quick Master và thực hiện máng bằng sáp lá. Bệnh nhân sẽ là thành viên trong nhóm luôn nên các bạn chọn bạn nào mà khớp cắn ổn định và hàm răng đẹp nhất nhóm cho quá trình làm đỡ phức tạp nha.

+ Nghiến răng: bài này tài liệu bằng tiếng Anh được cô Chi cung cấp. Lớp sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm sẽ dịch một phần trong bài và báo cáo ngay trong buổi học hôm đó để lấy điểm.

– Hình thức thi:

+ Thi tiền lâm sàng: Điểm được chấm trong mỗi buổi học thực hành, điểm nhóm và điểm trả lời câu hỏi cá nhân. Buổi cuối cùng nộp thành phẩm sẽ lấy điểm nhóm.

+ Thi lý thuyết cuối kỳ gồm chương 9 và chương 12 trong giáo trình: Đặc biệt chương 9 ra câu hỏi tình huống khá là dài và khó, bạn nào có được đề cũ rồi thì nhớ ôn lại chương này trong đề cũ nhé. Hình thức thi trắc nghiệm 60 câu/45p.

2.2. Mỹ thuật và ứng dụng trong RHM

Năm đầu tiên học môn này và có hẳn cả giáo trình mới. Tuy nhiên 50% trong đó là những bài mình đã học rồi, được góp nhặt từ những môn khác như môn phục hình, chỉnh nha v..v… Hình thức thi lý thuyết cuối kỳ là trắc nghiệm.

Để làm bài trắc nghiệm cho tốt thì ngoài việc học trong sách các bạn nên tham khảo thêm các câu trắc nghiệm lượng giá cuối mỗi bài. Môn học khá mới nên những bài mới cập nhập phải chịu khó học chay chứ không có câu hỏi lượng giá cho các bạn đâu.

2.3. Nha khoa cấy ghép

Đây cũng là một môn mới toanh luôn. Về tài liệu học thì không có sự thống nhất vì chưa có giáo trình chính thức của khoa. Thường thì khi thi các bạn cần học trong slide bài giảng của các thầy cô và học trong sách Cấy ghép nha khoa của thầy Lê Đức Lánh. Tuy nhiên cùng tên bài nhưng nội dung trong sách và trong slide giảng dạy của các thầy cô có phần khác nhau. Các bạn nên chụp ảnh lại bài giảng và tốt nhất là xin được bài giảng từ thầy cô. Ngoài ra trước khi thi lý thuyết cần hỏi thầy cô là sẽ học ở đâu: trong sách hay là slide nha.

Hình thức thi: tự luận. Viết mỏi cả tay vẫn không hết nên vào thi phân bố thời gian chém gió hợp lý để đừng bỏ sót câu nào nha.

2.4. Lão nha học

Vẫn lại là một môn học mới toanh. Môn học khá là thú vị, lại được cô Yến giảng bài rất nhiệt tình và dễ hiểu nên các bạn không cần phải quá lo lắng.

Hình thức thi:

+ Lâm sàng: trình bệnh án. Mỗi bạn phải tự làm 1 bệnh án cho riêng mình chứ không phải là bệnh án nhóm. Buổi trình bệnh khá thoải mái như 1 buổi chia sẻ, góp ý và sửa chữa lỗi hay gặp. Một bạn được cô chọn sẽ trình bệnh và các bạn ở dưới sẽ cùng góp ý để lấy điểm cá nhân.

+ Lý thuyết cuối kỳ: trắc nghiệm. Đổi đề chắc chắn nên học nghiêm túc và chỉ cần học theo bài giảng của cô là đủ.

2.5. Nha khoa phục hồi tổng quát 1&2 (Phục hình tháo lắp 3&4)

– Giáo trình: Giáo trình phục hình tháo lắp của khoa và Sách Phục hình tháo lắp Y Hà Nội. Tùy theo bài sẽ học trong sách nào, thi trong sách nào cô Lan sẽ có hướng dẫn cụ thể nên các bạn cũng không cần quá lo lắng

– Hình thức thi:

+ Tiền lâm sàng: làm hàm giả tháo lắp toàn hàm bằng sáp lá và răng nhựa. Lớp chia cặp ra để làm cùng nhau, một bạn hàm trên, một bạn hàm dưới. Theo kinh nghiệm của chị thì hàm trên nền hàm ổn định và bám tốt hơn hàm dưới, cũng dễ lên răng hơn. Thường thì răng giả khoa phát sẽ có kích thước lớn so với kích thước cung hàm nên các bạn không thể lên hết toàn bộ răng. Cô sẽ cho các bạn được lựa chọn bỏ bớt răng cối nhỏ hoặc răng cối lớn và không cần lên R8. Tuy nhiên mình chọn bỏ bớt R4 hoặc R5 thì cảm giác sản phẩm làm ra sẽ đẹp hơn. Rất nhiều bạn không coi trọng môn này và thường gửi labo để làm cho các bạn nhưng mình nghĩ rằng việc chính tay mình thực hiện nó sẽ mang lại cho các bạn rất nhiều kĩ năng giúp ích trong tương lai.

