[Sống khỏe] Có nên uống thuốc ngủ?

Rate this post

Có nên uống thuốc ngủ?

BS Wynn Tran, BS chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu
Los Angeles, Hoa Kỳ
Mất ngủ (insomnia) là tình trạng rất nhiều người hay gặp. Thống kê cho thấy ít nhất chúng ta mất ngủ vài lần trong đời, thường là sau những biến cố quan trọng.
– Bài viết này chủ yếu viết về thuốc ngủ, những loại thuốc ngủ BS hay kê toa hay quý vị tự mua uống bên ngoài. Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ nhưng chúng ta ít khi để ý đến giấc ngủ. Tôi có nói và viết nhiều bài về giấc ngủ. Quý vị có thể xem thêm về làm sao ngủ ngon (video số # 69), ngủ tư thế nào tốt nhất (video số # 193) trên kênh youtube của tôi.
# Chữa mất ngủ tốt nhất là dùng thay đổi hành vi và tìm ra lý do mất ngủ, chứ không phải dùng thuốc ngủ
– Đôi khi chúng mất ngủ vì các bệnh như ngưng thở khi ngủ, mộng du, bệnh phổi, bệnh tim, hay tác dụng phụ của thuốc thì việc tìm và chữa tận gốc các bệnh này là cách tốt nhất để chữa mất ngủ.
– Thay đổi hành vi và lối sống bao gồm bỏ hút thuốc lá, tập thể dục, ăn uống cân bằng, uống đủ nước, ngủ đều đặn và đúng giờ. Với những quý vị làm ban đêm (ca 3) thì việc ngủ đủ giấc và đều đặn là rất quan trọng. Phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh. không có TV, không có ipad, iphone cũng là những cách khác làm quý vị ngủ ngon hơn
– Tác dụng phụ của các thuốc khác là một lý do hay gây mất ngủ mà BS và quý vị có thể quên. Các thuốc có thể gây mất ngủ bao gồm thuốc Steroid, thuốc tuyến giáp, lợi tiểu, và một số thuốc tăng huyết áp. Các chất kích thích như cafe, rượu, và trà cũng có thể gây mất ngủ.
– Tuy nhiên, khi chúng ta và BS tìm không ra lý do bệnh gây ra mất ngủ và chúng ta thử nhiều cách thay đổi hành vi mà vẫn không ngủ được thì chúng ta sẽ dùng thuốc ngủ. Quý vị nên thảo luận kỹ với BS trước khi dùng thuốc ngủ vì đây là loại thuốc có tác dụng phụ rất nguy hiểm, có thể gây chết người, như trường hợp ca sĩ Michael Jackson
# Giấc ngủ chúng ta chia làm nhiều chu kỳ
– Để hiểu rõ về thuốc ngủ và tác dụng của thuốc, chúng ta nên tìm hiểu lại về giấc ngủ của chúng ta. Giấc ngủ của chúng ta được chia làm nhiều chu kỳ với những điện não đồ riêng biệt, trong đó là ngủ nông (chu kỳ I, II), chậm và sâu (III và IV), và cuối cùng là rất sâu (ngủ chuyển động mắt nhanh – REM). Mỗi đêm ngủ chúng ta lặp lại 4-5 chu kỳ như trên. Trong bài làm sao ngủ ngon tôi có phân tích kỹ về các chu kỳ này.
– Khó ngủ là khi chúng ta mất hơn 30 phút không đi vào giấc ngủ được. Các thuốc ngủ sẽ làm chúng ta dễ vào giấc ngủ nông, hay giữ chúng ta trong các giấc ngủ sâu.
# Trước khi uống thuốc ngủ, quý vị cần chắc là mình có đủ thời gian để ngủ và tìm hiểu kỹ và thuốc ngủ
– Vì thuốc ngủ sẽ làm quý vị dễ ngủ, quý vị nên chuẩn bị cho mình ít nhất 7-8g để ngủ sau khi uống thuốc. Một số quý vị chỉ có khoảng 3-4 giờ ngủ mà lại uống thuốc ngủ, dẫn đến phải thức dậy trong lúc giữa cơn ngủ, khiến tình trạng mất ngủ về sau càng tệ hơn