+ Trình bệnh án nhóm: Môn này trình bệnh khá là nhiều, theo mình nhớ không nhầm thì cũng 3,4 lần trình bệnh lận. Các bạn không nhất thiết phải khám và làm bệnh án trên một bệnh nhân hoàn toàn mới mà có thể sử dụng những bệnh án của môn khác nhưng bệnh nhân đó vẫn có chỉ định phục hồi răng mất.

+ Lý thuyết cuối kỳ: Hình thức thi trắc nghiệm chọn 4 đáp án chứ không phải 5 đáp án như mình thường hay làm. Đề thi mang nặng tính lý thuyết nên các bạn cần học kỹ trong sách và giáo trình.

2.6. Nha khoa phục hồi tổng quát 3 (Phục hình cố định 3)

– Giáo trình: Phục hình răng cố định – NXB Y học

– Hình thức thi:

+ Trình bệnh án nhóm: 1 bài thôi và trình bệnh cũng khá nhẹ nhàng

+ Thi lý thuyết cuối kỳ: trắc nghiệm. Đề không dài nhưng hơi khó vì câu hỏi mang tính thực tế và bẫy khá nhiều

Môn này có số tiết khá ít nên các bạn nhớ đừng bỏ 1 buổi học nào. Bỏ 1 buổi là sẽ mất bài kiểm tra giữa kỳ (có thể kiểm tra ngay trong buổi học đầu tiên luôn đấy), bỏ 2 buổi là không đủ điều kiện thi.

2.7. Thực tập cộng đồng 2

Đây là thời gian cực kỳ ý nghĩa khi các bạn được ăn ngủ nghỉ và làm việc chung với cả lớp trong suốt 1 tuần. Chúc các bạn có đợt thực tập cộng đồng thật bổ ích chứ chị cũng không có kinh nghiệm gì để chia sẻ cả.

2.8. Tổ chức hành nghề BS RHM

Môn này có giáo trình của khoa và thuần về lý thuyết rồi nên cũng chẳng có gì phải chú ý. Hình thức thi sẽ là tự luận và BCS lớp chú ý xin đề cương từ thầy cô trước khi thi.

2.9. Nha khoa bệnh lý và phẫu thuật 3 (Nhổ răng tiểu phẫu 3)

– Giáo trình: Phẫu thuật miệng – Lê Đức Lánh

– Hình thức thi: Lâm sàng: Chỉ tiêu lâm sàng + Trình bệnh

Chỉ tiêu lâm sàng không quá nhiều nên không cần quá lo lắng. Bệnh án trình bệnh nên chọn bệnh phức tạp một xíu, có thể là nhổ răng khó, cắt chóp nạo nang hoặc là những trường hợp có bệnh lý toàn thân đi kèm (tiểu đường, cao huyết áp, bệnh về máu…). Nhóm chị làm bệnh nhổ răng có liên quan đến bệnh lý toàn thân. Tuy là bệnh án làm gấp rút trong một buổi và còn khá nhiều sai sót nhưng thầy lại rất thích và đánh giá cao.

2.10. Nha khoa phục hồi tổng quát 4 & 5 (Chữa răng nội nha 4 & 5)

Đây là môn lâm sàng không thi lý thuyết. Tuy nhiên chỉ tiêu sấp mặt nên các bạn đừng ngồi chờ sổ chỉ tiêu lâm sàng lớp phát mà hãy tự đi in một cuốn sổ của riêng các bạn và ký chỉ tiêu ngay từ đợt thực tập hè này. Thực tập hè là thời gian các bạn được làm lâm sàng nhiều nhất và đương nhiên không nên bỏ lỡ dịp này để ký sổ chỉ tiêu. Trám răng, nhổ răng, điều trị tủy, đóng chốt, mài cùi, lắp mão, phụ lấy dấu… Làm được gì ký hết nhưng nhớ chia ra những cuốn sổ khác nhau theo từng môn.

– Kỳ I: hoàn thành chỉ tiêu và thi trám răng: chỉ tiêu bao gồm trám răng sâu, trám răng thẩm mỹ, trám cổ răng và che tủy. Khi thi các bạn cũng chỉ được nhận các xoang II, xoang sâu S3, trám cổ răng thôi. Có thể thi tại bệnh viện trường hoặc linh hoạt thi thêm ở bệnh viên Trung Ương thì mới kịp tiến độ, các bạn nên xin cô được thi sớm. Thường thì hoàn thành ½ chỉ tiêu là đủ điều kiện để thi rồi. Khi thi các cô thường hỏi các bạn về chẩn đoán, chỉ định điều trị, vật liệu được sử dụng và lý do. Năm chị học thì khoa mình có sử dụng nhiều vật liệu trám răng khác. Ngoài GIC và Composite đã quen thuộc thì còn có Cention… Các bạn cần nghiên cứu và nắm được vật liệu có sẵn trong khoa để đưa ra đc chỉ định điều trị phù hợp.

– Kỳ II:

+ Chỉ tiêu nội nha: có 2 chỉ tiêu điều trị nội nha hoàn tất là khó nhất thôi, còn lại thì dư sức đủ. Nhờ ban cán sự lớp liên hệ để xin chỉ tiêu từ cô sớm mà còn kiếm dần chứ chị thấy yêu cầu cũng cá nhiều.

+ Thi lâm sàng nội nha: hoàn tất ½ chỉ tiêu sẽ được thi lâm sàng. Bệnh do cô chỉ định hoặc là mình xin (như chị xin cô được thi trám bít bệnh mà chị đã làm từ những khâu đầu tiên là mở tủy, sửa soạn). Nếu có thể xin được bệnh theo hẹn của mình thì dễ hơn rất nhiều, đỡ tốn thời gian loay hoay làm quen với bệnh mới.

Thi theo cặp: 1 người làm và 1 người phụ. Khi thi thì người làm sẽ đi theo và tương tác với bệnh nhân, còn người phụ sẽ chạy vòng ngoài: đi báo với cô, xem phim chụp và nhận xét phim chụp để báo lại cho người thi làm những bước tiếp theo.

+ Làm bệnh án cá nhân: 1 sinh viên/ 1 bệnh án điều trị tủy hoàn tất, trình bày bằng powerpoint.

Advertisement

+ Làm bệnh án nhóm: có thể chia nhóm trình bệnh theo nhóm lâm sàng hoặc theo tổ. Bệnh do cô chỉ định hoặc nhóm tự kiếm và xin ý kiến của cô có được làm bệnh án đó hay không (thường cũng phải là một bệnh án phức tạp: có nhiều bệnh lý về răng miệng, bệnh đi kèm với bệnh toàn thân hoặc thể trạng đặc biệt, bệnh có tiên lượng khó…)

+ Bài thi lý thuyết gồm: trắc nghiệm, điền từ, câu hỏi ngắn với nội dung là tất cả mọi kiến thức đã học.

2.11. Luận văn tốt nghiệp

– Tìm tài liệu tham khảo:

Đây là việc các bạn cần làm đầu tiên sau khi nhận đề tài vì nó giúp các bạn định hướng được phần nào những công việc cần làm sắp tới. Đề tài của chị khá đơn giản và dễ tìm cho nên chị cũng chỉ sử dụng những nguồn thông tin cơ bản thôi

+ Tài liệu tiếng Việt: Sách và giáo trình tham khảo ở tầng 2 thư viện trường mình. Đề tài nghiên cứu tương tự các bạn tìm ở tầng 3. Trên đó có các đề tài nghiên cứu khoa học cấp sinh viên, chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ của trường mình và các trường đại học khác trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các bạn có thể đăng ký photo lại đề tài nào mà các bạn cảm thấy tham khảo được. Ngoài ra cần tìm hiểu thêm các bài báo ở các tạp chí về y học trong nước. Cái này thì chị thường sử dụng Google.

+ Tài liệu tiếng Anh:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/

https://libgen.is/scimag/

Trên Pubmed thì có tài liệu có thể tải được có tài liệu thì không. Trường mình có đăng ký tài khoản của thư viện Hinari cho phép tải được nhiều bài báo hơn và mỗi năm thường có những khóa để hướng dẫn cách tìm tài liệu trên Pubmed. Các bạn có thể theo dõi thông báo tại thư viện hoặc trực tiếp nhờ nhân viên thư viện hướng dẫn (nếu được).

Lưu ý: Tài liệu tham khảo từ 5 năm trở lại cần chiếm 30% tài liệu được trích dẫn trong luận văn.

– Lưu ý trong quá trình lấy số liệu: Nên kết thúc số liệu vào tháng 3 để có thể kịp xử lý, viết bài báo cáo, in ấn, sửa chữa cũng như hoàn tất các thủ tục hành chính.

– Thủ tục hành chính: hành là chính nên các bạn cần làm sớm để ít mệt mỏi. Danh sách bệnh nhân cần được xác nhận, trước tiên là điều dưỡng khoa dò lại danh sách, nếu có sai sót cần chỉnh sửa, in lại sau đó danh sách mới được xác nhận bởi các thầy cô trong ban chủ nhiệm khoa và cuối cùng sẽ là xác nhận của BV. Nên in tối thiểu 5 bản để xác nhận..

– Phần mềm cần thiết để trích dẫn tài liệu: ENDNOTE

Mỗi luận văn cần rất nhiều tài liệu tham khảo và trích dẫn, mỗi lần có sự thay đổi như thêm bớt TLTK thì số thứ tự bị xáo trộn rất nhiều. Nếu không sử dụng phần mềm thì sửa lại thủ công rất cực và thường mắc sai sót. Vì vậy rất khuyến khích các em cài đặt và sử dụng ENDNOTE khi viết luận văn nha.

Link cài đặt và hướng dẫn sử dụng nè:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLYxjf-n0ADXBG_9PIPOp944wVI40lApCB

 

 

Giới thiệu Trần Thị Hạnh Dung

Check Also

[Y khoa] Danh sách các trường y toàn cầu

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG Y TOÀN CẦU World Directory of Medical Schools Những ngày gần …