– Quý vị cũng nên có kế hoạch để giảm thuốc ngủ sau khi đã ngủ được và từ từ chuyển qua trạng thái không cần thuốc ngủ
– Quý vị đang mang thai hoặc đang cho con bú cần phải rất cẩn thận khi uống thuốc ngủ vì có những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi
– Quý vị cao tuổi cẩn thận khi uống thuốc ngủ vì độ lọc thận giảm, dẫn đến thuốc ngủ tồn tại trong cơ thể lâu hơn, và tăng rủi ro té ngã
# Tác dụng phụ của thuốc ngủ
– Tuỳ vào mỗi loại thuốc ngủ khác nhau mà có những loại tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc ngủ là chóng mặt, nhức đầu sau khi dậy. Vì vậy, quý vị nên cẩn thận khi dùng nếu cao tuổi do rủi ro cao về tế ngã. Quý vị lái xe thường xuyên cũng nên cẩn thận không dùng vì chóng mặt, hoa mắt, hay nhức đầu dễ làm lạc tay lái dẫn đến tai nạn.
– Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của thuốc ngủ là nghiện. Bệnh nhân không dứt ra được và cần phải có liều cao hơn theo thời gian. Nhiều bệnh nhân bị bệnh đau nhức, dùng thuốc giảm đau á phiện, giờ kết hợp thêm thuốc ngủ sẽ dẫn đến nghiện kinh niên. – Các tác dụng phụ khác của thuốc ngủ
+ khô miệng
+ buồn nôn hay ói mửa
+ tăng căn
+ nhịp tim không đều
+ giảm trí nhớ và khả năng làm việc
# Thuốc ngủ mua không cần toa (over counter sleeping pills)
– Là loại quý vị nên thử trước kia nếu không ngủ được. Các thuốc này dễ bị lờn nên quý vị không nên uống dài hơn 2-4 tuần. Quý vị cần gặp BS ngay nếu uống các thuốc này mà vẫn chưa ngủ được.
+ Antihistamine.
– Benadryl (Diphenhydramine) là loại hay bán ở quầy thuốc, loại này thường kết hợp với thuốc cảm Acetaminophen để chữa nhức đầu và dễ gây ngủ tên là Acetaminophen PM xanh dương (Tylenol PM hay Aleve PM). Quý vị có thể uống 1-2 viên này trước khi ngủ. Lưu ý là không nên uống thuốc này ban ngày vì dễ gây chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu.
– Unisom (Doxylamine), tác dụng phụ tương tự như Benadryl. Lưu ý là cả Benadryl và Unisom không nên dùng ở bệnh nhân bị cao áp nhãn cầu (glaucoma), bệnh suyễn, ngưng thở khi ngủ, bệnh gan, hay bệnh đường tiết niệu. Bệnh nhân đang mang thai hay cho con bú cũng nên cẩn thận khi dùng 2 loại này.
– Melatonin: là dẫn xuất từ dược thảo hay bán ở tiệm thuốc ảnh hưởng lên chu kỳ giấc ngủ. Một số nghiên cứu chỉ ra Melatonin có thể giúp ích trong việc điều chỉnh giờ ngủ khi trái múi giờ.
– Valerian: thuốc chiết xuất từ thực vật, cũng có tác dụng làm dễ ngủ. Valerian và Melatonin nhìn chung ít có tác dụng phụ hơn Benadryl và Unisom nên thường được dùng đầu tiên cho việc thiếu ngủ.
# Thuốc ngủ cần toa của bác sĩ (prescribing sleeping pills)
– Thuốc trầm cảm và lo âu (không nghiện): vì mất ngủ và trầm cảm thường đi chung với nhau nên BS thường cho thuốc trầm cảm dạng không nghiện để giúp quý vị ngủ ngon hơn. Các thuốc BS thường hay cho là Trazodone (Desyrel), Amitriptyline, Mirtazapine (Remeron) giúp mau ngủ và cải thiện trầm cảm cùng lúc. Quý vị nên bắt đầu bằng liều thấp, và cố gắng không dùng thuốc quá lâu.
– Thuốc giảm đau thần kinh (không nghiện): nhiều quý vị ngủ không được do đau nhức thần kinh cột sống. BS sẽ cho quý vị uống thuốc giảm đau thần kinh có chút buồn ngủ là Gababentin.
-Thuốc an thần (nghiện) họ Benzodiazepines. Đây là các thuốc kiểm soát (substance controlled) của cơ quan DEA Hoa Kỳ do các thuốc này có thể gây nghiện và lên cơn nếu ngưng đột ngột. Các thuốc loại này khi dùng chung với Á phiện (opioid) sẽ tăng rủi ro suy giảm hô hấp, đôi khi dẫn đến tử vong. Các thuốc loại này là Emazepam, Triazolam, hay Xanax.
Advertisement
– Thuốc gây mê nhẹ, làm ảnh hưởng lên GABA, chất dẫn xuất thần kinh làm giảm hoạt động trên não, làm chúng ta từ từ đi vào trạng thái ngủ.
+ Lunesta (Eszopiclone) giúp mau chìm vào giấc ngũ và duy trì giấc ngủ. Chú ý dùng liều thấp, không nên quá 1mg
+ Silenor (Doxepine) họ antihistamine có tác dụng duy trì giấc ngủ
+ Dayvigo (Lemborexant) ức chế lên não bộ làm giảm hoạt động, gây ra buồn ngủ.
+ Rozerem (Ramelteon), nhắm vào chu kỳ ngủ-thức của não bộ, khiến chúng ta có thể chìm sâu hơn trong giấc ngủ. Thuốc này được xem là ít có gây nghiện nhất trong các thuốc ngủ kê toa
+ Belsomra (Suvorexant), ức chế lên hormone thức giấc, dẫn đến chìm vào giấc ngủ dễ hơn. Belsomra có thễ gây buồn ngủ vài ngày sau khi ngưng thuốc.
+ Sonata (Zelaplon) là loại thuốc ngủ mới và ít có tác dụng phụ hơn do tác dụng ngắn lên chu kỳ giấc ngủ
+ Ambien (Zolpidem) là loại thuốc nổi tiếng nhất do rất nhiều quý vị đang xài và quảng cáo nhiều trên TV. Ambien gần đây có dạng kéo dài ( Ambien CR) để ngủ lâu và đủ giấc hơn. Lưu ý là quý vị không nên lái xe khi uống thuốc này do có thể ở lâu trong cơ thể gây chóng mặt nhức đầu.
+ Zolpimist (là thuốc xịt họ chung với Ambien nhưng nhẹ hơn) để quý vị xịt vào miệng thay vì uống.
# Thuốc ngủ rất nguy hiểm nếu không dùng đúng cách
– Hằng năm, có hàng trăm ngàn người tử vong do liên quan uống thuốc ngủ quá liều (cố tình hay vô tình), dựa trên một nghiên cứu từ UCSD. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra uống thuốc ngủ tăng tử lệ tử vong có khi lên đến 3.5 lần so với không uống thuốc ngủ. Vì vậy, quý vị cực kỳ cẩn thận khi dùng thuốc ngủ do các tác dụng phụ nguy hiểm nói trên
– Quý vị không bao giờ cho người khác dùng thuốc ngủ của mình (vi phạm luật)
– Quý vị nên cất kỹ thuốc ngủ trong hộp riêng, không nên để con em cháu nhỏ trong nhà thấy
– Chữa mất ngủ là tìm ra nguyên nhân và chữa tận gốc bệnh mất ngủ, uống thuốc ngủ chỉ là giải pháp tạm thời
– Quý vị nên có kế hoạch giảm và ngừng hẳn thuốc ngủ sau khi ngủ được

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Y học đời sống] Mối liên quan giữa ăn sáng và viêm loét dạ dày tá tràng

Mối liên quan giữa ăn sáng và viêm loétdạ dày tá tràng Chào các bạn, …